Trần Dụ Tông là ai? Những đóng góp không thể bỏ qua

Nguyễn Minh Khánh
tháng 12 15, 2022
Last Updated

 Trần Dụ Tông được sử sách ghi lại là người có lối sống xa hoa, ăn chơi rượu chè, bỏ bê đất nước. Tuy nhiên, ông cũng có những đóng góp trong công cuộc xây dựng đất nước ở thời đó. Cùng tìm hiểu về cuộc đời vị vua Trần Dụ Tông này nhé! 

Trần Dụ Tông là ai?

Trần Dụ Tông tên thật là Trần Hạo, vị hoàng đế thứ 7 của nhà Trần nước Đại Việt, trị vì 28 năm từ 1341 đến năm 1369. Ông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1336, mất ngày 25 tháng 5 năm 1369. Trần Dụ Tông là con thứ 10 của vua Trần Minh Tông và là em trai của vua Trần Hiến Tông, mẹ là Hiến Từ Hoàng hậu. 

Trần Dụ Tông lên ngai vàng khi chỉ vựa mới 5 tuổi. Vì vậy, mọi việc triều chính đều do thượng hoàng Trần Minh Tông quyết định. Sau khi Thượng hoàng qua đời, vị vua này mới chính thức lên nắm giữ triều chính. Trong mấy năm đầu nắm giữ quyền hành, vị vua này rất hăng hái chính sự.

Trần Dụ Tông
Tượng thờ vua Trần Dụ Tông


Nhưng sau này, vua Trần Dụ Tông dở thói ham chơi sa đọa, bỏ bê triều chính, chiến sự triền miên, dân chúng lầm than. Cơ nghiệp nhà Trần từ đây suy yếu, triều đình rối ren. Năm 1369, Trần Dụ Tông mất mà không có con nối dõi. 

Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá Trần Dụ Tông như sau: 

“Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di đều thuần phục. Đời Thiệu Phong chính sự tốt đẹp; Từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó.”

Gia đình và tuổi thơ

Trần Dụ Tông là con trai thứ 10 của Vua Trần Minh Tông, là con út do Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng hậu sinh ra. Trên ông còn có Cung Túc vương Trần Nguyên Dục và Thiên Ninh công chúa. Ông là dòng tộc Hoàng đích tử, thân phận cao quý hơn cả Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông, vốn là do các phi tần sinh ra. 

Vào năm 1339, khi chỉ mới 4 tuổi trong 1 lần dạo chơi bên bờ hồ Tây, ông bị té nước và suýt chết đuối. Một thầy y cao tay đã dùng kim châm cứu nhưng nói rằng Trần Dụ Tông sẽ bị liệt dương. Năm Tân Mão 1351, người thầy y này lại chữa cho Trần Dụ Tông khỏi bệnh. Sự ức chế sinh lý kéo dài, khi được đột ngột giải tỏa ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý và tác động vào sự sa đọa của Trần Dụ Tông sau này.

Năm 1341, vua Trần Hiến Tông qua đời khi mới 22 tuổi mà không có con nối dõi. Vì anh trưởng Cung Túc vương có thái độ ngông cuồng nên Thượng hoàng Minh Tông quyết định chọn Trần Hạo lên ngôi vua.

Ngày 21 tháng 8 năm 1341, Trần Dụ Tông được phong lên làm vua khi chỉ mới 6 tuổi, tự xưng là Dụ Hoàng. Vì tuổi đời còn quá nhỏ nên mọi việc trong triều chính đều được Thượng hoàng quyết định. 

Là một Hoàng tử, Trần Dụ Tông được nuôi dạy chu đáo, có điều kiện phát triển trí tuệ. Từ nhỏ ông đã có tư chất thông minh hơn người, lớn lên càng thông tuệ, học vấn cao minh, giỏi cả văn và võ.

Năm 13 tuổi Trần Dụ Tông lấy công chúa Ý Từ là con gái thứ tư của Bình Chương Huệ Túc vương sách phong làm Nghi Thánh Hoàng hậu.

Sự nghiệp

Sau khi vua cha qua đời, vua Trần Dụ Tông đích thân chấp chính và triều đại của ông đánh dấu sự mở đầu của quá trình suy yếu nền chính trị của họ Trần về sau. Lúc này, Nhà Nguyên đang đại loạn, Minh Thái Tổ dấy binh đánh với Trần Hữu Lượng, sai sứ giả sang nhờ triều đình nhà Trần cứu viện.

Tuy nhiên, nhà vua nhận thấy chiến sự hỗn loạn nên không tham gia. Thế nhưng, ông vẫn cho quân lính phòng ngự ở biên giới để tránh bạo loạn. Ở phía Nam, Chiêm Thành trở nên khó lường, nhiều lần qua cướp các vùng Thanh Hóa, Hóa Châu, làm hại dân lành. Vua Trần Dụ Tông ra sức sai quân lính bảo vệ biên cương, nhưng vẫn ở thế giằng co.

Những năm đầu làm vua, có Thượng hoàng Trần Minh Tông và các đại thần giúp đỡ nên dù đất nước gặp nhiều khó khăn, mất mùa đói kém, Trần Dụ Tông vẫn duy trì được việc chính trị có nề nếp. 

Mặc dù mang tiếng ăn chơi nhưng Trần Dụ Tông cũng có nhiều đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quốc gia.

Trần Dụ Tông ý thức thường xuyên cảnh giác kẻ thù xảo quyệt và tàn bạo phương Bắc, chăm lo việc phòng thủ biên giới Tây Nam, tăng cường củng cố quốc phòng như tổ chức đóng chiến thuyền, chế tạo vũ khí, luyện tập binh sĩ, bố trí các quan có năng lực đảm đương nhiệm vụ ở những nơi xung yếu, cử binh chinh phạt Chiêm Thành...

