Trần Minh Tông là ai? Vị vua tạo nên ANH MINH thịnh thế

Nguyễn Minh Khánh
tháng 12 13, 2022
Last Updated

 “Thanh tú, nhẹ nhõm như thần tiên” chính là lời khen của sứ thần nhà Nguyên đã khen dung mạo của vị vua Trần Minh Tông. Vậy, Trần Minh Tông là ai? Ông là người như thế nào? Hãy cùng Holaai.org tìm hiểu ông qua bài viết dưới đây nhé!

Trần Minh Tông là ai?

Trần Minh Tông (4 tháng 10 năm 1300 - 10 tháng 3 năm 1357) là đấng minh quân thứ năm trị vì Đại Việt thuộc triều đại nhà Trần. Sử cũ gọi thời đại trị vì của Trần Minh Tông là thời kỳ "Anh minh thịnh thế".

Tượng vua Trần Minh Tông
Tượng vua Trần Minh Tông

Vào ngày 3 tháng 4 năm 1314, Trần Anh Tông quyết định nhường ngôi cho Thái Tử Mạnh (Trần Minh Tông) chỉ mới 14 tuổi. Từ đây, đất nước Đại Việt dưới thời Trần Minh Tông đã chứng kiến những thời khắc huy hoàng nhất. Về mặt đối ngoại, Trần Minh Tông đã khéo léo giữ gìn mối quan hệ ổn định với nhà Nguyên, Ở biên giới phía Nam, Chiêm Thành phải thần phục Đại Việt. Đặc biệt, Trần Minh Tông đã xuất sắc dẹp loạn Ngưu Hống và Ai Lao.

Ông đã trọng dụng những quan viên xuất sắc như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An, Đoàn Nhữ Hài, Phạm Sư Mạnh,...đảm bảo pháp luật nghiêm minh, phát triển kinh tế, giáo dục và xã hội Đại Việt.

Năm 1329, Trần Minh Tông trao ngai vàng cho Thái tử Trần Vượng (tức vua Trần Hiến Tông). Sau này Trần Hiến Tông mất sớm. Trần Minh Tông lập Trần Hạo (Trần Dụ Tông) làm vua kế nhiệm. Mặc dù đã trở thành Thái Thượng Hoàng nhưng ông nắm mọi quyền quản lý triều chính đến khi mất.

Vào ngày 10 tháng 3 năm 1357, Trần Minh Tông trút hơi thở cuối cùng, để lại niềm tiếc thương về vị minh quân đã tạo nên thời hoàng kim của nhà Trần. Sau khi ông qua đời, Trần Dụ Tông không thế quản lý triều chính xuất sắc như cha mình mà lại sa vào lối sống ăn chơi trác táng, dẫn đến sự suy thoái sức mạnh nước Đại Việt.

Gia đình và tuổi thơ

Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, Trần Minh Tông sinh vào ngày 4 tháng 10 năm 1300, tên thật là Trần Mạnh, tên hiệu là Trần Khoáng. Ông là con trai thứ tư và là người duy nhất sống sót đến khi trưởng thành của vua Trần Anh Tông. Mẹ ông là Huy Tư Hoàng Phi, con gái của Trần Bình Trọng.

Sau khi ông được sinh ra, bởi vì nuôi khó, ông đã được giao cho Thụy Bảo Công Chúa (tức là bà ngoại của Trần Minh Tông) nuôi hộ. Sau đó, Thụy Bảo Công Chúa lại trao ông cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật nuôi vì bà cho rằng mình đang có vận rủi trong người nên không tiện chăm cháu. 

Sau khi đã được nhận nuôi, để giống như những người con của mình Chiêu Văn Vương (Trần Nhật Duật) đã đặt tên cho ông là Thánh Sinh. Không chỉ vậy, ông còn được Chiêu Văn vương sóc tận tình, xem như con ruột của mình.

