Tùng Thiện Vương - Ông HOÀNG thơ sáng lập Mạc Vân thi xã

Nguyễn Minh Khánh
tháng 9 12, 2021
Last Updated

 Tùng Thiện Vương là nhà thơ tài ba, lỗi lạc, người bạn thơ với Cao Bá Quát. Các tác phẩm của ông luôn thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân. Tìm hiểu tiểu sử, cuộc đời, thân thế, các tác phẩm của Tùng Thiện Vương qua bài viết dưới đây.

Bảng tóm tắt thông tin Tùng Thiện Vương

Tên đầy đủ

Nguyễn Phúc Miên Thẩm (阮福綿審), Nguyễn Phúc Hiện (阮福晛).

Tên hiệu

Tùng Thiện Văn Nhã Vương (從善文雅王)

Tên chữ

Trọng Uyên (仲淵), Thận Minh (慎明).

Biệt hiệu

Bạch Hào Tử (白毫子), Thương Sơn (倉山).

Năm sinh

Ngày 11 tháng 12 năm 1819

Năm mất

Ngày 30 tháng 4 năm 1870

Quốc tịch

Đại Nam, triều Nguyễn.

Nơi sinh

Cung điện Thanh Hòa, cấm thành Huế, Đại Nam

Nơi mất

Thành phố Huế

Nổi tiếng với

Nhà thơ tài ba, nổi tiếng sánh ngang Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu. Ông đã sáng lập hội thơ Mạc Vân thi xã, con rể Tùng Thiện Vương đã tham gia nổi dậy chống lại triều đình.

Gia đình

Cha

Vua Minh Mạng

Mẹ

Thục tần Nguyễn Thị Bửu.

Chính thất

Trương Thị Thứ.

Con cái

20 con trai, 12 con gái.

Em trai

Nguyễn Phúc Miên Hựu.

Em gái

Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, Nguyễn Phúc Trinh Thuận, Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa.

Hồ sơ Media

Hồ sơ Wikipedia

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tùng_Thiện_Vương

Tiểu sử

Tùng Thiện Vương (1819 - 1870) là con trai vua Minh Mạng, nhà thơ lớn, nhà sáng lập hội thơ Mạc Vân thi xã dưới triều đại nhà Nguyễn. Ông là vị hoàng thân đã trải qua 3 đời vua gồm Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông lần lượt được phong Tùng Quốc công, Tùng Thiện công vào các năm 1839, 1854.
Tùng Thiện Vương
Chân dung Tùng Thiện Vương
Dưới triều Nguyễn, các vị hoàng thân như ông không được phép thi cử, làm quan. Mặc dù ông rất thương cảnh đất nước suy yếu, dân chúng lao động khổ cực nhưng ông không thể làm gì được. Ông chỉ có thể gửi gắm tâm sự của mình qua các bài thơ miêu tả dân chúng lầm than, quan lại tham nhũng, nỗi lo lắng vận mệnh đất nước.
Tháng 9 năm 1866, con rể đầu của Tùng Thiện Vương là Đoàn Hữu Trưng đã khởi binh chống lại triều đình nhà Nguyễn (giặc chày vôi). Trước khi cuộc khởi nghĩa diễn ra, Đoàn Hữu Trưng đã viện cớ vợ trái với lễ nghĩa mà cho vợ hồi về nhà mẹ đẻ để tránh gia đình Tùng Thiện Vương liên lụy.
Cuộc khởi nghĩa thất bại, Đoàn Hữu Trưng bị xử tử, Tùng Thiện Vương bèn mang cháu ngoại, con gái quỳ trước cung vua Tự Đức xin chịu tội. Vua Tự Đức không trách ông, chỉ phạt bổng lộc 8 năm. Từ đó, ông lên chùa Từ Lâm cư ngụ, mãi dằn vặt vì việc này, gia cảnh lại khó khăn. Gia đình ông phải trồng cây ăn quả, mang ra chợ bán để duy trì cuộc sống..
Vào ngày 30 tháng 3 âm lịch (30 tháng 4 dương lịch) năm 1870, Tùng Thiện Vương qua đời, hưởng thọ 51 tuổi, Đến năm 1878, ông được vua Tự Đức tiếc thương làm thơ tưởng nhớ, lại phong tặng tước Tùng Thiện Quận vương. Năm 1936, đến đời vua Bảo Đại truy phong cho ông tước hiệu Tùng Thiện Vương.

