Tiểu sử Lê Trung Đình - Chí sĩ yêu nước khởi nghĩa chống Pháp

Nguyễn Minh Khánh
tháng 12 11, 2022
Last Updated

 Trong vô vàn các cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương, Lê Trung Đình là chí sĩ đầu tiên đứng lên dựng cờ khởi nghĩa. Tiểu sử Lê Trung Đình và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo ra sao? Tất cả sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc sau đây.

Bảng tóm tắt thông tin

Tên đầy đủ

Lê Trung Đình

Tên hiệu

Long Cang

Năm sinh

1863 (có phiên bản ghi 1857)

Năm mất

23 tháng 7 năm 1885

Nơi sinh

Làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi 

Nơi mất

Phía Bắc thành Quảng Ngãi

Lăng mộ

Phường Trường Thọ, thành phố Quảng Ngãi

Học vấn

Cử nhân

Triều đại

Nhà Nguyễn, vua Hàm Nghi

Nổi tiếng với

Chí sĩ đầu tiên khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương.

Gia đình

Cha 

Lê Trung Lượng

Anh chị em

Lê Trung Kinh

Tiểu sử Lê Trung Đình

Lê Trung Đình (1863 - 1885) là một chí sĩ yêu nước chống Pháp, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa đầu tiên hưởng ứng phong trào Cần Vương dưới triều đại vua Hàm Nghi. Sau khi vua ban chiếu Cần Vương, Lê Trung Đình đã dựng cờ khởi nghĩa ở vùng đất Quảng Ngãi.

Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo đã đập tan bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở tỉnh nhà nhưng bị dập tắt nhanh chóng.

Lê từ đường nơi thờ Lê Trung Đình
Lê từ đường nơi thờ Lê Trung Đình

Lê Trung Đình đã hy sinh anh dũng cho đất trời Tổ Quốc khi tuổi còn thanh xuân, chưa tròn 22 tuổi. Trước khi mất, Lê Trung Đình đã để lại bài thơ “Lâm hình thời tác” bất hủ, nêu cao tinh thần yêu nước, trăn trở trước tình cảnh đất nước trong cảnh ngoại xâm. Nội dung bài thơ này như sau:

Kim nhật lung trung điểu
Minh triêu trở thượng ngư
Thử thân hà túc tích
Xã tắc ai kỳ khu
Bản dịch của Hoàng Tạo:
Nay là chim trong lồng
Mai đã cá trên thớt
Thân này tiếc gì đâu
Gian nan tình đất nước
Từ đó đến nay, nghĩa sĩ yêu nước Lê Trung Đình đã trở thành tấm gương yêu nước sáng ngời, niềm tự hào của nhân dân Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.

Gia đình và tuổi thơ

Lê Trung Đình sinh năm 1863 tại làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (ngày nay thuộc phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học gồm có 6 người con. Cha ông là tiến sĩ Lê Trung Lượng, nổi tiếng làm quan thanh liêm. Dưới thời vua Tự Đức, Lê Trung Lương từng giữ chức vụ cao nhất là quan Án sát tỉnh Bình Thuận.

Tráp đựng bút nghiên Lê Trung Đình
Tráp đựng bút, nghiên của Lê Trung Đình

Từ nhỏ, Lê Trung Đình đã được giáo dục nghiêm khắc. Ông theo học tú tài Phan Thanh, nổi tiếng văn thơ trong vùng. Chỉ mới 15 tuổi, Lê Trung Đình đã thuộc làu kinh sử, sớm bộc lộ tài năng văn chương hiếm có.

Sự nghiệp

Năm 1884, Lê Trung Đình thi đỗ cử nhân loại giỏi. Thay vì ra làm quan hưởng công danh phú quý, Lê Trung Đình lại chọn con đường đứng lên khởi nghĩa, phò vua giúp nước. Tinh thần yêu nước, dám nghĩ, dám làm của ông vô cùng hiếm có.

