Tiểu sử Nguyễn Công Trứ - Kẻ NGÔNG NGHÊNH giữa chốn chợ đời

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 18, 2023
Last Updated

Nguyễn Công Trứ là một bậc thầy ngôn từ, đã để lại cho đời sau những tác phẩm văn thơ vô cùng xuất sắc. Cuộc đời của ông lắm lúc thăng trầm nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn luôn dành hết tâm huyết phụng sự đất nước. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về cuộc đời vị danh nhân này qua bài viết sau đây.

Bối cảnh lịch sử

Nguyễn Công Trứ được sinh ra vào thời điểm mà anh hùng áo vải Nguyễn Huệ giương cao ngọn cờ "phù Lê diệt Trịnh", đem quân ra Bắc. Ông trưởng thành khi đất nước trải qua cơn nội chiến khốc liệt giữa Tây Sơn và triều Nguyễn. Khi đất nước thái bình, Nguyễn Công Trứ làm quan dưới triều đại nhà Nguyễn.

Chân dung Nguyễn Công Trứ
Chân dung Nguyễn Công Trứ


Lúc này, Thiên Chúa giáo bị cấm, rất nhiều giáo dân và giáo sĩ bị giết hại. Pháp lấy cớ đó mà nổ súng ở bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng, bắt đầu âm mưu thôn tính nước ta. 

Năm 1857, tiếng đại bác của quân Pháp rền vang lần thứ nhất. Cụ Nguyễn Công Trứ lúc này dù tuổi đã cao vẫn xin vua lãnh binh đi dẹp giặc nhưng bị từ chối. Năm 1858, thực dân Pháp chính thức xâm lược An Nam thì cụ qua đời.

Cần phải nói rõ về bối cảnh lịch sử như vậy bởi ở những phần tiếp theo đây chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những lễ giáo và tư tưởng của phong kiến sẽ thấm nhuần vào tâm tưởng của cụ như thế nào? Từ đó, chúng ta đi vào phân tích sự nghiệp an dân và thơ phú của cụ ra sao?

Gia đình và xuất thân

Nguyễn Công Trứ là tên thật, ngoài cái tên này, ông còn có tên tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn.

Cha ông là Nguyễn Công Tấn, một quan nhỏ dưới thời nhà Lê, nên duyên với Nguyễn Thị Phan, con gái một vị quan khác trong triều. Ngày 19/2/1778, hai người hạ sinh Nguyễn Công Trứ tại huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình.

Cha ông giữ chức Đức ngạn hầu, phò vua Lê chống lại quân Tây Sơn. Nhưng chính nghĩa lúc này ở phía vua Quang Trung, Lê Chiêu Thống phải bỏ kinh đô mà chạy sang Trung Quốc. Nguyễn Công Tấn lại đơn độc quay về cố hương làm nghề dạy học.

Đức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tấn có 3 con trai và 3 con gái. Trong số đó, có cô con gái được mệnh danh Năng Văn nữ sĩ giỏi thơ văn, thủ tiết thờ chồng, được vua Minh Mệnh ban 4 chữ vàng "Trinh tiết khả phong". Sau này, bà nương nhờ nơi cửa Phật, pháp hiệu Diệu Điển thiền sư.

Giáo sư Lê Thước từng ca ngợi về gia thế của cụ Nguyễn Công Trứ như sau:
Gia thế cụ Nguyễn Công Trứ là một nhà thi như thế phiệt, khoa giáp danh gia. Đức Ngạn hầu không chịu khuất tiết với Tây Sơn, đành vui thú lâm tuyền cho trọn đạo thần tử, thật là "Trung thần bất sự nhị quân". Diệu Điển thiền sư không chịu ô danh với Trần Thận, tìm lối nương thân cửa Phật cho trọn đạo tòng phu, thật là "liệt nữ bất canh nhị phu". Trong một nhà đủ cả trung thần, liệt nữ, biển cương thường đã chói lọi trong cõi Hồng Sơn, Lam Thủy.

