Khởi nghĩa Yên Thế - Nguyên nhân, địa bàn, diễn biến, kết quả

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 14, 2023
Last Updated

 Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, biến đất nước an bình này thành "nửa thuộc địa, nửa phong kiến", đã có nhiều cuộc khởi nghĩa diễn ra. Trong số đó, khởi nghĩa Yên Thế kéo dài và nổi bật nhất. Nguyên nhân, người lãnh đạo, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của khởi nghĩa sẽ được chúng tôi trình bày dưới đây.

Nguyên nhân

Năm 1858, chiến thuyền Pháp bất ngờ nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, lộ rõ âm mưu thôn tính nước ta. Ngày 16 tháng 3 năm 1884, Pháp cho quân đánh chiếm Yên Thế Thượng, nhằm làm bàn đạp tiến vào Thái Nguyên. Người dân ở đây đã đứng lên đấu tranh bảo vệ quê hương, dẫn đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

nghĩa quân khởi nghĩa Yên Thế
Nghĩa quân khởi nghĩa Yên Thế


Nguyên nhân chính của cuộc khởi nghĩa là lòng yêu nước của nông dân quyết tâm chống lại  sự xâm lược của quân viễn chinh Pháp.

Người lãnh đạo

Thủ lĩnh đầu tiên của khởi nghĩa Yên Thế là Lương Văn Nắm ( tức Đề Nắm). Tháng 3 năm 1892, quân Pháp tổ chức cuộc đàn áp quy mô lớn. Trong cuộc chiến này, Đề Nắm chẳng may hi sinh, buộc nghĩa quân phải rút lui khỏi căn cứ. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đứng trước nguy cơ tan rã. Tướng Hoàng Hoa Thám đã đứng lên nhận quyền chỉ huy, củng cố lại lực lượng và dẫn dắt nghĩa quân tiếp tục chiến đấu.

Thành tích lớn nhất của ông là buộc thực dân Pháp phải 2 lần kí hiệp ước hòa hoãn vào các năm 1894 và 1901.  Ông còn tổ chức nhiều trận đánh lớn như Hố Chuối, Đồn Hom ở Yên Thế, Cao Thượng ở Tân Yên, khiến quân Pháp chịu nhiều thiệt hại, phải e sợ. 

Địa bàn, mục đích, tính chất

Tuy khởi nghĩa Yên Thế xảy ra gần như trùng thời điểm của phong trào Cần Vương, nhưng không mang danh nghĩa "phò vua cứu nước". Bởi lẽ, đây chỉ là một cuộc khởi nghĩa tự phát, nhằm chống lại quân xâm lược trên quê hương, bảo vệ nếp sống của mình.

Quân Pháp áp dụng chính sách "chia để trị", cắt nước ta ra thành 3 kỳ. Địa bàn khởi nghĩa Yên Thế xuất phát điểm ở vùng Yên Thế Thượng (tỉnh Bắc Giang) và lan ra một số địa phương ở Bắc Kỳ. Mục đích của khởi nghĩa Yên Thế là chống lại quân Pháp và chính quyền bù nhìn do Pháp lập ra.

Lực lượng 

Cuộc khởi nghĩa có những người lãnh đạo thuộc tầng lớp trí thức. Tuy nhiên, lực lượng tham gia khởi nghĩa chủ yếu là giai cấp nông dân, những người căm phẫn chế độ phong kiến và thực dân Pháp cướp đi sự yên bình trong cuộc sống của họ.

Diễn biến

Giai đoạn thứ nhất

Về diễn biến, giai đoạn đầu tiên của khởi nghĩa Yên Thế có hàng chục cuộc kháng chiến yêu nước, do các thủ lĩnh như: Đề Nắm, Lương Văn Kì, Bá Phức,... cầm đầu. Tuy nhiên, phong trào chưa thống nhất về tổ chức nên có sự rối loạn về đường lối. Mặc dù vậy, nghĩa quân đã đạt được những thành tựu nhất định. Đến cuối năm 1891, vùng Yên Thế gần như được bảo vệ, nghĩa quân mở rộng hoạt động sang cả Phủ Lạng Thương.

