Tokugawa Ieyasu - Cuộc đời anh hùng thống nhất nước Nhật

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 28, 2023
Last Updated

Tokugawa Ieyasu là một trong những nhân vật ảnh hưởng to lớn đến quá trình thống nhất Nhật Bản. Không dừng lại ở đó, cuộc đời, tính cách của ông đã trở thành lối sống mẫu mực cho người Nhật đến tận ngày nay. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nhân vật nổi tiếng này qua bài viết dưới đây.

Tiểu sử Tokugawa Ieyasu

Tokugawa Ieyasu (31 tháng 1 năm 1543 – 1 tháng 6 năm 1616) là nhà lãnh đạo quân sự, chính trị nhận tước hiệu Shogun từ Thiên Hoàng, sáng lập phủ Tokugawa, thống nhất nước Nhật và chấm dứt thời kỳ chiến quốc Sengoku. Mặc dù cả Tokugawa Ieyasu, Oda Nobunaga, Toyotomi Hidetoshi là ba vị anh hùng có công thống nhất nước Nhật. Tuy nhiên, Ieyasu là người duy nhất thực sự thành lập được chế độ phong kiến Mạc phủ đã cai trị nước Nhật trong hơn 2 thế kỷ tiếp theo. Từ đó, giúp nước Nhật bước vào giai đoạn ổn định và phát triển.

Tokugawa Ieyasu
Tranh vẽ chân dung Tokugawa Ieyasu


Cuộc đời của ông bắt đầu với vai trò là một đại danh yếu thế. Từ nhỏ, ông phải trải qua nhiều khó khăn như bị bắt cóc, phải làm con tin, cha mất sớm, lớn lên trong thời đại đầy rẫy mưu mô và phản bội. Ông đã vượt qua tất cả bằng nghị lực, sự khôn khéo. Nhiều lần ông đã liên minh với các gia tộc lớn, cũng như hủy bỏ liên minh với các gia tộc khác. Tất cả đều là những nước đi chiến lược khôn ngoan mang đến sự hùng mạnh cho gia tộc Tokugawa. Sau khi qua đời, vì những đóng góp của Tokugawa Ieyasu cho nước Nhật, ông được phong thần Đông Chiếu (Tōshō Daigongen).

Di sản và tầm ảnh hưởng

Trong lịch sử nước Nhật, Tokugawa Ieyasu đóng hai vai trò quan trọng gồm thống nhất nước Nhật và thành lập mạc phủ Tokugawa. Trong đó, chế độ mạc phủ do ông tạo nên đã cai trị trong hơn 250 năm và có ảnh hưởng to lớn đến văn hóa nước Nhật. Tính cách kiên trì, sự nhẫn nại, lòng trung thành của ông đã trở thành hình mẫu cho người dân Nhật Bản noi theo. Trích dẫn quan điểm của ông về "nhẫn nại" như sau:

Người đàn ông mạnh mẽ là người hiểu được ý nghĩa của từ 'nhẫn nại'. 'Nhẫn nại' nghĩa là kiềm chế được sự thiên vị. Có 7 tình cảm: vui mừng, giận dữ, lo lắng, yêu thương, đau buồn, sợ hãi và căm thù, và nếu anh từ bỏ được những cảm xúc ấy, nghĩa là anh đã 'nhẫn nại'. Ta không mạnh như anh nghĩ, nhưng ta đã biết đến và luyện tập 'tính nhẫn nại'. Và nếu con cháu của ta muốn được như ta, chúng phải học lấy sự 'nhẫn nại'.

