Lê Văn Đức - Dũng tướng văn võ song toàn triều Nguyễn

Nguyễn Minh Khánh
tháng 9 21, 2021
Last Updated

Lê Văn Đức là một danh tướng tài giỏi phục vụ dưới 3 triều vua Nguyễn. Ông đã có những chiến công nào? Sự nghiệp, xuất thân và tác phẩm của Lê Văn Đức.

Bảng tóm tắt thông tin Lê Văn Đức

Tên đầy đủ

Lê Văn Đức (tên chữ Hán:黎文德)

Năm sinh - Năm mất

1793 - 1842

Nơi sinh

Cù lao Bảo, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nước Đại Nam (nay thuộc tỉnh Bến Tre, Việt Nam).

Nơi mất

Quảng Nam.

Triều đại

Nhà Nguyễn, vua Minh Mạng và Thiệu Trị

Học vấn

Cử nhân (năm 1813)

Chức vụ cao nhất

Thự Thượng thư bộ Binh, hàm Thái Bảo.

Nguyên nhân cái chết

Bệnh.

Nổi tiếng với

Đánh đuổi quân Xiêm La, đánh dẹp các cuộc nổi loạn Chân Lạp, 2 lần mang binh dẹp loạn cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân.

Gia đình

Con

Lê Tăng Mậu

Hồ sơ Media

Hồ sơ Wikipedia

https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Văn_Đức

Tiểu sử

Lê Văn Đức (1793 -1842) là một danh tướng văn võ song toàn của vùng Nam Bộ. Từ năm 1813 đến 1842, ông phục vụ triều vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị, trải qua nhiều chức vụ khác nhau. Dù ở cương vị nào, ông vẫn luôn cố gắng làm tròn nghĩa vụ, lập nhiều công lao.
Lê Văn Đức
Hình minh họa Lê Văn Đức


Chiến công của ông nhiều không kể xiết như: 2 lần đánh dẹp cuộc phản loạn Nông Văn Vân, 2 lần đánh đuổi quân Xiêm La (Thái Lan), dẹp loạn các cuộc nổi dậy ở Chân Lạp, công tác trị thủy kinh thành Huế. Năm 1835, với những công lao to lớn, tên của Lê Văn Đức đã được khắc vào bia đá đặt trong sân Võ miếu, Huế. 
Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Lê Văn Đức bệnh nặng rồi đột ngột qua đời. Sau đó, ông được vua Thiệu Trị truy phong hàm Thái Bảo. Đến năm 1857, ông được thờ tại đền Hiền Lương. Ngày nay, tên của ông được đặt cho một con đường thuộc phường Hòa Cường, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng.

Gia đình

Lê Văn Đức sinh ra ở cù lao Bảo, châu Định Viễn, dinh Phiên Trấn (ngày nay là tỉnh Bến Tre). Lê Văn Đức không thuộc dòng dõi quý tộc. Tuy nhiên, ông đã tiến vào triều đình làm quan triều Nguyễn bằng con đường khoa cử.
Con trai của Lê Văn Đức là Lê Tăng Mậu kết hôn với Phương Duy Công chúa (Nguyễn Phúc Vĩnh Gia con gái vua Minh Mạng). Sau đó, Lê Tăng Mậu được phong chức Phò mã Đô Úy. Lê Tăng Mậu và Phương Duy Công chúa có với nhau 2 người con trai và 2 người con gái. 

