Tiểu sử Natsume Soseki - Những tác phẩm NHẸ NHÀNG sâu sắc

Nguyễn Minh Khánh
tháng 2 28, 2023
Last Updated

 Natsume Soseki là tác giả Nhật Bản nổi tiếng với những tác phẩm để đời. Tuy nhiên, con đường để đạt được vinh quang của ông tràn đầy trắc trở, khó khăn. Tiểu sử, sự nghiệp và những tác phẩm nổi tiếng nhất của Natsume Soseki sẽ được chúng tôi chia sẻ đến bạn đọc qua bài viết dưới đây.

Tiểu sử Natsume Soseki

Natsume Soseki (9 tháng 2 năm 1867 - 9 tháng 12 năm 1916) tên tiếng Nhật là 夏目 漱石, là nhà văn  trụ cột của văn học Nhật Bản thời hiện đại. Ông sinh ra trong thời đại chuyển mình giữa chế độ phong kiến Mạc phủ Tokugawa và cải cách Duy Tân Minh Trị.

Natsume Sõseki


Soseki am hiểu sâu sắc văn học phương Tây và chính phủ Nhật Bản cử đi du học trong 2 năm. Trở về nước, ông đã vận dụng những kiến thức đã tích lũy được để sáng tác những tác phẩm tiên phong mở đường cho văn học Nhật Bản hiện đại. Một số tiểu thuyết nổi tiếng có thể kể đến như: "Kokoro", "Tôi là một con mèo," "Botchan", "Gối đầu lên cỏ",...

Tác phẩm của ông đã đề cập đến những vấn đề xã hội trong thời đại mới một cách sâu sắc, đặc tả với bút pháp đơn giản nhưng tinh tế, góc nhìn độc đáo. Vì thế, những cuốn tiểu thuyết này đã đưa tên tuổi Natsume Sōseki không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn được dịch ra hơn 100 ngôn ngữ khác nhau. Đã hơn 100 năm, tác phẩm của Natsume Soseki vẫn luôn được đọc giả thế hệ sau đánh giá cao và tôn vinh đến tận ngày nay.

Xuất thân và tuổi thơ

Vào ngày 9 tháng 2 năm 1867, Natsume Soseki cất tiếng khóc chào đời tại thị trấn Babashita, Ushigome, Edo (ngày nay thuộc vùng Shinjuku, Tokyo). Ông là người con trai thứ năm của ông Natsume Kohē Naokatsu và bà Chie.

Gia tộc của ông là hậu duệ của Samurai nổi tiếng Natsume Yoshinobu, phục vụ dưới trướng 
vị tướng quân Shogun đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa là Tokugawa Ieyasu. Trong trận chiến Mikatagahara, khi quân Tokugawa Leyasu phải rút lui, một đạo quân đã ở lại chặn hậu. Natsume Yoshinobu đã tự xưng ông chính là Tokugawa Leyasu, lao vào kẻ địch và hy sinh anh dũng.

Vì vậy, gia tộc Natsume nhiều đời được hưởng những đặc ân dành cho giới quý tộc. Cha của ông là trưởng làng và sở hữu vùng đất đai rộng lớn từ Ushigome đến tận Takadanobaba. Tưởng chừng như Natsume Sōseki vừa sinh ra đã "ngậm thìa vàng". Tuy nhiên, bi kịch thời thơ ấu của ông chỉ mới bắt đầu.

Cha và mẹ sinh ra Natsume Sōseki khi họ đã lớn tuổi. Ở thời điểm đó, xã hội Nhật Bản vẫn ở thời kỳ phong kiến. Gia đình ông đã bị xóm giềng dị nghị và chỉ trích. Khi ông vừa 4 tuổi, mẹ của ông qua đời.
Vì thế, khi mới 1 tuổi, cha ông đã quyết định gửi ông làm con nuôi cho gia đình người bạn là Nakane.

Trong gần 10 năm, ông đã sống cùng với gia đình cha mẹ nuôi và được đối xử rất tốt. Tuy nhiên, ông đã cảm thấy cô đơn, sợ hãi, không thể hòa hợp với gia đình mới. Ký ức về thời kỳ này đã ảnh hưởng đến những sáng tác của ông đến tận sau này.

