Tiểu sử Dương Thiệu Tước - Nhạc sĩ TIÊN PHONG tân nhạc Việt

Nguyễn Minh Khánh
tháng 11 15, 2021
Last Updated

 Dương Thiệu Tước là một nhạc sĩ tiên phong của dòng nhạc tiền chiến Việt Nam. Ông đã để lại nhiều bản nhạc bất hủ, sống mãi cùng thời gian. Cùng chúng tôi tìm hiểu tiểu sử nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Bảng tóm tắt thông tin nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Tên đầy đủ

Dương Thiệu Tước

Năm sinh

15 tháng 5 năm 1915

Năm mất

1 tháng 8 năm 1995

Nơi sinh

Hà Đông, TP.Hà Nội

Nơi mất

TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Quốc tịch

Việt Nam.

Học vấn

Viễn Đông Âm Nhạc Viện

Nghề nghiệp

Nhạc sĩ

Các ca khúc nổi tiếng

Ơn Nghĩa Sinh Thành, Ngọc Lan, Chiều, Bến Xuân Xanh, Kiếp Hoa, Thuyền Mơ, Áng Mây Chiều, Bóng Chiều Xưa.

Gia đình

Cha mẹ

Dương Tự Nhu (cha).

Vợ

Danh ca Minh Trang (Nguyễn Thị Ngọc Trâm), Lương Thị Thuần (vợ cũ).

Con

Vân Quỳnh, Vân Dung, Vân Hòa, Vân Khanh, Dương Hồng Phong

Hồ sơ Media

Hồ sơ Wikipedia

https://vi.wikipedia.org/wiki/Dương_Thiệu_Tước

Tiểu sử

Dương Thiệu Tước (15 tháng 5 năm 1915 - 1 tháng 8 năm 1995) là nhạc sĩ nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam. Một số ca khúc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã trở thành những ca khúc bất hủ với thời gian.
Dương Thiệu Tước


Trong ngày cưới, bài hát “Ơn nghĩa sinh thành” là ca khúc được nhiều thế hệ người Việt thưởng thức. Ngoài ra, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước còn có nhiều sáng tác nổi tiếng khác như Ngọc Lan, Đêm Tàn Bến Ngự, Thuyền Mơ, Kiếp Hoa, Áng Mây Chiều, Bóng Chiều Xưa, Bến Xuân Xanh, Tiếng Xưa,...
Người bạn đời của ông là ca sĩ Minh Trang, con gái bà là ca sĩ Quỳnh Giao, danh ca Thái Thanh được cho rằng đã thể hiện xuất sắc nhất các ca khúc do ông sáng tác. Đến năm 1953, nhà Xuất Bản Tinh Hoa đã thống kê có 41 ca khúc đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác.

Gia đình và tuổi thơ

Thân thế

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh ra ở làng Vân Đình, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Gia đình ông là một gia đình trí thức giàu truyền thống nho học. 
Dương Tự Nhu là cha của Dương Thiệu Tước làm quan bố chính tỉnh Hưng Yên dưới triều Nguyễn. Mẹ Dương Thiệu Tước tính danh chưa rõ.
Nhà thơ Dương Khuê, người bạn thân của Nguyễn Khuyến là ông nội của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Dưới triều Nguyễn, Dương Khuê từng giữ chức quan tổng đốc Nam Định - Ninh Bình. Về nghệ thuật, Dương Khuê nổi tiếng với những bài ca trù đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhạc sĩ Dương Thụ là cháu họ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Đến nay, những ca khúc do nhạc sĩ Dương Thụ sáng tác vẫn được các Diva hàng đầu Việt Nam thể hiện như Hồng Nhung, Thanh Lam,...
Năm 1934, Dương Thiệu Tước và bà Lương Thị Thuần kết hôn với nhau. Tuy nhiên, cả hai đi đến hôn nhân do gia đình mai mối. Vì vậy, cuộc hôn nhân của ông chỉ kéo dài trong 10 năm. Hiện nay, con của Dương Thiệu Tước và bà Lương Thị Thuần đang định cư ở Đức và Hoa Kỳ.

Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang

Những năm 1950, Dương Thiệu Tước gặp gỡ và đem lòng mến mộ danh ca Minh Trang. Lúc này, ca sĩ Minh Trang đang làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn. Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vẫn sinh sống tại Hà Nội.
Ca sĩ Minh Trang





Trong thời gian này, nhiều sáng tác của ông được ghi dưới cái tên Dương Thiệu Tước - Minh Trang. Trong một lần nhớ nhung danh ca Minh Trang, ông đã sáng tác bài Sóng Lòng. Ông được cho là đã sáng tác bài hát Ngọc Lan dành tặng riêng cho nữ ca sĩ.
Đến năm 1951, Dương Thiệu Tước kết hôn với danh ca Minh Trang. Trước khi kết hôn cùng Dương Thiệu Tước, ca sĩ Minh Trang có 2 người con với chồng trước là Nguyễn Phước Bửu Minh và Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao).
>> Ca sĩ Quỳnh Giao đã thể hiện rất thành công các ca khúc Dương Thiệu Tước. Đón đọc tiểu sử ca sĩ Quỳnh Giao.
Họ sống hạnh phúc bên nhau trong 30 năm và có 5 người con gồm ca sĩ Vân Quỳnh, Vân Dung, Vân Hòa, Vân Khanh, Dương Hồng Phong. Vợ Dương Thiệu Tước là nguồn cảm hứng sáng tác và hỗ trợ ông chỉnh sửa nhiều ca khúc để đời.
Đến năm 1978, danh ca Minh Trang cùng với các con sang định cư tại Hoa Kỳ. Đến năm 1982, học trò của Dương Thiệu Tước là bà Nguyễn Thị Nga đón ông về chăm sóc ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh.

Tuổi thơ

Mặc dù Dương Thiệu Tước được sinh ra trong một gia đình nhà nho truyền thống nhưng ông lại đam mê âm nhạc ngay từ khi còn nhỏ. Năm 7 tuổi, Dương Thiệu đã theo học đàn nguyệt, đàn tranh, cổ nhạc. Đến năm 14 tuổi, ông theo học đàn Piano, đàn guitar tại Viễn Đông Âm Nhạc Viện. Đặc biệt, Dương Thiệu Tước nổi tiếng khả năng chơi đàn guitar Hawaii điêu luyện. Ông được cho có khả năng biểu diễn 7 loại nhạc cụ khác nhau.

Cuộc đời và sự nghiệp

Gia nhập nhóm nhạc Myosotis

Những năm đầu 1930, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gia nhập nhóm nhạc Myosotis (Hoa Lưu Ly). Cùng với nhóm Tricéa, nhóm nhạc Myosotis là một trong những nhóm nhạc nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Một số thành viên của nhóm Myosotis như nhạc sĩ Thẩm Oánh, Trần Dư, Vũ Khánh, Phạm Văn Nhượng,... 
Ông cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh trở thành 2 thành viên dẫn đầu xu hướng âm nhạc của nhóm Myosotis. Nhạc sĩ Thẩm Oánh chủ trương trung thành với những sáng tác âm nhạc mang đậm âm hưởng dân tộc.
Trong khi đó. Dương Thiệu Tước lại tập trung sáng tác các bài hát mang giai điệu phương Tây. Lúc bấy giờ, ông là nhạc sĩ tiên phong sáng tác “Nhạc Tây theo điệu ta”.
Nhạc Dương Thiệu Tước chịu ảnh hưởng sâu sắc âm nhạc Pháp cổ điển. Những nhạc phẩm đầu tay của ông mang những cái tên tiếng Pháp như: Joie d’aimer, Tondouxsourise, Souvenance,... Lời các bài hát tiếng Pháp này được anh của nhạc sĩ Thẩm Oánh là Thẩm Bích soạn theo Pháp ngữ.
Dương Thiệu Tước thể hiện quan điểm của mình về tân nhạc Việt như sau: 
Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền.
Năm 1938, nhóm nhạc Myosotis đã xuất bản những bản nhạc đầu tiên gồm Đồi Oanh Vàng, Phút Vui Xưa, Hoa Tàn,... Trong đó, bài hát Phút Vui Xưa và Hoa Tàn do nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác được người hâm mộ đánh giá cao. 
Vào tháng 9 năm 1938, nhóm nhạc Myosotis đã có buổi trình diễn nhạc đầu tiên tại rạp Olanhpia (ngày nay là rạp Hồng Hà). Công chúng đã nhanh đón nhận những ca khúc của nhóm. Ngoài ra, Hội Ánh Sáng thuộc Tự Lực Văn Đoàn đã mời nhóm Myosotis đến biểu diễn.
Trong khoảng thời gian này ông cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh đã thành lập Hội khuyến nhạc Việt Nam Để phổ biến rộng rãi phong trào tân nhạc đến mọi tầng lớp nhân dân.

