Tiểu sử Lê Văn Khôi và cuộc khởi nghĩa thành Phiên An

Nguyễn Minh Khánh
tháng 9 04, 2021
Last Updated

 Lê Văn Khôi hay Bế Khôi là con nuôi Lê Văn Duyệt, nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy thành Phiên An. Tiểu sử của Lê Văn Khôi và cuộc khởi nghĩa diễn biến như thế nào?

Bảng tóm tắt thông tin Lê Văn Khôi

Tên đầy đủ

Lê Văn Khôi hay Bế Khôi ( 黎文𠐤)

Tên gọi khác

Hai Khôi, Nguyễn Hựu Khôi

Năm sinh và năm mất

? - 1834

Triều đại

Triều đại nhà Nguyễn, vua Minh Mạng

Nơi sinh

Chưa rõ

Nơi mất

Thành Phiên An (nay là TP.Hồ Chí Minh)

Chức vụ

Phó vệ úy, Tả quân Minh nghĩa Vệ úy

Nguyên nhân cái chết

Bệnh phù thũng.

Nổi tiếng với

Con nuôi tướng quân Lê Văn Duyệt, thủ lĩnh cuộc nổi dậy thành Phiên An chống lại triều đình nhà Nguyễn.

Gia đình

Cha mẹ

Lê Văn Duyệt (cha nuôi), Bế Kiện (cha).

Anh chị em

Bế Quỳnh

Con cái

Lê Văn Câu.

Hồ sơ Media

Hồ sơ Wikipedia

https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Văn_Khôi

Tiểu sử Lê Văn Khôi

Lê Văn Khôi (? -1834) là con nuôi của Lê Văn Duyệt, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa thành Phiên An (nay là TP. Hồ Chí Minh) chống lại triều đình nhà Nguyễn. Bế Khôi nổi tiếng giỏi võ, dũng tướng thiện chiến, được Lê Văn Duyệt trọng dụng.

Lê Văn Khôi
Hình ảnh minh họa Lê Văn Khôi trong phim hoạt hình lịch sử
Năm 1832, tả tướng Lê Văn Duyệt mất. Vua Minh Mạng ra lệnh quan Bố chính Bạch Xuân Nguyên tra xét, vạch tội Lê Văn Duyệt và người nhà. Lê Văn Khôi bị bắt giam nhưng vượt ngục thành công. Vào ngày 5 tháng 7 năm 1833, Lê Văn Khôi tập hợp quân đội khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn.
Dưới sự lãnh đạo của ông, nghĩa quân nhanh chóng chiếm lĩnh thành Phiên An và  tỉnh Nam Kỳ. Tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn đã phái hàng vạn quân đàn áp nghĩa quân và vây thành Phiên An. Trước tình hình đó, Lê Văn Khôi đã gửi thư cầu viện vua Xiêm La. Vua Rama III đã gửi 5 đạo quân sang đánh Đại Nam, gây ra chiến tranh Việt - Xiêm (1833 -1834).
Vào tháng chạp năm 1834, giữa lúc chiến sự căng thẳng, Lê Văn Khôi lại qua đời do bệnh phù thủng. Con trai ông là Lê Văn Cầu cố thủ thành Phiên An được khoảng 2 năm thì thất thủ. Đến ngày 8 tháng 9 năm 1835, cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi chính thức kết thúc với thắng lợi thuộc về triều đình nhà Nguyễn.