Trong một bài viết tựa đề "My Individualism", xuất bản năm 1914, Natsume Sōseki đã chia sẻ về khoảng thời gian này như sau:
"I still remember those early years quite clearly, even though I was so young at the time. I recall being bewildered and frightened by the sudden and inexplicable change in my life, and by the strange family who had taken me in. Although they treated me kindly, I felt very alone and isolated, and I longed to be reunited with my real family. These memories stayed with me and influenced my writing throughout my life."
Tạm dịch:
"Tôi vẫn nhớ rất rõ những năm đầu đời của mình, mặc dù lúc đó tôi rất nhỏ tuổi. Tôi nhớ rằng mình bị lúng túng và sợ hãi bởi sự thay đổi đột ngột và khó hiểu trong cuộc sống của mình, và bởi gia đình lạ lẫm đã nhận nuôi tôi. Mặc dù họ đối đãi với tôi rất tốt, tôi cảm thấy rất cô đơn và cô lập, và tôi mong muốn được hàn gắn với gia đình thực của mình. Những ký ức này ở lại với tôi và ảnh hưởng đến viết văn của tôi suốt cuộc đời."
Khi ông lên 9 tuổi, cha mẹ nuôi ly hôn. Vì vậy, Natsume Soseki được quay trở về sống với gia đình đã sinh ra mình.

Giáo dục

Khi còn nhỏ, ông được theo học đầy đủ tại trường trung học Hibiya. Lúc này, ông đươc tiếp xúc và nhanh chóng say mê với văn học Trung Quốc truyền thống. Từ đó, ông đã ấp ủ ước mơ trở thành nhà văn. Năm 15 tuổi, ông đã chia sẻ bí mật về ước mơ của mình với anh trai.

Tháng 9 năm 1884, theo mong muốn của gia đình, Natsume Soseki theo học ngành kiến trúc sư tại Đại học Hoàng gia Tokyo. Ông được học ngôn ngữ tiếng Anh và cảm thấy ngôn ngữ này có thể giúp đỡ ông tiếp cận với nguồn tri thức quý báu của phương Tây.

Năm 1887, ông có dịp làm quen với người bạn Masaoka Shiki - người mà sau này sẽ trở thành một nhà thơ lớn của Nhật Bản. Masaoka Shiki đã giúp đỡ ông sáng tác thơ bằng chữ Hán, nâng cao kỹ năng viết thơ Haiku, Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã bắt đầu sử dụng bút danh "Soseki" mang ý nghĩa thay đổi hiện tại.

Đến năm 1890, Natsume Sōseki đã quyết định theo nghiệp viết lách và thi đậu vào khoa học Văn học Anh tại Đại học Tokyo. Chỉ một năm sau đó, theo yêu cầu của giáo sư James Main Dixon, ông đã dịch một phần tác phẩm cổ điển Hōjōki sang tiếng Anh. Năm 1893, ông tốt nghiệp Đại học Tokyo và bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò giảng dạy.

Tuy nhiên, về sự nghiệp của ông, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết hơn ở phần sau. Để hiểu rõ hơn về  giáo dục mà Natsume Soseki đã phấn đấu học tập, chúng ta không thể bỏ qua phần ông được đi du học tại Anh. Đó là thời điểm từ năm từ năm 1900 đến năm 1903, Natsume Soseki đã nhận được học bổng từ chính phủ Nhật Bản để đến Anh quốc du học.

Khi lần đầu tiên đặt chân đến nước Anh, ông đã đến đại học Cambridge. Do không thể trang trải, ông đã chọn trường đại học Luân Đôn thay vì đại học Cambridge. Tại đây, ông đã phải trải qua thời gian dài khó khăn. Ông gần như không ra khỏi nhà, tập trung vào việc học và đọc sách. Tuy nhiên, điều này có lẽ cũng là nguyên nhân khiến ông mắc phải căn bệnh về thần kinh. Những người bạn ngoại quốc đã giúp đỡ để ông có thể bình phục sức khỏe. Mặc dù đau ốm, ông đã học hỏi được rất nhiều kiến thức mà chúng sẽ giúp đỡ rất lớn cho sự nghiệp của ông sau này.

Sự nghiệp

Sau khi tốt nghiệp trường đại học Hoàng Gia Tokyo, năm 1893, ông trở thành giáo viên bán thời gian giảng dạy tại Trường Sư phạm Tokyo. Đến năm 1895, Soseki chuyển đến giảng dạy tại trung học Matsuyama ở Shikoku. Đây là ngôi trường được ông lấy cảm hứng cho tác phẩm "Botchan"(tựa tiếng Việt: Cậu ấm).

