Phong trào Tây Sơn - Nguyên nhân, tóm tắt diễn biến, kết quả

Nguyễn Minh Khánh
tháng 5 30, 2023
Last Updated

 Giữa thế kỷ 18, chế độ phong kiến ở Đàng Ngoài lâm vào khủng hoảng, phong trào nông dân liên tục bùng nổ và bị đàn áp. Dưới sự lãnh đạo của ba anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, phong trào Tây Sơn bùng nổ và giành được những thắng lợi vẻ vang. Dưới đây, chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của phong trào này.

Nguyên nhân bùng nổ phong trào nông dân Tây Sơn

Tại Đàng Trong, vào năm 1744, chúa Nguyễn xưng vương, bắt tay vào xây dựng chính quyền trung ương. Lúc này nước ta bị chia cắt làm đôi. Từ giữa thế kỷ 17, chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong  suy yếu, quan lại tham ô, kéo bè kết cánh ăn chơi xa xỉ, bóc lột nhân dân. Nông dân bị bắt nộp nhiều thứ thuế, cướp hết ruộng đất.

Lúc này, mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, giữa nhân dân với nhà nước phong kiến trở nên ngày càng gay gắt. Điều này đã làm bùng nổ các cuộc khởi nghĩa trong đó có khởi nghĩa Tây Sơn. Có thể thấy nguyên nhân chủ yếu làm bùng nổ phong trào Tây Sơn là do mâu thuẫn giữa nông dân với chính quyền Đàng Trong.

Tóm tắt phong trào Tây Sơn

Vào năm 1744, Chúa Nguyễn xưng vương ở Đàng Trong, bắt tay vào xây dựng chính quyền trung ương, lúc này đất nước ta bị chia cắt thành 2 nước. Sau khi chính quyền Đàng Trong bị suy yếu, quan lại tham ô, cướp bóc của dân, tịch thu ruộng đất, nông dân rơi vào cảnh khốn cùng. Phong trào nông dân đã bùng nổ ở Đàng Trong. 

Đến năm 1771, phong trào nông dân bùng lên ở Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Từ một cuộc khởi nghĩa nhỏ đã nhanh chóng phát triển thành phong trào lật đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Sơ đồ tư duy phong trào Tây Sơn
Sơ đồ tư duy phong trào Tây Sơn


Sau chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ đã dập tắt âm mưu can thiệp của Xiêm. Phong trào Tây Sơn giành được thắng lợi ở các tỉnh phía Nam sau đó phát triển ra Đàng Ngoài diệt chúa Trịnh và thống nhất đất nước. Lúc này, quân Thanh lấy cớ đáp ứng cầu viện của Lê Chiêu Thống đã kéo quân xâm lược nước ta. 

Đến mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, quân và dân dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung đã tiêu diệt được 20 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, giải phóng thành Thăng Long, thống nhất đất nước. Đây cũng là một trong những trận đánh hiển hách được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc được người đời ca tụng. 

Diễn biến phong trào Tây Sơn

Lật đổ chính quyền họ Nguyễn

Mùa Thu năm 1773, nghĩa quân nhà Tây Sơn phần lớn đã kiểm soát được phủ Quy Nhơn. Đến tháng 9 năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn đã hạ được phủ thành. Đến giữa năm 1774, từ Quảng Nam đến Bình Thuận đều thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. 

Biết tin phong trào Tây Sơn nổi dậy, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã phái mấy vạn quân tiến vào đánh chiếm Phú Xuân (Huế). Lúc này chúa Nguyễn không còn khả năng chống cự nên đã vượt biển vào Gia Định.

Lúc này nghĩa quân Tây Sơn bị tơi vào thế bất lợi khi phía Bắc là quân chúa Trịnh, phía Nam là quân chúa Nguyễn. Nguyễn Nhạc lúc này phải tạm hòa hoãn với quân chúa Trịnh để dồn sức đánh quân chúa Nguyễn. Từ năm 1776 - 1783, quân Tây Sơn đã bốn lần đánh vào Gia Định.

Trong cuộc tiến quân năm 1777, Chúa Nguyễn đã bị bắt, tình hình cai trị của họ Nguyễn ở đàng Trong cũng chấm dứt. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh may mắn được chạy thoát và trở thành người đối đầu với quân Tây Sơn.

Hạ thành Phú Xuân - Tiến quân ra Bắc Hà diệt họ Trịnh.

Sau khi phong trào Tây Sơn đánh tan 5 vạn quân Xiêm, nghĩa quân Tây Sơn đã tính đến việc tiêu diệt chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thống nhất đất nước. Bấy giờ quân Trịnh đang đóng quân tại Phú Xuân, kiêu căng, bóc lột, đàn áp nông dân khiến dân chúng căm hận. 

