Vua Minh Mạng là ai? HUYỀN THOẠI vị vua nước Đại Nam

Nguyễn Minh Khánh
tháng 12 21, 2021
Last Updated

Người ta biết rất ít về cuộc đời của vua Minh Mạng, vị hoàng đế cai trị Đại Nam nổi tiếng nhất trong lịch sử. Sự cai trị của ông được đánh dấu bằng những chiến thắng quân sự và quan hệ ngoại giao thành công. Tiểu sử, thành tựu của vị vua huyền thoại này sẽ được chúng tôi đề cập chi tiết dưới đây.

Bảng tóm tắt thông tin Minh Mạng

Thông tin chung Hoàng đế Minh Mạng
Tên đầy đủ Nguyễn Phúc Đảm (阮福膽)
Tên khác Nguyễn Phúc Kiểu (阮福晈)
Năm sinh - Năm mất 25 tháng 5 năm 1791 - 20 tháng 1 năm 1841
Năm trị vì 14 tháng 2 năm 1820 - 20 tháng 1 năm 1841
Nơi sinh Gia Định (nay là TP.Hồ Chí Minh)
Nơi mất Hoàng thành Huế, điện Quang Minh.
Nơi an táng Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng), núi Cẩm Khê, xã Hương Thọ, tỉnh Thừa Thiên Huế
Vua tiền nhiệm Gia Long
Vua kế nhiệm Thiệu Trị
Triều đại Nhà Nguyễn
Nổi tiếng với Vị vua cai trị nước Đại Nam với nhiều công lao như cải cách hành chính, mở rộng đất nước,... Vua Minh Mạng còn nổi tiếng với việc cấm đạo, xét xử công thần lập quốc, đổi quốc hiệu
Thụy hiệu Thể thiên Xương vận Chí hiếu Thuần đức Văn vũ Minh đoán Sáng thuật Đại thành Hậu trạch Phong công Nhân Hoàng đế
Gia đình
Cha mẹ Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long), Trần Thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu)
Vợ chính thất Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu - Hồ Thị Hoa
Con 78 hoàng tử và 64 công chúa. Trong đó, các con Thiệu Trị, Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương nổi tiếng hơn cả.
Hồ sơ Media
Hồ sơ Wikipedia https://vi.wikipedia.org/wiki/Minh_Mạng

Tiểu sử Minh Mạng

Vua Minh Mệnh còn gọi Minh Mạng, tên thật là Nguyễn Phúc Đảm (sinh ngày 25 tháng 5 năm 1791 và mất ngày 20 tháng 1 năm 1841). Ông là vị vua thứ hai dưới triều đại nhà Nguyễn, được truy tôn hiệu là Nguyễn Thánh Tổ. Nhà vua trị vì từ ngày 4 tháng 2 năm 1820 đến 20 tháng 1 năm 1841, xấp xỉ 21 năm.

Tranh chân dung vua Minh Mạng


Vua Minh Mạng là vị vua nổi bật với nhiều cải cách sâu rộng từ bộ máy hành chính đến vấn đề ngoại giao với các nước. Dưới triều đại vua Minh Mạng, lãnh thổ Việt Nam có diện tích rộng lớn nhất trong số các triều đại phong kiến. Ảnh hưởng của nước Việt Nam lan rộng sang các quốc gia láng giềng như Vạn Tượng và Chân Lạp.

Ngoài ra, nhà vua còn cho thành lập Nội Các, Cơ mật viện, thực hiện cải cách hành chính ảnh trên phạm vi toàn lãnh thổ.

Đặc biệt, nhà vua rất chú trọng đến vấn đề giáo dục và khoa cử. Ông cho ban hành nhiều chính sách khuyến học, xây dựng dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, những nỗ lực của nhà vua chưa thực sự mang đến một cuộc cải cách lớn cho nước nhà. Vì vậy, nước ta chưa thể bắt kịp được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật lúc bấy giờ.

Về mặt ngoại giao nhà vua vẫn tiếp tục thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng với phương Tây, cấm đạo các giáo sĩ.

