Vua Thiệu Trị - Cuộc đời và sự nghiệp "thi sĩ trên ngai vàng"

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 12, 2023
Last Updated

 Thời nhà Nguyễn, vua Thiệu Trị nổi tiếng văn hay chữ tốt, chăm chỉ, siêng năng nhưng chỉ tại vị được gần 7 năm. Vậy, cuộc đời, sự nghiệp và lăng mộ của nhà vua có những điểm gì đặc biệt? Mời bạn đọc cùng chúng tôi theo dõi bài viết sau đây.

Tiểu sử

Thiệu Trị (16 tháng 6 năm 1807 – 4 tháng 11 năm 1847) là vị vua thứ ba của triều đại nhà Nguyễn. Ông kế vị vua Minh Mạng, trị vì Đại Nam trong 6 năm 235 ngày.

vua Thiệu Trị
Chân dung vua Thiệu Trị



Vua Thiệu Trị không phải là một vị hôn quân. Nhà vua vốn thông minh, chăm chỉ lo việc nước, lại am hiểu sâu sắc Nho giáo. Tuy nhiên, vua Thiệu Trị chưa thể đưa ra những cải cách mới làm thay đổi sự suy yếu của Đại Nam và giải quyết mối họa ngoại xâm từ quân Pháp. Thay vào đó, nhà vua chỉ giữ nguyên các chính sách từ đời vua trước vốn đã lỗi thời. 

Vào năm 2020, bộ phim Phượng Khấu ra mắt khán giả, kể về cuộc đời vua Thiệu Trị dù nỗ lực nhưng chưa thể xoay chuyển vận nước. Trong bộ phim này, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đã xuất sắc hóa thân thành nhà vua.

Gia đình và tuổi thơ

Ngày 16 tháng 6 năm 1807, tại kinh thành Huế, Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, vợ của vua Minh Mạng hạ sinh một bé trai, lấy tên là Nguyễn Phúc Dung. Sau khi vua Minh Mạng lập ra bài Đế hệ thi, hoàng tử được đổi tên thành Miên Tông, khi lên ngôi lại đổi thành Nguyễn Phúc Tuyền, lấy niên hiệu là Thiệu Trị.

Theo sách "Quốc sử di biên" chép lại, khi Thiệu Trị chưa lên ngôi nhưng trong câu đối của ông đã báo trước về địa vị của người đứng đầu thiên hạ nay mai. Một hôm, Thánh tổ Minh Mạng ra câu đối:
 Long vi vạn vật chi linh, biến hóa phi đằng mặc trắc
 Dịch ra: 
Rồng thiêng hơn vạn vật, biến hóa bay nhảy khôn lường. 
Nghe xong, Miên Tông đối lại:
Thiên nãi nhất nguyên chi khí, khôi hiệu phú đảo vô ngân
Dịch nghĩa:
Trời là khí nhất nguyên, rộng lớn che trùm tất cả. 
Thánh tổ nghe xong vô cùng làm lạ, quý trọng hoàng tử lắm. Bởi vì trong câu đối trên, Miên Tông thể hiện được tầm nhìn lớn, bao quát thiên hạ. Vua Minh Mạng cho rằng: 
Một con người đưa ra được câu đối khí phách như thế, ắt hẳn sẽ có ngày được đứng ở ngôi vị cao nhất.

Sự nghiệp

Lên ngôi Hoàng Đế

Lời tiên đoán của Thánh Tổ Minh Mạng ngày nào đã trở thành sự thật. Ngày 20 tháng 1 năm 1841, tại điện Quang Minh, vua Minh Mạng qua đời. Ngày 11 tháng 2 năm 1841, tại điện Thái Hòa (Huế), Miên Tông lên ngôi vua nước Đại Nam, hiệu là Thiệu Trị. Lúc này, nhà vua chỉ mới 34 tuổi.