Đến năm 1896, ông chuyển đến giảng dạy tại trường trung học số 5 ở Kumamoto. Trong suốt quãng thời gian này, ông được học trò yêu mến. Vào ngày 10 tháng 6 năm 1896, ông kết hôn với Nakane Kyōko và có được một người con trai tên là Natsume Shinroku.
Từ năm 1900 đến 1903, ông đến Luân Đôn - Anh quốc du học. Phần này chúng tôi đã đề cập ở mục "Giáo dục".

Sau khi trở về nước vào tháng 1 năm 1903, ông giảng dạy bộ môn văn học Anh tại trường Trường Cao đẳng Quốc gia Tokyo. Thể hiện năng lực xuất chúng, ông được thay thế Koizumi Yakumo vào vị trí giáo sư môn văn học Anh

Ngoài thời gian giảng dạy, ông dành hết tâm sức cho công việc sáng tác. Ban đầu, ông chủ yếu đóng góp các bài thơ thuộc thể loại haiku, renku, haitaishi cho một số tap chí nổi tiếng. Trong số đó, phải kể đến tạp chí Hototogisu và Sankai.

Vào năm 1905, Natsume Soseki xuất bản tiểu thuyết "Tôi là con mèo" đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn vĩ đại. Tác phẩm này đã nhanh chóng bán được hàng triệu bản chỉ trong thời gian ngắn, được độc giả, giới phê bình đánh giá cao bởi sự độc đáo, diễn đạt sâu sắc và tinh tế.

Sau thành công vượt bậc của "Tôi là con mèo", Natsume Soseki tiếp tục cho ra mắt các tác phầm "Botchan - Cuộc nổi loạn ngoạn mục", "Tháp Luân Đôn", " Kusamakura - Gối đầu lên cỏ". Những tác phẩm này đã góp phần đưa tên tuổi của ông trở thành một trong những nhà văn trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản.

Với thành công này, Natsume Soseki quyết định ngừng việc giảng dạy để chuyên tâm vào công việc sáng tác. Năm 1907,ông làm việc cho thời báo Asahi Simbun - một trong những tờ báo nổi tiếng bậc nhất Tokyo lúc bấy giờ. Từ năm 1908, căn bệnh thần kinh mà ông mắc phải khi còn du học ở Anh quốc lại tái phát. Trong nỗ lực chạy đua với thời gian, Natsume Sōseki đã cố gắng vượt qua nỗi đau bệnh tật để sáng tác liên tục.

Trong khoảng thời gian này, lần lượt các tác phẩm kỉnh điển ra đời như: Sanshiro (1908), Eijitsu shōhin (1910), Kokoro (1914), Michikusa (1915),... Những năm cuối đời, Natsume Soseki đã có được một số đệ tử thân cận như Akutagawa Ryūnosuke và Kume Masao.

Vào ngày 9 tháng 12 năm 1916, Natsume Sōseki, một trong những tác giả nổi tiếng nhất của văn học hiện đại Nhật Bản đã qua đời vì bệnh thủng dạ dày. Khi đó, ông vẫn đang viết dở dang tiểu thuyết Sáng Tối. Sự ra đi của ông đã để lại niềm thương tiếc to lớn trong cộng đồng văn học Nhật Bản. Thế nhưng, những tác phẩm kinh điển của Sōseki vẫn tiếp tục tồn tại, trở thành những báu vật văn học vĩnh cửu của nước Nhật và thế giới.
>> Akutagawa Ryūnosuke được xem như người đệ tử thân cận nhất của Sōseki.
Có lẽ bạn muốn biết thêm về Akutagawa Ryūnosuke - bậc thầy thể loại truyện ngắn Nhật Bản.

Natsume Soseki được in hình trên tờ 1000 yên

Từ năm 1984, Natsume Soseki được in chân dung trên tờ tiền mệnh giá 1000 yên của Nhật Bản như một sự tôn vinh tài năng và những đóng góp đối với nền văn học. Đây là cách để Nhật Bản tỏ lòng tôn trọng và tưởng nhớ đến một tượng đài văn học vĩ đại của đất nước "mặt trời mọc".

Phong cách sáng tác

Phong cách sáng tác của Natsume Soseki phản ánh chân thực cuộc sống, đặt ra nhiều tình huống cảm động. Đặc biệt, ông thường xuyên sử dụng ngôn từ đơn giản nhưng lại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Natsume Sōseki am hiểu và thể hiện xuất sắc tâm lý nhân vật bằng cách mô tả chi tiết tâm trạng, suy nghĩ, hành động của họ.