Nguyễn Công Trứ sinh ra trong cảnh nghèo khó, quyết chí nấu sử sôi kinh để đỗ đạt làm quan giúp vua, giúp nước. Thế nhưng đường học hành không được suôn sẻ, mãi đến năm 42 tuổi, sau nhiều lần thi trượt, ông mới đỗ Trạng nguyên và ra làm quan.

Tính cách con người 

Là một người con của mảnh đất Thái Bình nhưng ông không gắn bó với quê hương lâu dài. Do chính sự rối ren, ông sớm đã phải chuyển về Nghệ An sinh sống.

Xứ Nghệ là mảnh đất đầy nắng và gió, đất đai xơ xác lại hứng chịu nhiều thiên tai. Như xương rồng mọc lên từ sa mạc, từ vùng đất cằn cỗi này nảy ra những con người bền gan vững chí. Cụ Hy Văn là con người tiêu biểu cho cái đức tính đó.

Tuy thừa hưởng tư chất từ cha, ông cũng lận đận "lều chõng" mất nhiều năm. Nhờ bền gan vững chí, ông vẫn không nản lòng, tiếp tục dùi mài kinh sử chờ khoa thi sau. Cuối cùng cụ Trứ cũng thành công, đỗ Trạng nguyên ở tuổi tứ tuần.

Qua những tác phẩm cụ để lại cho hậu thế, ta cũng biết thêm về con người kiệt xuất này. Tiên sinh là người chính trực, ngay thẳng "làm trai cho đáng nên trai", cho "thỏa chí tang bồng"

Con người ấy cũng rất sung sướng hưởng lạc thú ở đời. Thứ lạc thú của ông là những trò vui giản dị, đơn sơ chốn đồng quê.

Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay
Tóm lại, Nguyễn Công Trứ đã tỏ rõ một con người ngang tàng, có chí cầu tiến và nghĩa khí.

Sự nghiệp

Sự nghiệp làm quan

Đường công danh của Hy Văn cũng có nhiều biến động. Ông lần lượt trải qua nhiều chức quan to nhỏ trong triều đình, có lúc được giữ vị trí…, có lúc lại là vị quan nhỏ… Trải qua 4 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, các chức vụ mà Nguyễn Công Trứ từng đảm nhiệm như sau:
  • Năm 1820, giữ chức Hành tẩu quốc Sử quán.
  • Năm 1823, đảm nhiệm tri huyện Đường Hào tỉnh Hải Dương.
  • Năm 1824, thăng chức tư nghiệp trường Quốc Tử Giám.
  • Năm 1825, giữ chức Phủ Thừa phủ Thừa Thiên.
  • Năm 1826, ông đảm nhiệm tham tán quân vụ rồi được thăng chức làm Thị Lang bộ Hình.
  • Năm 1828, giữ chức Hữu Tham trị bộ Hình kiêm chức Dinh điền tả sứ.
  • Năm 1832, đảm nhiệm chức vụ Bố chánh sứ Hải Dương. Sau đó, ông được thăng làm Tham Tri Bộ Binh, tổng đốc Hải An.
  • Năm 1840, đảm nhiệm chức Tả Đô Ngự sử viện đô sát, tán lý cơ vụ của đồn Trấn Tây, Tham Trị Bộ Binh.
  • Năm 1845, giữ chức chủ sự bộ Hình.
  • Năm 1846, tạm quyền Án sát tỉnh Quảng Ngãi. Sau 2 tháng, ông được chuyển làm Phủ Thừa Phủ Thừa Thiên.
  • Năm 1847, ông được thăng chức Phủ Doãn Thừa Thiên.
  • Năm 1848, Nguyễn Công Trứ về hưu.
Dù ở chức phận nào, ông cũng lập được nhiều công lao to lớn. Ở phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ chỉ ra những công lao của ông ở 3 lĩnh vực: quân sự, kinh tế và chính trị.