Thân thế và gia đình

Thân thế

Lê Văn Khôi hay Bế Khôi là con trai thứ của Bế Kiện - thổ mục ở Cao Bằng. Gia phả tộc họ Bế - Nguyễn đã ghi lại như sau: 
“Ông Nguyễn Hựu Kiện tức Bế Kiện giữ chức Tả Vệ, sinh được hai con trai. Con cả là Nguyễn Hựu Quỳnh tức Bế Quỳnh, con thứ là Nguyễn Hựu Khôi tức Bế Khôi”
Ngoài ra, tộc phả họ Bế - Nguyễn còn ghi chép thủy tổ của dòng họ là Định Quốc Công Nguyễn Bặc, một công thần đã giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.
Đến thời Lê trung hưng, dòng họ của ông sống ẩn dật, lại theo họ tổ mẫu Bế Thị Khương, lập nên dòng họ Bế - Nguyễn.
Theo tộc phả ghi chép, Nguyễn Tông Thái là em trai An thành hầu Nguyễn Kim, ông tổ 8 đời của dòng họ Lê Văn Khôi. Đến khi vua Gia Long chiến thắng Tây Sơn, dòng họ Lê Văn Khôi được phép quay về họ Nguyễn Hựu.
Ngoài ra, Khôi còn có một người anh vợ là Nông Văn Vân làm tri châu Bảo Lạc. Sau khi Bế Khôi nổi dậy, Nông Văn Vân cũng kêu gọi nhân dân nổi dậy chống lại triều đình.
>> Xem thêm bài viết về Nông Văn Vân và cuộc khởi nghĩa nông dân
( Phần thân thế Lê Văn Khôi có tham khảo thông tin từ Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 185, tr.78-86, tác giả Nguyễn Phan Quang, NXB Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).

Đầu quân Lê Văn Duyệt

Sử sách ghi chép lại câu chuyện Lê Văn Khôi đi theo Lê Văn Duyệt có 2 phiên bản như sau:
Sách Việt Nam Sử Lược cho rằng Lê Văn Khôi tụ tập quân lính làm loạn. Sau đó, quân triều đình đánh đuổi, Khôi phải chạy về Thanh Hóa, gặp được Lê Văn Duyệt và đầu thú. Lê Văn Duyệt thấy ông dũng mãnh bèn nhận làm con nuôi, mang về Gia Định cho giữ chức phó vệ úy.
Sách Đại Nam chính biên liệt truyện lại có ghi chép khác như sau: 
“Năm Gia Long thứ 18, ở hai trấn Thanh Nghệ và Thanh Bình (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), Thiên Quan, những lưu dân, thổ phỉ tụ họp nhau làm giặc, quan sở tại không kiềm chế nổi. Vua sai Tả quân Lê Văn Duyệt tới đó kinh lược. Khôi mộ quân lệ thuộc dưới trướng, đánh dẹp thường có công. Duyệt yêu mến dùng làm nanh vuốt.”

Cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi

Nguyên nhân

Những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi như sau:
Tả tướng quân Lê Văn Duyệt có hiềm khích với vua Minh Mạng. Khi Lê Văn Duyệt còn sống, ông nắm quyền lực rất lớn trong quân đội, vua Minh Mạng không thể làm gì được. Lê Văn Duyệt qua đời là cơ hội để vua Minh Mạng thu hồi quyền lực và ảnh hưởng gia tộc của ông ở khu vực miền Nam.
Vua Minh Mạng đã bãi bỏ chế độ tổng trấn, cử quan bố chính Bạch Xuân Nguyên, án sát Nguyễn Chương Đạt, tổng đốc Nguyễn Văn Quế cai quản các tỉnh miền Nam.
Theo lệnh vua, Bạch Xuân Nguyên đã tạo nên danh sách tội trạng của Lê Văn Duyệt như: tham nhũng, lộng quyền, cho nhiều tàu chiến, xây dựng thành Bát Quái kiên cố,... Kết quả, 16 người nhà Lê Văn Duyệt đều bị giết, mộ Lê Văn Duyệt bị quật lên đánh 100 roi. 
Lê Văn Khôi là con nuôi Lê Văn Duyệt cũng bị bắt và sợ hãi số phận của mình, quyết định tạo phản.