Quân đội triều Nguyễn được đánh giá là một trong những đội quân mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á ở thời điểm lúc bấy giờ. Quân đội của nhà vua đã thực hiện trấn áp hàng trăm cuộc khởi nghĩa, nổi dậy, giành chiến thắng trong cuộc chiến với quân Xiêm La. Ngoài ra, nhà vua còn cho xây dựng thủy quân thiện chiến, góp phần xác lập lãnh hải Việt Nam trên đường biển.

Ở phương diện kinh tế, nhà vua rất chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp. Ông cho mở rộng việc khai hoang ở cả miền Nam và cả miền Bắc. Đặc biệt, nhà vua còn ra lệnh xây dựng một số hệ thống đê điều ở miền Bắc, khôi phục lại lễ tịch điền.

Suốt cả cuộc đời, nhà vua hết sức chăm nom việc triều chính, tham vọng phát triển đất nước. Đến năm 1841, vua Minh Mạng qua đời, truyền ngôi vua cho Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị).

Quá trình lên ngôi vua

Theo truyền thống triều đình phong kiến xưa, ngôi vua thường được truyền cho con trưởng. Tuy nhiên, Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mệnh sau này) lại là người con thứ tư của vua Gia Long.

Vì thế, ban đầu hoàng tử Cảnh được phong làm Đông Cung Thái Tử kế thừa ngôi báu. Tuy nhiên, Đông Cung Cảnh mắc phải căn bệnh đậu mùa và qua đời năm 1801 (lúc 21 tuổi).

Hoàng tử Cảnh lúc nhỏ


Khi đó, con trai trưởng của Thái Tử Cảnh là Nguyễn Phúc Mỹ Đường (hoàng tôn Đán) còn nhỏ tuổi. Vua Gia Long không muốn truyền ngôi cho Nguyễn Phúc Mỹ Đường mà chọn Nguyễn Phúc Đảm làm người kế vị.

Thế nhưng, các võ tướng trụ cột của triều đình lúc bấy giờ như Lê Văn Duyệt, Lê Chất lại không ủng hộ Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi mà chỉ ủng hộ hoàng tôn Đán.

Sau khi Gia Long mất, Nguyễn Phúc Đảm đã chính thức kế thừa ngôi vua, lấy niên hiệu Minh Mệnh vào năm 1820. Ngày 1 tháng 1 năm 1820, nhà vua ban chiếu lên ngôi cho các thần dân trong cả nước được biết.

Trong bản chiếu Minh Mạng có đoạn giải thích về niên hiệu Minh Mệnh tạm dịch như sau:

Nghĩ tới cố mệnh, các đại thần trong ngoài văn võ bách liêu đều một lòng khuyên Trẫm tuân theo di chiếu, sớm chính vị để cố kết thần thuộc. Do vậy ta suy xét lễ nghi, giảm xót thương thuận theo sự thay đổi, lấy ngày 27 tháng 12 năm Gia Long 18 kính cáo tại giao miếu, ngày 28 yết chiếu, ngày mùng 1 tháng giêng năm nay lên ngôi Hoàng đế ở điện Thái hoà. Trẫm kế nối mệnh sáng ở trời và nhận mệnh sáng ở Hoàng khảo, vì thế lấy năm nay Canh Thìn làm năm Minh Mệnh nguyên niên, để chính danh xưng và sáng tỏ đại thống.

Những thành tựu nổi bật

Cải cách hành chính 1831 - 1832

Dưới thời vua Gia Long, các đơn vị hành chính ở nước ta vẫn có sự khác biệt giữa đàng ngoài và đàng trong. Lúc này, đơn vị hành chính ở Đàng Ngoài theo thứ tự là trấn, phủ, huyện, xã. Trong khi đó, đơn vị hành chính ở Đàng Trong theo thứ tự là dinh, phủ, huyện, xã.

