Tiểu sử Nguyễn Văn Siêu - Giai thoại thần Siêu luyện chữ

Nguyễn Minh Khánh
tháng 9 03, 2021
Last Updated

 Nguyễn Văn Siêu là nhà thơ lớn của Việt Nam đã có công xây dựng tháp Bút, đài Nghiên, tu sửa đền Ngọc Sơn. Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Siêu chưa được nhiều người biết đến.

Bảng tóm tắt thông tin Nguyễn Văn Siêu

Tên đầy đủ

Nguyễn Văn Siêu hay Nguyễn Siêu (阮文超, tên ban đầu là Định)

Tên gọi khác

Án Sát Siêu

Tên hiệu

Phương Đình

Tên chữ

Tốn Ban

Năm sinh và năm mất

1799 - 1872

Quốc tịch

Việt Nam, Đại Nam.

Nơi sinh

Làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ngày nay, quê ông thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Nổi tiếng với

Nhà thơ, nhà nghiên cứu nổi tiếng của Việt Nam. Dưới triều đại nhà Nguyễn, Nguyễn Văn Siêu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Hàn Lâm Viện Thị độc, quan Án sát Hà Tĩnh và Hưng Yên,...

Ngoài ra, ông còn là học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực như: văn học, địa lý, sử học, triết học. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay.

Bạn thân

Cao Bá Quát

Gia đình

Cha mẹ

Đang cập nhật

Hồ sơ Media

Hồ sơ Wikipedia

https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Văn_Siêu

Tiểu sử Nguyễn Văn Siêu

Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) còn gọi Án Sát Siêu, là nhà thơ tài ba, nhà văn hóa, thầy của vua, quan lớn dưới triều nhà Nguyễn. Ông và bạn bè đã xây dựng, tu sửa đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba. Ngày nay, những công trình này đã trở thành danh thắng tiêu biểu của Hà Nội.
Nguyễn Văn Siêu
Tranh chân dung Nguyễn Văn Siêu

Ngoài ra, Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát là hai nhà nho tài ba đương thời. Văn chương của hai ông được vua Tự Đức khen tặng:
Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Mang ý nghĩa: văn chương của Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát đã vượt qua các văn nhân thời tiền Hán.
Dù tài năng nhưng ông tham gia triều đình khá muộn. Năm 1825, Nguyễn Văn Siêu thi đỗ Á Nguyên nhưng lại ở nhà dạy học. Mãi đến năm 1839, ông cùng bạn thân Cao Bá Quát tham gia kỳ thi hội và xuất sắc đỗ Phó Bảng.
Sau đó, Nguyễn Văn Siêu lần lượt đảm nhiệm chức vụ ở hàn lâm viện, rồi chủ sự bộ Lễ, Thừa Chỉ dạy học cho hoàng tử (trong đó có Nguyễn Phúc Hồng Nhậm tức vua Tự Đức). 
Tháng 8 năm 1841, ông và Cao Bá Quát được cử làm giám khảo kì thi Hương ở Huế. Cả hai đã tự ý sửa lại một bài thi tốt nhưng phạm tên húy của thành viên hoàng tộc. Sự việc bị phát giác, Nguyễn Văn Siêu bị cách chức, Cao Bá Quát bị bắt giam chờ ngày xét xử.
Mãi đến năm 1849, dưới triều đại vua Tự Đức, ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc. Sau khi về nước năm 1850, ông được thăng chức Học sĩ ở viện Tập hiền. Một năm sau đó, Nguyễn Văn Siêu lần lượt được triều đình đề cử làm quan Án Sát Hà Tĩnh, Án Sát Hưng Yên. Ông nhận thấy vùng Hà Tĩnh, Hưng Yên hay lũ lụt bèn dâng sớ tâu lên triều đình nhưng vua không nghe. Ông bị cách chức nhưng rồi lại được phục chức Hàn lâm viện Thị độc.
Năm 1854, cụ Nguyễn Văn Siêu xin từ quan, lui về mở trường Phương Đình dạy học, biên soạn sách. Ngôi trường Phương Đình đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc trong đó có tiến sĩ Vũ Nhự. Đến 1865, ông kêu gọi một số danh sĩ xây dựng cụm đền Ngọc Sơn với nhiều công trình nổi tiếng. Đến năm 1872, Nguyễn Văn Siêu qua đời, hưởng thọ 73 tuổi.

