Đặc điểm của chiến tranh lạnh - Nguyên nhân, diễn biến, hậu quả

Nguyễn Minh Khánh
tháng 9 30, 2023
Last Updated

 Chiến tranh lạnh là một chủ đề tốn nhiều giấy mực của giới báo chí phương Tây vào những năm 1947. Tất cả đều diễn tả bối cảnh thế giới đầy căng thẳng và những cuộc đối đầu cam go giữa các nước tư bản chủ nghĩa với các nước xã hội chủ nghĩa, điển hình là Mỹ (tư bản chủ nghĩa) với Liên Xô (xã hội chủ nghĩa).

Thế nào là chiến tranh lạnh?

Chiến tranh lạnh là chính sách thù địch về mọi mặt của Mỹ và các nước đế quốc đồng minh với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Có thể hiểu đây là cuộc chiến tranh kéo dài từ 1946 - 1989 giữa các lực lượng chính trị song song cùng với những mâu thuẫn trong xã hội cùng với sự cạnh tranh khốc liệt về kinh tế sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Nổi bật nhất trong cuộc chiến tranh này là sự đối đầu giữa Liên bang Xô Viết và các nước đồng minh với Mỹ và các nước phương Tây.

chiến tranh lạnh
Chiến tranh lạnh


Lúc này, Mỹ và và các nước đế quốc đã bắt đầu ráo riết chạy đua vũ trang, tăng cường ngân sách quân sự, thành lập các khối quân sự, xây dựng hàng loạt các căn cứ quân sự bao quanh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó các nước đế quốc còn gây ra những cuộc chiến tranh đàn áp phong trào Cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.

Đặc điểm của chiến tranh lạnh

Thứ nhất, đây là cuộc chiến không nổ súng cũng không có xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên Thế giới luôn rơi vào trạng thái căng thẳng do cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt giữa hai bên siêu cường quốc. 

Thứ hai, cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô đã bắt đầu từ thập kỷ 50 của thế kỷ XX, cuộc đua lên tới đỉnh điểm vào thập kỷ 70. Cả hai bên đều ganh đua trên con đường chế tạo và sản xuất vũ khí hạt nhân. 

Thứ ba, cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hơn 40 năm và trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng. Tuy nhiên đến cuối cùng đã không dẫn tới một cuộc “chiến tranh nóng” giữa hai khối quân sự cũng như hai siêu cường quốc của thế giới lúc bấy giờ. 

Thứ tư, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự thường xuyên xảy ra ở các khu vực khác nhau trên thể giới.

Mục tiêu của chiến tranh lạnh là gì?

Đây là một cuộc chiến tranh mà Mỹ và các nước đế quốc đồng minh tiến hành thực hiện chính sách thù địch, chống Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa. Mục đích cuối cùng nhằm tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa xã hội, đàn áp phong trào công nhân, phong trào cách mạng trên thế giới.

Minh chứng rõ ràng nhất là sự đối đầu và chạy đua về kinh tế và chính trị của hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh thế giới thứ hai. Bản chất của cuộc chiến tranh này là mâu thuẫn giữa Mỹ và Liên Xô. 

Có thể thấy rằng, sự ra đời của hệ thống các nước  xã hội chủ nghĩa thực sự đã trở thành mối lo ngại nhất của chính giới Mỹ. Vì vậy, việc phát động chiến tranh lạnh cũng nhằm mục đích ngăn chặn và tiến tới tiêu diệt Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

Nguyên nhân dẫn đến chiến tranh lạnh

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chiến tranh lạnh chính là do sự đối lập về mục tiêu và định hướng giữa Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa. Các bên đã tiến hành thảo luận và phân chia châu Âu thành hai khối với hai hệ thống xã hội sau hội nghị Ianta tháng 2 năm 1945 cụ thể như sau: 

Tại khối TâyÂu: Tư bản chủ nghĩa bắt đầu vận hành nền kinh tế thông qua quyền sở hữu tài sản và phương tiện sản xuất tư nhân. Tuy đã tạo ra môi trường tự do, thúc đẩy đầu tư kinh doanh nhưng lại làm nảy sinh mâu thuẫn giai cấp trong xã hội, phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Chủ tư bản ra sức bóc lột sức lao động của công nhân nhằm tối đa lợi nhuận cá nhân. 

Khối Đông  u: được Liên bang Xô Viết lãnh đạo và đại diện cho chế độ xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế được vận hành dựa trên sự sở hữu công cộng, xóa bỏ sự bóc lột nặng nề của giai cấp tư sản nhằm tạo ra một xã hội bình đẳng, tất cả mọi người làm việc theo năng lực và hưởng lợi theo nhu cầu. 