Thân thế và tuổi thơ

Tùng Thiện Vương sinh ngày 24 tháng 10 năm 1819 (ngày 24 tháng 10 âm lịch) tại cung điện Thanh Hòa, kinh thành Huế. Ông là con trai thứ 10 trong tổng số 142 người con của vua Minh Mạng (tên thật Nguyễn Phúc Đảm). Mẹ của ông là bà tứ giai thục tần Nguyễn Thị Bảo nổi tiếng văn chương, con gái quan Nguyễn Khắc Thiệu.
Ban đầu, ông được ông nội là vua Gia Long đặt tên cho là Hiện, thưởng cho 10 lạng vàng. Sau này, vua Minh Mạng sáng tác Đế hệ thi, ông được đổi lại tên là Nguyễn Phúc Miên Thẩm. Lúc nhỏ, ông còn có tên khác là Ngợn, thường hay ốm đau và hay khóc đến nỗi mắt mờ, chảy máu. Mẹ ông hết sức chăm nom, chữa bệnh mãi không hết.
Có vị đạo sĩ tên Vân vô tình nhìn thấy, bảo với bà: “Sao thái bạch kim tinh giáng thế, bà làm lễ tiễn là sẽ khỏi”. 
Mẹ ông tin lời bèn làm theo lời vị đạo sĩ. Từ đó, ông không còn bị bệnh tật giày vò nữa.
Ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện sự thông minh, tinh thần ham học. Chỉ mới 4 tuổi, Nguyễn Phúc Miên Thẩm đã được học chữ, đọc sách Hiếu Kinh. Năm 7 tuổi, ông được theo học tại Dưỡng Chính đường, đam mê đọc sách. Năm 9 tuổi, ông đã tự sáng tác bài thơ tế Nam Giao. Sau này, Tùng Thiện Vương theo học danh thần Trương Đăng Quế và cưới con gái của thầy là Trương Thị Thứ, tôn làm chính thất.
Ông có 3 người em gái và 1 người em trai. Sau này, cả 3 cô em đều trở thành những thi sĩ nổi tiếng đất kinh thành. Trong đó, Mai Am nữ sĩ Nguyễn Phúc Trinh Thận là nổi tiếng hơn cả.

Sự nghiệp

Năm 1836, mẹ của ông liên quan đến vụ án người nhà ăn trộm vàng, bị ngừng bổng lộc và chức tước. Vào năm 1839, ông được vua cha phong Tùng Quốc công, được xây phủ thuộc phường Liêm Năng, nằm bên bờ sông An Hựu, giáp với phủ Tuy Lý Vương.


Phủ Tùng Thiện Vương
Phủ Tùng Thiện Vương


Đến năm 1849, Tùng Quốc công cho xây dựng Tiêu Viên nằm phía sau phủ chính, đón mẹ và các em về chăm nom.
Năm 1850, Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương đồng sáng lập hội thơ văn Mạc Vân thi xã hay Tùng Vân thi xã. Mạc Vân thi xã được tổ chức tại phủ Tùng Thiện Vương, họp thường niên tại Ký Thưởng Viên, quy tụ các danh sĩ đương thời như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Hà Tôn Quyền,... Dưới sự lãnh đạo của ông, hội thơ nổi tiếng đến nỗi được so sánh với Hội Tao Đàn thời Lê.
Danh sĩ nhà Thanh là Nhân Sùng Khánh đến thăm, đã làm thơ ca ngợi ông như sau:
Phân tài trực bách Ngụy Tào Thực
Ái khách cách siêu Tề Mạnh Thường.
Tạm dịch:
So tài năng chẳng kém gì Tào Thực thời Ngụy
Yêu khách còn hơn cả Mạnh Thường thời Tề
Sinh thời, Tùng Thiện Vương rất khiêm tốn, thẳng thắn, không coi trọng xuất thân mà chỉ coi trọng tài năng. Vì vậy, ông và Cao Bá Quát rất hợp tính, cùng kết bạn thơ văn. Sau này, Cao Bá Quát bị bắt giam trong vụ án sửa bài thi, công danh mất hết. Tùng Thiện Vương là người bạn hiếm hoi đã đến thăm Cao Bá Quát, làm thơ tặng bạn.
>> Đọc thêm bài viết về tiểu sử và cuộc khởi nghĩa Cao Bá Quát.
Đến năm 1851, ông theo vua lễ tế Nam Giao, theo lệnh vua bình phẩm các bài thơ của các hoàng đệ, bình phẩm 2 cuốn thơ “Ngư Dương” và “Quy Ngu”. Vua khen tài năng của ông, ban thưởng áo Ngự Y.
Tháng 8 năm 1851, mẹ ông qua đời. Tùng Thiện Vương vô cùng thương xót, cầu xin vua sắc phong lại tước hiệu cho mẹ. Vua cảm động trước lòng hiếu thảo của ông nên chấp thuận. Sau đó, ông dựng nhà cỏ bên mộ của mẹ và sống tại đó trong 3 năm để giữ tròn hiếu đạo.
Sau khi mãn tang mẹ, ông được vua phong tước hiệu Tùng Thiện công năm 1854. Cùng năm đó, Tùng Thiện công dâng sớ xin triều đình cho phép mua 12 mẫu ruộng tốt, làm nhà ở được gọi là Phương Thốn thảo đường, đào ao Hoàng Tử pha.
Đoàn Hữu Trưng vốn xuất thân nghèo khổ nhưng lại có tài, theo học ở vương phủ Tuy Lý Vương. Năm 1864, Tùng Thiện Vương quý tài của anh học trò nghèo dù chưa đỗ đạt nhưng vẫn gả con gái đầu là Thể Cúc cho Đoàn Hữu Trưng.
Chỉ 2 năm sau (1866), Đoàn Hữu Trưng lại trở thành thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa “loạn chày vôi” và chuốc lấy thất bại. Dù vua Tự Đức không bắt tội ông mà chỉ phạt bổng lộc 8 năm nhưng Tùng Thiện Vương vẫn mãi dằn vặt về chuyện này đến tận cuối đời.
Năm 1870, ông lâm bệnh nặng nhưng vẫn dâng sớ tâu lên triều đình:
“Sống chết đều do mệnh, chỉ có một điều hận là không được thấy nước nhà như xưa. Trộm nghĩ xây dựng cơ nghiệp là chuyện khó, nhưng gìn giữ chẳng phải dễ. Tài lực là điều trọng, muốn an vui cần phòng bị, việc trị nước thì trên dưới phải một lòng, đó là điều phúc cho Tông miếu, điều may cho thiên hạ”.
Ngày 30 tháng 4 năm 1870, Tùng Thiện Vương qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, bè bạn và những người yêu thơ. Mộ Tùng Thiện Vương tọa lạc tại khu nghĩa trang gần chùa Từ Hiếu, TP.Huế.