Trong giai đoạn từ năm 1831 đến 1832, vua Minh Mạng đã thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn chia làm 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Năm 1831, vua Minh Mạng đã chia các trấn ở miền Bắc và miền Trung thành 18 tỉnh. Trong đó, 13 tỉnh thuộc Bắc Kỳ và 5 tỉnh thuộc Trung Kỳ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, đơn vị hành chính tỉnh xuất hiện.
  • Giai đoạn 2: Năm 1832, vua Minh Mạng tiếp tục chia các dinh, trấn ở miền Nam thành 12 tỉnh. Trong đó, 6 tỉnh thuộc Trung Kỳ và 6 tỉnh thuộc Nam Kỳ.
  • Các đơn vị hành chính dưới tỉnh lần lượt là phủ, huyện, châu, tổng, xã.

Ở mỗi tỉnh, Minh Mạng cho đặt chức quan Tổng Đốc quản lý từ 2 đến 3 tỉnh, Tuần Phủ quản lý chuyên trách 1 tỉnh. Vua lại cử thêm Bố chánh sứ ty quản lý hộ tịch, thuế khóa và Án sát ty chịu trách nhiệm quản lý pháp luật, an ninh.

Sau cuộc cải cách, nước ta được chia thành 31 đơn vị hành chính gồm 1 Phủ Thừa Thiên và 30 tỉnh. Đơn vị hành chính ở nước ta đã được tinh gọn so với các thời kỳ trước đó.

Nhờ vậy, việc quản lý từ trung ương đến địa phương trở nên dễ dàng hơn.

Đặc biệt, các đơn vị hành chính dưới thời kỳ Minh Mạng là tiền đề để phân chia các đơn vị hành chính sau này. Đến tận ngày nay, một số tên đơn vị hành chính từ thời Minh Mạng vẫn được sử dụng như tỉnh, huyện, xã.

Mở rộng lãnh thổ đất nước

Dưới thời vua Minh Mạng, lãnh thổ Đại Nam kéo dài sang tận vùng đất của Lào và Campuchia ngày nay. Lãnh thổ Đại Nam có diện tích gấp 1,7 lần (570.000 km2) So với lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

Công cuộc mở rộng diện tích lãnh thổ Việt Nam như sau:

Năm 1832, vua Minh Mạng ra lệnh tấn công vương quốc Panduranga (Ngày nay thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) và giành được chiến thắng vẻ vang. Ít lâu sau đó, vương quốc này đã bị xóa bỏ hoàn toàn trên bản đồ.

Năm 1827, cuộc chiến của vương quốc Viêng Chăn (ngày nay phần lớn lãnh thổ thuộc Lào) và Xiêm La (nay là Thái Lan) diễn ra. Vua Anouvong trị vì Viêng Chăn thua trận, phải chạy sang Đại Nam cầu giúp đỡ và được Minh Mạng chấp thuận.

Tuy nhiên, các cuộc phản công của quân Vạn Tượng đều thất bại. Anouvong bị con rể Chiêu Nội (Chao Noi) bắt giao cho quân Xiêm.

Sau cuộc chiến tranh Việt Xiêm, kết quả quân đội Đại Nam giành được thắng lợi. Một số vùng lãnh thổ Ai Lao đều nằm dưới sự bảo hộ của Đại Nam. Những vùng đất Trấn Ninh, Sầm Nứa, Savannakhet, Khammouan được xác nhập trực tiếp vào Đại Nam.

Sau năm 1833, nước Chân Lạp (nay lãnh thổ thuộc Campuchia) nằm dưới sự bảo hộ của Đại Nam. Lúc này, quân đội Đại Nam dưới sự chỉ huy của Trương Minh Giảng cho lập đồn Đại Nam nằm gần kinh đô Nam Vang.

Triều đình nhà Nguyễn đưa Ang Chan II quay trở lại Cao Miên và lên ngôi vua. Lúc này, phần lớn các quan chức ở Cao Miên đều chịu sự chi phối của triều đình nhà Nguyễn. Sau đó, vua Ang Chan II mất mà không có con trai nối dõi.

Năm 1835, vua Minh Mạng sắc phong con gái Ang Chan II là Ang Mey làm Ngọc Vân quận chúa, chính thức lên ngôi vua. Tuy nhiên, Ngọc Vân quận chúa bị đem về Huế, không có quyền lực thật sự.

Đến năm 1836, Minh Mệnh cho đổi tên vùng đất Chân Lạp thành trấn Tây Thành, chính thức nhập vào lãnh thổ Đại Nam.

