Vua Hàm Nghi - Tóm tắt tiểu sử và hành trình lưu đày Algeria

Nguyễn Minh Khánh
tháng 5 05, 2023
Last Updated

 Vua Hàm Nghi là một vị vua dù tuổi đời còn trẻ nhưng giàu lòng yêu nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm. Dưới đây, cuộc đời, sự nghiệp và câu chuyện Hàm Nghi bị bắt đi đày sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc.

Xuất thân

Năm 1871, Nguyễn Phúc Ưng Lịch được sinh ra đời. Ông là con trai của Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn. Cha của ông nhận được tôn hiệu Kiên Thái Vương là hoàng tử, con trai của vua Thiệu Trị. Bà Phan Thị Nhàn là con gái quan đại thần Phan Thanh Giản.

chân dung vua Hàm Nghi
Chân dung vua Hàm Nghi


Năm 1884, vua Hiệp Hòa ký hiệp ước Patenôtre, chính thức đầu hàng, mặc nhiên cho quân Pháp đặt ách cai trị nước An Nam. Phái chủ chiến, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, bất mãn sâu sắc vua Hiệp Hòa, tìm cách phế vua, đưa Kiến Phúc lên thay.

Kiến Phúc lên ngôi được vài tháng thì băng hà. Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đưa cậu bé Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi khi mới 13 tuổi. Ngoài ra, Ưng Lịch chính là em trai cùng cha khác mẹ của vua Đồng Khánh sau này.

Tóm tắt tiểu sử

  • 3/8/1871: Nguyễn Phúc Ưng Lịch ra đời.
  • 2/8/1884: Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi, hiệu là Hàm Nghi.
  • 6/7/1885: phe chủ chiến thua trận kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đi lánh nạn.
  • 9/7/1885: Vua đến Quảng Trị, lập chiếu Cần Vương lần thứ nhất.
  • 20/9/1885: Nhà vua đến Hà Tĩnh, lập chiếu Cần Vương lần thứ hai.
  • 26/9/1888: Vua Hàm Nghi bị bắt.
  • 13/12/1888: Vua Hàm Nghi bị đày sang Algeria.
  • 14/1/1944: Vua Hàm Nghi qua đời.

Vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương

Sự xâm lăng ngang ngược của quân đội Pháp chia triều đình ra làm 2 phe: Chủ chiến và chủ hoà. Phái chủ chiến do Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đứng đầu, lần lượt phế truất những vị vua thân Pháp và đưa vua Hàm Nghi lên ngôi.

Ngày 6/7/1885, quân ta bí mật đánh úp vào đồn Mang Cá giữa lúc địch đang tiệc tùng chè chén mở màn cuộc phản công ở kinh thành Huế. Tuy hoang mang, nhưng lúc trời sáng, quân Pháp phản công vô cùng mạnh mẽ. Được đà, chúng xâm nhập vào Hoàng thành cướp phá. Vua Hàm Nghi cùng Tam cung lên xa giá đi lánh nạn.

Đầu tiên nhà vua đến Quảng Trị, ban chiếu Cần Vương lần thứ nhất. Nhưng rồi nhận thấy ở đây không an toàn. Vì vậy, đoàn hộ giá nhà vua chạy ra Hà Tĩnh.

Tại đây, cùng sự trợ giúp của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, vua thảo chiếu Cần Vương lần thứ hai, mở ra một phong trào chống Pháp của sĩ phu, văn thân yêu nước. Hưởng ứng lời vua, các cuộc khởi nghĩa từ Bắc chí Nam lần lượt nổ ra, cho quân Pháp bao phen khốn đốn. Tiếc rằng thiếu sự liên kết lực lượng nên kết quả cũng thất bại.

>> Xem bài viết chi tiết phong trào Cần Vương.

Hàm Nghi còn soạn thư cầu cứu nhà Mãn Thanh cùng rất nhiều chỉ dụ cho quan lại dưới quyền. 

Ông từ chối làm vua, nói rằng thà chết trong rừng còn hơn làm vua bù nhìn của giặc. Thật là một vị minh quân dũng cảm.

Bị bắt

Sau ngày chiếu Cần Vương được ban bố, thực dân Pháp đã thực sự xem Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi là cái gai cần loại bỏ. Chúng treo giá 500 lượng vàng cho ai bắt được vị minh quân này.

Đầu mùa thu năm 1888, Nguyễn Đình Tình trở mặt phản bội, dụ được thêm Trương Quang Ngọc về phe Pháp. Vốn tính tham lam, lại nghiện thuốc phiện nặng nên Trương Quang Ngọc tình nguyện bắt sống vua cho Pháp. 

