Trần Khánh Dư - Tướng quân vĩ đại VÌ TÌNH trở thành tội đồ

Nguyễn Minh Khánh
tháng 5 25, 2023
Last Updated

 Trần Khánh Dư là nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi trong triều đại nhà Trần. Bên cạnh hàng loạt những chiến công hiển hách và tài năng thì ông cũng mắc phải bê bối về đời tư. Vậy Trần Khánh Dư là ai? Những chiến công và bê bối của ông trong lịch sử như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về vị võ tướng nhà Trần này nhé!

Thân thế và sự nghiệp của Trần Khánh Dư

Trần Khánh Dư sinh ngày 13 tháng 3 năm 1240 ở Chí Linh, Hải Dương, là một võ tướng tài ba trong thời đại nhà Trần. Ông đã được thừa hưởng tước hầu từ người cha của mình là Thượng tướng Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt. Sau khi được vua Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi thì ông được hưởng tước Nhân Huệ Vương. Sau khi phục vụ cho triều nhà Trần, Trần Khánh Dư  đã nổi tiếng nhờ vào tài cầm quân và có công lớn trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của nước Đại Việt.

Trần Khánh Dư
Trần Khánh Dư


Được đánh giá là vị tướng mưu trí dũng lược, biết lợi dụng sơ hở của địch, vì vậy ngay từ khi còn trẻ, ông đã giành được nhiều chiến công hiển hách. Sau đó được phong Phiêu kỵ đại tướng quân (chức vụ chỉ dành riêng cho hoàng tử). Tuy nhiên Trần Khánh Dư lại phạm phải trọng tội thông dâm với công chúa Thiên Thụy (vợ sắp cưới của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Vậy nên ông đã bị phế truất binh quyền, tịch thu toàn bộ gia sản, buộc phải trở về Chí Linh mưu sinh bằng nghề bán than.

Năm 1282, nhà Trần đã tổ chức Hội nghị Bình Than khi cuộc kháng chiến lần thứ hai sắp sửa bùng nổ. Trần Khánh Dư được vua Trần Nhân Tông phục chức Phó đô tướng quân, trở về phục vụ triều đình. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ ba (1287 – 1288), ông phụ trách chiến đấu ở khu vực vùng ven biển. Nhờ vào tài cầm binh, ông đã biết xoay chuyển tình hình, chuyển bại thành thắng, đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của quân Nguyên, giành được thắng lợi.

Trần Khánh Dư mất vào năm 1340, ông đã được nhân dân lập đền thờ tại trại An Trung để ghi nhớ công ơn.

Thời trẻ của Trần Khánh Dư

Trong trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1258, ông đã lập công khi nhận ra sơ hở và đánh úp quân giặc. Sau đó ông tiến đánh người Man và thắng lớn, được nhận làm Thiên tử nghĩa nam và phong làm Phiêu Kỵ Đại tướng quân. 

Sau khi đã có được địa vị, Trần Khánh Dư lại vướng phải án thông dâm với Thiên Thụy công chúa đã là vợ Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn. Lúc này vua Trần Nhân Tông đã lên kế vị. Trong phiên thẩm tra xét xử, vì sợ phật ý Hưng Đạo Vương nên đã ra lệnh đánh Khánh Dư đến chết. Tuy nhiên vì tiếc một võ tướng tài năng nên Trần Thánh Tông đã ngầm ra lệnh cho lính đánh chúc đầu gông xuống. Vì vậy mà sau 100 roi Trần Khánh Dư vẫn còn sống. Theo luật hiện hành, nếu sau 100 roi mà vẫn còn sống có nghĩa là được trời tha, nhờ đó mà thoát khỏi cửa tử, bị phết truất binh quyền, về quê Chí Linh làm nghề bán than. 

Đến năm 1283, ông được vua Trần Nhân Tông phục chức và phong làm Phó đô tướng quân trấn giữ Vân Đồn. Tháng 12 năm 1287, ông đã có công lớn khi đánh tan tác đạp binh thuyền chở lương thực, khí giới của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy, xoay chuyển cục diện chiến tranh. 

Tháng 5 năm 1312, Trần Khánh Dư theo Trần Anh Tông dẫn quân tiến đánh Chiêm Thành. Trong trận này quân Đại Việt bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đem về.