Từ nhỏ, ông luôn được giáo dục nghiêm khắc từ cha của mình. Ông thể hiện mình là một người lương thiện, có chí hướng, mục tiêu cao. Từ đó, Ngô Sĩ Liên nhận định rằng:

“Cái đức của Minh Tông mà nên được, tuy do thiên tư tốt đẹp, còn lại do sức dạy bảo của vua cha”. 

Vào năm 1305, Trần Mạnh được phong làm Đông cung Thái tử và nhận được bài giáo huấn Dược thạch châm từ vua cha. Trong lịch sử nhà Trần, Trần Mạnh là thái tử kế vị đầu tiên không phải do vợ chính thất của vua sinh ra.

Trong khoảng thời gian từ năm 1311 đến 1312, Trần Thánh Tông đã cầm quân đánh chiếm Chiêm Thành. Trong thời gian đó, Thái tử Mạnh cùng với Trần Nhật Duật và Nghi Võ hầu Quốc Tú tham gia giám quốc thay cho vua cha. Sau khi đánh bại quân giặc, vua Thánh Tông đã ban thưởng cho ông vì có công giám quốc.

Các giai đoạn sự nghiệp

Chúng ta cùng điểm qua các giai đoạn mà người vua này đã trải qua trong suốt quá trình làm hoàng đế của mình.

Lên ngôi vua

Đầu tiên tháng 1 âm lịch năm 1305, Trần Mạnh được vua Anh Tông tấn phong làm Đông cung Thái tử dù ông không phải là con của hoàng hậu. Kèm theo đó, ông còn được Anh Tông tặng một bài giáo huấn có tên là Dược thạch châm, do đích thân ông biên soạn.

Đến tháng 1 năm 1309, ông được sách phong từ Đông cung Thái tử thành Hoàng thái Tử. Tiếp theo đó từ tháng 11 năm 1311 đến tháng 5 âm lịch năm 1312 âm lịch, Trần Anh Tông đã đem quân chinh chiến tại Chiêm Thành. Bên cạnh đó, Thái tử Trần Mạnh cùng Chiêu Văn vương và Nghi Võ hầu Quốc Tú có nhiệm vụ giám đốc. Sau khi đã chiến thắng, Anh Tông đã khen thưởng tất cả những người có công lớn trong đó có Thái tử.  

Vào ngày 18 tháng 3 âm lịch năm Giáp Dần (tức là ngày 3 tháng 4 năm 1314 dương lịch), Trần Anh Tông nhường ngôi hoàng đế lại cho con trai của mình đó chính là Thái tử Mạnh, tức là vua Trần Minh Tông. 

Sau khi lên ngôi vua vào năm 14 tuổi, Trần Minh Tông lên tự xưng Ninh Hoàng. Bên cạnh đó ông đã phong các chức quan trong triều đình như sau:

Đầu tiên, ông tôn Trần Anh Tông lên làm Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái thượng hoàng đế.

Tôn chính cung của Anh Tông tức là Thuận Thánh Hoàng hậu lên làm Thể Thiên Sùng Hóa Khâm Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.

Ngoài ra, ông còn tôn Trần Nhật Duật làm Tá thánh Thái sư là người đứng đầu triều đình thời bấy giờ.

 Đây chính là vị vua đầu tiên trong lịch sử nhà họ Trần, hoàng thượng không do chính thất sinh ra. Đây được coi là điểm khác biệt trong khi các đời vua như Thái Tông, Thánh Tông hay Nhân Tông đều chính là con ruột của hoàng hậu.

Chính sách cai trị

Ở 6 năm đầu tuy Trần Anh Tông đã lùi về sau nhường quyền lực cho Trần Minh Tông nhưng ông vẫn nắm quyền và có sức ảnh hưởng lớn trong việc quyết định đưa ra quyết sách cai trị. Đến mùa xuân năm 1320, thượng hoàng qua đời ở tuổi 44 và mọi quyền lực đã trở lại với Trần Minh Tông.