Phong cách viết của ông kết hợp giữa truyền thống Nhật Bản và hơi thở hiện đại từ văn học Anh. Điều này được thể hiện rõ nét với các lý luận văn học được Natsume Sōseki phát triển. Ông đã cho rằng văn học là sự kết hợp giữa cảm xúc và tri giác. Nếu văn học chỉ có cảm xúc thì ông cho rằng đó chỉ là tiền văn học. Tư tưởng văn học của ông đã thực sự đi trước thời đại.

Đặc trưng văn học truyền thống Nhật Bản mà ông thường sử dụng gồm có yojo (dư tình) và mono no aware (cảm xúc bi tình trước sự vật, hiện tượng). Về văn học phương Tây, ông bị ảnh hưởng bởi phong cách văn học Anh thế kỷ 18.

Các tác phẩm nổi bật

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Natsume Soseki đã có vô số các tác phẩm gồm sách, tiểu thuyết, bài báo, truyện ngắn, thơ. Dưới đây, chúng tôi sẽ liệt kê 4 tiếu thuyết của ông đã được xuất bản sang ngôn ngữ tiếng Việt ở Việt Nam.

Tôi là con mèo - Wagahai wa Neko dearu

"Tôi là con mèo" là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Natsume Soseki và được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1905. Tại Việt Nam, tác phẩm này được biên dịch và xuất bản lần đầu tiên vào năm 2011. "Tôi là con mèo" được viết theo góc nhìn độc đáo của một con mèo cùng với những suy nghĩ của nó về xã hội và cuộc sống của con người.

Tác giả đã thành công xây dựng tính cách, suy nghĩ con mèo được nhân cách hóa. Từ đó, tác phẩm mang đến thông điệp sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống, tình cảm con người. Ngoài ra, con mèo trong tác phẩm đã cảm nhận và phê phán nhiều khía cạnh cuộc sống con người. Ví dụ: Trong phần đầu của tác phẩm, con mèo đã nhận xét về tính cách ông chủ thiếu quyết đoán, không xác định mục tiêu cho cuộc sống một cách rõ ràng.

Ngoài ra, con mèo cũng đánh giá tình cảm giữa con người với nhau. Nó cho rằng trong tình yêu, cảm xúc của con quá phức tạp. Như vậy, từ góc nhìn của con mèo, tác giả đã khiến người đọc phải ngẫm nghĩ. Từ đó, người đọc có thể hiểu rõ hơn về bản chất của con người và xã hội loài người.

Cuộc nổi loạn ngoạn mục - Botchan

Botchan (1906) là một cuốn tiểu thuyết vừa hài hước vừa sâu sắc của Natsume Soseki. Đây là câu chuyện kể về hành trình trưởng thành của chàng trai Botchan - một nhân vật chính đầy hào hiệp, trượng nghĩa nhưng đôi khi cũng ngây thơ, bốc đồng. Tác giả đã khéo léo miêu tả về những nỗi lo lắng, tâm trạng và suy nghĩ của Botchan. Thông qua những tình huống trong cuộc đời Botchan, tác giả đã phản ánh rõ nét cuộc sống, con người, xã hội Nhật Bản lúc giao thời.

Ngoài nhân vật chính, tác giả đã khắc họa nhiều nhân vật phụ, phong phú và đa dạng tính cách. Ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm đơn giản, dễ hiểu. Tóm lại, Botchan là một tác phẩm tiểu thuyết đầy cảm xúc,  giàu tính giáo dục, nội dung sâu sắc, phản ánh hiện thực và nhiều tình huống hài hước

Nỗi lòng - Kokoro

Kokoro (tựa đề tiếng Việt: Nỗi lòng) là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học hiện đại Nhật Bản. Vào giai đoạn cuối sự nghiệp, Kokoro được Natsume Soseki sáng tác và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1914. Tác phẩm này kể về câu chuyện giữa một chàng trai trẻ và một người bạn trung niên Sensei. 

Bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng, sâu sắc, tác giả đã phân tích thành công tâm lý của nhận vật Sensei. Từ đó, hành trình cuộc đời một con người có quá khứ ám ảnh, tội lỗi, đau khổ được hé mở. Qua đó, tác giả đã truyền tải thông điệp không chỉ về sự cô đơn mà còn về ý nghĩa của cuộc sống. Kokoro không chỉ là một tuyệt tác văn học mà còn là một tác phẩm đặt nền móng cho phong cách văn học hiện đại của Nhật Bản. Vào năm 2011, tác phầm "Nỗi Lòng" lần đầu tiên được biên dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Gối đầu lên cỏ - Kusamakura

Tác phẩm Kusamakura của tác giả Natsume Soseki được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1906. Vào năm 2012, Kusamakura được xuất bản tại Việt Nam với tựa đề "Gối đầu lên cỏ". Đây là một cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng, kể về câu chuyện chàng họa sĩ trở về nông thôn để tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác. Với phong cách viết tinh tế, Sōseki đã đưa người đọc vào một thế giới tự nhiên đẹp đến ngỡ ngàng và nguồn cảm hứng sáng tạo dường như vô tận. Trong câu chuyện, nhân vật Nami xuất hiện dưới lời kể của các tuyến nhân vật phụ một cách mông lung. 
Tóm lại, tác phẩm Kusamakura chứa đựng những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống, tình yêu, cái đẹp và sự tự do. Sōseki đã dùng những câu chữ đơn giản kết hợp với thơ Haiku đã truyền thống để truyền tài thông điệp về những giá trị tinh thần.
>> Ngoài những tác phẩm trên, tác phẩm Cánh Cổng (The Gate) mới được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Xem ngay tóm tắt Cánh Cổng Natsume Soseki.

Những câu nói hay

Sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những câu nói hay nhất của nhà văn Natsume Soseki:
I believe that words uttered in passion contain a greater living truth than do those words which express thoughts rationally conceived. It is blood that moves the body. Words are not meant to stir the air only: they are capable of moving greater things.
Dịch: Tôi tin rằng những lời nói ra trong đam mê chứa đựng một sự thật sống động hơn những lời nói thể hiện những suy nghĩ đã được toan tính. Đó là máu di chuyển cơ thể. Ngôn từ không chỉ dùng để khuấy động bầu không khí: chúng có khả năng lay động những điều vĩ đại hơn thế.
You seem to be under the impression that there is a special breed of bad humans. There is no such thing as a stereotype bad man in this world. Under normal conditions, everybody is more or less good, or, at least, ordinary. But tempt them, and they may suddenly change. That is what is so frightening about men.
Dịch: Có vẻ như bạn đang có ấn tượng rằng có một loại người đặc biệt xấu xa. Trên đời này không có cái gọi là đàn ông xấu hoàn toàn. Trong những điều kiện bình thường, mọi người ít nhiều đều có những điều tốt, hoặc ít nhất là bình thường. Nhưng khi họ bị cám dỗ, họ có thể đột ngột thay đổi. Đó là điều rất đáng sợ ở đàn ông.
I do not want your admiration now, because I do not want your insults in the future. I bear with my loneliness now, in order to avoid greater loneliness in the years ahead. You see, loneliness is the price we have to pay for being born in this modern age, so full of freedom, independence, and our own egotistical selves.
Bản dịch: Tôi không muốn sự ngưỡng mộ của bạn bây giờ, bởi vì tôi không muốn sự xúc phạm của bạn trong tương lai. Bây giờ tôi chịu đựng sự cô đơn của mình, để tránh sự cô đơn lớn hơn trong những năm sắp tới. Bạn thấy đấy, sự cô đơn là cái giá mà chúng ta phải trả khi được sinh ra trong thời đại hiện đại đầy tự do, độc lập và cái tôi ích kỷ của chính mình.
It is painfully easy to define human beings. They are beings who, for no good reason at all, create their own unnecessary suffering.
Dịch: Thật dễ dàng để định nghĩa con người. Họ là những sinh vật, không vì lý do chính đáng nào, tự tạo ra đau khổ không cần thiết cho mình
Living as I do with human beings, the more that I observe them, the more I am forced to conclude that they are selfish.
Dịch: Sống với con người, càng quan sát họ, tôi càng buộc phải kết luận rằng họ ích kỷ

Natsume Soseki là một trong những nhà văn trụ cột của Nhật Bản trong thế kỷ 20. Với bài viết trên, chúng tôi hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ông. Hãy tiếp tục ủng hộ chúng tôi bằng cách theo dõi các bài viết tiếp theo.

>> Bạn có biết Mori Ogai cũng là một tác giả tiên phong của văn học Nhật Bản. Đọc thêm về Mori Ogai.

TrendingTrang chủ