Chính sách đối nội

Như đã nói ở trên, vua Minh Mạng đã làm việc rất chăm chỉ và để lại rất nhiều định chế cho con trai Thiệu Trị. Vì thế, tuy giỏi giang là vậy, vua Thiệu Trị không có nhiều cơ hội để đưa ra các cải cách về pháp luật, hành chính, giáo dục cũng như đối nội. Tuy nhiên, nhiều chính sách hà khắc từ thời Minh Mạng như lao dịch hay sưu cao thuế nặng vẫn còn kéo dài.
Tác giả Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam Sử Lược đã có đôi dòng tóm lược về chính sách cai trị của ông như sau:
Tính vua Hiến Tổ hiền hòa, không bày ra nhiều việc và cũng không được quả cảm như Thánh Tổ. Trong đời Ngài làm vua, học hiệu, chế độ, thuế má, điều gì cũng theo như triều vua Thánh Tổ cả. Bầy tôi lúc bấy giờ có Trương Đăng Quế, Lê Văn Đức, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Tiếp trong ngoài ra sức giúp rập. Nhưng mà đất Nam Kỳ có giặc giã, dân Chân Lạp nổi loạn, quân Tiêm La sang đánh phá, nhà vua phải dùng binh đánh dẹp mãi mới xong

Phía Nam và Chân Lạp

Trước khi Thiệu Trị lên ngôi, cha ông là vua Minh Mạng đã thực hiện chính sách mở rộng lãnh thổ, giúp An Nam có diện tích lớn nhất trong tiền lệ. Vùng đất Chân Lạp được sát nhập vào lãnh thổ Đại Nam được gọi là trấn Tây Thành.

Cuối thời Minh Mạng, vùng đất Nam Kỳ và Chân Lạp đã có giặc giã. Triều đình cắt cử Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tiến Lâm, Lê Văn Đức đem quân đi dẹp loạn. Thế nhưng, cứ đánh dẹp được chỗ này thì giặc làm loạn nơi khác lại nổi lên.

Ở thời kỳ này, cuộc nổi tiếng nhất phải kể đến Lâm Sâm cùng với các thầy chùa ở Trà Vinh. Ở lãnh thổ Chân Lạp, người dân Chân Lạp và Xiêm La đánh phá. Có áp bức ắt có đấu tranh, quân Chân Lạp nổi dậy liên miên, khiến chi phí cho quân sự tăng lên làm quốc khố nước ta cạn kiệt. 

Năm 1841, Tạ Quang Cự tâu với vua bỏ đất Chân Lạp, rút quân về An Giang. Để cắt giảm chi phí cho quân đội, Thiệu Trị ra quyết định lệnh cho Trương Minh Giảng rút quân về nước và trả lại trấn Tây Thành. Khi Trương Minh Giảng về đến An Giang thì ông qua đời. Theo sách Việt Nam Sử Lược, nguyên nhân Trương Minh Giảng mất như sau:

Bởi vì việc kinh lý đất Chân Lạp là ở tay ông cả, nay vì có biến loạn, quan quân phải bỏ thành Trấn Tây mà về, ông nghĩ xấu hổ và buồn bực đến nỗi thành bệnh mà chết.

Với Xiêm La

Sau khi quân Đại Nam dẹp xong giặc Lâm Sâm thì quan Xiêm La (sử cũ ghi Tiêm La) lại đem quân sang đánh phá vùng đất phía Nam. Tướng Lê Văn Đức được cử làm tổng chỉ huy đem quân dẹp giặc. Quân đội được chia làm 3 cánh cùng nhau tiến đánh.

Sai Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Tiến Lâm giữ mặt Tiền Giang, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Công Nhân giữ mặt Vĩnh Tế, Phạm Văn Điển và Nguyễn Văn Nhân giữ mặt Hậu Giang. Ba mặt cùng tiến binh lên đánh, quân Tiêm và quân giặc thua to, phải rút về giữ trấn Tây. 

(Trích dẫn sách Việt Nam Sử Lược).

Lúc này, Chân Lạp chịu sự bảo hộ của Xiêm La. Nặc Ông Đôn vì giải phóng đất nước Chân Lạp mà đưa quân Xiêm La vào nước. Tuy nhiên, quân Xiêm La hà khắc, bạo tàn, dân Chân Lạp lại sang cầu cứu Đại Nam. Vua Thiệu Trị sai Võ Văn Giải vào miền Nam để xử lý.