Về giáo dục cử nhân: ông thường tổ chức hai lần thi Thái học sinh, để cho các sĩ tử cạnh tranh để lựa chọn ra người tài nhằm bảo vệ đất nước. Ngoài ra ông còn tổ chức các kỳ thi tuyển tu sĩ Phật giáo vào tháng 10 âm lịch năm 1314 nội dung thi chủ yếu là kinh Kim Cương.

Về nông nghiệp: Ông luôn đề cao và phát triển nông nghiệp. Vào mùa hạ năm 1315, khi nước sông Hồng dâng cao, Trần Minh Tông đã đích thân đến tận nơi để xem sửa chữa đê.

Vì tất cả đều yên ổn và phát triển cho nên thời kỳ đầu nhà Trần đã ban quyền lực trong chính trị xã hội cho các tôn thất hoàng gia. Những người như Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư….. đều có vai trò rất lớn trong việc lãnh đội quân đánh bại quân Nguyên xâm lược vào các năm 1285, 1287 - 1288. Nhưng sau này những người này có người già hoặc chết đi nhưng thế hệ sau lên thay thế lại giảm sút rất lớn.

Qua bao thời gian Trần Minh Tông đã làm vua được 15 năm, đến đây độ tuổi ông cũng khá cao để làm vua nên cần một người kế vị. Trong khi đó ông và hoàng hậu vẫn chưa có người con trai nào, mặc dù các thứ phi khác đã có con trai như hoàng tử Trần Vượng, Trần Nguyên Trác, Trần Phủ. Triều trình chia làm nhiều phe phái khác nhau nhưng cuối cùng vẫn không được.

Dưới thời Trần Hiến Tông

Đến ngày 7 tháng 2 âm lịch năm Kỷ Tỵ (tức là ngày 7 tháng 3 năm 1326) Trần Minh Tông đã ra chiếu lệnh phong Trần Vượng làm Thái tử lúc đó cậu chỉ mới 10 tuổi. Cho đến ngày 15 tháng 3 thì ông đã nhường ngôi hoàng đế lại cho Trần Vượng. 

Thái tử được lên ngôi hoàng đế tức là Trần Hiến Tông, tự xưng Triết Hoàng, sau đó tôn cha Trần Minh Tông làm Thái thượng hoàng với hiệu là Chương Nghiên Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế và lui về phủ Thiên Trường.

Mặc dù đã trở thành thượng hoàng nhưng Minh Tông vẫn thường hay nói đến các nhân vật lịch sử các đời trước để dạy các hoàng tử, không phân biệt anh hùng hay tiểu nhân. Thái bảo Uy Túc Văn Bích nói:

Xét bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện, còn kẻ ác hãy bỏ chớ bàn đến, sợ các hoàng tử nghe được, có thể sẽ có người bắt chước.

Thượng hoàng Minh Tông không cho rằng đúng, lại bảo rằng:

Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu (con ta) không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dưỡng Đế luôn mồm nói đến Nghiêu Huấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Kiệt, Trụ, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao.

Sau khi Trần Vượng lên ngôi, mùa đông năm 1329, quân Ngưu Hống tấn công miền tây bắc Đại Việt. Trước đây, vào thời vua Trần Nhân Tông, Ngưu Hống vào chầu, được cho trở về. Nay quân Ngưu Hống đã chiếm cả Đà Giang, nay lại muốn chiếm Hoài Giang. 

Bởi vậy, thượng hoàng Minh Tông quyết định thân chinh ra trận, Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn theo để biên soạn thực lục. Lúc này, quan đại thần Trần Khắc Chung can ngăn:

Đà Giang vốn có tiếng là đất lam chướng, lại nhiều ghềnh thác chảy xiết, không lợi cho việc hành quân. Chiêm Thành không có lam chướng, khí độc, vả lại đế vương đời trước thân chinh, nhiều lần bắt được chúa nó. Chi bằng bỏ Ngưu Hống đấy mà đánh Chiêm Thành là hơn.

Thượng hoàng đáp rằng:

Trẫm là cha mẹ dân, nếu sinh dân mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ lợi hại hay sao?