Cuộc đời giống như một hành trình dài đầy khổ ải. Hãy bước chậm mà vững chắc, đừng hụt chân. Thuyết phục chính mình rằng sự không hoàn hảo và phiền phức là điều tất yếu của trời, không thể có chỗ cho bất mãn, lại càng không có chỗ cho tuyệt vọng. Khi tham vọng dâng trào trong lòng, hãy nhớ đến những ngày gian khó mà mình đã trải qua. Lòng độ lượng là cơ sở cho sự yên bình và chắc chắn đời đời. Hãy nhìn lòng hận thù của kẻ địch. Nếu anh chỉ cho rằng đó là thứ cần phải chinh phục, hay tiêu diệt, sự thống khổ sẽ đeo đẳng anh; nó sẽ khiến anh luôn gặp khó khăn. Tìm lỗi của chính mình trước đã rồi hãy đi tìm lỗi của kẻ khác. 

Bằng cách tôn Tokugawa Ieyasu lên hàng ngũ thần thánh, chế độ mạc phủ Tokugawa đã thành công xây dựng hình ảnh ông gần như hoàn hảo. Tuy vậy, không phải tất cả các hành động của ông luôn luôn đúng. Thế nhưng, thần Đông Chiếu Ieyasu đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của người Nhật đến tận ngày nay.

Ngoài ra, Ieyasu là người đã đặt nền móng xây dựng Tokyo trở thành một trung tâm văn hóa chính trị bằng cách chọn thành phố Edo (tên gọi cũ của Tokyo) làm trung tâm cai trị của nhà Tokugawa. Hơn nữa, ông đã áp đặt chế độ "luân phiên chầu hầu". Trong đó, các đại danh buộc phải đến sống tại Edo trong một khoảng thời gian. Từ đó, góp phần thúc đẩy Edo phát triển về kinh tế.

Xuất thân

Tokugawa Ieyasu (tên lúc nhỏ là Matsudaira Takechiyo) sinh ngày 31 tháng 1 năm 1543, tại lâu đài Okazaki, tỉnh Mikawa, Nhật Bản. Ông là con trai của đại danh cai trị tỉnh Mikawa là Matsudaira Hirotada và bà Odai no Kata. Mẹ của Tokugawa Ieyasu là con gái của lãnh chúa của lâu đài Kariya là Mizuno Tadamasa. Đặc biệt, cha và mẹ của ông là anh em họ và cả hai kết hôn từ rất sớm.

Sau cái chết của ông ngoại Mizuno Tadamasa, em trai mẹ của ông là Mizuno Nobumoto lên nắm quyền. Mizuno Nobumoto đã ủng hộ gia tộc Oda và tuyên bố hủy bỏ liên minh với gia tộc Imagawa. Tuy nhiên, gia tộc Matsudaira lại phụ thuộc gia tộc Imagawa. Vì vậy, đến năm 1544, cha và mẹ ông ly hôn. Khi Leaysu được 1 tuổi, mẹ ông được gửi trả về gia đình. Tuổi thơ thiếu vắng tình thương của mẹ đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông. Sau đó, cả cha và mẹ ông lần lượt tái giá. Vì vậy, Tokugawa Ieyasu có đến 11 người anh em cùng cha khác mẹ.

Thời thơ ấu làm con tin

Năm 1548, gia tộc Oda tiến công mãnh liệt vào lãnh địa gia tộc Matsudaira. Trước tình thế nguy cấp, cha của Tokugawa Ieyasu đã xin cầu viện từ gia tộc Imagawa. Thủ lĩnh gia tộc Imagawa đã đặt điều kiện để gửi quân tiếp viện thì người thừa kế của gia tộc Matsudaira phải trở thành con tin để đảm bảo hiệp ước. Chính ông được chọn để thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, Oda Nobuhide (thủ lĩnh gia tộc Oda) đã hay tin về kế hoạch này và cho người thành công bắt cóc ông. Oda Nobuhide đã ép buộc Matsudaira Hirotada cắt đứt quan hệ với gia tộc Imagawa nếu muốn giữ mạng cho con trai. Matsudaira Hirotada tuyên bố rằng ông sẵn sàng hy sinh con trai để chứng minh lòng trung thành của mình với gia tộc Imagawa,

Vì vậy, mạng sống của cậu bé Ieyasu ở thế "ngàn cân treo sợi tóc". Tuy nhiên, Oda Nobuhide đã giam cầm ông trong ngôi đền Honshōji ở Nagoya thay vì giết chết. Khi ông chỉ mới sáu tuổi, cha ông qua đời do thuộc hạ phản bội và ám sát. 

