Đế quốc La Mã Thần Thánh - Tóm tắt biên niên sử 1000 năm

Nguyễn Minh Khánh
tháng 5 18, 2023
Last Updated

 Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire) hay Thánh Chế La Mã đã tồn tại gần 1000 năm trong lịch sử châu Âu. Đế chế này trên danh nghĩa thừa kế đế quốc Tây La Mã nhưng lại có sự can thiệp quyền lực từ phía giáo hoàng. Sau đây, chúng ta sẽ cùng điểm qua lịch sử hình thành của đế quốc La Mã Thần Thánh đã chi phối nền chính trị châu Âu trong nhiều thập kỷ. 

Khái niệm 

Để quốc La Mã thần thánh là một liên minh của nhiều vương quốc, công quốc, thành phố tự do như:  Vương quốc Đức, Vương quốc Ý, Vương quốc Bourgogne, Vương quốc Bohemian cùng nhiều thành phố và quốc gia khác của châu Âu. Trong đó, mỗi vương quốc đều có những nhà cai trị riêng.

Vào thời hoàng kim, diện tích Đế quốc La Mã thần thánh có diện tích khoảng 1 triệu km2, bao gồm: phía đông từ Đức, Ba Lan kéo dài đến phía Tây đến Thụy Sĩ, Đan Mạch ở phía Bắc và kéo dài đến phía bắc nước Ý ở phía Nam. Tuy nhiên, lãnh thổ của đế quốc La Mã Thần Thánh có sự thay đổi theo từng thời kỳ. Thế nhưng, chúng ta có thể ước lượng diện tích của nó vào thời hoàng kim tương đương với 1/3 lãnh thổ liên minh châu Âu ngày nay.

Cờ đế quốc La Mã thần thánh
Cờ đế quốc La Mã Thần Thánh


Thánh chế La Mã tồn tại trong một thời gian dài, từ cuối thời sơ kỳ Trung Cổ cho đến đầu thế kỷ 19. Nó được xem là một hình thể siêu quốc gia, chưa từng phát triển thành một đế quốc thực sự. Đế quốc La Mã Thần Thánh không phải là một quốc gia liên bang, quyền lực không nằm hoàn toàn trong tay của bất kỳ cá nhân hay tập thể nào. Có thể nói, đế chế này là tập hợp hình thái của nhiều quốc gia và nhận được sự ủng hộ từ giáo hội.

Đặc điểm nổi bật nhất của thể chế này là giáo hoàng ban ngôi cho hoàng đế.

Tên gọi 

Trước kia, vương quốc này chỉ được gọi là đế chế La Mã một cách đơn thuần. Năm 1157, từ sacrum (thánh) mới được thêm vào danh xưng của đế chế này và trở nên phổ biến đến tận ngày nay. Cái tên "thánh chế La Mã" bắt nguồn từ những đòi hỏi của hoàng đế La Mã, nhằm tiếp tục truyền thống của đế chế La Mã cổ và hợp pháp hoá quyền cai trị giống như thánh ý của Thiên Chúa giáo.

Danh xưng "Đế chế La Mã Thần thánh" được công nhận và sử dụng từ sau năm 1254.

Có một giai đoạn, tên của đế chế được đổi thành "đế chế La Mã thần thánh của quốc gia Đức", tuy nhiên cái tên này đã không còn được công nhận từ cuối thế kỷ 18.

Nhà triết học, đồng thời là nhà chính trị học Voltaire đã có một câu châm biếm nổi tiếng về cái tên này:

 Cơ quan này được gọi là và vẫn tự gọi mình là Đế chế La Mã Thần thánh, hoàn toàn không phải là thần thánh, cũng không phải là La Mã, cũng không phải là một đế chế.

Sau khi tan rã vào năm 1806, thánh chế La Mã được gọi là "đế chế Đức-La Mã cũ"