Lược đồ khởi nghĩa Yên Thế
Lược đồ khởi nghĩa Yên Thế


Năm 1891, quân Pháp lại tấn công Hố Chuối, nghĩa quân Yên Thế không thể chống cự nổi nên quyết định rút lên Đồng Hom. Thực dân Pháp tiến quân nhanh vào vùng Nhã Nam, xây dựng các cứ điểm, tổ chức các cuộc càn quét vô cùng ác liệt nhằm tiêu diệt tận gốc nghĩa quân.

Để chống lại âm mưu đàn áp của địch, nghĩa quân đã lập một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự do Đề Nắm, Đề Thám, Bá Phức, Đề Tâm, Đề Tuất, Đề Chung, Tổng Tài chỉ huy. Qua sự kiện này, uy tín của Đề Nắm ngày càng gia tăng. Ông được mệnh danh là thủ lĩnh tài ba của Yên Thế.

Tháng 3 - 1892, Pháp cử tướng Voiron chỉ huy hơn 2.200 quân tấn công quy mô lớn vào căn cứ nghĩa quân. Nghĩa quân sau nhiều trận kịch chiến đã phải rút khỏi căn cứ. Quân số giảm đáng kể, một số thủ lĩnh ra hàng, một số khác hy sinh trong chiến đấu. Vào tháng 4 năm 1892, thủ lĩnh Đề Nắm bị giết chết. Hoàng Hoa Thám lên thay quyền, chấn chỉnh lại quân đội và trở thành thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân Yên Thế. 

Giai đoạn thứ hai (1893 - 1897)

Trong giai đoạn này, nghĩa quân đã buộc Pháp phải ký hiệp ước đình chiến 2 lần, lần thứ nhất vào tháng 10-1894, lần thứ hai vào tháng 12-1897. Ông đã củng cố lại lực lượng, tìm kiếm và thu phục những quân sĩ còn sống sót ở Yên Thế và vùng lân cận rồi chỉ huy cuộc khởi nghĩa tiếp tục. Số lượng nghĩa quân tuy có giảm so với giai đoạn 1, nhưng khu vực hoạt động đã lớn hơn trước.

Năm 1894, nghĩa quân khôi phục lại căn cứ Hố Chuối ở Yên Thế, mở rộng địa bàn sáng các tỉnh khác của Bắc Kỳ. Lúc này, các phong trào dưới ngọn cờ Cần Vương  đã tan rã, nên thực dân Pháp có điều kiện tập trung lực lượng đàn áp khởi nghĩa Yên Thế.

Giai đoạn thứ ba

Tuy tình thế bắt buộc phải đình chiến hơn một thập kỷ, nghĩa quân Yên Thế vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Họ vừa sản xuất tự túc sản xuất quân lương, vừa tăng cường sắm sửa vũ khí, ra sức luyện tập chờ ngày quyết chiến. Nhờ đó, 200 quân sĩ ở Phồn Xương tuy quân số ít nhưng đều là tinh binh. Đồng thời trong thời gian này, Đề Thám còn mở rộng quan hệ giao tiếp với các nhà yêu nước ở Bắc và Trung Kì. 

Hoàng Hoa Thám đã hai lần đón tiếp nhà yêu nước Phan Bội Châu. Vào giữa năm 1906, Đề Thám cũng bàn luận phương hướng đánh giặc với cụ Phan Châu Trinh.

Lúc này, quân Pháp bắt đầu hành động một cách quyết liệt hơn. Chúng khẩn trương xây dựng căn cứ quân sự, gấp rút chuẩn bị cho một trận đánh nảy lửa nhằm vào nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám.

Giai đoạn thứ tư (1909 - 1913)

Năm 1908 xảy ra 2 vụ việc chấn động làm Pháp mất đi nhiều sĩ quan cốt cán. Cả 2 trận binh biến này đều được chuẩn bị rất chu đáo nhưng không đạt được thành công như mong muốn, khiến quân Đề Thám phải rút về. Kết quả là 24 người tham gia cuộc binh biến bị Pháp xử tử, 70 người bị xử tù chung thân.