Đêm khuya ngày 26/9/1888, vua Hàm Nghi đang ngủ say ngủ thì quân Pháp ập vào bắt bớ. Tôn Thất Thiệp chịu trách nhiệm bảo vệ vua bị đâm chết. Trương Quang Ngọc xông vào bắt vừa, giao nộp về kinh thành. 

Ban đầu, nhà vua nhất quyết không nhận mình là Hàm Nghi. Nhưng vì một chút sơ hở mà cuối cùng cũng bị lộ.

Khi biết tin sét đánh rằng nhà vua đã lọt vào tay giặc, Tôn Thất Đạm soạn lá thư, nhờ đưa đến tay vua. Thư có đoạn viết: 

"Không được gần gũi Hoàng thượng để hộ giá, khi có kẻ phản thần làm việc ám muội, thần mang tội rất nhiều…Các quan văn võ sẽ mang hận ấy suốt đời, vậy xin Hoàng thượng tha thứ cho và thề sẽ hết lòng trung cho đến thác” (Phan Trần Chúc - Vua Hàm Nghi, NXB Thuận Hóa - 1995, trang 174)

Hành trình lưu đày

Sau khi rơi vào tay giặc, ông nhất quyết không chịu về Huế dù bọn chúng đã dùng đến chiêu bài sức khỏe Thái hậu. Vì thế, ngày 25/11/1888, Pháp đưa ông xuống tàu đến Lăng Cô "tĩnh dưỡng". Chiều 13/1/1889, Pháp đày vua Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algeria.

Tại đây, chúng tạo sức ép để Hàm Nghi từ bỏ văn hóa Việt Nam, nhằm qua mặt thuộc địa rằng chúng đã quy phục được bậc quân vương của họ.

Tuy nhiên, nhà vua vẫn giữ tấm lòng son sắt, không hề nhượng bộ đối với quân Pháp đang đô hộ quê nhà. Vua Hàm Nghi không chịu học tiếng Pháp, vẫn giữ nguyên lề thói, phục trang của Việt Nam, chứng tỏ mình là một con người An Nam từ trong ra ngoài. 

Nhưng rồi nhà vua nhận thấy người Pháp ở đây cũng thân thiện dễ mến chứ không như bọn "giặc ngoại xâm" ở quê nhà. Hàm Nghi bắt đầu học tiếng Pháp, sau vài năm đã có thể đọc và nói rất thạo. Ông được giới thiệu với một hoạ sĩ người Pháp và bắt đầu theo đuổi hội họa phương Tây.

Để khẳng định mình không thể bị khuất phục, ông vẽ một bức tự họa bằng chì than, cho sao in 200 bản gửi về Đông Dương. Bức tranh vẽ ông trong trang phục Việt Nam, rồi ký tên "Người chiến đấu chống lại người Pháp"

Hành động đó như một cú tát cho âm mưu của quân Pháp.

Năm thứ 15 bị lưu đày, ông kết hôn với một người con gái Pháp. Suốt phần đời ở xứ người, trong lòng ông chẳng bao giờ thôi nhớ về cố hương.

Hậu duệ

Hậu duệ vua Hàm Nghi được chia làm 3 nhánh chính như sau:

Nhánh Phan Thị Hòa

Trước khi vua Hàm Nghi bị lưu đày, nhà vua đã cưới một cô gái tên là Phan Thị Hòa. Sách “L’empire D’Annam” có ghi lại như sau: 
Hàm Nghi đã cư trú tại Thanh Lạng được vài ngày, năm 1885 và năm 1886 người ta có nói là vua đã kết hôn với một cô gái trẻ ở làng.

 Năm 1889, bà Phan Thị Hòa sinh được một người con trai là hoàng tử Bửu Trắc. Dưới thời vua Khải Định, Bửu Trắc được đón về kinh thành cư trú. Khi vua Khải Định mất, Bửu Trắc đổi họ tên thành Duy Thịnh, được cử sang Phnom Penh giữ chức vụ giám đốc tài chính cho công ty của người Pháp là Descours & Cabaud.

Nhánh Marcelle Laloe

Khi bị lưu đày sang Algeria, vua Hàm Nghi kết hôn với Marcelle Laloe là con gái vị Chánh Biện lý Tòa Thượng thẩm người Pháp.

đám cưới vua Hàm Nghi
Đám cưới vua Hàm Nghi và Marcelle Laloe

Đức vua cùng Vương phi có với nhau 3 người con:  Công chúa Như Mai, Công chúa Như Lý và Hoàng Tử Minh Đức.