Vào năm 1551, quân đội của gia tộc Imagawa dưới sự chỉ huy của tướng quân Imagawa Sessai đã tấn công và bao vây lâu đài nơi mà con trai cả của gia tộc Oda đang cư ngụ. Imagawa Sessai yêu cầu nhà Oda giao ra Tokugawa Ieyasu để đổi lấy việc rút quân của gia tộc Imagawa. Thỏa thuận này đã được Oda Nobunaga chấp thuận. Lúc đó, ông mới 9 tuổi được đưa đến Sunpu (thủ phủ của gia tộc Imagawa) làm con tin. 

Mặc dù bị giam lỏng nhưng ông được đối xử khá tốt và sống ở đó cho đến năm 15 tuổi. Những sự kiện này đã tạo nên tuổi thơ bất hạnh nhưng chúng đã giúp ông phát triển đức tính kiên nhẫn trước nghịch cảnh.

Sự nghiệp

Ieyasu và Imagawa Yoshimoto

Năm 1556, ông lãnh đạo gia tộc Imagawa là Imagawa Yoshimoto tự tay tổ chức lễ trưởng thành. Theo truyền thống Nhật Bản, sau lễ trưởng thành, ông đổi tên thành Matsudaira Jirōsaburō Motonobu. Sau đó , ông được cho phép trở lại lâu đài Okanazi để thăm mộ của cha mình và gặp gỡ với những thuộc hạ đang chịu trách nhiệm tạm cai quản lâu đài thay thế cho ông. 

Năm 15 tuổi, ông kết hôn với Tsukiyama thuộc dòng dõi nhà Imagawa và được phép trở lại lãnh thổ thừa kế là tỉnh Mikawa. Sau khi trở về quê nhà, ông dẫn đầu quân đội của gia tộc mình nhiều lần giao tranh với quân đội gia tộc Oda.

Đến năm 1560, quyền lãnh đạo của gia tộc Oda đã được chuyển giao cho Oda Nobunaga. Khi đó, Imagawa Yoshimoto dẫn đầu một đạo quân khổng lồ lên tới 25.000 đến 35.000 người tấn công lãnh thổ của gia tộc Oda. Là gia tộc dưới quyền, Ieyasu mang theo binh lính đánh chiếm và cố thủ tại một pháo đài có vị trí quan trọng. 

Vào thời điểm đó, quân chủ lực của Imagawa Yoshimoto đông gấp nhiều lần so với số lượng quân của nhà Oda. Tuy nhiên, Oda Nobunaga bất ngờ phục kích doanh trại đối phương trong trận Okehazama và giết chết Imagawa Yoshimoto. Thủ lĩnh đã chết khiến quân đội gia tộc Imagawa nhanh chóng tan rã. Sau cái chết của thủ lĩnh, ông nảy sinh ý định thành lập liên minh với gia tộc Oda. 

Tuy nhiên, vợ con của ông vẫn đang bị nhà Imagawa bắt làm con tin. Năm 1561, ông bất ngờ tiến quân đánh chiếm được thành Kaminojo thuộc sở hữu của một chư hầu lệ thuộc gia tộc Imagawa. Sau đó , ông yêu cầu gia tộc Imagawa đổi vợ con mình lấy hai con trai chủ của lâu đài này. Gia tộc Imagawa đã chấp nhận vì muốn giữ uy tín với các gia tộc chư hầu. Từ đó, liên minh giữa Ieyasu và Imagawa chính thức tan rã. Tokugawa Ieyasu thông báo ủng hộ gia tộc Oda.