Trước khi đánh Ngưu Hống, người Chiêm Chiêu dâng thư, đinh ninh cả trại Chiêm Chiêu sẽ ra hàng, đã khắc phù để làm tin. Trước giờ thân chinh, Trần Minh Tông sai Chiêu Nghĩa Hầu đem quân tiên phong đi trước trại Chiêm Chiêu, dặn dò rằng:

Trại Chiêm Chiêu đã ước hẹn xin hàng, phải đợi quân ta tới, không được hành động liều.

Chiêu Nghĩa Hầu đến trại Chiêm Chiêu, muốn tranh công nên tấn công trại, lại thất bại. Tuyên uy tướng quân Vũ Tư Hoằng tử trận. Minh Tông hay tin chỉ nói:

Đã lỡ rồi

Thượng hoàng đích thân dẫn đại quân đến Mường Việt, rối tiến quân đánh dẹp quân Ngưu Hống. Sau khi Ngưu Hống đã lui binh, Trần Minh Tông đem quân về kinh.

Từ năm 1333 - 1338 do các đợt thiên tai lũ lụt vì vậy nhân dân lâm vào đói khổ buộc triều đình phải mở kho lương thực phát cho dân. Vào tháng 9 âm lịch năm 1337,Thượng hoàng ra lệnh cho các quan trong triều và các lộ, mỗi năm đều phải khảo sát các thuộc viên dưới quyền mình, nếu ai có chứng cứ cần mẫn rõ ràng sẽ được giữa lại và ngược lại ai lười biếng sẽ bị nghỉ việc.

Năm 1334, thượng hoàng đi tuần ở Nghệ An, quyết định thân chinh đánh Ai Lao. Nguyễn Trung Ngạn được lệnh vận chuyển lương thực đi trước. Quân Ai Lao hay tin chạy trốn. Vua sai Nguyễn Trung Ngạn mài vách núi, khắc chữ rồi rút quân.

Đến năm 1335, thượng hoàng Minh Tông lại một lần nữa thân chinh dẹp giặc Ai Lao. Trước đó, nhà vua đã phải tạm hoãn việc này. Lúc này, Minh Tông đang bị đau mắt nên có người can ngăn. Nhà vua bảo:

Năm ngoái định thân chinh rồi không được, năm nay lại vì đau mắt mà hoãn việc xuất quân, thiên hạ sẽ bảo ta là nhát, nếu giặc phương Bắc xâm lấn thì ta còn nhờ cậy vào đâu?

Tháng 9 năm 1335, thượng hoàng thân chinh đánh Ai Lao, Đoàn Nhữ Hài làm đốc tướng. Đoàn Nhữ Hài trúng phải kế giặc, chết đuối. Năm 1336, Minh Tông cho lui quân về kinh. 

Dưới thời Trần Dụ Tông

Vào ngày 11 tháng 6 năm Tân Tỵ (tức ngày 24 tháng 7 năm 1341), Trần Hiến Tông qua đời ở năm 23 tuổi tại chính tẩm. Đến ngày 21 tháng 8 âm lịch ( tức ngày 2 tháng 10) năm 1341, Thượng hoàng đã lập Trần Hạo lên ngôi vua, tức Hoàng đế Trần Dụ Tông, tự xưng Thiệu Phong. Trong lúc đó Trần Hạo mới được 6 tuổi cho nên mọi việc triều chính vẫn do Thượng hoàng quyết định.

>> Tiếc thay, Trần Dụ Tông không thể tiếp tục mang đến sự ấm no cho dân chúng. Xem thêm bài viết Trần Dụ Tông.

 Bên cạnh, việc triều chính Trần Minh Tông cũng là một con người hướng phật, ngay sau ông lên vua ông đã sai người xây dựng 3 bức tượng Phật cao 17 thước ở chùa Báo - Siêu Loại (nay thuộc huyện Gia Lâm, thủ đô Hà Nội). Tại đây, ông cũng cho lập điện Phật, gác kinh, nhà Tăng, tổng hết 33 sở. Ông cũng rất đầu tư vào các dự án khác liên quan tới Phật giáo.

