Hiệp ước Pa tơ nốt - Nội dung chính, nhận xét, hậu quả

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 19, 2023
Last Updated

Hiệp ước Pa tơ nốt hay còn gọi hòa ước Giáp Thân 1884 là hiệp ước vô cùng quan trong được ký kết trong lịch sử Việt Nam. Với bài viết sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bản hiệp ước đã tạo nên bước ngoặt đen tối nhất trong lịch sử nước nhà.

Bối cảnh lịch sử

Trước đó, quân cờ đen được sự chấp thuận của nhà Nguyễn và nhà Thanh (Trung Quốc) tiến vào miền Bắc, bảo vệ các thành trì quan trọng. Tuy nhiên, các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hưng Hóa lần lượt bị quân Pháp đánh chiếm. Quân cờ đen còn đóng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai. Vì vậy, Pháp muốn thỏa hiệp với chính quyền nhà Thanh để công nhận việc Pháp bảo hộ An Nam.

Ngày 11 tháng 5 năm 1884, Pháp và nhà Thanh ký kết hòa ước Thiên Tân. Đại diện Pháp là trung tá Fournie và đại diện triều đình nhà Thanh là Lý Hồng Chương. Các ý chính của hiệp ước Thiên Tân gồm quân đội nhà Thanh đang ở miền Bắc Việt Nam phải rút về nước. 

Từ nay trở về sau, nhà Thanh phải công nhận các hiệp ước mà Pháp ký kết với triều đình nhà Nguyễn. Sau khi hiệp ước này được ký kết, triều đình nhà Thanh không còn can thiệp vào các sự việc giữa Pháp và vương triều nhà Nguyễn.

Nội dung chính của hiệp ước Pa-tơ-nốt

Sau đó, công sứ nước Pháp ở Bắc Kinh là Jules Patenôtre des Noyers (tên phiên âm: Pa-tơ-nốt) được lệnh đến Việt Nam sửa lại tờ hiệp ước Harmand đã ký kết trước đó để ký kết hiệp ước mới.

Hiệp ước Pa Tơ Nốt


Ngày 6 tháng 6 năm 1884, Patenôtre, Rheinart cùng với Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan ký kết hiệp ước mới gọi là hiệp ước Pa-tơ-nốt. Nội dung của hiệp ước gồm có 19 điều khoản. Trong đó, nội dung chính hiệp ước Pa-tơ-nốt cũng tương tự như hiệp ước Harmand nhưng thay đổi một số điều khoản như sau:

  • Công nhận sự bảo hộ của Pháp ở Việt Nam. Đất nước Việt Nam được chia làm 2 khu vực gồm: Bắc Kỳ, Trung Kỳ Trước đó, Nam Kỳ đã trở thành thuộc địa của Pháp. 2 kỳ còn lại đều chịu sự bảo hộ của Pháp nhưng mỗi kỳ có chế độ cai trị khác nhau.
  • Các tỉnh Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa vẫn thuộc về Trung Kỳ. Về cơ bản, Trung Kỳ vẫn chịu sự cai trị của nhà Nguyễn.

Nhận xét

Nhà sử học Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam Sử Lược đã có những nhận xét đầy đau đớn về hiệp ước này như sau:

Nước Việt Nam trước kia, từ Nam chí Bắc là một, có cái tính cách duy nhất hơn cả các nước khác. Văn hóa, lịch sử, phong tục đều là một cả, mà nay chia thành ba xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ; mỗi kỳ có một chính sách riêng, luật lệ riêng như ba nước vậy. Thậm chí lúc đầu người kỳ này đi sang kỳ kia phải xin giấy thông hành mới đi được. Kỳ nghĩa là xứ, là khu vực trong một nước, chứ không có nghĩa là nước.

Một nước mà tam phân ngũ liệt ra như thế, thật là một nỗi đau lòng cho người Việt Nam là dân một nước đã có lịch sử vẻ vang hàng mấy nghìn năm.

Hậu quả của hiệp ước Pa-tơ-nốt

Sau khi ký kết hòa ước Pa-tơ-nốt, Việt Nam bước vào thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến. Patenôtre bắt triều đình nhà Nguyễn đem ấn vàng từ thời vua Gia Long đem nấu chảy, thiêu hủy. Về sau, thực quyền hoàn toàn rơi vào chính phủ Pháp. Triều đình nhà Nguyễn chỉ còn lại hư danh.

Đất nước Việt Nam dần mất đi chủ quyền, độc lập. Cuộc sống người dân rơi vào cảnh khổ cực dưới những chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp.

Ý nghĩa

Hiệp ước Pa-tơ-nốt là hiệp ước cuối cùng mà triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam ký kết với Pháp. Việc ký kết hòa ước này mang ý nghĩa chấm dứt triều đại phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập. Thay vào đó, nước Việt Nam bước vào thời gian bán thuộc địa cho đến Cách mạng tháng tám năm 1945.

>> Có thể bạn muốn biết thêm về hiệp ước Hác Măng.

Họ Là Ai vừa gửi đến bạn đọc về hoàn cảnh, nội dung chính, nhận xét, hậu quả của hiệp ước Pa-tơ-nốt. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về giai đoạn lịch sử này của Việt Nam và chắc hẳn chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trong những bài viết tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

  • Sách Việt Nam Sử Lược, tác giả Trần Trọng Kim, NXB Thanh Niên.

TrendingTrang chủ