Mùa hè năm 1786, Nguyễn Huệ dưới sự giúp sức của Nguyễn Hữu Chỉnh đã tiến quân vượt qua đèo Hải Vân để tiến đánh thành Phú Xuân. Đến tháng 6/1786, lợi dụng nước sông lên cao, thuyền của quân Tây Sơn đã tiến đánh sát thành, kết hợp với bộ binh giáp chiến với quân Trịnh. Không có sự phòng thủ, quân Trịnh nhanh chóng bị tiêu diệt. Thừa thắng xông lên, Nguyễn Huệ đã dẫn quân ra Nam sông Gianh, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong. 

Tranh thủ thời cơ, Nguyễn Huệ đã quyết định tiến quân ra Đàng Ngoài với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh” và kêu gọi hưởng ứng từ nhân dân. 

Ngày 21/7/1786, Nguyễn Huệ dẫn quân tiến đánh thành Thăng Long, chúa Trịnh bị bắt, chính quyền chúa Trịnh chính thức vị sụp đổ.

Nhờ vào chiến thắng ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, phong trào Tây Sơn đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất đất nước.

Nguyễn Hữu Chỉnh mưu phản – Nguyễn Huệ thu phục Bắc Hà.

Trên đường trở về Nam, Nguyễn Huệ đã cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Nghệ An để giúp Nguyễn Văn Duệ. Tuy nhiên sau khi nghĩa quân Tây Sơn rút khỏi, Bắc Hà trở nên rối loạn. 

Lê Chiêu Thống không thể dẹp hết những cuộc nổi dậy của con cháu họ Trịnh, phải nhờ đến sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Chỉnh. Lúc bấy giờ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đã chia nhau thống lĩnh 3 vùng. Sau khi đã giúp đỡ được Lê Chiêu Thống đánh tan tàn dư họ Trịnh thì lại muốn xây dựng cho mình một đội quân riêng và ra mặt chống lại nghĩa quân Tây Sơn.

Lúc này Nguyễn Huệ đã sai Vũ Văn Nhậm tiến quân ra Bắc để trị tội Nguyễn Hữu Chỉnh. Sau khi Vũ Văn Nhậm tiêu diệt được Nguyễn Hữu Chỉnh thì hắn ta lại tiếp tục có mưu đồ riêng. Đến giữa năm 1788, Nguyễn Huệ đã đích thân dẫn quân tiêu diệt Vũ Văn Nhậm. Lúc này bè phái của Lê Chiêu Thống đã trốn sang Kinh Bắc. Nguyễn Huệ xây dựng chính quyền tại Bắc Hà dưới sự giúp đỡ của Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp,…

Các cuộc chiến chống ngoại xâm

Đánh tan quân Xiêm với Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (1785)

Sơ đồ trận Rạch Gầm Xoài Mút
Sơ đồ trận Rạch Gầm Xoài Mút


Một trong những trận chiến vang danh sử sách của phong trào Tây Sơn nhất định không thể bỏ qua trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút. 

Sau khi chạy trốn, Nguyễn Ánh đã cầu cứu vua Xiêm để giành lại chính quyền. Tháng 7/1784, quân Xiêm kéo 5 vạn quân vào Gia Định. Chúng chia thành hai nhánh: 2 vạn thuỷ binh tiến vào Rạch Giá Kiên Giang, 3 vạn vộ binh xuyên qua Chân Lạp tiến vào Cần Thơ. 

Tháng 1/1785, Nguyễn Huệ dẫn quân tiến vào Gia Định, lập doanh trại ở Mỹ Tho, lựa chọn khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút đặt làm trận địa tiêu diệt địch. 

Vị trí đắc địa tạo nên chiến thắng vang dội của phong trào Tây Sơn, khúc sông này dài khoảng 6km, chiều rộng hơn 1km, có khúc rộng đến 2km. Sau khi bố trí xong trận địa mai phục, đến rạng sáng ngày 19/1/1785, Nguyễn Huệ đã dùng mưu và lừa quân Xiêm tiến vào trận địa mai phục sẵn. Toàn bộ thuỷ quân của ta ở các mũi lao ra phục kích khi địch đang xuôi theo dòng nước. 

Quân Xiêm bị đánh tan tác và không kịp trở tay, binh lính bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn khoảng vài nghìn tên còn sống sót bỏ chạy về nước, Nguyễn Ánh lại một lần nữa trốn thoát, sang Xiêm lưu vong. 

Phong trào Tây Sơn đánh đuổi quân Thanh

Vào cuối năm 1788, quân Thanh đã cử Tôn Sĩ Nghị đem theo 29 vạn quân chia làm 4 đạo quân tiến vào nước ta.