Củng cố quyền lực

Năm 1563, theo truyền thống của người Nhật, ông đổi tên thành Matsudaira Ieyasu. Những năm tiếp theo, ông tập trung vào việc củng cố quyền lực và xây dựng lực lượng quân đội trong lãnh thổ của mình. Trong năm 1563, con trai cả của ông kết hôn với con gái của Nobunaga Oda là Tokuhime. Đây là một cuộc hôn nhân chính trị nhằm gắn kết giữa 2 gia tộc.

Ở tỉnh Mikawa, phong trào Ikkō-ikki là phong trào kết hợp giữa nông dân và các nhà sư chiến binh nổi dậy chống lại chính quyền. Vì vậy, Ieyasu đã nhiều lần dẫn binh đàn áp phong trào này. Nhiều cuộc giao tranh đã diễn ra ác liệt.  Trong một trận chiến, ông từng suýt mất mạng khi bị bắn trúng vai.  
Đến năm 1565, phong trào Ikkō-ikki bị dập tắt, ông đã hoàn toàn kiểm soát các vùng đất tỉnh Mikawa. 

Năm 1567, ông dâng sớ lên triều đình Nhật Bản xin phép đổi tên thành Tokugawa Ieyasu, gia tộc của ông đổi sang họ Tokugawa và được chấp thuận. Ông cũng tuyên bố gia tộc của mình là hậu duệ của thiên hoàng Thanh Hòa (Seiwa). Bởi lẽ gia tộc của ông vốn là một chi của gia tộc Minamoto qua gia tộc Nitta.

Ieyasu và Oda Nobunaga

>> Có thể bạn muốn biết thêm về Oda Nobunaga

Năm 1568, liên minh quân đội giữa Tokugawa Ieyasu và Oda Nobunaga tấn công Kyoto. Họ cùng nhau đánh bại các gia tộc khác đã tham gia vào cuộc chiến khốc liệt này. Từ năm 1568 đến 1570, Ieyasu liên minh với gia tộc Takeda là một gia tộc lớn ở tỉnh Kai. Từ đó, liên minh Ieyasu và Takeda tiến quân chiếm đóng các vùng lãnh thổ của gia tộc Imagawa.

 Năm 1569, quân đội của Ieyasu tiến quân đánh chiếm vùng Totomi thuộc lãnh thổ của gia tộc Imagawa. Họ bao vây lâu đài Kakegawa là nơi ở của Imagawa Ujizane (lãnh đạo nhà Imagawa). Trong một thỏa thuận cân não, Ieyasu đã thuyết phục Imagawa Ujizane đầu hàng. Đổi lại, Tokugawa Ieyasu không chỉ lui binh khỏi lâu đài mà còn hỗ trợ gia tộc Imagawa trong việc tái chiếm tỉnh Sukura. Về mặt chiến lược, tỉnh Sukura vốn là nơi đặt thủ phủ của nhà Imagawa. Không còn lựa chọn nào khác, Imagawa Ujizane đã đồng ý. 

Sau đó, Tokugawa Ieyasu thành lập một liên minh với Imagawa Ujizane. Đồng thời, liên minh giữa Tokugawa và nhà Takeda cũng chấm dứt. Những sự kiện trên đã cho thấy mưu lược bậc thầy của ông. Thông qua việc liên minh, Tokugawa Ieyasu đã mang lại lợi ích tối đa cho gia tộc mình.

Năm 1570, thủ phủ gia tộc Tokugawa được dời đến Hamamatsu (nay là thành phố Hamamatsu). Trong khi đó, thủ phủ cũ được chuyển giao cho con trai cả quản lý.

Cũng trong năm 1570, ông gửi 5000 binh sĩ đến viện trợ cho Oda Nobunaga trong trận Anegawa. Tuy nhiên, năm 1571, lực lượng quân đội của gia tộc Takeda dưới sự lãnh đạo của "Mãnh hổ xứ Kai" là Takeda Shingen tiến quân vào tỉnh Totomi của gia tộc Tokugawa. Cuộc đối đầu giữa 2 gia tộc lớn thời Sengoku chính thức nổ ra. Cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng lớn đến chiều hướng phát triển của lịch sử Nhật Bản cuối thời kỳ chiến quốc Sengoku. Liệu gia tộc nào sẽ giành được thắng lợi cuối cùng?

