Tóm tắt tiểu sử Phan Bội Châu - Khái quát cuộc đời, sự nghiệp

Nguyễn Minh Khánh
tháng 5 21, 2023
Last Updated

  Phan Bội Châu vừa là nhà cách mạng tiêu biểu hoạt động trong thời kỳ Pháp thuộc và còn là một danh sĩ nổi tiếng trong giai đoạn lúc bấy giờ. Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu thêm về Phan Bội Châu cũng như những đóng góp tiêu biểu của ông bạn nhé!

>> Bài viết này có sẵn ngôn ngữ tiếng Anh.

Gia đình và xuất thân 

Phan Bội Châu sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, về sau là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông xuất thân trong gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước. Thân sinh của ông là cụ Phan Văn Phổ, làm nghề dạy học. Mẹ là Nguyễn Thị Nhàn thuộc dòng dõi thế gia, đoan trang hiền hậu.

Phan Bội Châu


Thuở thiếu thời ông có tên là Phan Văn San, vì trùng tên húy với vua Duy Tân (Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu. Lúc đi học ông lấy hiệu là Hải Thụ, sau đó đổi là Sào Nam. Ngoài ra còn có nhiều biệt hiệu và bút danh khác như: Thị Hán, Phan Giải San, Phan Sào Nam, Hiếu Hán,...

Tài không đợi tuổi

Phan Bội Châu đã thuộc sách Tam tự kinh trong vòng ba ngày khi chỉ mới lên 6, đọc và hiểu sách Luận ngữ khi chỉ mới 7 tuổi. Năm 13 tuổi, ông đã tham gia ứng thí và đỗ đầu trường huyện. Năm 17 tuổi, khi nghe tin “Bắc kỳ khởi nghĩa”, Phan Bội Châu đã nhiệt tình hưởng ứng và học theo Hưng Đạo Đại vương để viết bài hịch “Bình Tây thu Bắc”. 

Đến Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900), Phan Bội Châu đã tham gia dự thi và đỗ đầu kỳ thi Hương, tuy nhiên sau đó cụ Phan lại tạm xếp bút nghiên để bắt đầu dấn thân cho sự nghiệp lớn. Ông bôn ba khắp nơi từ Bắc vào Nam và sang các nước lân cận để tìm đường cứu nước. 

Tóm tắt tiểu sử Phan Bội Châu

Sự nghiệp của ông có thể được chia làm 3 giai đoạn chính như sau:

  • Giai đoạn đầu đời từ năm 1867 đến 1900: Phan Bội Châu chăm chỉ học hành, thi đỗ giải Nguyên. Năm 1897, ông bị kết án chung thân không được đi thi do mang văn tự vào trường thi. Sau đó, ông đành về quê dạy học. Tuy nhiên, vua Thành Thái vì mến tài đã tha tội để ông được đi thi vào năm 1900.
  • Năm 1904, Phan Bội Châu đã thành lập hội Duy Tân. Tổ chức đầu tiên của Phan Bội Châu trong quá trình hoạt động cách mạng là hội Duy Tân. Từ 1904 đến 1912, hội Duy Tân phát động phong trào Đông Du đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật du học.
  • Giai đoạn từ năm 1912 đến 1925: Phan Bội Châu hoạt động ở Trung Quốc, thành lập Việt Nam Quang Phục Hội. Ngày 24 tháng 12 năm 1913, Pháp thành công thuyết phục chính phủ Quốc dân đảng của Trung Quốc bắt giam ông. Năm 1917, Phan Bội Châu được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến năm 1925, ông bị Pháp bắt cóc, đem về nước, xử án chung thân.
  • Giai đoạn từ năm 1925 đến 1940, ông bị giam tại Huế đến khi qua đời.

Sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu

Sau khi đỗ đầu kỳ thi Hương, Phan Bội Châu đã bắt đầu có tiếng trong giới Văn thân Nho sĩ. Ông đã tận dụng cơ hội này để tìm kiếm và kết giao với nhiều anh hùng yêu nước ở xứ Thanh - Nghệ và khu vực miền Trung với mưu cầu xây dựng phong trào chống Pháp cứu nước. Đầu năm 1903, ông đã lấy cớ xin vào trường Quốc Tử Giám để tiếp xúc với giới Nho học và tìm đọc “Tâm thư” của Tôn Dật Tiên, Rousseau, Gandhi,...