Quân sự

Tài năng tiên đoán và bày binh bố trận của Nguyễn Công Trứ đã được ca ngợi là "đến mức màu nhiệm" 

Năm 1862, cụ Hy Văn dẹp yên giặc Lê Duy Lương ở Thanh Hóa. Thế giặc hùng mạnh, lại thêm địa hình hiểm trở, tất cả tạo thành bài toán nan giải đối với Trạng nguyên Hy Văn. Vậy mà ông vẫn thắng trận một cách vẻ vang.

Dưới thời Minh Mạng, vùng Quảng Yên nổi lên bọn giặc Khách cùng giặc Phan Bá Vành. Bọn chúng lợi dụng địa thế biển ngòi, ẩn nấp ở các bãi lau sậy mà làm càn. Một lần nữa, cụ Nguyễn Công Trứ thể hiện tài năng quân sự, mang quân đi mang thắng lợi về. 

Có một cuộc bạo loạn nữa cũng khiến triều đình nhà Nguyễn khốn đốn không kém, đó là cuộc khởi nghĩa của các dân tộc ít người do Nông Văn Vân lãnh đạo. Cụ Trứ lại thể hiện tài binh lược, làm Tham tán cho một số vị tướng, góp phần dẹp yên quân khởi nghĩa. Trận chiến kết thúc khi thủ lĩnh Nông Văn Vân bị thiêu sống khi đang lẩn trốn ở trong rừng. Những vụ nổi loạn chống lại triều đình, nhờ Nguyễn Công Trứ mà bị tiêu diệt, để quốc thái dân an.

Kinh tế 

Cũng trong cuộc chiến này, cụ Hy Văn nhận ra toán quân của Phan Bá Vành đều là nông dân. Không có đất cũng chẳng có nhà, họ mới tức chí làm loạn. Ông ngẫm ra, để trừ hoạ cho tương lai thì phải đảm bảo cho cuộc sống của nhân dân.

Ông tức tốc viết sớ tâu lên vua, ý bản sớ nói rằng: 
"Đời xưa các đấng vua chúa chia ruộng nương cho dân để dân có nghề làm ăn, ở yên chốn thôn ô cầy bừa không dám sinh làm bậy. Nay ở huyện An Định và huyện Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Định đất hoang còn nhiều đến hàng ngàn mẫu. Nếu nhà nước lấy tiền công cấp cho dân khẩn thời tốn chẳng bao nhiêu mà hoa lợi thu được mãi mãi. Vả lại bãi Tiên châu thuộc phủ Kiến Xương đất rộng mênh mông cây cối sầm uất, giặc thường nhóm họp ở đây. Nay khai phá đi thì chẳng những mở đường sinh nghiệp cho bàn dân mà lại tuyệt cả chỗ làm sào huyệt cho thổ phi, xin xuống chỉ cho các quan lại trấn chiêu mộ dân phu khai khăn cứ 50 người lập thành một làng, 30 người lập thành một ấp, tính đất cho ở lại cấp cho trâu bò và đồ làm ruộng. ba năm thành điền, chiếu lệ trước bộ thu thuế, làm như vậy đất không sót lợi mà dân cũng chăm việc cầy bừa tự nhiên dân phong có xấu cũng ra tốt. (Lê Thước lược dịch)
Vua phê chuẩn , phòng ông làm Doanh điền sử để tiện việc chấn hưng cho dân.
Để làm gương cho dân, cụ đón một số người nhà từ Nghệ An ra, tập hợp lại bọn vô lại bần cùng rồi cấp đất cho làm ăn. Dần dần, nhân dân đổ xô đến đây lập nghiệp, công cuộc của cụ như thế đã thành công.
Ngày nay, vùng đất đó được biết đến là huyện Tiền Hải, vựa lúa dâu trù phú, tốt tươi.