Vụ án oan Trần Quốc Chẩn


Trần Minh Tông hiếu thảo

Ngô Sĩ Liên từng nhận xét về nhà vua như sau:
Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính. Kẻ thần hạ hễ ai cùng tên (với họ hàng nhà vua) đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì là cùng tên với thượng phụ. Lại các tên của chú bác, cô cậu, khi nói đến vẫn kiêng cả. Vua có quyển sổ nhỏ biên những chữ húy không được nói đến, trao cho các hoàng tử và cung phi. Chỉ vì ngài có tấm lòng ấy, nên đã có chính tích ấy. 
Tháng 5 năm 1315, nhà vua ra chiếu chỉ nghiêm cấm cha con, vợ chồng, gia nô kiện cáo lẫn nhau.
Năm 1317, có người kiện cáo Trần Thị Thái Bình là cung tần của thượng hoàng Trần Anh Tông chiếm đoạt ruộng đất của dân. Nhà vua không giao việc xử kiện cho Hữu ty mà giao cho Uy Giản hầu xử lý. Trần Minh Tông dụ rằng:
Trẫm không giao cho quan lại xét, sợ làm nhục phi tần của tiên hoàng, ngươi nên theo đơn mà trả ruộng cho dân.

 Khi thượng hoàng Trần Anh Tông lâm bệnh, Trần Minh Tông ngày đêm túc trực. Lúc thượng hoàng qua đời, đích thân Minh Tông khâm liệm cho vua cha. Có viên quan tên Hiệu Khả ca ngợi vua tài giỏi hơn cả thượng hoàng. Nhà vua nghe được, biến đổi sắc mặt mà dạy bảo rằng:

Ai mà khen người khác là giỏi hơn cha, thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ, cho nên mới nói ra câu ấy.

Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét:

Câu nói ấy của vua, tuy là nhất thời nói ra với Hiệu Khả, nhưng tấm lòng trung hậu qua đó cũng đủ rõ.

Chuyện đối với các quan

Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới thời Trần Minh Tông, nổi tiếng liêm khiết. Vua Minh Tông hay biết, bèn cho người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà Mạc Đĩnh Chi. Hôm sau, Mạc Đĩnh Chi vào triều tâu lại sự việc. Vua bảo:
Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu.

 Qua câu chuyện nhỏ trên, chúng ta có thể thấy được sự quan tâm của nhà vua đối với quan lại trong triều. Vị nào thanh liêm, ông đều hay biết.

Trong triều, có vị quan tên là Trần Bang Cẩn đang giữ chức Đại hành khiển thượng thư tả bộc xạ, làm người trung thực, liêm khiết. Vua ban cho ông bức tranh và bài thơ:

Hình dung cốt cách nại đông hàn,

Tướng mạo đình đình diệc khả khan.

Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận,

Tâm lý nan miêu cảnh cảnh đan.

(Bản dịch: Cốt cách dáng hình chịu rét đông,

Hiên ngang tướng mạo thực nên trông.

Phong lưu mọi vẻ đều nên cả,

Vẽ sao canh cánh tấm lòng trung).

Khi đã trở thành thượng hoàng, Trần Minh Tông thường xuyên ăn chay. Vào một ngày, thượng hoàng mời Huệ Túc Vương vào hành cung. Huệ Túc Vương vốn là người bài xích Phật giáo, thấy thượng hoàng đang ăn chay bèn hỏi:

Thần không biết ăn chay thì có ích lợi gì?

Thượng hoàng đoán được ý của Huệ Túc Vương, bèn trả lời:

Ông cha ta ngày xưa thường ăn cơm chay, cho nên ta bắt chước đó thôi, còn ích lợi gì thì ta không biết.

Sau đó, Huệ Túc Vương đành im lặng rồi xin lui ra.