Diễn biến

Chiếm thành Phiên An

Bởi vì Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt nên Bạch Xuân Nguyên đã bắt giam ông. Trong ngục giam, Khôi đã bí mật liên hệ với các binh lính thân thuộc bên ngoài. Sau đó, Khôi vượt ngục thành công.
Đến ngày 5 tháng 7 năm 1833, Khôi và 27 binh lính hồi hương đã đột nhập vào dinh thự của Bạch Xuân Nguyên, Bạch Xuân Hiệu và giết sạch cả nhà. Tiếp đó, Lê Văn Khôi và binh sĩ đi theo đã nhanh chóng chiếm được thành Bát Quát.
Trước mộ của cha nuôi Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi tuyên bố chống lại triều đình vua Minh Mạng, chỉ thần phục hoàng tử Cảnh (đã mất). Ông đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của binh lính và dân chúng trong thành. Vào tối đêm đó, Khôi và nghĩa quân đã kéo đến giết chết quan tổng đốc An Biên Nguyễn Văn Quế. Nguyễn Văn Quế chính là vị quan được triều đình Huế trao trách nhiệm chính quản lý khu vực Phiên An - Gia Định.
Ngoài ra, Lê Văn Khôi còn ra lệnh thả hết các tù nhân là lính hồi hương để gia tăng lực lượng. Quan lãnh binh thành Phiên An là Giả Tiến Chiêm mang 400 quân đến đàn áp nhưng thua trận bỏ chạy
Cũng trong đêm hôm đó, quan án sát thành Phiên An là Nguyễn Chương phải mở cửa thành để chạy trốn. Cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi đã bắt đầu vô cùng bất ngờ, các quan lại khu vực Nam Bộ chưa kịp chi viện thì thành Phiên An đã thất thủ.

Chiếm lĩnh lục tỉnh Nam Kỳ

Sau khi chiếm được thành Phiên An, Khôi tuyên bố phò tá con trai Hoàng tử Cảnh là Nguyễn Phúc Mỹ Đường. Lê Văn Khôi cho đúc ấn, tự phong là đại nguyên soái, sắc phong phó tướng Lê Đức Lực thống lĩnh trung quân, tướng Nguyễn Văn Đà, Nguyễn Văn Thông thống lĩnh tiền quân, cùng nhiều tướng lĩnh khác.
Nhiều quan lại, tướng lĩnh triều đình tại thành Phiên An trực tiếp đầu hàng nghĩa quân. Tháng 6 âm lịch năm đó, phó tướng của nghĩa quân là Lê Đắc Lực gấp rút mang binh đánh chiếm Biên Hòa. Các quan lại triều đình ở Biên Hòa đều bỏ chạy.
Trung quân của nghĩa quân do Thái Công Triều chỉ huy mang quân đánh  khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Quan tổng đốc tỉnh Định Tường là Lê Phúc Bảo chống cự nhưng thất bại. Chỉ vòng chưa đầy 1 tháng, nghĩa quân Lê Văn Khôi lần lượt chiếm được Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, An Giang, Biên Hòa. Các tướng nhà Nguyễn là Võ Văn Vĩ, Tôn Thất Gia chết trận.
Tại các vùng lãnh thổ chiếm được, Lê Văn Khôi bãi bỏ các chức quan của triều đình và thiết lập bộ máy triều đình riêng biệt. Tuy cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành được thắng lợi nhưng nhanh chóng bị quân triều đình đàn áp.

Quân triều đình phản công

Trước thế tiến công mạnh mẽ của nghĩa quân, vua Minh Mạng đã nhanh chóng điều động 3 cánh quân triều đình tiến vào miền Nam. Theo đó, Trương Minh Giảng làm tham tán, tướng Phan Văn Thúy được cử làm Thảo nghịch hảo tướng quân chỉ huy đạo quân thứ nhất tiến công theo đường bộ.
Đạo quân thứ hai do tham tán Nguyễn Xuân, tướng Tống Phúc Lương được cử làm Thảo nghịch tả tướng quân, mang binh theo đường thủy tiến đánh Vĩnh Long. Đạo quân thứ ba do tướng Trần Văn Năng chỉ huy, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Văn Trọng làm tham tán mang 3 vệ quân kinh thành, 23 tàu chiến tiến vào Cần Giờ.
Trước sức mạnh của quân triều đình, địa chủ Nam Kỳ không dám ủng hộ nghĩa quân. Đến ngày 17 tháng 6 năm 1833, Thự tuần phủ Võ Quýnh cùng một số binh sĩ triều Nguyễn đã chiếm lại được thành Biên Hòa. Giữa tháng 7 năm 1833, 3 đạo quân của triều đình chính thức tiến vào Nam Kỳ. Vua Minh Mạng hay tin, gấp rút gửi thêm 20 súng thần công vào chiến trường miền Nam.
Trong tháng 7 âm lịch năm 1833 (tháng 8 năm 1833), quân triều đình đã phản công lần lượt chiếm lại các tỉnh Nam Kỳ. Ngày 13 tháng 7, tướng Ngô Bá Toán thống lĩnh quân triều đình chiếm lại được tỉnh Định Tường. 
Đến ngày 17 tháng 7 âm lịch, Doãn Uẩn tấn công và chiếm được thành Vĩnh Long. Sau đó, các tỉnh An Giang, Hà Tiên, Biên Hòa cũng lần lượt bị quân triều đình chiếm lại. Tướng Thái Công Triều thống lĩnh trung quân nghĩa quân Lê Văn Khôi lại đầu hàng triều đình khiến lực lượng nghĩa quân suy yếu. Trước tình hình đó, Lê Văn Khôi đã ra lệnh lui quân về thành Phiên An quyết tâm cố thủ.

