Lý Chiêu Hoàng - Nữ hoàng đầu tiên với chuyện tình bi thương

Nguyễn Minh Khánh
tháng 5 29, 2023
Last Updated

Trong lịch sử Việt Nam, Lý Chiêu Hoàng là vị nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của nước ta. Cuộc đời và chuyện tình đan xen giữa tình yêu và quyền lực của bà mãi là câu chuyện được đời sau nhắc đến. Sau đây, cùng chúng tôi điểm qua những nét đặc sắc nhất trong đời vị nữ hoàng này.

Xuất thân và gia đình

Lý Huệ Tông, vị vua thứ 8 của nhà Lý có với Linh Từ hoàng hậu Trần thị 2 người con gái. Người con đầu tiên là Lý Oánh, sau này còn được biết tới với tên gọi là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu. Và cô con thứ không ai khác là Lý Phật Kim, sau được cải tên lại là Lý Thiên Hinh. 

Lý Chiêu Hoàng


Chiêu Hoàng ra đời vào mùa thu năm 1218, tại kinh thành Thăng Long. Vì bà là con gái của vua nên có tước hiệu Chiêu Thánh Công chúa. Sau khi nhận hoàng bào từ tay Phụ vương Lý Huệ Tông, bà mới có tên là Lý Chiêu Hoàng.

Ngoài gia đình bên nội là hoàng tộc, họ hàng bên ngoại của Chiêu Thánh cũng vô cùng quyền lực. Trần Tự Khánh , anh ruột của Trần thị, tức cậu ruột của công chúa giữ chức Thái Úy, quyền phụ chính. 2 người cậu khác là Trần Thừa và Trần Thủ Độ lần lượt giữ chức "Nội thị Phán thủ" và "Điện tiền Chỉ huy sứ", trông coi hệ thống quân sự của hoàng cung. Sau khi Lý Huệ Tông phát điên, quyền hành rơi hết vào tay Thái úy. Trần Tự Khánh qua đời, quyền lực này lại vào tay Trần Thừa. 

Nữ hoàng duy nhất của Đại Việt

Nữ hoàng đầu tiên

Sau khi Lý Phật Kim ra đời, bệnh tình của vua Lý Huệ Tông trở nặng, gần như là điên loạn. Dưới sức ép của Trần Thủ Độ, tháng 10 năm Giáp Thân, Kiến Gia năm thứ 14, tức năm 1224, hoàng đế phải ra chiếu chỉ lập Chiêu Thánh công chúa, lúc ấy mới 6 tuổi, làm Hoàng thái tử, rồi thoái vị về làm Thái Thượng Hoàng. Nữ hoàng lên ngôi đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo, tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Phụ thân nàng xuất gia, tu tập tại chùa Chân Giáo trong đại nội.

Lý Chiêu Hoàng lúc đó còn nhỏ, quyền lực trong triều đình nằm hết trong tay họ Trần, đứng đầu là Trần Thủ Độ. Chính sử chép rằng, cho đến năm Thiên Chương Hữu Đạo thứ 2, chức vụ của Trần Thủ Độ đã bao quát đến nỗi "coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài thành thị ". Trần Thủ Độ mặc sức thao túng, phong chức tước cao cho con em trong họ. Nhiều người họ Trần cũng được tuyển vào cung đảm nhận các công việc gần gũi Chiêu Hoàng. Trong số đó có Trần Cảnh, con trai thứ 2 của Trần Thừa, giữ chức Chính thủ. 

Chính thủ Trần Cảnh được giao nhiệm vụ mang nước rửa mặt cho nữ hoàng, cho nên được đi vào trong điện. Tuổi nhỏ ham chơi, lại suốt ngày phải chạm mặt các quan lại lớn tuổi, hẳn nhiên Chiêu Hoàng nữ vương rất cô đơn. Chính thủ Trần Cảnh lúc đó chỉ mới 8 tuổi, là bạn đồng trang lứa với nữ hoàng nên được nàng hết mực yêu quý. Tương truyền, Lý Chiêu Hoàng thường xuyên trêu đùa, té nước vào người Trần Cảnh. Trần Thủ Độ vin vào đó, vẽ ra câu chuyện tình yêu từ trò đùa nghịch của 2 đứa trẻ. 

Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh

Câu chuyện tình yêu tự sẽ ra của Thái sư Trần Thủ Độ và chính mẹ ruột của Chiêu Hoàng là Linh Từ Quốc Mẫu được sắp xếp khéo léo thành 1 cuộc hôn nhân chính trị. Cuộc hôn nhân này là sự kiện quan trọng trong lịch sử, chuyển giao giữa 2 triều đại phong kiến Việt Nam. 

Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu, tính theo lịch dương là 22 tháng 11 năm 1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Ngày 11 tháng 12 cùng năm, tức 10 tháng 1 năm 1226 dương lịch, tại điện Thiên Ân, nàng trút bỏ hoàng bào, mời Trần Cảnh lên ngôi. Hoàng bào rơi xuống, chấm dứt hơn 200 năm đứng đầu thiên hạ của nhà Lý, mở ra nhà Trần. 

Như vậy chỉ sau nửa năm, ngai vàng đổi chủ. Trần Cảnh lên ngôi, lấy hiệu là Trần Thái Tông, phong Lý Chiêu Hoàng là Hoàng hậu. Vậy là, Trần Thủ Độ đã thành công trong mưu tính lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần mà không tốn 1 mũi tên, tất cả chỉ nhờ bộ óc chính trị tinh vi.

Còn Thuận Trinh hoàng hậu, sau khi con gái nhường ngai vàng cho chồng thì bà bị giáng làm Công chúa cho đúng với vai vế là cô của vua. Thế nhưng, Trần Thái Tông gọi bà là "Quốc mẫu", cho bà hưởng quy chế xe ngựa và nghi lễ như hồi còn làm Hoàng hậu. Điều đó dấy lên nghi vấn bà có tham gia vào cú chuyển mình lịch sử giữa 2 triều đại. Hơn nữa, sau này, Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung lại tái hôn với thái sư Trần Thủ Độ.

Về sự kiện này, Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép:

"Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn chầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?". Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn chầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh".  Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng.

Chiêu Hoàng xuống chiếu rằng:

 "Từ xưa nước Nam Việt ta đã có Đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết".

Cuộc hôn nhân bi kịch

Sau khi nhường ngôi, Lý Chiêu Hoàng được lập làm Hoàng hậu, trở thành bậc mẫu nghi đầu tiên của Trần triều, và là hoàng hậu trẻ nhất của Đại Việt khi lên ngai phượng lúc 8 tuổi. Năm 14 tuổi, bà sinh con trai nhưng hoàng tử không may chết yểu. Từ đó, bà không sinh thêm được người con nào với Trần Cảnh nữa. Hôn nhân đến năm thứ 10, bà và vua vẫn chưa có con. 

Trần Thủ Độ và Thiên Cực công chúa ( Thuận Trinh hoàng hậu) thấp thỏm lo lắng rằng nhà trần sẽ không có người nối dõi, huyết thống hoàng tộc của Trần Triều sẽ không được duy trì nên tạo sức ép bắt Thái Tông phải phế Lý Chiêu Hoàng để lập chị ruột của nàng là Thuận thiên công chúa lúc đó đang mang thai đến tháng thứ 3, lên ngôi hoàng hậu. 

Dù Trần Thái Tông nổ lục né tránh, đến mức phải nương nhờ cửa Phật, cuối cùng cũng phải khuất phục trước sự dụ dỗ ngọt nhạt cùng lời đe dọa của Thái sư. Thuận Thiên công chúa lên ngôi Hoàng hậu thay em gái mình, Lý Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm công chúa.

Vì việc này mà chồng trước của Thuận Thiên hoàng hậu, tức anh trai của Trần Thái Tông, là Trần Liễu nổi loạn ở sông cái trong một thời gian dài sau cùng, Trần Liễu được Thái Tông ân xá cho làm an sinh vương. Thế nhưng những người cùng tạo phản với Trần Liễu đều bị giết chết. 

Trong cuộc chiến Mông Nguyên lần thứ nhất năm 1258, tướng Lê Tần (dòng dõi hậu duệ Lê Hoàn) có công hộ giá nhà vua nên được đổi tên thành Lê Phụ Trần ( Phụ trần có nghĩa là giúp nhà trần). Đồng thời vua ban vợ cũ của mình là Chiêu Thánh công chúa cho kết hôn với Lê Tần. Ở tuổi tứ tuần bà vẫn có với Lê Phụ trần 2 người con, con trai là thượng vi hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa.