Hoàn cảnh lịch sử

Trong phần nội dung này, chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ dẫn đến chiếu Cần Vương. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn vì sao Lê Trung Đình quyết định khởi nghĩa?
Lê Trung Đình sinh ra và trưởng thành trong thời điểm mà nước nhà có những biến động chính trị dữ dội.

Năm 1883, một năm trước khi ông thi đỗ cử nhân, hiệp ước Quý Mùi hay hòa ước Harmand được ký kết. Trong đó, triều đình nhà Nguyễn thỏa hiệp với thực dân Pháp loại bỏ các quan lại phái chủ chiến như Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tưởng.

Lúc này, quân đội thực dân Pháp đã tiến sát kinh thành Huế, quân đội triều Nguyễn đang ở thế bại trận. Vì vậy, nhà Nguyễn buộc phải ký kết hòa ước này với nhiều điều lệ bất lợi. Đáng kể nhất là việc triều đình nhà Nguyễn buộc phải công nhận sự bảo hộ của Pháp, cắt đất bồi thường.

Sau đó, phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đã phế truất vua Dục Đức, lần lượt đưa 2 vị vua Phúc Kiến và Hàm Nghi lên ngôi báu. Ngoài ra, Tôn Thất Thuyết đã lên kế hoạch đánh Pháp lâu dài, lương thực, vũ khí đều được bí mật vận chuyển ra phía Bắc. Trong đó, thành Tân Sở (nay là Quảng Trị) được chọn làm kinh đô dự phòng.

Xây dựng lực lượng

Lúc này, Lê Trung Đình bí mật thành lập Nghĩa hội, đồng thời thành lập 2 đội quân gồm Đoạn Kiệt và Hương binh. Đặc biệt, ông còn cho xây dựng phòng tuyến ở Tuyền Tung (nay thuộc địa phận huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Ông Nhận lệnh từ Tham biện Sơn phòng Nghĩa-Định là Nguyễn Duy Cung đến kinh thành Huế để gặp trưởng phái chủ chiến - Tôn Thất Thuyết. Sau đó, Lê Trung Đình được tin tưởng giao cương vị Chính quản Hương binh.

Ngày 5 tháng 7 năm 1885, quân triều đình nhà Nguyễn phản công quân đội Pháp nhưng thất bại. Vua Hàm Nghi phải rời bỏ kinh thành Huế, ban bố chiếu Cần Vương (13 tháng 7 năm 1885) kêu gọi nhân dân cả nước chống lại quân đội Pháp.

Diễn biến cuộc khởi nghĩa

Tại Quảng Ngãi, cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình chính thức nổ ra vào đúng ngày chiếu Cần Vương được ban bố (13 tháng 7 năm 1885). Ông cùng với các chí sĩ yêu nước Nguyễn Tự Tân (phó quản Hương binh), Nguyễn Tấn Kỳ, Nguyễn Bá Loan yêu cầu quan Bố Chánh Lê Duy Thụy và Án sát Nguyễn Văn Dụ cung cấp lương thực, vũ khí nhưng bị từ chối.

Bỏ qua sự hèn nhát của 2 vị quan lớn, Lê Trung Đình đã tập hợp hơn 3000 hương binh tại bên bờ sông Trà Khúc (gần khu vực đền thờ Văn Thánh) để làm lễ tế cờ. Trong đêm, đoàn quân vượt sông đánh thẳng vào tỉnh Quảng Ngãi.

Theo sách Đại Nam Thực Lục chính biên, Lê Trung Đình cùng với Tả Vệ hương binh huyện Bình Sơn, Hưu Vệ phó quản Nguyễn Tự Tân, Thương biện Nguyễn Văn Hoàng đã lãnh đạo hương binh đánh chiếm thành Quảng Ngãi.