Tháng 6 năm 1845, Võ Văn Giải, Doãn Uẩn, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Nghị đem binh đánh Chân Lạp, phá đồn Dây Sắt, lấy được thành Nam Vang. Sau đó, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn tiếp tục đuổi đánh quân Xiêm La, bao vây thành Oudon. Tháng 9 năm 1945, tướng Xiêm La là Chất Tri xin nghị hòa.

Tháng 10 năm 1845, nhằm tránh chiến sự kéo dài, Xiêm La và Đại Nam đã cùng nhau ký kết hòa ước để chia nhau quyền bảo hộ Chân Lạp. Như vậy, vùng biên giới lãnh thổ Đại Nam được bảo vệ. Tuy nhiên, triều đình đã không thể tiếp tục mở rộng lãnh thổ, quốc lực suy giảm do chiến tranh. So với thời vua Minh Mạng, lãnh thổ nước Đại Nam đã bị thu nhỏ.

Tháng 1 năm 1846, Nặc Ông Đôn dâng biểu tạ tội, sai sứ giả đem sang đồ triều cống. Tháng 2 năm 1847, vua Thiệu Trị phong Nặc Ông Đôn làm Cao Miên Quốc Vương, Mỹ Lâm quận chúa được phong làm Cao Miên quận chúa. Việc giặc giã ở phía Nam lúc này mới xong.

Với Pháp

Lúc này, âm mưu thôn tính Đại Nam của Pháp ngày càng hiện rõ. Nhưng nhà vua chưa hề nghĩ tới việc đầu hàng Pháp mà quyết tâm chống lại. Dưới thời Thiệu Trị, việc cấm đạo đã bớt hà khắc hơn các thời vua trước. Tuy nhiên, một số giáo sĩ Thiên Chúa giáo vẫn bị giam ở kinh thành Huế. Favin Lévêque hay tin đó, bèn đem chiến thuyền Heroine vào Đà Nẵng để yêu cầu triều đình thả 5 giáo sĩ đang bị bắt.

Đến  năm 1845, giám mục Lefèbvre bị triều đình nhà Nguyễn kết án xử tử. Thiếu tướng hải quân Pháp là Cescile hay tin, đem chiến thuyền Alemène vào Đà Nẵng cứu vị giám mục này ra.

Tuy nhiên, vào năm 1847, 2 chiến thuyền Pháp vào Đà Nẵng để bàn về việc yêu cầu triều đình bỏ việc cấm đạo. Thế nhưng, 2 chiến thuyền này đã bắn chìm 5 chiến thuyền Đại Nam tại cửa biển Đà Nẵng rồi giương buồm ra biển. Sau sự kiện này, nhà vua và các quần thần đều hết sức tức giận nhưng chưa thể tìm ra biện pháp giải quyết thỏa đáng. Vua Thiệu Trị ra chỉ dụ cấm người ngoại quốc giảng đạo và người trong nước theo đạo.

Văn chương

Chắc hẳn mọi người đều thắc mắc rằng tại sao tiêu đề của bài viết này là "thi sĩ ngự ngai vàng". Bởi Thiệu Trị đặc biệt yêu thích thơ văn. Ông đã sáng tác nhiều bài thơ hay.

 Trên hành trình Bắc tuần ra Bắc nhận thụ phong năm 1842, vua Thiệu Trị đã sáng tác được 173 bài thơ. Nhà vua lựa chọn 160 bài cho khắc in thành tập thơ tựa đề Ngự chế Bắc tuần thi tập. Các đại thần trông coi nội các xin đưa 18 bài khắc vào bia đá, dựng bên phải đường đi để lưu truyền rộng rãi. 

Trong đó, có bài Quá Hoành Sơn quan, được dựng bia ở vách núi của dãy Hoành Sơn ở Kỳ Nam, Hà Tĩnh. Điều đặc biệt là tập thơ mặc dù đã được in và ban tặng cho nhiều địa phương thời bấy giờ, nhưng hiện nay mới chỉ tìm được bản khắc duy nhất đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (TP Đà Lạt). 

Vua còn sáng tác "Vũ trung sơn thủy", viết thành 5 vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có một số chữ, với 56 chữ, ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú, nhìn vào như một "trận đồ bát quái", nhưng có thể biến hóa thành 64 bài với 128 cách đọc khác nhau.