Cầu viện Xiêm La và thất bại

Trước tình hình bị bao vây, cô lập, Lê Văn Khôi đã nhờ giáo sĩ nước ngoài nhanh chóng đến cầu viện Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Vua Xiêm La Rama III nhận thấy cơ hội can thiệp quân sự vào Việt Nam bèn ra lệnh tướng Bodin chia quân làm 2 đợt, 5 đạo quân đánh Đại Nam. Tuy nhiên, quân Xiêm La đã thất bại trước sức mạnh của quân đội Đại Nam. 
Thành Phiên An vẫn tiếp tục bị quân đội triều đình bao vây chặt. Đến ngày 11 tháng chạp năm 1834, Lê Văn Khôi bị bệnh phù thủng và qua đời trong thành Phiên An. Con trai Lê Văn Khôi là Lê Văn Cù chỉ mới 7, 8 tuổi thay thế cha cố thủ thành Phiên An. 
Mãi đến ngày 8 tháng 9 năm 1835, thành Phiên An chính thức thất thủ, cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi chính thức kết thúc. 

Kết quả và ý nghĩa

Kết quả: Cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi kết thúc với chiến thắng thuộc về triều đình nhà Nguyễn. Tất cả 1832 người cố thủ thành Phiên An đều bị bắt hoặc chém đầu và được chôn tập thể. Lê Văn Cù bị bắt về kinh thành Huế chịu tội lăng trì xử tử. Dòng họ Lê Văn Khôi ở Cao Bằng bị bắt và xét xử. Vua Minh Mạng đã cho phá hủy thành Bát quái và cho xây tòa thành nhỏ hơn là Gia Định.
Ý nghĩa: Khởi nghĩa Lê Văn Khôi là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu chống lại triều đình nhà Nguyễn vào thế kỷ 19. Cuộc khởi nghĩa đã thu hút được đông đảo các tầng lớp dân chúng chống lại triều đình. Ngoài ra, khởi nghĩa Lê Văn Khôi còn có sự liên hệ chặt chẽ với cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân. Tuy nhiên, Lê Văn Khôi đã sai lầm khi yêu cầu trợ giúp từ Xiêm La đã mang đến tai họa giặc ngoại xâm cho nước ta.
Giai thoại