Diễn biến chiến tranh lạnh

Là một cuộc chiến kéo dài, có cả những giai đoạn căng thẳng leo thang và giai đoạn hòa hoãn. Các giai đoạn diễn biến chiến tranh lạnh như sau:

Thành lập hai khối kinh tế 

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp viện trợ kinh tế để lôi kéo đồng minh. Tất cả những biện pháp được Mỹ gọi là “Kế hoạch phục hưng Châu Âu” hay còn gọi là “Kế hoạch Marshall”. Ngày 11/6/1948, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định cho phép chính phủ Mỹ được quyền ký kết liên minh quân sự với các nước ngoài Châu Mỹ ngay trong thời bình.

Bản đồ chiến tranh lạnh
Bản đồ chiến tranh lạnh


Ngày 08/01/1949, nhằm đáp trả lại Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh này, Liên Xô và các nước Anbani, Ba Lan, Bungari, Hungari, Rumani, Tiệp Khắc đã thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (gọi tắt là khối SEV). Như vậy trên thế giới lại xuất hiện hai khối kinh tế đối lập nhau: Khối kinh tế tư bản chủ nghĩa với Khối kinh tế xã hội chủ nghĩa (SEV)

Thành lập các khối quân sự trọng yếu

Tháng 9/1949, khóa họp đầu tiên của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã được tổ chức ở Washington, thành lập ra ủy ban phòng thủ và ủy ban quân sự gọi là NATO. Tiếp đến, Mỹ liên tục thành lập các khối quân sự khác như: Hiệp định an ninh Mỹ-Nhật (9/1951), khối ANZUS (Mĩ-Australia- New Zealand, 9/1951), khối SEATO ở Đông Nam Á(9-1954), khối CENTO ở Trung Cận Đông (1959). Tất cả các khối quân sự này được thành lập nhằm hậu thuẫn cho khối NATO và bao vây Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. 

Đến năm 1954, cuộc chiến tranh lạnh tiếp tục đẩy lên cao trào sau khi chia cắt được nước Đức và lập nên Cộng hòa liên bang Đức. Mỹ và các quốc gia phương Tây đã thực hiện ký hiệp ước Paris nhằm đưa Tây Đức vào khối quân sự NATO, âm mưu biến Đức trở thành lực lượng xung kích chống lại Cộng hòa dân chủ Đức, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. 

Đến ngày 14/05/1955, Liên Xô đã đáp trả lại Mỹ bằng hiệp ước Vacsava, đây được xem như một tổ chức phòng thủ chung của Liên Xô, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria.

Chiến tranh lan rộng 

Hành trình khám phá không gian vũ trụ được xem là một đấu trường công nghệ khốc liệt trong chiến tranh lạnh. Ngày 4/10/1957, một tên lửa đạn đạo của Liên Xô đã được phóng ra, đây được xem là một vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được con người đưa vào quỹ đạo của Trái Đất. Sự kiện này đã làm Mỹ cảm thấy khó chịu. Có thể nói mục tiêu trong cuộc chiến tranh lạnh tiếp theo chính là công nghệ khoa học không gian. 

Năm 1958, Mỹ đã tiến hành phóng vệ tinh của riêng mình do Quân đội Mỹ thiết kế dưới sự chỉ đạo của nhà khoa học tên lửa Wernher von Braun. Cùng năm đó, Cục Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) được Tổng thống Dwight Eisenhower đã ký lệnh công khai thành lập. Tuy nhiên, vào tháng 4/1961 Liên Xô đã đi trước một bước khi trở thành quốc gia đầu tiên phóng con người vào vũ trụ.  

Giai đoạn hòa hoãn

Myc bắt đầu có sự bất đồng với Pháp. Đức và Nhật dần thu hẹp khoảng cách kinh tế, Liên Xô mâu thuẫn với Trung Quốc, đặc biệt là sau cú sốc dầu mỏ năm 1973. Sự thay đổi về mặt chính trị của các bên, mối lo về vũ khí hạt nhân, ngân sách đầu tư cùng với tình hình kinh tế bất ổn đã phần nào đưa chiến tranh lạnh bước vào giai đoạn hòa hoãn. 

Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đã ký hiệp ước SALT 1 với mục đích hạn chế sự phát triển của các loại vũ khí quân sự. Ngoài ra hai bên còn ký thêm nhiều hiệp ước khác như: Hiệp ước không gian vũ trụ OST (1967), Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ABM (1972), Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT (1968). Hai bên đã từng nhiều lần viếng thăm và hợp tác làm việc song phương. Tuy nhiên giai đoạn này vẫn tiếp tục cạnh tranh giành thuộc địa tại Trung Đông và Nam Phi. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột Afghanistan của Liên Xô (1979).