Đầu năm mậu dần 1278, Chiêu thánh công chúa qua đời thọ 61 tuổi

Góc nhìn của thời hiện đại

Nhìn chung, chúng ta đều thấy cuộc đời của vị Nữ Hoàng duy nhất trong các triều đại phong kiến của Việt nam là một tấn bi kịch . Bà trở thành một con rối chính trị trong tay Trần Thủ Độ từ khi còn là một đứa trẻ. Hậu thế vì thiển cận nên nghĩ rằng bà đã để mất cơ đồ Nhà Lý vào tay Nhà Trần, đây là một tội trạng lớn đối với dòng họ cho nên, bà không được thờ phụng cùng với 8 vị vua khác của triều Lý tại đền Đô, mà tách riêng ra thờ bà ở đền Rồng.

Cuốn đại việt sử ký toàn thư nhận xét rằng việc nhà Lý bị sụp đổ hoàn toàn là do sứ trời chứ không phải là lỗi của một mình cá nhân Lý Chiêu Hoàng. Sử gia Ngô Sỹ Liên đã nhận định về sự việc này như sau: 

"Đến thời Huệ Tông, cái độc hại cho thiên hạ đã ăn sâu lắm, mà nhà Vua không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa cái độc đã sâu thì làm thế nào được. Huống chi nhà Vua lại bị chứng hiểm, chữa không khỏi, lại không có con trai để nối nghiệp lớn, thế là điểm nguy vong đã hiện ra rồi. Tục truyền rằng Lý Thái Tổ khi mới được thiên hạ, xa giá về Cổ Pháp ngự chơi chùa ở hương Phù Đổng, có thần nhân đề thơ ở cột chùa rằng: "Nhất bất công đức thủy, Tuỳ duyên hoa thế gian. Quang quang trùng chiếu chúc. Một ảnh nhật đăng san" (Có nghĩa: Một bát nước công đức của Phật, theo duyên sinh hoá ở thế gian. Sáng rực hai lần đuốc rọi, mặt trời gác núi là hết bóng).

Sư chùa là Vạn Hạnh đem bài thơ ấy dâng lên. Lý Thái Tổ xem xong rồi nói: 

"Việc của thần nhân thì không thể hiểu được". 

Người đời truyền tụng, không ai biết thơ ấy nói thế nào. Đến khi nhà Lý mất, mới cho bài thơ ấy là nghiệm. Vì từ đời Huệ Tông trở lên đến Thái Tổ là tám đời, mà Huệ Tông tên là "Sảm", tức là mặt trời gác núi, hết bóng. Thế thì nhà Lý được nước là tự trời, mất nước cũng là tự trời vậy."

Di sản và ảnh hưởng

Cuộc đời đầy sóng gió và trắc trở của nữ vương họ Lý là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm thi ca và điện ảnh. trong đó nổi tiếng nhất có thể kể đến bài thơ “ Vịnh Lý Chiêu Hoàng” của thi nhân Tản Đà.

Quả núi Tiên Sơn có nhớ công

Mà em đem nước để theo chồng

Ấy ai khôn khéo tài dan díu

Những chuyện hoa tình có biết không?

Một gốc mận già thôi cũng phải

Hai trăm năm lẻ thế là xong

Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo

Khách khứa nhà ai áo mũ đông.

Năm 2013, diễn viên Đào Hạnh Đan thủ vai Lý Chiêu Hoàng trong bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ. Tháng 2 năm 2023, tiểu thuyết Nguyệt Thư Ảnh Kiếm của tác giả Bình Chi được phỏng tác dựa trên câu chuyện có thật giữa 2 nhân vật chính là Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Mặc dù tác phẩm có những tình tiết hư cấu (dã sử) nhưng đã giúp giới trẻ có dịp hiểu hơn về các nhân vật lịch sử quan trọng thời Lý, Trần.

>> Có thể bạn muốn xem thêm vị vua kế tiếp Trần Thái Tông.

Cuộc đời và chuyện tình của Lý Chiêu Hoàng, vị nữ đế duy nhất của Đại Việt chính xác là một chuỗi bi kịch, khiến hậu thế phải xót thương. Hy vọng Holaai.org đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vị nữ hoàng này và hẹn gặp bạn trong những bài viết tiếp theo.

TrendingTrang chủ