Giáo dục

Vua Minh Mạng luôn ý thức được tầm quan trọng của giáo dục nhân tài cho đất nước. Ông đã cố gắng xây dựng cơ sở vật chất, ban hành thêm chính sách khuyến học cho ngành giáo dục.

Năm 1821 (năm Minh Mạng thứ 2), nhà vua cho xây dựng thêm Di Luân Đường nằm bên trong Quốc Tử Giám. Di Luân Đường gồm có 2 dãy phòng học (mỗi dãy 19 phòng học) và 1 giảng đường.

Di Luân Đường Quốc Tử Giám Huế
Di Luân Đường - Quốc Tử Giám Huế


Cũng trong năm 1821, Minh Mạng đã cho đặt lại chức quan Tư nghiệp Quốc Tử giám và Tế Tửu để quản lý công tác giáo dục.

Dưới thời vua Minh Mạng, việc ăn học của sĩ tử ở Quốc Tử Giám đều được triều đình chăm lo.

Đến năm thứ 3 Minh Mạng, nhà vua lệnh cho hội đồng Quốc Tử Giám tổ chức kỳ thi sát hạch. Theo đó, mỗi phủ cử một thí sinh tham gia kỳ thi sát hạch này. Những sĩ tử học giỏi đều được cấp toàn bộ chi phí ăn học ở Quốc Tử giám. Chính sách này khá giống với chính sách học bổng ở các trường đại học thời hiện đại.

Vào năm 1823, nhà vua cho mở lại kỳ thi Hương và thi Hội.

Đến năm 1824 (tức năm Minh Mạng thứ 5), vua lại thưởng cho các học sinh ở Quốc Tử Giám mỗi người 10 quan tiền để an tâm lo việc học.

Ngoài các chính sách trên, nhà vua còn cung cấp chi phí cho các học sinh nghèo về quê thăm gia đình, các học sinh không may nhiễm bệnh qua đời.

Những hành động khuyến học của vua Minh Mạng đối với các giám sinh Quốc Tử Giám đều được ghi chép cẩn thận trong sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ.

Mặc dù nhà vua coi trọng giáo dục nhưng không thể thực hiện cải cách giáo dục. Thế kỷ 19 buổi đầu của khoa học kỹ thuật và công nghiệp. Tuy nhiên, công tác giáo dục của nước ta ở thời điểm này chưa thể bắt kịp được thời đại.

Dưới thời Minh Mạng, rất nhiều nhà nho tài ba được sinh ra nhưng không có nhiều nhân tài trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Xác lập chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa

Các ghi chép về việc vua Minh Mạng sai quan quân thăm dò, dựng cột và bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được nêu rõ trong sách Đại Nam thực lục chính biên.

Vào năm 1834, nhà vua lệnh cho đội trưởng Trương Phúc Sĩ mang 20 thủy thủ thực hiện công tác vẽ bản đồ, đo đạc địa thế trên các đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, nhà vua còn cho xây dựng các công trình kiến trúc như chùa miếu, dựng bia chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cụ thể vào năm 1836, các quan lại thuộc bộ Công dâng sớ lên vua về việc mỗi năm cắt cử thuyền ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, đo đạc hải trình,.. được vua chấp thuận.

Sau đó, Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật vâng lệnh vua đã mang quân vãng thám Hoàng Sa. Trên thuyền có mang theo 10 bài gỗ dài 5 thước, dày 1 tấc, rộng khoảng 6 tấc. Thuyền di chuyển đến đâu đều cắm mốc cột gỗ đến đó. Trên mỗi bài gỗ có khắc dòng chữ như sau:

"Minh Mạng thập thất niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu chí đẳng tự"

Tạm dịch: Vào năm Bính Thân Minh Mạng thứ mười bảy, Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật vâng lệnh đến Hoàng Sa đo đạc, lưu lại cột mốc ghi nhớ.

Tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp

Dưới đây, chúng tôi thực hiện tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp vua Minh Mạng theo dòng thời gian như sau:

Năm 1791, Nguyễn Phúc Đảm (hoàng tử Đảm) được sinh ra đời.