Tại đây, Phan Bội Châu đã kết bạn với những nhà yêu nước có cùng chí hướng như: cụ Phan Châu Trinh, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền,... Sau đó năm 1904, ông vào Quảng Nam và kết giao thêm với nhiều danh sĩ tại đây như: Nguyễn Tiểu La, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Cùng trong giai đoạn này, Phan Chu Trinh đang phát động Phong trào Duy Tân để “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. 

Thành lập Hội Duy Tân

Nắm bắt thời cơ đó, ngày 8 tháng 4 năm 1904, Phan Bội Châu, Cường Để và hơn 20 đồng chí khác họp tại nhà riêng của Tiểu La Nguyễn Thành để lập ra một tổ chức chống Pháp bí mật lấy tên là hội Duy Tân. Một mặt Phan Bội Châu vẫn ủng hộ phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, mặt còn lại phát động phong trào Đông Du, chiêu mộ anh hùng trí thức yêu nước sang Nhật đào tạo, chuẩn bị lực lượng chống Pháp.  

Chủ trương của Duy Tân Hội sử dụng bạo động vũ trang đánh đuổi giặc Pháp. Từ đó, hội đặt mục tiêu cuối cùng là giành độc lập cho đất nước Việt Nam.

>> Xem bài viết chi tiết hội Duy Tân.

Phát động phong trào Đông Du

Tháng 8 năm 1905, Phan Bội Châu và Hội Duy Tân đã đưa Cường Để và 3 thanh niên ưu tú đầu tiên sang Nhật để học chính sách Canh tân của họ. Tháng 10 năm 1905, Phan Bội Châu thân chinh đưa 45 thanh niên Việt Nam sang Nhật du học. Đến đầu năm 1906, phong trào Đông Du trong nước tiếp tục vận động và đưa thêm 200 thanh niên yêu nước sang Nhật. 

Giữa lúc phong trào Đông Du đang phát triển mạnh mẽ trong và ngoài nước, Pháp đã lên kế hoạch dập tắt hoạt động của Hội Duy Tân. Pháp ký hiệp ước cho phép Nhật vào Việt Nam giao thương đồng thời cam kết trục xuất toàn bộ thành viên của Hội Duy Tân ra khỏi Nhật. Tháng 9 năm 1909, Phan Bội Châu cùng Cường Để và các thanh niên Việt Nam bị trục xuất về nước, phong trào Đông Du chính thức tan rã.

>> Xem bài viết chi tiết phong trào Đông Du.

Hoạt động ở Trung Quốc

Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, Phan Bội Châu về nước trong giai đoạn chính quyền Thực dân đang ráo riết truy lùng các thành viên của Duy Tân Hội. Nhận thức được nhiều khó khăn trước mắt, ông đã tìm cách liên lạc với Nguyễn Thượng Hiền ở Quảng Đông để đưa một số thành viên chủ lực sang Trung Quốc.

Đến tháng 6/1912, Phan Bội Châu tổ chức Hội nghị toàn quốc diễn ra tại nhà từ đường của Lưu Vĩnh Phúc tại Quảng Đông để tuyên bố giải tán Duy Tân Hội và thành lập “Việt Nam Quang Phục hội”. Ông đã thay đổi tôn chỉ mới từ Chủ nghĩa Quân chủ sang Dân chủ lập hiến và công bố thành lập nước “Cộng hòa Dân quốc Kiến lập Việt Nam” ở nước ngoài. 

Tuy nhiên “Nhà nước” mới lập còn quá non trẻ, chưa có nhiều ảnh hưởng trong nước thì biến cố chính trị mới lại xuất hiện. Đầu năm 1913, Thực dân Pháp đã cử người sang Trung Quốc để đàm phán với Tổng đốc Long Thế Quang để bắt Phan Bội Châu áp giải về Việt Nam. Lúc này Nguyễn Thượng Hiền đã can thiệp và Phan Bội Châu chỉ bị cầm tù ở Quảng Đông trong vòng 4 năm mà không bị trao trả về nước. 