Sơ đồ Quang Trung chiến thắng quân Thanh
Sơ đồ Quang Trung chiến thắng quân Thanh

Sau khi phong trào Tây Sơn giành được thắng lợi, tháng 12/1788 Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung. Sau khi nhận được tin cấp báo, ông lập tức dẫn quân ra Bắc. Ra đến Tam Điệp, Quang Trung đã chia quân thành năm đạo tấn công: 

  • Đạo quân chủ lực: Quang Trung trực tiếp chỉ huy, thẳng hướng tiến vào Thăng Long.
  • Đạo quân thứ hai và thứ ba: Thực hiện nhiệm vụ đánh vào Tây Nam Thăng Long và yểm hộ cho đạo quân chủ lực.
  • Đạo quân thứ tư: Thực hiện nhiệm vụ tiến về Hải Dương.
  • Đạo quân thứ năm: Tiến lên Lạng Giang (Bắc Giang) để chặn đường rút lui của địch.
  • Vua Quang Trung đã cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên Đán trước đó, để đến 30 Tết sẽ tiến hành xuất quân.  

Theo như kế hoạch, vào đêm 30 tết, quân địch đang không có sự phòng bị, quân ta đã vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy) tiến vào tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch ở đồn tiền tiêu. 

Đêm mồng 3 Tết, quân ta đã bí mật vây đồn Hà Hồi, quân Thanh bị đáp úp bất ngờ nên đã hạ toàn bộ khí giới đầu hàng. 

Đến rạng sáng mồng 5 Tết, quân ta đánh vào đồn Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội). Đây là đồn trọng yếu của địch với hơn 3 vạn quân tinh nhuệ đóng giữ. Tuy nhiên nhờ vào sự dẫn binh tài tình của tướng lĩnh phong trào Tây Sơn, quân Thanh đã chống chọi không nổi, bỏ chạy tán loạn, giẫm đạp lên nhau. Đến trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung cùng đoàn quân chiến thắng đã tiến vào lấy lại thành Thăng Long. 

Thành lập vương triều nhà Tây Sơn

Sau khi phong trào Tây Sơn giành được thắng lợi, năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế lấy hiệu là Thái Đức, thành lập ra vương triều Tây Sơn. 

Năm 1788, Nguyễn Huệ kế ngôi và lấy hiệu là Quang Trung. Sau khi lên ngôi và đánh tan quân Thanh xâm lược, ông thành lập nên chính quyền các cấp, kêu gọi nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. 

Ngoài ra, Quang Trung còn lập lại sổ hộ khẩu, tổ chức lại giáo dục, thi cử, tổ chức quân đội

Về lĩnh vực ngoại giao, Quang Trung chủ trường hòa hảo với nhà Thanh, giữ mối quan hệ tốt đẹp với Lào và Chân Lạp

Ngày 16 tháng 9 năm 1792, vua Quang Trung qua đời, Quang Toản nối ngôi. Từ đó, cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh bước sang chương mới. Đến năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ vương triều Tây Sơn, thống nhất đất nước.

Kết quả của Phong trào Tây Sơn

Đây là một trong những phong trào nông dân được đánh giá là tiêu biểu và điển hình của phong trào nông dân trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhờ vào tinh thần đoàn kết của toàn dân cùng với đường lối lãnh đạo đúng đắn, phong trào đã liên tiếp giành được những thắng lợi lớn, không ngừng lớn mạnh về quy mô, giải quyết triệt để các vấn đề giai cấp. Có thể nói, thành quả lớn nhất của phong trào Tây Sơn là đã tiêu diệt được chính quyền phong kiến phản động Lê - Trịnh - Nguyễn, thống nhất đất nước. Ngoài ra, phong trào này còn vượt ra khỏi phạm vi đấu tranh giai cấp vươn lên đảm nhận vai trò chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. 

Ý nghĩa lịch sử của phong trào Tây Sơn

Phong trào đã lật đổ được chính quyền phong kiến thối nát Nguyễn - Trịnh - Lê, xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đặt nền móng vững chắc cho sự thống nhất đất nước. 

Chiến thắng trong các trận chiến chống quân Xiêm, Thanh không chỉ giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập của dân tộc mà còn đập tan mưu đồ xâm lược nước ta của các đế chế quân chủ phương Bắc.

>> Có thể bạn muốn biết thêm về vị quân chủ thời kỳ tiếp theo vua Gia Long - Nguyễn Ánh.

Phong trào Tây Sơn là một trong những phong trào nông dân tiêu biểu trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Phong trào đã xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước Đàng Trong - Đàng Ngoài, đánh tan quân Xiêm La và nhà Thanh Trung Quốc.

TrendingTrang chủ