Dù các con trên danh nghĩa là người Pháp, cựu hoàng Hàm Nghi vẫn hết lòng dạy dỗ các con về đất nước Việt Nam. Tiếc rằng không thể đưa con về Việt Nam, đấng cựu hoàng vẫn dặn dò con rằng: 

Các con chưa thể là một người Việt Nam tốt thì trước hết hãy là một người Pháp tốt.

Cả 3 người con của cựu hoàng đều lớn lên vô cùng tài giỏi.

Hoàng tử Minh Đức học trong trường Võ bị, rồi phục vụ trong quân đội Pháp. Ông từ chối chiến đấu tại Đông Dương, chấp nhận khả năng bị đưa ra tòa án quân sự. 

Công chúa Như Mai là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đỗ Thạc sĩ nông nghiệp, mà lại đỗ thủ khoa. Bà đem tài năng của mình giúp người dân trồng trọt, cải tạo đất đai, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhưng tiếc là tuy một lòng hướng về tổ quốc, 2 người con đó của Đức cựu hoàng chưa 1 lần được quay lại cố hương.

Duy chỉ có công chúa Như Lý là có cơ hội trở về Việt Nam, mang theo nhiều câu chuyện quý giá về lòng yêu nước, hướng về dân tộc đến hơi thở cuối cùng của cha mình. Ngoài ra chắt gái của công chúa, cô Amandine Dabat là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật đồng thời tốt nghiệp thạc sĩ Việt Nam học.

Nhánh Gabrielle Capek

Khi ở Algeria, nhà vua đem lòng yêu một cô gia sư gốc Đông Âu tên là Gabrielle Capek. Họ có với nhau một người con trai tên là Jean Capek. Về sau, Jean Capek tham gia lái máy bay cho quân đội Pháp. Nhà vua đã để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật, tranh tượng quí giá cho hậu duệ thuộc nhánh này. 

Triển lãm tranh của vua Hàm Nghi

Amandine Dabat là hậu duệ 5 đời của vua Hàm Nghi đã quyết định làm luận án tiến sĩ của mình với đề tài "Lịch sử nghệ thuật của vua Hàm Nghi".

vua Hàm Nghi vẽ tranh
Vua Hàm Nghi vẽ tranh

Nhận thấy tiềm năng trong luận án này,  một bảo tàng ở thành phố Nice của Pháp đã liên hệ xin hợp tác để mở một cuộc triển lãm nhằm tạo điều kiện cho người dân có dịp biết thêm về một vị hoàng đế của triều Nguyễn.

Đến thăm thành phố Nice thơ mộng, khách du lịch có thể ghé thăm bảo tàng nghệ thuật châu Á để được tận mắt chứng kiến các di vật của một quân vương An Nam. Nơi đây cất giữ rất nhiều bức tượng thạch cao, đồng,...cùng các bức tranh chì than, màu nước, sơn dầu của vua Hàm Nghi. Trong những năm lưu đày, ông nỗ lực theo đuổi đam mê hội họa phương Tây nên số lượng tác phẩm để lại rất đồ sộ.

Tranh của vua Hàm Nghi
Tranh của vua Hàm Nghi


Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng hộ chiếu, giấy chứng nhận kết hôn, phục trang, thư từ và nhiều cổ vật khác đồng hành cùng Hàm Nghi lúc sinh thời.

Để có được một triển lãm chỉn chu như vậy, cô Amandine Dabat đã mất gần 10 năm nghiên cứu và rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm.

Cô Dabat nói về mục đích buổi triển lãm: 

"Chúng tôi muốn giới thiệu tới công chúng, kể cả người Pháp và Việt Nam, một cái nhìn khá trọn vẹn về cuộc đời vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước bị lưu đày, nhưng mang tâm hồn của một nghệ sĩ, một nhà điêu khắc, học trò của những nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp như Auguste Rodin".

Tuy lên ngôi khi còn nhỏ tuổi, lại trị vì chẳng được lâu, thế nhưng vua Hàm Nghi vẫn để lại ấn tượng cho chúng ta về một bậc minh quân kiên quyết đấu tranh đến cùng với thế lực ngoại bang để giữ vững bờ cõi.

Các câu hỏi thường gặp

  • Vua Hàm Nghi là một vị vua như thế nào?

Vua Hàm Nghi là một vị vua ái quốc, không nhân nhượng quân Pháp và quyết kháng chiến đến cùng. Ngoài ra, Hàm Nghi cũng là ông vua đam mê hội họa.

  • Sau vua Hàm Nghi là vua nào?

Sau vua Hàm Nghi là vua Đồng Khánh.

TrendingTrang chủ