Khi Minh Tông thân chinh đi dẹp giặc, chỉ huy quân Khoái Bộ (quân Thần Sách) là Đỗ Thiên Hư đang ốm nặng. Tuy nhiên, ông vẫn cho người khiêng mình đến gặp vua, xin được đi theo đánh giặc:

Thần thà chết ngoài cửa quân dinh chớ không muốn chết trong giường đệm.

 Thượng hoàng Minh Tông cảm động, cho ông đi theo. Khi đến đất giặc, Đỗ Thiên Hư qua đời, được Minh Tông cho dùng nhạc Thái Thường để cúng tế.

Cái chết và lăng mộ

Trần Minh Tông là một vị vua ngoan cường và kiên quyết đến thế, nhưng cái chết đem lại cho người đời muôn vàn thắc mắc. Chỉ vì một bất cẩn lại mang đến một cái chết đầy tiếc nuối cho vị vua anh minh. Ông qua đời vào ngày 19, tháng 2, năm 1357 (tức ngày 10 tháng 3 âm lịch), do con ong vàng đốt nên  sinh bệnh mất.

Vào năm 1356, Thượng hoàng Trần Minh Tông cùng con của mình tức là Hoàng đế Trần Dụ Tông cùng đi tuần tại Nghệ An, lúc này ông vẫn còn rất khỏe mạnh. Sau đó vào tháng 8 âm lịch cùng năm Thường hoàng đã đến đền Huệ Vũ Đại vương Quốc Chẩn ở núi Kiệt Đặc, Chí Linh nay thuộc tỉnh Hải Dương, với mục đích đến thăm chơi tại đây. Trên đường về ông đã bị con ong vàng đốt ngay má trái tại lý do này mà ông đã sinh thêm bệnh.

Khi nghe tin được bệnh tình của Thượng Hoàng, Vương hầu lại có ý định muốn lập đàn chay cầu đảo. Khi Thượng hoàng biết tin ngay lập tức phái con thứ 3 tên là Hữu tướng quốc Trần Phủ tới ngăn chặn. Cùng lúc đó, Hiến Từ Thái hậu cũng muốn phóng sanh nhằm cầu mong Thượng hoàng khỏi bệnh, nhưng ông đã không cho phép: “Thân ta không thể lấy con lợn, con dê mà đổi được”. Song với đó ông đã từ chối mọi hình thức chữa bệnh, uống thuốc, ông còn nói “Người ta ở đời, bao nhiêu khổ não. Ngày nay thoát được khổ não này, thì ngày khác phải chịu khổ não khác”. 

Đến cuối cùng ông lại qua đời tại cung Bảo Nguyên, hưởng dương được 57 tuổi, để lại vô vàn thương tiếc cho người dân Đại Việt. Đến ngày 11 tháng 11 năm 1357 âm lịch (tức là ngày 22 tháng 12 dương  lịch) Trần Minh Tông được mai táng. Sau khi qua đời ông được tôn thụy hiệu là Chương Nghiên Văn Triết Hoàng Đế. 

Qua những câu nói của ông cho ta thấy được lòng yêu nhân dân, không sống vì lợi ích của bản thân. Những lời lẽ của ông không phải chợt nghĩ ra mà nói, mà đây chính là suy nghĩ cũng như kim chỉ nam của ông từ trước tới giờ. Luôn đặt nhân dân sự sống của dân lên trên nhất.

Cuối cùng không thể không nhắc đến nơi mai táng Thượng hoàng Trần Minh Tông đó chính là Mục Lăng, xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (hiện nay). Lăng mộ của ông được nằm đối xứng với Thái lăng về phía Đông Nam qua suối Phủ Am Trà.

Thượng hoàng Trần Minh Tông đúng là một tấm gương sáng để mỗi người dân Việt Nam noi theo. Ông đúng là một người hùng, một vị vua đáng kính. Song với đó, ông cũng là một vị vua được đánh giá là “giữa lòng trung hậu, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa. Bạn có thấy giống như mọi người không, hãy bình luận về suy nghĩ của bạn về vị vua oanh liệt này cho mình biết với nhé! 

Tài liệu tham khảo:

TrendingTrang chủ