Tháng giêng năm 1820, Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Lúc này, ông được 29 tuổi.

Năm 1821, nhà vua cho đặt lại chức Tế Tửu, Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, lệnh xây dựng tòa nhà dạy học Di Luân Đường bên trong trường Quốc Tử Giám.

Từ năm 1821 đến năm 1827, cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành lãnh đạo nổ ra. Đây là cuộc khởi nghĩa lớn, có ảnh hưởng sâu rộng chống lại chính quyền của nhà vua trẻ.

Trong giai đoạn từ năm 1822, ở khu vực Bắc Hà có tổng cộng 254 cuộc khởi nghĩa lớn, nhỏ chống lại triều đình nhà Nguyễn.

Từ năm 1831 đến năm 1832, nhà vua ra lệnh thực hiện cuộc cải cách hành chính.

Giai đoạn từ năm 1832 đến năm 1837, cuộc khởi nghĩa Lê Duy Lương chống lại triều đình nhà Nguyễn nổ ra.

Năm 1832, nhà vua cho khai mở ngành tơ tằm ở nước ta.

Từ năm 1833 đến năm 1835, khởi nghĩa Lê Văn Khôi (con nuôi của tả quân Lê Văn Duyệt) diễn ra ở khu vực miền Nam. Lê Văn Khôi cầu viện quân Xiêm (Thái Lan) dẫn đến đến chiến tranh Việt - Xiêm (1833 - 1834).

>> Xem thêm bài viết chi tiết Lê Văn Khôi.

Cuối năm 1834, quân Việt Nam đánh bại quân đội Xiêm La do các tướng Chất Tri và Phật Lãng lãnh đạo ở Thuận Cảng (nay thuộc tỉnh An Giang)

Tháng 7 âm lịch năm 1833 đến tháng 3 âm lịch năm 1835, anh vợ của Lê Văn Khôi là Nông Văn Vân (thổ ty châu Bảo Lạc) khởi nghĩa ở vùng núi phía Bắc.

Từ năm 1834 đến năm 1835, người Chăm được lãnh đạo bởi Katip Thak Wa (Điền Sư) khởi nghĩa nhưng bị dập tắt.

Năm 1836, vùng đất Chân Lạp được nhà vua đổi tên thành trấn Tây Thành, sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam.

Dưới thời vua Minh Mạng, nhà vua lệnh cho bộ Công thực hiện việc chế tạo nhiều máy móc, học hỏi kỹ thuật từ phương Tây. Giai đoạn 1837 và 1839, các thợ thủ công của triều đình đã chế tạo thành công máy cưa gỗ, xẻ gỗ chạy bằng hơi nước, xe cứu hỏa,...

Ngày 15 tháng 2 năm 1839, vua Minh Mạng cho đổi quốc hiệu từ Việt Nam thành Đại Nam.

Cũng trong năm 1839, chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên của Đại Nam ra đời.

Ngày 10 tháng 1 năm 1840, nhà vua ra lệnh cho Tôn Thất Bật giữ chức Tổng Đốc Hải Yên (nay là Quảng Ninh) thực hiện khai thác than. Từ đó đến nay, hoàng đế Minh Mạng được xem là tổ ngành than của Việt Nam.

Năm 1841, vua Minh Mệnh qua đời ở tuổi 49 (theo tuổi dương lịch, 50 tuổi theo âm lịch).

Gia đình và hậu duệ

Gia đình

Nguyễn Phúc Đảm là con trai thứ tư của vua Gia Long vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Mẹ vua Minh Mạng là bà Trần Thị Đang, phi tần của Gia Long, tôn hiệu Thánh Tổ mẫu. Sau khi mất, bà được truy phong Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu.

Trong số 13 vị vua triều Nguyễn, vua Minh Mạng có nhiều con cháu do nhiều vợ và thê thiếp hơn cả. Theo sử sách triều Nguyễn, ông có tổng cộng 43 người vợ đã cùng ông sanh 142 người con. Trong số đó, nhà vua có 78 con trai và 64 con gái.