Âm nhạc thể hiện quan điểm về chiến tranh 

Vào năm 1940, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mở một cửa hàng bán đàn ở số 57  hàng Gai thành phố Hà Nội. Lúc này, ông cũng mở lớp dạy đàn. Sau đó, cửa hàng của ông phải đóng cửa vì chiến tranh.
Ở thời điểm đó, những nhạc phẩm  Dương Thiệu Tước thể hiện rõ quan điểm về chiến tranh qua các bài hát “Ôi quê xưa”, “Việt Nam anh dũng”,...
Ông cho rằng: 
Âm nhạc cải cách đã trỗi dậy và đã gieo vào tâm hồn ta những ý niệm tươi đẹp của một nền âm nhạc Việt Nam tương lai. Cái ảnh hưởng mãnh liệt sâu xa của nó đan xen với mạch sống hằng ngày của mỗi người.

Sáng tác những nhạc phẩm bất hủ

Vào năm 1949, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gặp gỡ danh ca Minh Trang và đem lòng mến mộ. Tình yêu dành cho nữ ca sĩ đã trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác những bản tình ca bất hủ như: Thuyền Mơ, Bến Xuân Xanh, Ngọc Lan, Áng Mây Chiều,...
Đến năm 1954, Dương Thiệu Tước vào Sài Gòn sinh sống và làm việc. Ông dạy đàn guitar tại trường Quốc Gia  m Nhạc và kịch nghệ. Đồng thời, ông còn giữ chức vụ chủ sự phòng văn nghệ tại Đài Phát Thanh Sài Gòn. 
Trong thời gian ở Sài Gòn, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã sáng tác bài hát để đời “ Ơn nghĩa sinh thành”. Chính nhạc phẩm này đã mang tên tuổi của Dương Thiệu Tước trở thành bất tử. Trong một bản chép tay của nhạc phẩm, người ta còn còn tìm thấy dòng chữ có thể do chính tác giả ghi “ Thân tặng những người biết thương cha kính mẹ”.

Giai đoạn sau giải phóng

Sau năm 1975, các bản nhạc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước bị chính quyền cấm lưu hành. Ông cũng mất công việc tại Đài Phát Thanh Quốc Gia. Nhạc sĩ lại thường xuyên ốm đau. Vì vậy ông không thể cùng vợ con di cư sang nước ngoài.
Mãi đến những năm 1980, nhạc Dương Thiệu Tước mới được chính quyền cho phép lưu hành. Những năm cuối đời, nhạc sĩ vẫn giảng dạy tại nhạc viện TP.Hồ Chí Minh. 
Ông sống cùng một người học trò tại một căn nhà nhỏ gần chùa Hành Thiên, quận Bình Thạnh. Ngày 1 tháng 8 năm 1995, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước qua đời để lại niềm thương tiếc vô vàn từ học trò và khán giả hâm mộ.