Lê Văn Khôi đánh hổ

Về giai thoại Lê Văn Khôi đánh hổ được ghi lại trong sách “Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt ” của tác giả Lê Đình Chân. Tương truyền, khi Lê Văn Duyệt đang giữ chức tổng trấn Phiên An, sứ thần Xiêm La (nay là Thái Lan) đến gặp ông.
Lúc này, Lê Văn Duyệt đã lệnh Lê Văn Khôi giả dạng làm binh sĩ để trổ tài trước sứ giả.
Ngày xưa, người thành Gia Định thường có tục lệ đấu hổ. Các con hổ hung dữ sẽ được nuôi dưỡng trong chuồng được rào kín. Lúc này, Tả quân Lê Văn Duyệt ra lệnh mở hội đấu hổ, mời sứ giả cùng các quan đến xem.
Lê Văn Khôi đánh hổ
Lê Văn Khôi đánh hổ
Khi tiếng trống mở đầu vừa kết thúc, Lê Văn Khôi ở trần, một tay cầm côn sắt, một tay cầm đùi heo tiến đến mở cửa chuồng hổ. Con hổ này vô cùng hung dữ, vừa thoát khỏi cửa chuồng là vồ ngay lên người Khôi. Khôi thấy thế bèn đánh hổ một côn thì hổ lăn ra chết. Sứ giả Xiêm La hết sức ngạc nhiên và khâm phục.
Lúc này, Lê Văn Duyệt làm bộ nổi giận trách tội Khôi làm chết hổ quý, lệnh quân đao phủ bắt trói Khôi lôi ra chém. Lê Văn Khôi quỳ lạy xin Duyệt đi bắt con hổ khác để lấy công chuộc tội. Duyệt đồng ý, một cuộc chiến đấu ác liệt giữa Khôi và hổ dữ lại diễn ra.
Tiếng reo hò của khán giả, tiếng trống dồn dập, người và hổ tiếp tục quần nhau. Sau cùng, Lê Văn Khôi đã tung ra cú đá hiểm khiến con hổ choáng váng. Khôi bèn lấy dây thừng trói chặt hổ rồi dâng lên Lê Văn Duyệt. Tất cả khán giả, sứ giả Xiêm La đều hết sức khâm phục, khen tặng sức mạnh và võ nghệ của Lê Văn Khôi.
Thế nhưng, Lê Văn Duyệt lại bình thản nói với sứ giả:
“Quân sĩ dưới trướng của tôi đều như thế cả, có gì đâu mà ngài phải ca ngợi”.

>> Có lẽ bạn muốn xem thêm Tả quân Lê Văn Duyệt - Từ thái giám đến tổng trấn Gia Định 

Khu mộ tập thể nghĩa quân Lê Văn Khôi

Khi nghĩa quân Lê Văn Khôi thất bại, tất cả 1831 người tham gia khởi nghĩa đều bị xử tử và chôn tập thể tại mả Ngụy hay mả Biền Tru. Những người cầm đầu như con trai Lê Văn Khôi thì bị áp giải về kinh thành chịu tội. Khu mộ tập thể này được các nhà nghiên cứu như Trần Trọng Kim, Nguyễn Đình Đầu cho rằng nằm ở khu vực công trường Dân Chủ kéo dài đến bệnh viện Bình Dân, TP.Hồ Chí Minh.
Ngày xưa, khu vực mả Biền Tru còn lưu truyền những câu chuyện linh dị khá rùng rợn. Người đời đến nay vẫn còn lưu truyền câu thơ truyền miệng như sau:
Chiều giông mả Ngụy cũng giông
Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây
Sống thời gươm bén cầm tay
Chết thời một sợi lông mày cũng buông
Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn…
Người xưa cho rằng mỗi khi chiều tối, khu mả Ngụy lại hiện lên những vong hồn đã khuất. Nguyên nhân hiện tượng này có thể là do vùng này âm u, lại có nhiều cây cối ẩm thấp nên tạo thành một lớp sương mù.
Holaai.org vừa đến quý độc giả bài viết về Lê Văn Khôi và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo. Qua đó, chúng tôi hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu thêm danh nhân lịch sử nước nhà. Hẹn gặp lại bạn trong những nội dung tiếp theo.
Nguồn tài liệu tham khảo
  • Trở lại vấn đề: Lai lịch Lê Văn Khôi, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 185 (Tháng 2/1979), tác giả Nguyễn Phan Quang, tr.78-86: https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/76795
  • Nguyễn Phan Quang (1981), Tìm hiểu mối quan hệ giữa hai cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi và Nông Văn Vân (1833-1835). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 1(196), tr 69-76.
  • Sách Quốc sử quán triều Nguyễn, Cao Xuân Dục (chủ biên) (1998). Quốc triều chính biên Toát yếu. Nhà xuất bản Thuận Hóa.

TrendingTrang chủ