Thực dân Pháp không bỏ qua cơ hội, lại một lần nữa chuẩn bị đòn phản công để dập tắt cuộc khởi nghĩa. Tháng 1 năm 1909, khoảng 15.000 quân Pháp và bè lũ thân Pháp dưới quyền chỉ huy của đại tá Batay (Bataille) đã ào ạt tấn công vào Yên Thế. Nghĩa quân cố gắng cầm cự, chuyển dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, rồi rút sang Tam Đảo, Thái Nguyên. Dù phải thối lui, nghĩa quân vẫn vừa rút vừa đánh trả, khiến quân địch tuy dành chiến thắng nhưng chịu nhiều tổn thất. Điển hình là trận chặn giặc ở đồn Hom, Yên Thế (30/1/1909); trận núi Hàm Lợn ở Tam Đảo, Phúc Yên (15/3 /1909).

Tới cuối năm 1909, phong trào coi như đã thất bại về cơ bản sau khi quân Đề Thám thất bại liên tiếp trong nhiều trận đánh quan trọng. Bà Ba Cẩn (vợ của Hoàng Hoa Thám) bị bắt, bị đày đi Guyane và tự sát trên đường lưu đày để giữ tròn khí tiết. 

Có nhiều giả thiết khác nhau về cái chết của Hoàng Hoa Thám nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến giả thiết phổ biến nhất. Do quân số ngày càng suy giảm, cộng với nạn đào ngũ , Đề Thám phải viện đến sự trợ giúp của thủ lĩnh quân Cờ Đen. Tuy nhiên, 10/2/1913, Đề Thám bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồm 2 km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

Kết quả - Ý nghĩa

Năm 1913, Hoàng Hoa Thám bị hạ sát, đánh dấu sự thất bại của cuộc khởi nghĩa. Các sử gia cho rằng, sự thất bại này có nguyên nhân sâu xa là do hạn chế về khâu lãnh đạo, lực lượng của nghĩa quân còn mỏng và yếu, khó chống lại sự đàn áp của quân Pháp với sự hậu thuẫn của triều đình nhà Nguyễn thân Pháp.

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Dù cuối cùng không đạt được mục tiêu đánh đuổi hoàn toàn quân Pháp khỏi đất nước, nhưng khởi nghĩa đã góp phần làm dấy lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, cuộc khởi nghĩa còn góp phần làm chậm quá trình bình định của thực dân Pháp.

Di sản

Khởi nghĩa Yên Thế đã diễn ra cách đây một thế kỷ nhưng đến nay vẫn còn làm lay động nhiều trái tim đam mê lịch sử.

Điểm đến lý tưởng cho những người muốn tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa chính là khu di tích khởi nghĩa Yên Thế nằm trên địa phận thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế. Ở nhà trưng bày thuộc khu di tích vẫn còn lưu giữ rất nhiều dụng cụ sinh hoạt như mâm đồng, chén uống nước, bình, lọ,... của đạo quân cũng như những vũ khí được sử dụng trong trận chiến. Phía trước sân còn có tượng của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám cùng câu nói nổi tiếng của ông:

Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng.

Vào tháng 3 hàng năm, tại đây diễn ra Lễ hội Khởi nghĩa Yên Thế.  Lễ hội được tổ chức nhằm kỷ niệm cuộc khởi nghĩa cũng như tôn vinh các vị danh tướng đã đấu tranh cho vùng đất này.

Phần hội của chương trình có nhiều hoạt động hấp dẫn như thi đấu thể thao, võ thuật, biểu diễn múa rối nước, hội tại,...

Sau 3 năm phải tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, lễ hội đã trở lại vào năm 2022 trong sự ủng hộ và đón chờ của người dân.

Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã công nhận khu di tích xếp hạng 23 trong danh sách di tích quốc gia đặc biệt, lễ hội Yên Thế cũng được Bộ Văn Hoá, Thể Thao và Du Lịch xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài ra, chúng ta vẫn thường bắt gặp các con đường, trường học hay địa danh mang tên Hoàng Hoa Thám và nhiều vị tướng lĩnh của nghĩa quân Yên Thế. Đó là sự tôn vinh, lòng biết ơn của hậu thế đối với các anh hùng dân tộc.

>> Bạn có muốn biết thêm về thủ lĩnh Đề Thám không? Xem bài viết chi tiết Hoàng Hoa Thám.

Xuyên suốt bề dày lịch sử Việt Nam, khởi nghĩa Yên Thế đã trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần quật cường và lòng yêu nước cháy bỏng của dân tộc, sẵn sàng hi sinh xương máu đối đầu với quân xâm lược, để lại một trang sử hào hùng.

TrendingTrang chủ