Giai nhân ca khúc Ngọc Lan Dương Thiệu Tước

Có thể nói ca khúc Ngọc Lan hát là một trong những bài hát nổi tiếng bí ẩn của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Đến nay, giai nhân bí ẩn trong ca khúc Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước được cho là một trong 2 người sau:
Vi Kim Ngọc và chồng
Vi Kim Ngọc và chồng
Vi Kim Ngọc con gái của quan Tổng đốc Vi Văn Định. Tương truyền, đôi trai tài gái sắc đem lòng yêu nhau. Tuy nhiên, nhà gái không đồng ý cặp đôi đến với nhau bởi Dương Thiệu Tước đi theo con đường âm nhạc. Sau cùng, Vi Kim Ngọc lấy chồng là tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên. Cô em Vi Kim Phú lấy chồng là bác sĩ Hồ Đắc Di.
Danh ca Minh Trang, người vợ thứ hai của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Bài hát được cho là món quà tặng của nhạc sĩ cho nữ ca sĩ.
Bản nhạc huyền thoại Ngọc Lan đã được rất nhiều ca sĩ trình diễn. Trong đó, giọng ca Thái Thanh được người hâm mộ cho rằng thể hiện thành công hơn cả. Bài hát Ngọc Lan có 2 bản thu chính thức vào năm 1966 (Vũ Thành) và năm 1988 (Duy Cường).

Các tác phẩm nổi tiếng

Những sáng tác nổi tiếng nhất của Dương Thiệu Tước gồm:
  • Kiếp hoa - Dương Thiệu Tước.
  • Thuyền mơ - Dương Thiệu Tước.
  • Bóng chiều xưa- Dương Thiệu Tước và Minh Trang.
  • Bến xuân xanh - Dương Thiệu Tước và Minh Trang.
  • Chiều - Dương Thiệu Tước.
  • Áng mây chiều - Dương Thiệu Tước.
  • Ơn nghĩa sinh thành.
  • Đêm tàn bến Ngự.
  • Ngọc lan.
Một số tác phẩm khác:
  • Bạn cùng tôi.
  • Bên ngàn hoa thắm.
  • Bến hàn giang.
  • Buồn xa vắng (Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
  • Cánh bằng lướt gió.
  • Chiều (thơ Hồ Dzếnh).
  • Chiều lữ thứ (Dương Thiệu Tước & Minh Trang).
  • Dòng sông xanh.
  • Dưới nắng hồng.
  • Đêm ngắn tình dài.
  • Dưới trăng.
  • Giáng xuân.
  • Hội hoa đăng.
  • Hương thu.
  • Hờn sóng gió.
  • Hương Giang mộng khúc.
  • Mơ tiên (Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
  • Khúc nhạc dưới trăng (Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
  • Một chiều đông (Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
  • Mùa lúa mới (Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
  • Nắng hè (Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
  • Nhớ cánh uyên bay.
  • Nhạc buồn.
  • Ôi quê hương (Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
  • Ôi quê xưa.
  • Phút say hương.
  • Sóng lòng.
  • Thu nhớ chiều quê (Dương Thiệu Tước & Đỗ Thu).
  • Tiếc một thời xuân.
  • Tình anh.
  • Tiếng xưa.
  • Tiếng xưa 2.
  • Tình thắm duyên đàn.
  • Trời xanh thẳm.
  • Ước hẹn chiều thu.
  • Uống nước nhớ nguồn (Dương Thiệu Tước và Hùng Lân).
  • Việt Nam anh dũng.
  • Việt Nam mến yêu.
  • Vui xuân (Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
  • Vọng chinh phu.
  • Vườn xuân thắm tươi.

Tưởng nhớ công lao

Để tưởng nhớ nhạc sĩ, tên của ông được sử dụng để đặt tên cho các con đường sau:
  • Đường Dương Thiệu Tước phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh.
  • Đường Dương Thiệu Tước phường Thủy Dương, xã Hương Thủy, Huế.
Họ Là Ai vừa gửi đến bạn đọc tiểu sử, gia đình, cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Hãy tiếp tục ủng hộ chúng tôi bằng cách theo dõi các bài viết tiếp theo.
Bài viết có tham khảo thông tin từ các nguồn sau:
  • https://vovworld.vn/vi-VN/tap-chi-van-nghe/ca-khuc-ngoc-lan-va-giai-nhan-bi-an-cua-duong-thieu-tuoc-798405.vov
  • https://nld.com.vn/van-nghe/duong-thieu-tuoc-mim-cuoi-trong-bong-chieu-xua-20171020221705074.htm
  • https://nhacxua.vn/cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nhac-si-duong-thieu-tuoc-tac-gia-cua-dem-tan-ben-ngu-tieng-xua/


TrendingTrang chủ