Vì mục đích hòa bình cho đất nước,Trần Dụ Tông duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với các nước láng giềng. Tháng 8 năm Ất Dậu 1345, nhà Nguyên sai Vương Sĩ Hành sang hỏi về việc cột đồng. Mặc dù lúc này chính sự nhà Nguyên đã suy đồi, Trần Dụ Tông vẫn dùng chính sách ngoại giao mềm dẻo, sai Phạm Sư Mạnh đi biện bạch nhằm gìn giữ hòa bình. Năm Mậu Thân 1368, Minh Thái Tổ lên ngôi ở Kim Lăng, sai Dịch Tế Dân sang thăm ta. Trần Dụ Tông sai Lễ bộ thị lang Đào Văn Đích sang nhà Minh đáp lễ, thiết lập mối quan hệ bang giao giữa hai nước.

Về đối nội, Trần Dụ Tông quan tâm cải tổ chính quyền, quân đội, chăm lo đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Không chỉ quan tâm tới việc hoàn chỉnh luật pháp để điều chỉnh xã hội, Trần Dụ Tông còn quan tâm tới đời sống dân nghèo. Mỗi khi đất nước gặp thiên tai, mất mùa, đói kém... vua đều có những chính sách kịp thời cứu trợ nhân dân như giảm tô thuế các năm: 1343, 1354, 1362... Tháng 4 năm Đinh Dậu 1357, xuống chiếu cho các lộ Thanh Hóa, Nghệ An khơi các kênh ngòi cũ. Năm Mậu Tuất 1358, hạn hán, sâu cắn lúa, cá chết nhiều. Tháng 8 năm đó xuống chiếu khuyến khích các nhà giàu bỏ thóc ra chẩn cấp dân nghèo, các quan địa phương tính giá trị ra tiền để hoàn trả lại. Tháng 9 năm 1362 vua về Thiên Trường, ban thuốc công và tiền gạo cho người đau ốm. Dân nghèo ai đến cũng đều được ban cho 2 tiền, 2 thăng gạo và 2 viên thuốc Hồng Ngọc Sương chữa bách bệnh.

Dưới thời Trần Dụ Tông, nhiều nhân tài đã được trọng dụng như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Trong  thời kỳ đầu làm vua, Trần Dụ Tông do đã biết trọng dụng nhân tài nên mặc dù đất nước gặp rất nhiều khó khăn vẫn duy trì được nề nếp chính sự.

Để nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước, Trần Dụ Tông quan tâm đến việc tuyển chọn, bồi dưỡng nhân tài, tuyển quan lại qua thi cử đã giúp cho triều đình chọn được người có thực tài để giao cho họ những chức vụ quan trọng, hạn chế tình trạng người không có tài đức lọt vào cơ quan nhà nước. Dùng thi cử để tuyển chọn quan lại là biện pháp tích cực được Trần Dụ Tông quan tâm, đã góp phần làm tăng cường năng lực quản lý của bộ máy nhà nước.

Từ năm Đại Trị 1358 về sau, Khi Trần Minh Tông và các cận thần đã qua đời. Trần Dụ Tông  bắt đầu sa vào con đường ham chơi bời, cờ bạc, bỏ bê chính sự, dẫn đến sự kiện Dương Nhật Lễ lên ngôi gây ra rối ren sóng gió cho đất nước. Ngoài thì mất mùa đói kém, giặc giã nổi lên như ong, làm cho dân tình vô cùng khổ sở. Trong thì bọn gian thần kéo bè kết cánh lũng đoạn triều đình.

Năm Nhâm Dần 1362, Chu Văn An dâng sớ xin chém đầu 7 tên gian thần để ổn định chính sự, Trần Dụ Tông không đồng ý. Đã thế Trần Dụ Tông lại ham chơi bời, xây cung điện để đánh bạc, mở tiệc bắt các quan thi uống rượu.

Năm Quý Mão 1363 Trần Dụ Tông cho dựng điện Song Quế, xếp đá làm núi, đào hồ Lạc Thanh trong vườn ngự uyển ở hậu cung, sai người chở nước mặn đổ vào hồ, nuôi cá sấu... để làm nơi chơi bời hưởng lạc. Năm Bính Ngọ 1366 vua đi chơi nhà Trần Ngô Lang về khuya bị cướp cả ấn báu và gươm báu.

Lăng mộ 

Ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu 1369 Trần Dụ Tông băng hà ở chính tẩm trong tâm trạng u uất không có con nối dõi tông đường, thọ 34 tuổi. Trần Dụ Tông được táng ở Dụ Lăng - lăng Phụ Sơn (nay thuộc xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu tiến hành tìm kiếm và khai quật lăng mộ của các vị vua thời xưa. Trong đó, lăng mộ của Trần Dụ Tông nổi bật hơn cả.

Di tích khảo cổ lăng Phụ Sơn đã lần lượt khai quật vào các năm 2012 và 2016. Trong đó, kiến trúc lăng gồm có 3 tầng, xếp theo hình kim tự tháp, bên ngoài có tường bao quanh. 

Mặc dù trong lịch sử luôn có những nhà vua anh minh lỗi lạc, phát triển đất nước nhưng cũng có những nhà vua ăn chơi đua đòi, không quan tâm chính sự. Mặc dù như thế nào thì những vị vua cũng đều là một phần lịch sử huy hoàng của dân tộc ta. Trần Dụ Tông mặc dù mang nhiều tai tiếng nhưng cũng có những đóng góp cho sự nghiệp của dân tộc. Bạn nghĩ như thế nào về vị vua này? Hãy cho Holaai.org biết cảm nghĩ bên dưới phần bình luận nhé!

TrendingTrang chủ