Tóm tắt biên niên sử đế quốc La Mã Thần Thánh

Lịch sử hơn 1000 năm của đế quốc rất dài. Vì vậy, để tiện cho bạn đọc theo dõi, chúng tôi đã thực hiện tóm tắt theo biên niên sử những sự kiện quan trọng của đế quốc như sau:
  • Năm 800, Charlemagne vua của Frank được Giáo hoàng Leo III ban phước công nhận làm Hoàng đế La Mã Thần Thánh, góp phần làm sống lại khái niệm về đế chế La Mã đã từng tồn tại ở phương Tây.
  • Năm 843, hiệp ước Verdun chia tách Đế chế Frank thành ba phần. Từ đó, đánh dấu Đế quốc La Mã Thần Thánh bắt đầu của ở Đức.
  • Năm 962, hoàng đế Đức là Otto I được Giáo hoàng John XII ban phước làm Hoàng đế La Mã Thần Thánh, mở đầu cho thời kỳ chính thức của đế quốc này.
  • Năm 1032, vùng Burgundy sáp nhập vào Đế quốc.
  • Năm 1155, Frederick I Barbarossa trở thành Hoàng đế La Mã Thần Thánh. Dưới thời của ông, Đế quốc đạt đến đỉnh cao của quyền lực và lãnh thổ.
  • Năm 1250, Frederick II qua đời, gia tộc Hohenstaufen không còn kế thừa ngôi vị Hoàng đế La Mã Thần Thánh. Từ đó, đế quốc bước vào thời kỳ không ổn định.
  • Năm 1356, hoàng đế Charles IV ban hành sắc lệnh Golden Bull quy định việc bầu chọn hoàng đế của đế quốc.
  • Năm 1521, tại Đại hội Worms, nhà cải cách tôn giáo là đức cha Martin Luther từ chối rút lại các lý thuyết của mình, khởi đầu cuộc cải cách Tin Lành hay cải cách Kháng Cách. Đế quốc trở nên chia rẽ theo tôn giáo.
  • Năm 1555, hiệp ước Augsburg kết thúc chiến tranh giữa phe Công giáo và Tin lành, cho phép các vương quốc trong đế quốc tự quyết định tôn giáo của họ.
  • Từ năm 1618 - 1648, chiến tranh ba mươi năm là cuộc xung đột lớn về tôn giáo, chính trị diễn ra làm đế quốc suy yếu.
  • Năm 1701, vua Frederick I của Phổ tự lập làm vua gây nên sự căng thẳng trong đế quốc.
  • Năm 1806, Francis II bị Napoleon Bonaparte đánh bại. Sau đó, nhà vua từ bỏ danh hiệu Hoàng đế La Mã, chính thức kết thúc sự tồn tại của Đế quốc La Mã Thần Thánh.

Các giai đoạn của đế quốc La Mã Thần Thánh

Giai đoạn hình thành

  • Thời kỳ Carolingian

Thế kỷ thứ 5, khi quyền lực La Mã ở Gaul giảm sút, các bộ lạc Germanic địa phương nổi dậy nắm quyền . Sang đầu thế kỷ thứ 6, dưới sự chỉ huy của Clovis I, người Merovingian đã tập hợp các bộ lạc Frank thành 1 thực thể thống nhất. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 8, người Merovingian mất dần quyền lực và người Carolingian , do Charles Martel lãnh đạo, đã trở thành người nắm quyền trên thực tế. Năm 751, Giáo hoàng đồng ý cho Pepin trở thành Vua của người Frank. 

Sau 17 năm cai trị, Pepin nhường ngôi cho con trai là Charlemagne. Tân vương của người Frank bành trướng lãnh thổ, hợp nhất  Pháp, Đức, miền bắc nước Ý, một số quốc gia khác với các vùng đất của Giáo hoàng. 

Năm 797, Hoàng hậu Irene, mẹ của Hoàng đế Đông La Mã Constantine VI phế truất con trai khỏi ngai vàng. Và Charlemagne trở thành một ứng cử viên sáng giá cho vị trí kế nhiệm. Quả thật, vào giáng sinh năm 800, Giáo hoàng trao ngôi Hoàng đế cho Charlemagne. Dù vậy, sau khi Charlemagne qua đời, gia tộc của ông rơi vào nội chiến thảm khốc. Vì vậy, vương miện hoàng đế La Mã Thần Thánh phải bỏ trống trong thời gian dài.

Thời kỳ hoàng kim

  • Vương triều Ottonian

Năm 951, Otto I giúp đỡ nữ hoàng Ý chiến thắng kẻ thù, rồi kết hôn với bà và trở thành quốc vương Ý. Năm 962, Giáo hoàng John XII đưa Otto I lên ngôi Hoàng đế, đánh dấu sự trở lại của các vị vua Đức. Otto I hay Otto the great cũng được xem là hoàng đế đầu tiên của đế quốc La Mã Thần Thánh. 

Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ của nghệ thuật được, được tôn vinh là Phục hưng Ottonian, chủ yếu diễn ra ở Đức, miền Bắc nước Pháp và Ý.

Năm 961, Otto I cho phép con trai mình đồng cai trị. Đến năm 967 ông nhường ngôi lại cho con trai là Otto II. Lúc bấy giờ Otto II vừa sang tuổi 18. Lúc còn tại vị, ông đã dành mọi nỗ lực để sát nhập lãnh thổ Ý vào Thánh chế la mã.