Sự nghiệp

Sự nghiệp chính trị

Năm 1813 (năm Gia Long thứ 12, Lê Văn Đức xuất sắc thi đậu Cử nhân và được bổ nhiệm làm tri huyện Tri Viễn.
Giai đoạn từ năm 1822 đến năm 1828, ông được triệu về kinh thành và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ sau:
  • Lang trung bộ Công.
  • Thiêm sự.
  • Ký lục trấn Bình Hòa sung Giám thị trường Nam Định.
  • Hữu thị lang bộ Công.
  • Hữu thị lang bộ Binh.
  • Toản tu bách quan chức chế.
  • Tham tri bộ binh, phụ tá coi thi Hội (năm 1828).
  • Thự Thượng Thư Bộ Binh.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân kết thúc, ông được thăng chức tổng đốc Định Yên (ngày nay thuộc Nam Định và Hưng Yên). Tiếp đó, ông được triệu về kinh giữ chức Thượng thư bộ Công và bộ Lại.
Đến năm 1839, Lê Văn Đức bị triều đình hỏi tội để Nguyễn Quang Khải vượt ngục mà không thể bắt lại được. Ông bị vua giáng chức Tả thị lang bộ Hộ, chuyên trông coi việc trị thủy ở kinh thành Huế. Ở cương vị mới, Lê Văn Đức cho xây dựng, tu bổ hệ thống thủy lợi. 
Hoàn thành tốt công việc, ông được giữ chức tham tri, lại được cử đi tìm đất thích hợp để xây lăng vua. Vào tháng 6 âm lịch năm 1840, Lê Văn Đức được thăng chức làm Thượng thư sung làm Trấn Tây khâm sai đại thần.

Lãnh binh đàn áp Nông Văn Vân

Năm 1833, thổ ty Nông Văn Vân lãnh đạo các dân tộc thiểu số miền Bắc nổi dậy, chống lại chính sách cai trị của triều đình nhà Nguyễn. Trong giai đoạn này, nhiều tướng lĩnh triều Nguyễn đã lãnh binh tham gia đàn áp cuộc khởi nghĩa như: Nguyễn Công Trứ, Tạ Quang Cự, Nguyễn Đình Phổ, Hoàng Văn Quyền,... 
Sau đó, ông được cử làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, thăng làm Tổng tiễu bộ Tuyên Quang thổ phỉ quân vụ, chỉ huy đạo quân đánh lên Tuyên Quang.
Cuối năm 1833, cánh quân do Lê Văn Đức chỉ huy, Nguyễn Công Trứ làm tham tán đã công phá căn cứ Vân Trung của quân khởi nghĩa. Nông Văn Vân buộc phải từ bỏ căn cứ. 
Tuy nhiên, trên đường mang quân trở về Tuyên Quang, ông trúng phải mai phục, binh lính chết nhiều. Vì vậy, ông bị triều đình khép vào tội chết, Tuy vậy, vua Minh Mạng xét thấy ông có công lao nên chỉ giáng 4 cấp, cắt bổng lộc, cho lấy công chuộc tội.
Cuối năm 1834, Lê Văn Đức chỉ huy quân đội đánh bại quân khởi nghĩa ở rừng Bạch Đính. Đây là chiến thắng quan trọng, giúp quân triều đình phá vỡ phòng tuyến phía tây bảo vệ căn cứ của quân khởi nghĩa. 
Tháng 11 năm 1834, cánh quân do ông chỉ huy một lần nữa tiến đến Vân Trung, hội quân với các cánh quân khác. Nghĩa quân thua to, Nông Văn Vân phải trốn vào rừng Thẩm Pát. Sau đó, Nông Văn Vân bị thiêu cháy và cuộc khởi nghĩa kết thúc.
>> Đề cử bạn xem thêm Cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân.
Sau đó, ông được triều đình thăng chức Ân Quang tử, Hiệp biện đại học sĩ. Lê Văn Đức vẫn tiếp tục kiêm nhiệm chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, truy nã tàn quân, thuộc hạ của Nông Văn Vân.