Năm 1323, ông xin về trí sĩ tại vùng ấp ông được phong, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân (Hà Nam). Trong một lần ông ngao du đến Tam Điệp, Trường Yên, ông phát hiện đây là một vùng đất màu mỡ nên đã cho người đến khai khẩn, lập làng. Dần dần người dân đã kéo đến làm ăn ngày một đông. Ông đặt tên cho nơi này là Trại An Trung, sau đó lập thêm trại Đông Khê và Tịch Nhi. Ông đã ở lại đây khoảng 10 năm, sau đó lại quay về ấp Dưỡng Hoà. Trong suốt quá trình khai khẩn lập làng, Trần Khánh Dư đã tự bỏ tiền giúp vốn cho dân, ngoài ra còn hướng dẫn họ trồng cây, làm nghề dệt cói. 

Năm 1340, ông qua đời không lâu sau lễ mừng thọ 100 tuổi. Người dân trong vùng đã lập đền thờ để ghi tạc công đức của ông.

Chuyện tình Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy

Đây có thể được xem là chuyện tình buồn nhất triều Trần giữa Công chúa Thiên Thụy  và Trần Khánh Dư. Công chúa Thiên Thụy tên thật là Trần Quỳnh Trân, con gái Vua Trần Thánh Tông. Tương truyền đây là vị công chúa được vua Trần Thánh Tông yêu thương hết mực bởi nàng là người vừa xinh đẹp lại dịu hiền. Ngày ấy sau khi được Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi, phong làm Phiêu kỵ Đại tướng quân, Trần Khánh Dư đã được phép thường xuyên ra vào cung cấm, gặp gỡ Công chúa Thiên Thụy. Cả hai đều bắt đầu nảy sinh tình cảm và yêu nhau say đắm. 

Khi tình yêu hóa thành bi kịch

Tưởng chừng cuộc tình này có thể đi đến một cái kết viên mãn. Nhưng trớ trêu thay, Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn (con trai Trần Hưng Đạo) lại đem lòng yêu mến công chúa Thiên Thụy. Thế nên, Trần Quốc Tuấn đã xin cưới công chúa cho con trai của mình. Vua Trần Thánh Tông không thể từ chối lời dạm ngõ của Hưng Đạo vương nên đành hứa gả con gái. Ở thời đại này, chuyện cưới hỏi của con cái lại hoàn toàn do cha mẹ định đoạt.

Vậy là Thiên Thụy công chúa đã được gả cho Hưng Vũ vương dù chẳng có tình yêu. Thế nhưng cả Công chúa lẫn Trần Khánh Dư đều không thể chấm dứt được đoạn tình này. Vì vậy hai người vẫn lén lút qua lại với nhau. Chẳng may sự việc này đã bị phát giác. Sự kiện chấn động này chẳng thể che đậy được, lúc này vua Trần Nhân Tông đã lên nối ngôi, vì tình nghĩa anh em và tiếc thay cho một tướng tài, ông đã giả vờ ban lệnh đánh 100 gậy, tịch thu gia sản, phế truất chức quan. 

Sau đó Trần Khánh Dư về quê, ban ngày bán than ở thái ấp của cha. Về phần công chúa trở về sống trong cung điện riêng của mình. Đến năm 1282, khi quân Nguyên Mông một lần nữa quay lại xâm lược nước ta lần 2, vua Trần Nhân Tông đã phục chức và mời ông trở về triều, nhậm chức Phó đô tướng quân để chuẩn bị chống giặc.

Kết thúc mối lương duyên oan nghiệt

Và rồi “tình cũ không rủ cũng tới”, ông gặp lại công chúa, hai người lại một lần nữa trở về bên nhau. Nhưng duyên đã định hai người chẳng thể thành đôi, giấy không gói được lửa, sự việc của cả hai lại bị phát giác. Vì muốn giữ thể diện cho hoàng thất, vua Trần Nhân Tông đã khuyên chị gái của mình xuất gia. 

Đầu năm 1284, công chúa Thiên Thụy đã trút bỏ hồng trần để quy y cửa Phật, xuất gia làm ni cô, chôn vùi mối tình say đắm nhưng lắm oan nghiệt với Trần Khánh Dư, chuyên tâm tu hành. 

Sau khi xuất gia, bà vẫn quan tâm đến đời sống dân chúng, cứu giúp dân nghèo, dạy người dân cách khai khẩn đất hoang, lập làng, trồng trọt. Bà còn xin vua miễn thuế cho dân trong những năm mất mùa. Sau này người đời đã tôn bà là Thiền Đức Đại ni.