Cuộc chiến công thành diễn ra hết sức thuận lợi. Bởi lẽ, đội quân của ông có nội ứng mở cổng thành. Nghĩa quân tràn vào thành giết sạch bọn theo giặc, bắt nhiều tù binh, thu lấy ấn triện,...
Lê Trung Đình đã cho người tiếp quản các chức vụ Lãnh Binh, Thống Đốc, Tham Tán,... để quản lý chính quyền sở tại. Tuy nhiên, nghĩa quân Lê Trung Đình chỉ giữ vững được thành trì vài ngày.

Vào ngày 16 tháng 7 năm 1885, Tiễu Phủ sứ Sơn phòng Nghĩa-Định là Nguyễn Thân (tên quan theo Pháp), quan đề đốc Đinh Hội mang 900 lính cơ vây đánh thành Quảng Ngãi. Nghĩa quân Lê Trung Đình bại trận nhanh chóng do chênh lệch về trang bị. Phó quản Nguyễn Tự Tân và sáu chỉ huy bị giết chết, Lê Trung Đình bị bắt sống. 

Ông bị chiêu hàng nhưng không thành. Vào ngày 23 tháng 7 năm 1885, Lê Trung Đình bị xử chém tại phía Bắc thành Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình chính thức kết thúc.

Ý nghĩa lịch sử khởi nghĩa Lê Trung Đình

Cuộc khởi nghĩa do Lê Trung Đình nổ ra ngay sau khi chiếu Cần Vương được ban bố, đã tập hợp đông đảo tầng lớp sĩ phu, binh sĩ yêu nước và giành được thắng lợi nhanh chóng.

Bộ máy chính quyền cai trị cũ của thực dân Pháp bị đập tan, bộ máy chính quyền mới được thành lập thỏa mãn mong muốn của nhân dân.

Khởi nghĩa Lê Trung Đình đã góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp theo lời kêu gọi của chiếu Cần Vương. Đây là cuộc khởi nghĩa mang tính chất tiên phong trong phong trào Cần Vương diễn ra vào cuối thế kỷ 19.

Dưới sự lãnh đạo của Lê Trung Đình, cuộc khởi nghĩa đã đạt được thắng lợi dù tương quan lực lượng hai bên chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau đó, cuộc khởi nghĩa này đã bị dập tắt. Thế nhưng, cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình đã phản ánh rõ nét truyền thống chống giặc ngoại xâm bất khuất và kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Lăng mộ

Mộ Lê Trung Đình
Mộ Lê Trung Đình
Hiện nay, khu vực mộ chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình nằm ở xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi, bên cạnh quốc lộ 1A. Trên bia mộ của ông có ghi lại câu đối ca ngợi chiến công và tinh thần yêu nước được dịch nghĩa như sau:
"Cứu quốc cần vương, thương hải vi điền Tinh Vệ hận,
Điếu dân thảo tặc, tinh thần bất tử sĩ phu hoài"
Sắp tới, khu vực mộ của ông sẽ được nâng cấp, sửa chữa, trở thành di tích Lịch Sử. Chủ đầu tư dự án này là công ty 577, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8 tỷ đồng.

Sau khi hoàn công, khu vực lăng mộ Lê Trung Đình có tổng diện tích 500 m2 bao gồm, khu vực bia mộ, khu vực nhà lưu niệm. Vị trí khu di tích sẽ nằm tiếp giáp công viên x3.02 thuộc khu dân cư Sơn Tịnh của chủ đầu tư là công ty 577.

Chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tuy nhiên, tinh thần yêu nước của ông sẽ sống mãi trong tâm trí người Việt nói chung và nhân dân Quảng Ngãi nói riêng. Hãy chia sẻ bài viết của Holaai.org này để góp phần giúp công lao của ông luôn được đời sau ghi nhớ.

>> Có thể bạn muốn biết thêm phong trào Cần Vương.

Tài liệu tham khảo:
  • Sách: Đại Nam thực lục chính biên.
  • Sách: Những người con trung hiếu của quê hương đất nước - tác giả Hải Ngọc Thái Thanh Hòa.

TrendingTrang chủ