Tham gia cuộc chiến Xiêm La

Năm 1840, hàng vạn quân Xiêm La tiến đanh tỉnh Oudong (nay thuộc Campuchia), đang chịu sự bảo hộ của Đại Nam. Vào tháng 8 âm lịch năm 1840, Lê Văn Đức được cử làm Khâm sai kiêm tham tán, các tướng Phạm Văn Điển, Nguyễn Tiến Lâm mang binh chi viện. 
Đến tháng 3 năm 1841, Lê Văn Đức bị bệnh, xin được về nước, được y chuẩn. Tuy nhiên, quân đội nhà Nguyễn không thu hoạch được thắng lợi, chiến sự giằng co.
Bản đồ chiến tranh Việt Xiêm 1842 - 1845
Bản đồ chiến tranh Việt Xiêm 1842 - 1845
Vào tháng 9 năm 1841, quân đội triều đình nhà Nguyễn lui về nước, cố thủ An Giang. Đến năm 1842, Bodin Decha chỉ huy quân Xiêm La tiến đánh Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang).
Lúc này, Lê Văn Đức được cử làm Tổng tiễu bộ quân vụ đại thần. Ông cấp tốc mang quân đến An Giang, hội quân với tướng Phạm Văn Điển. Cánh quân do ông chỉ huy đánh đến núi Tượng, quân Xiêm La phải bỏ chạy. Đến xã Tri Tôn (An Giang), đội quân của ông cùng với Tôn Thất Tường chia binh 5 đạo, công phá tan tành các đồn lũy của quân Xiêm La.
Các tướng lĩnh Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tiến Lâm mang quân binh đến, đánh đuổi quân Xiêm La ra khỏi lãnh thổ Đại Nam. Kết thúc cuộc chiến, Lê Văn Đức được triệu về kinh nhận thưởng.
Đến tháng 11 âm lịch năm 1842, Lê Văn Đức được cử làm Kinh Lược đại thần xem xét quân tình 6 tỉnh Nam Kỳ. Trên đường đi, ông mắc bệnh rồi qua đời ở Quảng Nam.

Tác phẩm

Sau cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân, quân triều đình giành được thắng lợi nhưng nhiều tướng lĩnh, quân lính đã hy sinh. Vì vậy, Lê Văn Đức theo lệnh vua đã viết bài văn tế “Sơn Hưng Tuyên đốc hiến Lê Văn Đức tuân chỉ tế trận vong tướng sĩ văn” nhằm tỏ lòng thương tiếc, tưởng nhớ công lao.
Xin trích dẫn một đoạn dịch hay trong bài văn tế của tác giả Nguyễn Đông Triều như sau:
“Cho nên, khí thế tro bay trúc chẻ, loạn thần không thể giương oai. Thế nhưng, oai hùng chống giặc chôn xe, tướng sĩ đành cam nuốt hận, xương tan thịt róc. Thương ôi mệnh đương sống chết, khi ăn ngủ cũng chẳng rời gươm. Bỗng đâu, lửa đốt núi Côn, chí kiên trinh sẵn sàng nát ngọc.
Nghĩ rằng, các ngươi ngậm hờn nơi chín suối, chỉ tiếc lòng vượn hú quyên than; Thật ra, mỗi người tận lực thuở can qua, đã hết cách lừa kêu chuột rúc. Như vậy cũng đủ, sáng ngời tinh phách hồn thiêng; Khôi phục cơ đồ đại quốc. Đây là lúc ba quân báo tiệp, khuyết môn nô nức khải hoàn ca...”.
Ngoài bài văn tế kể trên, tướng Lê Văn Đức còn để lại tác phẩm “Chu Nguyên tạp vịnh”, viết bằng chữ Hán.
Lê Văn Đức là một vị tướng tài nhưng mất sớm. Qua bài viết này, Holaai.org hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu thêm về tướng Lê Văn Đức và hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo.
Nguồn tài liệu tham khảo:
  • Tạp chí Xưa Nay, số 472, tháng 6 năm 2016: Võ tướng Nam Bộ Lê Văn Đức và bài Tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn.
  • Sách “Đại Nam thực lục chính biên”, đệ nhị kỷ và đệ tam kỷ.
  • Sách “ Việt Nam sử lược”.
  • Sách “Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện”, tác giả Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, năm 1801.

TrendingTrang chủ