Dưới thời Minh Mạng, ông không lập Hoàng Hậu đối với các bà vợ vẫn còn sống mà cao nhất chỉ là chức phi. Chính thất của nhà vua là bà Hồ Thị Hoa (tức Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu), mẹ của Nguyễn Phúc Dung (vua Thiệu Trị). Tuy nhiên, bà Hồ Thị Hoa mất rất sớm, sau khi sinh con chỉ 13 ngày.

Trong số các phi tần, nhà vua đặc biệt yêu quý Hiền phi. Sinh thời, Hiền phi thường nói rằng cho dù nhà vua có yêu thương bà nhưng khi qua đời, bà cũng ra đi với 2 bàn tay trắng.

Khi bà mất, vua Minh Mạng đã đến viếng và để lại 2 thỏi vàng trên tay của bà để đảm bảo Hiền phi không phải ra đi tay không. Hành động đẹp này đã thể hiện tình yêu sâu đậm của nhà vua dành cho Hiền phi.

Hậu duệ

Nhà vua Minh Mạng có hậu duệ vô cùng đông đảo. Vì thế, vào năm 1823, nhà vua đã sáng tác bài thơ “Đế thi hệ” để quy định cách đặt chữ lót của cách thành viên trực thuộc dòng dõi của mình.

Nội dung bài thơ “Đế thi hệ” như sau:

Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quý Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương.

Nhà vua lại sáng tác 10 bài thi Phiên hệ thi để quy định cách đặt tên chữ lót cho hoàng tộc.

Bài thơ Anh Duệ hệ:

Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng

Liên Huy Phát Bội Hương

Linh Nghi Hàm Tốn Thuận

Vĩ Vọng Biểu Khôn Quang

Bài thơ Kiến An hệ:

Lương Kiến Ninh Hòa Thuật

Du Hành Suất Nghĩa Phương

Dưỡng Di Tương Thức Hảo

Cao Túc Thể Vi Tường

Bài thơ Định Viễn hệ:

Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái

Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha

Nghiễm Khác Do Trung Đạt

Liên Trung Tập Cát Đa

Diên Khánh hệ:

Diên Hội Phong Hanh Hiệp

Trùng Phùng Tuấn Lãng Nghi

Hậu Lưu Thành Tú Diệu

Diễn Khánh Thích Phương Huy

Điện Bàn hệ:

Tín Diện Tư Duy Chính

Thành Tồn Lợi Kiến Trinh

Túc Cung Thừa Hữu Nghị

Vinh Hiển Tập Khanh Danh

Thiệu Hóa hệ:

Thiện Thiệu Kỳ Tuần Lý

Văn Tri Tại Mẫn Cầu

Ngưng Lân Tài Chí Lạc

Địch Đạo Doãn Phu Hưu

Bài thơ Quảng Oai hệ:

Phụng Phù Trưng Khải Quảng

Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ

Điển Học Kỳ Gia Chí

Đôn Di Khắc Tự Trì

Bài thơ Thường Tín hệ:

Thường Hựu Tuân Gia Huấn

Lâm Trang Túy Thịnh Cung

Thận Tu Di Tiến Đức

Thụ Ích Mậu Tân Công

Bài thơ An Khánh hệ:

Khâm Tùng Xưng Ý Phạm

Nhã Chính Thủy Hoằng Quy

Khải Để Đằng Cần Dự

Quyền Ninh Cộng Tập Hi

Bài thơ Từ Sơn hệ:

Từ Thái Dương Quỳnh Cẩm

Phu Văn Ái Diệu Hoàng

Bách Chi Giai Phụ Đức

Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương

Các bài thơ của nhà vua đều được khắc trong sách vàng (kim sách Đế thi hệ), Phiên thi hệ (sách bạc) và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, kim sách gồm 13 tờ bằng vàng được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Bí ẩn bài thuốc Minh Mạng thang

Trong lịch sử Việt Nam, Minh Mạng là một trong những vị vua có nhiều con nhất. Lâu nay, dân gian vẫn lưu truyền về bài thuốc bổ Minh Mạng thang giúp tăng cường khả năng sinh dục.