Trần Khánh Dư và trận Vân Đồn

Bại binh không nản

Tháng 12/1287, quân Nguyên đã mang theo số quân khoảng 50 vạn chia làm ba đạo tiến vào nước ta theo ba hướng. Đến ngày 17/12/1287, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đạo thủy binh và thuyền lương được lệnh xuất phát.

Nhiệm vụ của đạo thủy binh này bên cạnh việc tiến quân mà còn đưa đoàn thuyền vận tải lương thực tiếp tế cho Vạn Kiếp - nơi quân Nguyên đang chuẩn bị để xây dựng nên một căn cứ quân sự lớn, lấy đó làm căn cứ xuất phát nhiều cuộc tổng tấn công tiêu diệt nhà Trần. 

Lúc này Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư là một trong những viên tướng dũng mãnh của triều đình nhà Trần được phong làm phó tướng, chỉ huy đánh giặc ở đây. Hưng Đạo Vương đã tin tưởng và giao hết công việc biên thùy cho Vân Đồn phó tướng là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Tuy nhiên Khánh Dư đã không ngăn được thủy quân và bị bại trận dưới tay quân địch. Thừa thắng xông lên, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đã theo sông Bạch Đằng để tiến về Vạn Kiếp nhằm nhanh chóng hội quân với Thoát Hoan theo đúng kế hoạch đề ra.

Quyết không khuất phục kẻ thù

Thượng hoàng Trần Thánh Tông sau khi nghe tin thủy quân ta không thắng giặc đã vô cùng nổi giận và ngay lập tức cho Trung sứ tới Vân Đồn triệu Trần Khánh Dư trở về kinh đô để trị tội.  Tuy không đánh đuổi được thủy binh của quân Nguyên nhưng Khánh Dư vẫn nhìn thấy bản thân còn có cơ hội lập công. 

Vì tính chủ quan của mình, Ô Mã Nhi cho rằng thủy quân Đại Việt ta đã thất bại, đường tiến quân của chúng không còn bất cứ trở ngại nào, vậy nên y đã đốc thúc đại quân đi trước mà không hộ tống đoàn thuyền lương. Thật may khi Trần Khánh Dư đã phát hiện ra được sai lầm này của Ô Mã Nhi.  

Mặc dù tiến đánh thuyền lương đây không phải là mục tiêu trọng yếu nhưng lại là điểm cực kỳ hiểm yếu của địch. Đánh phá được quân lương đồng nghĩa với việc chúng ta cắt bỏ “dạ dày” của quân Nguyên, làm suy giảm khả năng chiến đấu của chúng. 

Đây cũng là một trong những cơ hội tốt để làm rối loạn thế trận của quân Nguyên. Sai lầm lớn nhất của Ô Mã Nhi chính là đã tự tay tạo ra thời cơ để thủy binh của ta tiêu diệt được đoàn thuyền lương mà không tốn nhiều sức lực.

>> Có thể bạn muốn biết thêm về Ô Mã Nhi.

Đại thắng trận Vân Đồn

Nắm bắt được thời cơ đó, Trần Khánh Dư nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng, ổn định lòng quân, tổ chức chặn đánh đoàn thuyền lương của địch. Tuy thời gian rất ngắn nhưng ông đã kịp thời dàn binh bố trận chờ giặc tới để tiêu diệt.

Lúc này quân ta đang có rất nhiều lợi thế: thủy binh nhà Trần là những đội quân tinh nhuệ được đào tạo bài bản, đã có kinh nghiệm trong các trận đánh thủy binh Nguyên. Bên cạnh đó, đoàn thuyền chở quân lương của Trương Văn Hỗ chở nặng, đi chậm, thủy binh của Ô Mã Nhi lại đi trước mà không hộ tống, sức chiến đấu bị hạn chế.

Sau khi chậm chạp tiến vào Hạ Long, chúng không ngờ bị rơi vào trận địa phục kích của Trần Khánh Dư sắp đặt trước đó. Khi vừa tới Vân Đồn, thủy binh của ta từ các vị trí mai phục đã xông lên tấn công quyết liệt. Dù Trương Văn Hổ cùng quân lính đã ra sức chống đỡ và cố thúc đoàn thuyền tiến vào đất liền nhưng không có bất cứ hỗ trợ nào lại cộng thêm quân ta liên tục tiến công. 

Kết quả là đoàn thuyền của Trương Văn Hổ bị đánh tan tác, phần bị đắm thuyền, phần bị quân ta tiêu diệt, chúng phải đổ hết thóc xuống biển hòng tìm đường thoát thân nhưng không thể. Trương Văn Hổ đã may mắn thoát chết bỏ chạy về Quỳnh Châu, toàn bộ quân lương bị nhấn chìm, quân ta toàn thắng nhờ vào sự mưu trí nhạy bén của Trần Khánh Dư. 