Tác phẩm

Tùng Thiện Vương là tác giả của nhiều tác phẩm thơ, văn nổi tiếng gồm có:
Thương Sơn thi tập, có 54 quyển, 2200 bài thơ.
  • Quảng Khê thi tập.
  • Lương Khê thi tập.
  • Mạn Viên thi tập.
  • Thương sơn ngoại tập.
  • Tam cao sĩ tập.
  • Thương sơn thi thoại.
  • Thương sơn văn di.
  • Tặng Cao Bá Quát.
  • Cổ duệ từ.
  • Cống Thảo Viên thi tập.
  • Hân Nhiên thi tập.
  • Bạch Đằng Giang.
  • ….
Trong giây phút ốm đau, Tùng Thiện Vương đã sáng tác bài thơ Tuyệt bút tử như sau:
Lờ mờ học Đạo nửa đời người
Trúc dép, đường đi mới rõ mười
Thiên Mụ, Thánh Duyên trăng với sóng
Bóng rừng, hương nước, có còn ai?
Ngoài ra, Tùng Thiện Vương còn biên soạn nhiều sách nghiên cứu các chủ đề lịch sử, âm nhạc, triết học.

Nhận xét

Vua Tự Đức đã có nhận xét:
“Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường”
Ý nghĩa: Thơ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương vượt hơn danh sĩ thời Thịnh Đường.
Cao Bá Quát đã nhận xét về thơ của ông như sau:
“Tôi theo Quốc công chơi đã lâu. Thơ của Quốc công đâu phải đợi đến ngày nay mới nói đến? Và cũng đâu phải đợi đến Quát này mới có thể nói được? Sáng ngày mai, đứng ở ngoài cầu Đốc Sơ trông về phía Nam... Đó chẳng phải là núi Thương Sơn ư? Mua rượu uống rồi, cởi áo ở nơi bắc trường đình, bồi hồi ngâm vịnh các bài thơ "Hà Thượng" của Quốc công, lòng khách càng cảm thấy xa xăm man mác…”
Tuy Lý Vương lại bình phẩm như sau: 
“Thi văn của Tùng Thiện Vương như có hoa giữa núi, như mây mỏng trên trời. Vẻ đẹp ở tinh thần, mỗi câu có một họa ý, mỗi chữ có một nhạc âm”.
Danh sĩ nhà Thanh là Lao Sùng Quang đã nhận xét về bài thơ “Khiển Hoài” của ông như sau:
“Tụng đáo bạch âu hoàng diệp cú,
Cổ hoài tiêu sắt đới thu hàn…”
Dịch nghĩa:
“Đọc đến câu bạch âu hoàng diệp
Nghe người ớn lạnh hơi thu…”

Tưởng nhớ

Để tưởng nhớ công lao của ông, cái tên Tùng Thiện Vương đã được sử dụng để đặt tên cho:
  • Trường THCS Tùng Thiện Vương, số 381 Tùng Thiện Vương, quận 8, TP.HCM.
  • Đường Tùng Thiện Vương phường 11, quận 8, TP.HCM.
  • Đường Tùng Thiện Vương phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.
  • Đường Tùng Thiện Vương phường Vỹ Dạ, TP.Huế. Đây là con đường khá dài, nằm song song với đường Tuy Lý Vương, cắt với đường Thanh Tịnh và Trương Gia Mô.
>> Có lẽ bạn muốn biết thêm về nhà thơ Tuy Lý Vương, người em thân thiết của Tùng Thiện Vương
Họ Là Ai vừa gửi đến bạn đọc tiểu sử, thân thế và sự nghiệp của Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm. Chúng tôi hy vọng những thông tin này đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc và hẹn gặp lại bạn trong thời gian sớm nhất.
Nguồn thông tin tham khảo:
  • Wikipedia.
  • Sách “Vua Minh Mạng với Thái y viện và Ngự dược”.
  • https://thcstungthienvuong.hcm.edu.vn.

TrendingTrang chủ