Tương truyền, bài thuốc này đã được các quan ngự y cống hiến lên cho vua Minh Mạng sử dụng. Các vị trong bài thuốc được ngâm chung với rượu và được cho rằng uống đều mỗi ngày.

Tuy nhiên, các lương y nổi tiếng cho rằng bài thuốc này giúp tăng cường sức khỏe tổng thể chứ không phải chỉ tăng cường khả năng sinh dục. Vì thế, bài thuốc này không thật sự phù hợp với tất cả mọi người và người dùng cần phải đến phòng khám để được chẩn mạch.

Trước năm 1975, ở miền Nam lưu truyền bài thuốc Minh Mạng thang như “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” và “nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử”. Trong một khoảng thời gian dài, nhiều phiên bản Minh Mạng thang ra đời với nhiều biến thể khác nhau.

Trong đó, lưu truyền trong dân gian bài thuốc “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” gồm 22 vị. Tuy nhiên, việc chưa tìm ra bản gốc Minh Mạng thang đã dẫn đến bài thuốc chưa mang đến hiệu quả như mong đợi, gây ra nhiều tranh cãi.

Nhiều nhà thuốc đông y vẫn bày bán tràn lan Minh Mạng với nhiều dị bản khác nhau.

Mãi đến năm 2015, hội lương y tỉnh Thừa Thiên Huế do lương y Phan Tấn Tô dẫn đầu cho biết đã tìm thấy bản gốc bài thuốc Minh Mạng thang. Theo đó, bản gốc của bài thuốc Minh Mạng thang được ghi chép trong tờ châu Quy tỳ hoàn gia giảm do ngự y dâng lên vua. Trên tờ châu có đóng dấu của Thái Y viện, Cơ mật viện, dấu của vua Minh Mạng vào ngày 26 tháng 12 năm 1829 (tức năm Minh Mạng thứ 10).

Từ năm 1997, lương y Phan Tấn Tô và các đồng sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Nguồn gốc bài thuốc Minh Mạng thang và đề xuất các bài thuốc phù hợp trong sản xuất rượu Minh Mạng”.

Đề tài này được Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên-Huế tài trợ nhằm đưa vào sản xuất bài thuốc Minh Mạng thang. Sau đó, nhóm của lương y Phan Tấn Tô đã công bố 19 bản Minh Mạng thang. Một số cá nhân trong nước cũng công bố 25 bản Minh Mạng thang khác.

Phần lớn các phiên bản của bài thuốc này có nguồn gốc từ 2 bài thuốc sau:

  • Độc hoạt ký sinh thang của lương y Tôn Tư Mạc thời nhà Đường Trung Quốc.
  • Quy tỳ thang của Nghiêm Dung Hòa thời nhà Tống Trung Quốc.

Sau khi bản gốc bài thuốc Minh Mạng thang được tìm thấy, chúng chỉ có 11 vị, khác biệt rất lớn so với các dị bản khác. Các vị thuốc này được tán nhỏ, luyện mật thành viên hoàn, được uống mỗi ngày với nước sôi để nguội, trước mỗi bữa sáng, trưa, chiều.

Vua Minh Mạng và Lê Văn Duyệt

Lê Văn Duyệt là một trong những vị võ tướng khai quốc công thần nhà Nguyễn, phò tá Nguyễn Ánh. Sau khi đánh tan quân Tây Sơn, Lê Văn Duyệt được truy tặng chức Khâm sai, làm Tham tri dinh quận Bình Tây, tước quận công cha truyền con nối.

Tả quân Lê Văn Duyệt trông coi tỉnh Gia Định vào đầu thế kỷ 19. Ông được vua Minh Mạng phong làm Tổng trấn vào năm 1820 và giữ chức vụ này cho đến khi mất năm 1832.

Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định hơn mười hai năm. Trong thời gian đó, kinh tế vùng Nam Bộ có bước phát triển vượt bậc. Thành phố Gia Định phát triển mạnh mẽ trở thành một trung tâm thương mại sầm uất với an ninh trật tự nổi bật.