>> Xem bài viết tường thuật diễn biến trận Vân Đồn.

Chiến thắng trong trận Vân Đồn đã giúp Đại Việt xoay chuyển được cục diện khó khăn trước mắt. Quân Nguyên lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, lòng quân suy yếu, không còn sức chiến đấu. Thoát Hoan buộc phải gửi tin cầu viện và xin cấp quân lương nhưng bất thành. Đây cũng là một bàn đạp vững chắc cho hàng loạt chiến thắng cuối cùng của quân ta. 

Tài năng và tật xấu của Trần Khánh Dư

Ông là người đã có công lớn trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đặc biệt là trong trận đánh chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, ông đã có một trận đánh lớn mở đường cho chiến thắng cuối cùng của Đại Việt. 

Hơn thế nữa, ông còn là một nhà kinh doanh tài ba. Ông chưa bao giờ xem việc buôn bán là hèn mọn. Ngay khi đã được phục chức làm tướng, ông vẫn tiếp tục kinh doanh và quan tâm đến sản xuất để kiếm lợi chứ không dựa vào bổng lộc của triều đình. Khi thất thế thì vui vẻ lui về quê buôn bán, không lo nghĩ đến cuộc sống khó khăn vất vả. 

Năm 83 tuổi, Trần Khánh Dư đã xin rời triều về quê. Trong một lần đến Tam Điệp và Trường Yên, ông đã có con mắt tinh tường và nhận ra đây là miền đất tốt. Vì vậy ông liền cho người khai khẩn đất hoang, lập nên làng mới. Dần dần người theo ông rất đong, ông còn lập thêm làng mới, giúp đỡ người dân khắp nơi, bỏ tiền cho người dân làm vốn, dạy trồng trọt, dệt cói,...

Tuy Trần Khánh Dư là một vị tướng tài, có tấm lòng thương dân nhưng ông lại có lối sống phóng túng và lãng mạn. Ở góc nhìn hiện đại, việc ông theo đuổi tình yêu là không hề sai trái. Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ lại là thời phong kiến, việc cưới hỏi của con cái lại do cha mẹ định đoạt. Vì vậy, việc Trần Khánh Dư tư thông với công chúa Thiên Thụy không thể được hoàng tộc nhà Trần chấp nhận. Bản thân Trần Khánh Dư vì đó mà bị hủy hết công danh, chịu tiếng xấu một đời. Đời tư của ông quả là đau khổ.

Không chỉ giỏi võ, Trần Khánh Dư còn có tài văn chương xuất chúng. Trong cuốn sách Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư được vinh hạnh viết từa tựa mở đầu. 

Tầm ảnh hưởng của Trần Khánh Dư trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam

Truy chỉ là một trong các võ tướng có nhiều chiến công trong thời đại nhà Trần nhưng Trần Khánh Dư lại là một nhân vật được đề cập rất nhiều trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. Tất cả các tiểu thuyết viết về ông đều cho thấy trên cùng một dữ kiện lịch sử, mỗi nhà văn lại có khả năng sáng tạo và thể hiện những quan điểm khác nhau về lịch sử. Đây cũng là điều gây ra nhiều tranh cãi đối với tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. 

Có rất nhiều nhà văn đã khai thác nhân vật này từ nhiều góc độ thông qua các tác phẩm nổi bật như: Thăng Long nổi giận của Hoàng Quốc Hải, Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản của Lưu Sơn Minh,...Mỗi tác phẩm đều có cái nhìn khác nhau về nhân vật này.

Ngày nay, tên ông còn được đặt cho nhiều đường phố và trường học tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các thành phố, thị xã thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh như: Hạ Long, Quảng Yên.

>> Bạn có muốn biết thêm về Đại Việt ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên.

Có thể thấy, Thiên tử nghĩa nam Trần Khánh Dư tuy bị vướng vào án thông dâm với công chúa Thiên Thụy nhưng không thể phủ nhận công lao và những đóng góp của ông đối với Đại Việt. Chính nhờ vào khả năng mưu lược của ông đã mở đường cho quân ta đại thắng. Ngoài ra ông còn là một vị tướng được nhân dân kính trọng, biết ơn và lập đền thờ tưởng nhớ.

Tham khảo:

  • Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

TrendingTrang chủ