Tháng 2/1917, Phan Bội Châu lại tiếp tục nhen nhóm các hoạt động và kết nối “dư đảng” còn tự do tại Trung Quốc . Đến năm 1922, ông dự định học theo cải cách của Tôn Trung Sơn để cải tổ lại Việt Nam Quang Phục hội và đổi tên thành “Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Nhưng việc chưa thành thì Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bí mật cho người bắt cóc và dẫn về nước Việt Nam.

Bị bắt và qua đời

Tại phiên tòa của Hội đồng Đề hình Pháp tháng 5/1925, Phan Bội Châu bị kết tội “khổ sai chung thân”. Lúc này, nhân dân  trên cả nước đã nổi dậy biểu tình khắp nơi nhằm gây áp lực với chính quyền bảo hộ đối với vụ án Phan Bội Châu. Do đó, chính phủ Pháp phải ra lệnh “ân xá” cho Phan Bội Châu và buộc đưa về Huế “an trí”. 

Sau khi an trí tại Huế, cụ Phan không còn cơ hội để hoạt động cách mạng vì sự quản thúc nghiêm ngặt của Thực dân Pháp. Tuy nhiên ông vẫn không ngừng rèn giũa ý chí chiến đầu và kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Vì vậy, Phan Bội Châu đã xin được mở lớp dạy học và sáng tác văn thơ, cổ vũ tinh thần yêu nước của dân tộc. Ngày 28/10/1940, Phan Bội Châu qua đời tại Huế.

Sự nghiệp sáng tác

Bên cạnh sự nghiệp Cách mạng, cụ Phan Bội Châu còn tích cực trong sự nghiệp sáng tác thơ văn. Tất cả các tác phẩm của ông đều mang nội dung cổ vũ, thức tỉnh tinh thần yêu nước của quân và dân. 

Phan Bội Châu sáng tác đa dạng các thể loại như: thơ, phú, văn tế, tiểu thuyết, tiểu luận, truyện ngắn, hồi ký hoặc đến cả hát nói, hát Phường vải, viết báo,...

Sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông được chia thành ba thời kỳ: 

Thuở thiếu thời

Giai đoạn này ông đã sáng tác được nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Hịch Bình Tây thu Bắc năm 17 tuổi, Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư, Song Tuất lục năm 20 tuổi. 

Thời kỳ “đắc ý”

Các thể loại thơ, phú, truyện ngắn bằng Quốc ngữ và chữ Hán được Phan Bội Châu sáng tác vào thời gian này. Ông đã tự cho rằng đây là giai đoạn rực rỡ nhất trong sự nghiệp sáng tác vì bản thân được vẫy vùng chí lớn khắp nơi, đặc biệt là hoạt động sôi nổi của phong trào Đông Du. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử, Tân Việt Nam, Khuyến quốc dân tu trợ du học văn.

Thời kỳ Ông già Bến Ngự

Đây là giai đoạn ông bị giam lỏng tại Huế, những sáng tác của ông được viết bằng chữ Quốc ngữ với nhiều thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, văn tế, tiểu luận. Hát nói, Phường vải,...Tuy số lượng tác phẩm ra đời trong giai đoạn này rất nhiều nhưng lại không được đánh giá cao về mặt chất lượng. Trong thời kỳ này, các tác phẩm của Phan Bội Châu thể hiện nỗi buồn đối với sự nghiệp cách mạng chưa thành. Đồng thời, ông đặt niềm hy vọng vào thế hệ trẻ sẽ tiếp nối con đường giải phóng dân tộc. “Phan Bội Châu niên biểu” là tác phẩm được đánh giá cao nhất trong thời kỳ này. 

Con đường cách mạng của Phan Bội Châu dù không thành công những đã mang lại hy vọng cho nhân dân Việt Nam đang phải sống dưới cảnh đô hộ của Pháp. Hãy ủng hộ chúng tôi bằng cách tiếp tục theo dõi các bài viết khác về chủ đề lịch sử.

TrendingTrang chủ