Vào năm 1833, quan tổng đốc Bạch Xuân Nguyên đã tuyên bố nhận được mật chỉ của vua để điều tra công, tội của Lê Văn Duyên. Bạch Xuân Nguyên đã cố gắng bắt các thuộc hạ của Lê Văn Duyệt trong đó có con nuôi Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi. Sau đó, Lê Văn Khôi vượt ngục và khởi nghĩa chống lại triều đình.

Đến năm 1835, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt. Vua Minh Mệnh tiếp tục ra lệnh cho các quan Nội Các gồm có Nguyễn Tri Phương, Hà Quyền, Hoàng Quỳnh vạch tội Lê Văn Duyệt. Trong bản vạch tội có 7 tội đáng chém, 2 tội phải chịu hình phạt thắt cổ, 1 tội phải chịu án sung quân. Song nhà vua cho rằng Lê Văn Duyệt đã mất, bèn ra lênh tước đoạt các tước hiệu, san bằng mộ của Lê Văn Duyệt. Ông lại cho người khắc bia với nội dung “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu phạt).

>> Lê Văn Duyệt có công hay tội? Vụ án của ông có được đời sau minh oan? Xem thêm bài viết Tả quân Lê Văn Duyệt.

Lăng Minh Mạng

Vào ngày 25 tháng 10 năm 1841, sau khi trị vì được 21 năm, Minh Mệnh qua đời tại điện Quang Minh. Nhà vua đã truyền ngôi cho con trai là hoàng tử Trường Khánh Công (tức vua Thiệu Trị) kế vị. Trước khi qua đời, nhà vua căn dặn quan đại thần Trương Đăng Quế giúp sức và can gián cho nhà vua trẻ. Ông lại căn dặn con trai là hoàng tử Trường Khánh Công (vua Thiệu Trị) phải nghe theo lời dạy dỗ, khuyên bảo của đại thần Trương Đăng Quế:

Trương Đăng Quế thờ ta đến 21 năm, trọn đạo làm tôi, một lòng công trung, bày mưu dưới trướng, ra sức giúp việc ngoài biên, thực là một người công thần kỳ cựu của triều đình. Ngươi nên đãi ngộ một cách ưu hậu, hễ nói thì phải nghe, bày mưu kế gì thì phải theo, ngày sau có thể được thờ vào nhà thế thất.

Sau khi mất, nhà vua được chôn cất tại lăng Minh Mạng (có tên khác là Hiếu lăng). Lăng Minh Mạng được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 1840 và hoàn thiện vào năm 1843.

Lăng Minh Mạng
Một góc lăng Minh Mạng


Khu lăng mộ này tọa lạc tại núi Cẩm Khê, thị xã Hương Thọ, tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng diện tích 18 ha, với 40 công trình kiến trúc cổ kính. Ngày nay, lăng Minh Mạng là địa chỉ du lịch mà du khách khó có thể bỏ qua khi đến thăm cố đô Huế.

>> Bạn có muốn biết về vị vua kế vị Minh Mạng. Xem thêm bài viết vua Thiệu Trị.

Với bài viết này, Holaai.org đã khắc họa cuộc đời, công lao của vua Minh Mạng - một trong những vị vua có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng vua Minh Mệnh cũng có một số chính sách hạn chế. Tuy nhiên, những mặt hạn chế này không làm mất đi những đóng góp tích cực của ông cho xã hội Việt Nam.

Bài viết có tham khảo thông tin từ:

  • Sách Đại Nam thực lục, quyển 2.
  • Sách Việt Sử toàn thư, tác giả Phạm Văn Sơn.
  • Sách Đại Nam liệt truyện.
  • Sách Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả (1995).
  • Thực hư về bài thuốc Minh Mạng thang: https://suckhoedoisong.vn/thuc-hu-ve-bai-thuoc-minh-mang-thang-16969928.htm
  • Vua Minh Mạng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa:
  • http://khamphahue.com.vn/kham-pha/nguoi-hue/tid/Vua-Minh-Mang-khang-dinh-chu-quyen-Hoang-Sa-Truong-Sa-the-nao/newsid/9F428124-C037-4368-87CB-19E69E485C5D/cid/6D6108D7-C36D-4582-9F3B-A87F0128B60B

TrendingTrang chủ