Thân thế và tuổi thơ

Nguyễn Văn Siêu tên ban đầu là Định, sinh ra ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ông là tộc trưởng dòng họ Nguyễn thế hệ thứ 10, nhánh Đại Tông. 
Ngay từ nhỏ, ông đã rất thông minh, chăm chỉ học viết chữ, đọc sách từ rất sớm. Năm lên 12 tuổi, ông đã tự sáng tác bức hoành phi, câu đối treo trước bàn học.
Đạo tại cổ kim vô khúc kính.
Thiên đa bồng tất sản cao nhân.
Tạm dịch:
Đạo xưa nay vốn không có đường tắt.
Trời sinh bậc anh tài thường ở nhà cỏ, lều tranh.
Năm 15 tuổi, ông được theo học thầy Hương Cống Trần Công Tiến. Đến năm 20 tuổi, Nguyễn Văn Siêu theo học tiến sĩ Phạm Quý Thích, đồng môn với Ngô Thế Vĩnh và Chu Doãn Chí.

Xây dựng và tu sửa cụm đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc, giữa Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cụm di tích đền Ngọc Sơn là di tích văn hóa, tôn giáo, biểu tượng của TP.Hà Nội. Trên đền Ngọc Sơn, tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc đều là những danh thắng biểu tượng cho danh sĩ đất Bắc Thành.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng đền Ngọc Sơn xưa kia chỉ là một tòa miếu nhỏ thờ Trần Hưng Đạo và Quan Vũ. Vào khoảng năm 1862 - 1863, Nguyễn Văn Siêu đã từ quan nhưng vẫn còn danh tiếng rất lớn trong giới Nho sĩ. Ông đã đứng ra vận động các nho sĩ tu sửa đền Ngọc Sơn, xây dựng thêm tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba.
Công trình được hoàn thành sau 4 năm xây dựng, mang vẻ đẹp hài hòa, cân đối, thanh tao mà hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên.

Tháp Bút Tả Thanh Thiên
Hình ảnh Tháp Bút Tả Thanh Thiên
Ngay khi bước vào đền Ngọc Sơn, chúng ta sẽ bắt gặp một trụ đá có hình dạng cây bút lông, cao đến 28m, được mệnh danh tháp Bút. Trên thân tháp được điêu khắc dòng chữ đầy khí phách “Tả Thanh Thiên” (ý nghĩa: viết lên trời cao).
Ngoài tháp Bút, chúng ta sẽ tiếp tục đi đến đài Nghiên nằm trên lớp cổng thứ ba. Đài Nghiên có hình dạng quả đào được cắt nửa. Mỗi khi mặt trời mọc, bóng của ngọn tháp Bút sẽ chấm vào đài Nghiên, tạo nên cảnh sắc kỳ ảo, thú vị.
Cầu Thê Húc
Cầu Thê Húc với kiểu dáng thanh tao
Vào năm 1865, Nguyễn Văn Siêu đã cho xây dựng cầu Thê Húc nối bờ hồ Hoàn Kiếm và đảo Ngọc. Cầu Thê Húc được làm bằng gỗ, kiểu dáng cổ xưa, có màu đỏ tượng trưng cho sự thịnh vượng, may mắn.
Đền Ngọc Sơn đã xây dựng lại 3 nếp đền chính, kè đá chắc chắn bao bọc xung quanh. Ngoài ra, cụ Siêu còn cho xây dựng thêm đình Trấn Ba mang ý nghĩa trấn giữ, ngăn cản sóng gió.