Chính trị

Nguyễn Công Trứ quan niệm "Chính trị là thiết kế và chấp hành dân sinh". Thế nên, an dân và dưỡng dân chính là quan điểm chính trị cơ bản của cụ Hy Văn.
Cụ đã đề ra 3 chính sách nhằm cho dân an cư lạc nghiệp:
  • Nghiêm cấm nạn phỉ đảng.
  • Thưởng phạt phân minh để khuyến khích quan lại.
  • Khai khẩn đất hoang để nhân dân có nơi ăn chốn ở.
Rồi cụ dâng sớ lên triều đình như sau:
"...Dân hai huyện ấy đều là dân phiêu lưu tự các hạt khác đến, chưa có gì làm cho chúng nó liên lạc đoàn tụ với nhau. Nay xin định ra 5 điều quy ước.
1) Đặt nhà học. Trẻ con sinh ra 8 tuổi là phải vào nhà học, thoạt dạy trẻ những điều ứng dõi, tiến thoái, hiếu hữu, trung tín, kinh nhường, sau mới cho học chữ. Đứa nào học không tấn tới cho về tìm nghề khác.
2) Đặt xã thương. Thu thuế những ruộng đã khai khẩn sau 3 năm mỗi mẫu lấy 20 bát thúc đỗ vào kho. Gặp thời giả thóc cao thì bản, thóc rẻ thời mua, phỏng gặp có thủy nạn bất thường thời đem thúc chiếu cấp, năm nào được mùa sẽ theo số đã cấp trước thu lại đề chứa trữ.
3) Chăm việc dạy bảo. Hễ tên nào bất hiếu bất để, bất kinh, giao du với côn đồ thì cả cha anh cũng liên đới bị tội.
4) Cần việc phòng thủ. Khi xây giặc cướp phải hoặc tích cực chống cự hoặc lên theo dõi đề quan quân tận diệt chúng tận sào huyệt.
5) Nghiêm việc khuyến trừng. Dân nào phong tục thuần hậu, ruộng đất mở mang thì được tinh thưởng. Dân nào nhác nhớn, ruộng đất bỏ hoang, tập lực gian dâm đua nhau kiện cáo thời lý trưởng, ấp trưởng đều bị trừng trị, rồi chọn người tín cẩn, mẫn cán khác thay vào…"
Có thể thấy rõ, chủ trương của Nguyễn Công Trứ làm làm tròn cả 3 việc an, giáo, dưỡng đối với nhân dân.

Sự nghiệp văn thơ 

Ngoài là một nhà hoạt động chính trị dưới quyền vua, Nguyễn Công Trứ còn sáng tác thơ ca từ thuở hàn vi cho đến lúc cuối đời. Nhìn chung thì so với tiền nhân "văn hay chữ tốt" Cao Bá Quát, thơ ông không được mềm mại và uyển chuyển bằng. Thay vào đó thì những lời lẽ ông viết ra lại vô cùng khảng khái, giản dị, như là xuất khẩu thành thơ chứ không chủ ý làm thi sĩ.

Những sáng tác của ông chủ yếu là bằng chữ Nôm. Nhưng tiếc thay, thời gian đã làm thất lạc phần lớn, đến nay chỉ còn lưu giữ được khoảng 150 bài gồm thơ, ca trù và phú. Trong những tác phẩm được truyền lại, có thể chia thơ ông thành 3 chủ đề chính:

Chí khí nam nhi

 Trong nhiều tác phẩm, ông răn dạy về nghĩa khí của người con trai. Sống trong lễ giáo phong kiến và mang nặng tư tưởng Á Đông, những hoài bão của nam nhi khi đó được cụ Hy Văn nhắc đến rất nhiều lần trong các bài thơ của ông:
"Đã mang tiếng trong trái đất
Phải có danh gì với núi sống."
(Đi thi từ vịnh)

"Vũ trụ giai ngô phận sự
Chẳng công danh chỉ đứng giữa trần hoàn"
(Nợ tang bồng)
"Làm trai chỉ sợ ngáng công danh" (Quân từ cổ cùng I)
"Tang bồng hổ thỉ nam nhi trái
Cái công danh là cái nợ lần"
(Nợ nam nhi)
Về đề tài này, Nguyễn Công Trứ đã có một tác phẩm được đưa vào chương trình học Ngữ Văn. Đó là bài thơ "Chí làm trai " mà chúng tôi xin được dẫn ra dưới đây:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh thế thượng thuỳ vô nghệ
Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ
Quyết ra tay lèo lái trận cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
Lời thơ là khao khát đua tranh, mong muốn được thể hiện bản thân với trời đất, mong muốn đem tài trí của mình ra giúp nước, giúp dân.