Phế truất thái tử

Ít ai biết rằng, trước khi vua Tự Đức kế vị, ngai vàng đã được nhắm cho một chủ nhân khác, đó là Hồng Bảo, trưởng tử của vua.

Về sự kiện này, Quốc sử triều Nguyễn trong Quốc triều chánh biên toát yếu có tường thuật như sau:

 Ngài đòi Cố mạng lương thần Trương Đăng Quế và các đại thần Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào chầu. Ngài truyền đuổi mấy người tả hữu rồi ban rằng: Ta nối nghiệp lớn đã 7 năm nay, ngày đêm lo lắng, không dám thong thả vui chơi. Hôm nay mệt lắm. Trong mấy người con ta, Hồng Bảo tuy lớn nhưng vì thứ xuất (con của vợ thứ), mà lại đần độn ít học, chỉ ham vui chơi, nối nghiệp không đặng. Con thứ hai là Phước Tuy công thông minh ham học giống ta, đáng nối ngôi làm vua. Hôm trước ta đã phê vào tờ di chiếu để tại trong long đồng. Các người phải kính noi nó, đừng trái mạng ta.

Bị truất ngôi vào phút chót, Hồng Bảo tức giận mà hộc máu suýt chết. Dù Hồng Bảo đã cố gắng lạy lục van xin vua cha nhưng chỉ nhận về sự lạnh nhạt.

Qua đời

Thiệu Trị qua đời vào ngày 4 tháng 11 năm 1847 vì lâm trọng bệnh, hưởng thọ 41 tuổi, miếu hiệu là Hiến Tổ. Thụy hiệu của ông là Thiệu Thiên Long Vận Chí Thiện Thuần Hiếu Khoan Minh Duệ Đoán Văn Trị Vũ Công Thánh Triết Chương Hoàng đế . Sau khi mất, bài vị nhà vua được đưa vào thờ trong Thế Miếu. Lăng của ông là có tên gọi là Xương Lăng, tọa lạc tại làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Lăng vua Thiệu Trị

Trước khi băng hà, vua Thiệu Trị đã kịp dặn dò con trai nối ngôi (vua Tự Đức) về việc xây lăng của mình. Theo di nguyện của vua, mặt tiền của lăng lại hướng về phía Tây Bắc và có kiến trúc độc đáo so với các lăng tẩm cùng thời kỳ.

Sau khi vua Thiệu Trị băng hà được 3 tháng, vua Tự Đức mới bắt đầu khởi công xây dựng lăng mộ cho vua cha. Đường hầm Toại đạo để đưa nhà vua vào nơi an nghỉ cuối cùng phải mất đến 1 tháng mới xây dựng xong. Vào tháng 5 năm 1848, công trình này mới chính thức hoàn công. Tháng 6 năm đó Vua Tự Đức đã đích thân đến công trình kiểm tra lần cuối. Sau 10 ngày, di hài vua Thiệu Trị vào trong lăng an táng.

lăng vua Thiệu Trị


Hiện nay, chúng ta có thể ghé thăm nơi an nghỉ của vua Thiệu Trị tại địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy. Khu di tích lăng mộ này nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km. Bên trong lăng mộ nổi bật bởi phong cảnh hữu tình, nổi bật với kiến trúc cổ kính, độc đáo, nhiều nét chạm khắc tinh xảo, hài hòa. Qua nhiều thế hệ, lăng vua Thiệu Trị tại Huế vẫn luôn là điểm đến giàu giá trị lịch sử, thu hút được đông đảo các du khách thập phương dừng chân ghé thăm.

Như vậy, Họ Là Ai đã cùng bạn điểm qua những nét cơ bản về vị vua Thiệu Trị, vị vua thứ 3 của triều đại nhà Nguyễn. Như cụ Nguyễn Du đã nói "chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau", dù thông minh xuất chúng cộng thêm khí khái hơn người, vua Thiệu Trị chỉ tại vị được gần 7 năm ngắn ngủi và cũng chưa có người đóng góp nhiều cho đất nước.

Tài liệu tham khảo:

  • Sách Việt Nam Sử Lược, tác giả Trần Trọng Kim.
  • Sách Quốc triều chánh biên toát yếu.

TrendingTrang chủ