Tác phẩm tiêu biểu

Về văn học, Nguyễn Văn Siêu để lại câu nói nổi tiếng, đã trở thành kim chỉ nam đối với các tác giả văn học:  
“Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng tôn thờ là loại chỉ chuyên chú vào văn chương. Loại đáng thờ là loại tập trung vào con người”.
Cụ Nguyễn Siêu có thời gian công tác dài ở Hàn Lâm Viện. Vì vậy, cáo văn điển sách của triều đình có phần lớn đều do ông biên soạn.
Các tác phẩm của cụ Siêu được viết bằng chữ Hán và khắc thành bản in. Nguyễn Văn Siêu đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như:
  • Phương Đình văn loại (tập văn chương Phương Đình)
  • Phương Đình thi loại (tập thơ Phương Đình)
  • Phương Đình thi văn tập (tuyển tập văn thơ Phương Đình).
  • Phương Đình tùy bút lục (những tùy bút của Phương Đình).
  • Anh ngôn thi tập (tuyển tập các bài thơ được sáng tác tại Thăng Long).
  • Lưu lãm tập (các bài thơ được sáng tác ở Huế).
  • Vạn lý tập (tuyển tập các bài thơ được sáng tác khi ông đi sứ sang nhà Thanh).
  • Mạn hứng thi tập.
Ngoài ra, ông còn để lại nhiều bộ sách nghiên cứu về văn hóa, địa lý gồm:
  • Chư sử khảo thích (Khảo và chú giải bộ sách sử)
  • Phương Đình dư địa chí (bộ sách ghi chép về địa lý).
  • Tứ thư bị giảng (Giảng giải về tứ thư).
  • Chư kinh khảo ước.

Giai thoại thần Siêu luyện chữ

Ít ai có thể ngờ được văn chương xuất sắc như Nguyễn Văn Siêu lại có nét chữ xấu vô cùng. Đến nỗi, ông từng bị trêu ghẹo như sau:
Thần đâu mà chữ xấu như ma.
Lọ lem cho người chẳng ngó ra.
Khi ông đi thi cử nhân, bởi vì chữ xấu mà bị xếp xuống hạng thứ hai. Đến kỳ thi tiến sĩ, cũng bởi chữ xấu mà ông một lần nữa chỉ đỗ Phó Bảng mặc dù bài thi của ông cực kỳ xuất sắc.
Từ đó, Nguyễn Văn Siêu xấu hổ mà quyết tâm rèn chữ. Ngày nay, nhiều câu đối và bài thơ với nét chữ rồng bay phượng múa tại cụm đền Ngọc Sơn đều do ông đề bút. Đặc biệt, người bạn thân Cao Bá Quát của Nguyễn Văn Siêu cũng từng nổi tiếng chữ xấu.

Tưởng nhớ công lao và nhận xét

Để tưởng nhớ công lao, khu lăng mộ Nguyễn Văn Siêu đã được chính phủ cho trùng tu khang trang. Địa chỉ khu lăng mộ tọa lạc tại số 256 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Tượng thờ Nguyễn Văn Siêu
Tượng thờ Nguyễn Văn Siêu
Riêng khu nhà tổ thờ họ Nguyễn do Nguyễn Văn Siêu xây dựng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, nhà tổ thờ họ Nguyễn đang trong tình trạng xuống cấp.
Ngoài ra, một số con đường tiêu biểu đã được đặt tên Nguyễn Văn Siêu gồm có:
  • Đường Nguyễn Văn Siêu dài 320m thuộc phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Con đường này giao với đường Chi Lăng và đường Nguyễn Gia Thiều.
  • Đường Nguyễn Văn Siêu thuộc xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
  • Đường Nguyễn Văn Siêu phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
>> Đọc thêm về tiểu sử người bạn thân của cụ Siêu là Cao Bá Quát.
Trí tuệ và tâm huyết của danh nhân Nguyễn Văn Siêu sẽ mãi được người đời sau nhớ đến. Hy vọng Họ Là Ai đã đáp ứng được mong muốn tìm hiểu thông tin tiểu sử của quý độc giả và hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo.

TrendingTrang chủ