Qua bài thơ này, Nguyễn Công Trứ đang khẳng định nhiệm vụ của bản thân và đấng nam nhi đối với trời đất. Với tài năng từ thời nấu sử sôi kinh dài lâu, nhà thơ có một niềm tin mãnh liệt rằng sẽ "đáng nên trai".

Đả kích tham quan

Đến tuổi tứ tuần, ông ra làm quan dưới triều Nguyễn. Kinh qua nhiều chức vụ, ông nhận thấy bản chất mục rỗng của triều đại nên đâm ra chán ghét. Từ đây, chủ đề trong thơ ông dần thay đổi, dùng ngòi bút của mình lên án sức mạnh tà hoá con người của đồng tiền, đồng thời phê phán bọn tham quan vô dụng, chỉ biết vơ vét túi tiền của dân làm lợi cho mình.

"Gớm chết nhân tình thế thái 
Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy"
(Nhân tình thế thái) 
"Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng, trong chiếc túi với đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Đã có đồng tiền dở cũng hay"
(Vịnh nhân tình thế thái)

Triết lý hưởng lạc

Ngay từ đầu, Nguyễn Công Trứ đã quan niệm rằng được hưởng lạc thú là cái đặc cách của con người. Ông đưa vào thơ ca của mình cảnh vui thú thanh cảnh, nhàn hạ, kêu gọi mọi người phải biết sống hưởng lạc:
"Nhân sinh bất hành lạc 
Thiên tuế diệc vi thương."
Cái lạc thú của ông không phải là hưởng thụ xa hoa, phù phiếm như bọn cường hào vô lại, mà là sống tròn đầy giữa trời đất. Triết lý sống này, ta cũng có thể bắt gặp trong thơ Xuân Diệu, thúc giục độc giả "Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm"

Để thấy rõ hơn về 3 chủ đề này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ về "Bài ca ngất ngưởng", tác phẩm của Nguyễn Công Trứ được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông.

Tác phẩm Bài ca ngất ngưởng 

Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

Ngay câu thơ đầu tiên, Nguyễn Công Trứ đã nhận lãnh mọi việc diễn ra trong vũ trụ. Theo ông, con người chính là sự kết tinh của trời đất, vì thế nên không có một việc gì trong trời đất lại không thuộc phận sự của mình. Quan niệm chủ chốt về trách nhiệm của nam nhi trong thơ ông là đây.

Cả bài thơ, từ "ngất ngưởng" được lặp lại 4 lần, lại còn được đưa lên nhan đề. Cho thấy rõ rằng cụ đã làm quan thế nhưng khí phách vẫn rất đỗi ngang tàng, thái độ vẫn vô cùng ngạo nghễ. Xứng đáng là một đấng trang tử hán.

Lúc làm quan, ông kinh qua nhiều chức vị. Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông, có khi lại về Phủ Doãn Thừa Thiên,...Dù ở vị trí này, ông cũng tỏ rõ tài năng và làm tròn bổn phận. Ông tự hào về tài học vấn, tài binh lược của mình và tận hưởng niềm vui chốn quan trường.

Đến tuổi về hưu, ông lại hưởng lạc theo cách khác. Trong đoạn sau của tác phẩm, ông tả cảnh đi chùa trên lưng bò. Nhưng bò lại đeo đạc ngựa mới hay. Ông lại không đi ngựa rồi đeo cho nó cái đạc của đồng loại, mà đeo vào cổ một con bò, như là phong cho nó làm "tuấn mã." Có thể là ông có sở thích lạ kỳ, không giống ai. Cũng có thể ông không có ngựa, nhưng vẫn lạc quan, làm như đang cưỡi một con ngựa thật.

"Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì" Tạm không bàn đến việc ông đi chùa có gót tiên hộ tống, ta hãy nói đến chữ "đủng đỉnh" Đủng đỉnh là trạng thái một người đi không vội vã. Tuy nghĩa như nhau, nhưng sắc thái của nó không giống với từ "khoan thai" Trong từ đủng đỉnh hàm chứa một cái thái độ gì đó vui vẻ, bỡn cợt hơn. Thế đấy, sự vật trong thơ cụ Hy Văn hưởng lạc từ trong bước đi.

Rồi cụ lần lượt nói về những lạc thú dân dã cụ trải qua "Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng" Quãng đời này cụ sống một cách vô cùng tận hưởng, trong lòng không vướng trần tục.

Kết lại, cụ khẳng định "Trong triều có ai ngất ngưởng được như ông" Đến đây, từ ngất ngưởng còn hiểu được một nghĩa nữa. Đó là trạng thái chênh vênh nhưng không ngã, và Nguyễn Công Trứ dùng cái trạng thái đó để nói lên cái ngả nghiêng, khoái chí của mình với cuộc đời. Câu thơ cũng có thể hiểu như một lời thách thức ai có thể chiếm vị trí đầu của ông về độ "ngất ngưởng." Từ thách thức, có lẽ ông còn 1 chút chê bài những người khác vì tiền mà không biết hưởng lạc.

Di sản

Ngày nay, những địa điểm công cộng như đường xá, trường học,...mang tên Nguyễn Công Trứ không phải là hiếm gặp.

Nguyễn Công Trứ mất năm 1858, điện thờ của ông được đặt ở 3 tỉnh Ninh Bình, Thái Bình và Hà Tĩnh, mỗi điện thờ đều có dựng tượng cụ. Đặc biệt, ngày 14 đến 16 tháng 11 âm lịch hàng năm, tại đền thờ Nguyễn Công Trứ tại Kim Sơn, Ninh Bình, nhân dân đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vị Tham tán của Nguyễn triều.

Ở đây, sẽ có nhiều người đưa ra ý kiến trái chiều. Chúng tôi đã đọc được một số phản hồi của độc giả rằng Nguyễn Công Trứ chỉ nghĩ cho triều đình phong kiến đang mục nát chứ không nghĩ tới người dân đang lâm vào cảnh khốn cùng. Từ đây, họ chỉ trích hành động giúp nhà Nguyễn đàn áp các cuộc khởi nghĩa là hành động thiển cận và ích kỷ. Nhân bài viết này, chúng tôi xin phép đưa ra 2 luận điểm để phản biện ý kiến trên.

Nguyễn Công Trứ là quan thuộc triều đình. Thuyết "Tam cương" của Nho giáo, tôn giáo phát triển đi sâu vào tiềm thức của con người bấy giờ, có ý: Làm quan phải trung thành với vua. Chẳng lẽ, cụ Hy Văn tài bộ lại chống lại vua mà đứng nhìn bọn phản loạn lộng hành ? Như đã nêu rõ ở phần I, bối cảnh phong kiến không khiến con người ta suy nghĩ như vậy.

Sau khi đàn áp các cuộc khởi nghĩa, chẳng phải cụ đã hết lòng tìm lối thoát cho dân chúng hay sao ? Cụ là người có công lấn biển, đốc thúc công cuộc khai hoang, chú trọng cả 3 mảng an, giáo, dưỡng đối với nhân dân. Một người như thế không thể gọi là "không nghĩ đến nhân dân" được.

Vì vậy, theo chúng tôi, cụm từ phù hợp hơn để nói về cụ là "trung với nước - hiếu với dân"
Ngoài ra, 2 tác phẩm trong số kho tàng nghệ thuật của ông đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn cấp trung học phổ thông để giảng dạy cho lớp trẻ. Để hậu thế sau này biết rằng, ông không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc mà còn nổi tiếng về tài văn chương.

Tài liệu tham khảo:
  • Sách "Khảo luận về Nguyễn Công Trứ" NXB Nam Sơn năm 1969, tác giả Doãn Quốc Sỹ, Việt Tử.

TrendingTrang chủ