Bản đồ đế quốc La Mã Thần Thánh
Bản đồ đế quốc La Mã thần thánh


Sau mười năm trị vì, Otto II băng hà và người kế vị là con trai ba tuổi của ông. Vị vua trẻ tuổi này đã khiến triều đại Ottonian rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Điều đó đã khiến công chúa Byzantine Theophany phải buông rèm nhiếp chính, dành tâm huyết cho công cuộc thúc đẩy chương trình nghị sự ở Ý.

Đến lúc đủ tuổi nắm quyền, Otto III đưa những người có quan hệ mật thiết với mình lên làm Giáo hoàng. Năm 1000, ông lập nên Tổng Giáo phận Gniezno. Một năm sau ông bị trục xuất khỏi Rome và qua đời ở tuổi 21. 

Otto III không có con vì thế ngai vàng thuộc về một người thuộc dòng dõi Otto là công tước Henry II. Những năm đầu tiên của quá trình cai trị Henry II ra sức củng cố quyền lực chính trị bằng cách ban tặng và thành lập nhiều Giáo phận đan xen vào nhau.

Vì ông không có con nên lúc Henry II băng hà năm 1024, vương triều Ottonian kết thúc

  • Mở rộng lãnh thổ

Năm 961, đại đế Otto I đã chế ngự vương quốc Ý và mở rộng lãnh thổ của mình về phía bắc, đông và nam lúc bấy giờ thánh chế la mã đã kiểm soát hầu hết miền và miền nam Châu  u

Năm 1440 đại công tước Áo Frederick III lên ngôi hoàng đế, mở ra thời kỳ của dòng họ Habsburg của Áo bằng sức mạnh của mình, Frederick III mở rộng lãnh thổ đến mức cực đại bao gồm cả Hungary, Tây ban nha, Bồ đào nha, Croatia và một số quốc gia khác.

Giai đoạn suy thoái

Đế quốc La Mã Thần Thánh đã chứng kiến sự suy yếu vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh ba mươi năm (1618-1648) đánh dấu giai đoạn suy thoái của đế quốc và không thể khôi phục được. Cuộc chiến này leo thang từ cuộc xung đột tôn giáo giữa phe Công Giáo và Tin Lành lan rộng sang các quốc gia lớn. Trong đó, nước Pháp và Thụy Điển tìm cách hạn chế quyền lực của Thánh Chế La Mã mà đứng đầu là các hoàng thân người Đức. Kết thúc cuộc chiến dai dẳng này, Pháp và Thụy Điển giành được thắng lợi.

Sau chiến tranh, hiệp ước Westfalen được ký kết tạo ra trật tự mới trên toàn cõi Châu Âu. Quyền lực giờ đây không còn nằm hoàn toàn trong tay hoàng đế La Mã thần thánh như trước. Bởi vì nước Đức đã bị chia cắt thành 300 tiểu vương quốc. Tất cả các nước chư hầu của Đức đều được độc lập.

>> Xem bài viết chi tiết chiến tranh ba mươi năm.

Giai đoạn sụp đổ

Năm 1789, cách mạng tư sản Pháp thành công lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, sau đó là chế độ cộng hòa. Trong đó, nhà vua không còn nắm giữ toàn bộ quyền lực mà phải tuân theo hiến pháp. Ở Pháp, vua Louis XVI bị xử tử. Napoleon Bonaparte đảo chính lên nắm quyền, mở nhiều cuộc chiến tranh trên khắp châu Âu.

Hồi cáo chung đối với chế độ phong kiến châu Âu cũng là hồi kết cho đế quốc La Mã Thần Thánh. Năm 1806, Francis II bị Napoleon Bonaparte đánh bại rồi từ bỏ ngôi hoàng đế La Mã Thần Thánh. Từ đó, đế quốc La Mã Thần Thánh chính thức sụp đổ đánh dấu sự kết thúc của một chế độ chính trị mang tính lịch sử quan trọng ở châu Âu.

Trong những trang sử lớn của châu Âu, đế quốc La Mã Thần thánh đã để lại dấu ấn vĩ đại đã làm thay đổi cục diện chính trị và văn hóa của cả lục địa già. Tuy nhiên, đế quốc này chỉ là một phần nhỏ trong lịch sử phương Tây. Hãy cùng chúng tôi tiếp tục khám phá các sự kiện lịch sử hấp dẫn khác trong những bài viết tiếp theo nhé.

TrendingTrang chủ