Chiến tranh lạnh lần thứ hai

Khu vực Vùng Vịnh có nhiều dầu mỏ cũng đã bắt đầu khiến căng thẳng gia tăng trở lại, chấm dứt thời kỳ hòa hoãn. Giai đoạn này cũng đã chứng kiến thêm nhiều cuộc khủng hoảng giữa hai bên tại Ba Lan (1979 - 1981) và cuộc khủng hoảng tên lửa ngầm ở Châu Âu. 

Bên cạnh đó, nền kinh tế Liên Xô trong giai đoạn này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cuộc chiến tại Afghanistan đã không đem lại thắng lợi khiến Liên Xô bị sa lầy tại đây trong suốt 10 năm. Ngày 15/05/1988, Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan. Căng thẳng Đông - Tây tạm thời hạ nhiệt. Đến tháng 12/1989, cuộc chiến tranh lạnh kết thúc đánh dấu bằng sự kiện Mỹ và Liên Xô có một cuộc gặp gỡ không chính thức tại đảo Manta và tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh. 

Năm 1990, hệ thống liên minh của Liên Xô đã ở bên bờ vực sụp đổ, hàng loạt các cuộc cải cách và bầu cử lan rộng khắp Đông Âu. Nước Đức được thống nhất, bức tường Berlin được phá bỏ. Năm 1991, Liên Xô tan rã và tách ra thành 15 nước Cộng hòa Độc lập. Kéo theo đó là sự giải thể của khối quân sự Vacsava và Hội đồng tương trợ Kinh tế(SEV). Mỹ trở thành siêu cường quốc thế giới. 

Hậu quả của chiến tranh lạnh

Thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng khi chiến tranh diễn ra, các nước cường quốc đã chi số lượng lớn về tiền của và sức người để sản xuất ra vũ khí hủy diệt,  xây dựng hàng nghìn căn cứ quân sự. Con người luôn sống trong lo sợ và bất an vì bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới mới.

Các cuộc chạy đua vũ trang liên tục khiến tiêu hao kinh tế, đẩy cuộc sống của người dân khắp nơi trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo, dịch bệnh, thiên tai và ô nhiễm môi trường do sản xuất vũ khí. 

Tuy nhiên, chiến tranh lạnh cũng đã mang đến cho nền văn minh thế giới nhiều thành tự to lớn. Đặc biệt nhất đó là khoa học công nghệ vũ trụ, con người đã có thể đặt chân lên hành tinh khác. Trong giai đoạn diễn ra chiến tranh, nhiều phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa nổ ra và phát triển mạnh mẽ. Từ cuối thế kỷ XX, đa số các quốc gia trên thế giới đã giành được độc lập. 

Đồng thời, sự vươn lên của Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Tây  u đã làm xuất hiện các trung tâm kinh tế mới, làm thay đổi cán cân kinh tế. Chiến tranh lạnh đã đẩy mạnh cuộc cách mạng Khoa học Kỹ thuật làm thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, mở rộng hợp tác quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập. 

Kết luận

Chiến tranh lạnh là cuộc chiến tranh có thời gian lâu hơn cả chiến tranh thế giới thứ nhất và chiến tranh thế giới thứ hai. Mỹ không thực hiện cuộc chiến tranh trực tiếp với Liên Xô mà phải thực hiện chiến tranh lạnh để bảo vệ chính mình. Vì đây là giai đoạn vừa trải qua cuộc chiến tàn khốc, thiệt hại nặng nề. Nếu Mỹ tiếp tục phát động chiến tranh sẽ nhận phải nhiều chỉ trích và bị lên án. Hơn thế nữa Mỹ còn là 1 trong 5 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Một lý do khác đó chính là Liên Xô lúc bấy giờ rất mạnh về mọi mặt. Chính vì vậy việc đối đầu trực tiếp của Mỹ chắc chắn sẽ đem lại tổn thất vô cùng lớn cho Mỹ. 

Việt Nam cũng là một trong những nước thuộc địa nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô khi khởi xướng phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Thông qua đó, các nước thuộc địa đã có nhiều cơ hội để giành lại chiến thắng, một mặt Liên Xô nhận được nhiều sự ủng hộ trong chiến tranh lạnh, tạo khối đại đoàn kết trong hệ thống chủ nghĩa xã hội với các nước trên thế giới. Cuộc chiến đã để lại nhiều bài học quý giá trong quan hệ ngoại giao cũng như chú trọng vào hòa bình và an ninh khu vực. Chiến tranh dù “lạnh” hay “nóng” cũng sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề, đói nghèo, lạc hậu, bị cấm vận, đời sống người dân khắp nơi cơ cực. 


TrendingTrang chủ