Ban đầu, gia tộc Takeda đặt mục tiêu nhắm vào các lâu đài quan trọng gồm: Nishikawa, Yoshida và lâu đài Futamata. Những trận chiến ác liệt đã diễn ra giữa quân đội 2 bên. Takeda Shingen đã lựa chọn chính xác thời điểm tấn công gia tộc Tokugawa. Bởi lẽ, "Mãnh hổ xứ Kai" biết rõ quân đội của Ieyasu đã phải phân chia để tham gia nhiều trận chiến khác. Vì lẽ đó, ông yêu cầu viện trợ từ đồng minh Oda Nobunaga và nhận được 3000 quân tiếp viện.

Vào đầu năm 1573, quân chủ lực của cả hai bên đụng độ dữ dội trong trận Mikatagahara. Quân đội nhà Tokugawa bị đánh bại thê thảm. Ông cùng với vài thân tín phải chạy trốn đến một lâu đài gần đó. Trong cuộc đời binh nghiệp, đây là trận thua lớn nhất của Ieyasu. Tuy nhiên, Shingen Takeda đã không thể tận dụng tốt ưu thế từ chiến thắng này. Dù vậy, ngày 13 tháng 5 năm 1573, Takeda Shingen đột ngột qua đời trong cuộc vây hãm lâu đài Oda. Con trai của Shigen là Takeda Katsuyori được kế thừa sự nghiệp từ cha.

Năm 1575, quân Takeda tấn công thành Nagashino thuộc tỉnh Mikawa. Để ứng phó, Nobunaga Oda đem 30.000 binh lính đến giúp đỡ Ieyasu phòng thủ thành trì. Cuối cùng, liên quân Oda-Tokugawa thắng lợi và bảo vệ thành công thành Nagashino. Quân chủ lực nhà Takeda bị tiệu diệt trong trận đánh lớn này. Takeda Katsuyori sống sót nhưng phải chạy trốn đến tỉnh Kai. Quân lực nhà Takeda bước vào thời kỳ suy yếu. Trong bảy năm tiếp theo, quân đội Ieyasu và Katsuyori tiếp tục chiến đấu trong một số trận chiến nhỏ.

Sau đó, quân đội của Ieyasu đã chiếm quyền kiểm soát tỉnh Suruga của gia tộc Takeda. Tuy nhiên, vào năm 1579, vợ cả của Ieyasu là Katsuyori và con trai Nobuyasu bị buộc tội cấu kết với nhà Takeda âm mưu ám sát Nobunaga.

Dù vậy, ông không tin con trai đã phản bội mình. Tuy nhiên, chính ông đã ra lệnh xử tử vợ và ép con trai tự sát theo hình thức seppuku. Vì sự kiện đặc biệt này nên người đời sau đã nhận xét Tokugawa Ieyasu tàn nhẫn. Sau đó, ông đã chọn con trai thứ ba Tokugawa Hidetada làm người thừa kế của gia tộc.

Năm 1582, liên minh Oda-Tokugawa chinh phục tỉnh Kai, chấm dứt cuộc chiến lâu dài với gia tộc Takeda. Trong trận Temmokuzan, Takeda Katsuyori và con trai Takeda Nobuo đều bị đánh bại. Sau đó, Takeda Katsuyori tự sát.

Ngày 21 tháng 6 năm 1582, Oda Nobunaga bị tướng quân dưới trướng Akechi Mitsuhide phản bội và phải tự sát tại chùa Honnoji. Lúc này, Ieyasu đang ở Osaka. Với sự giúp đỡ của ninja Hattori Hanzo, ông đã quay trở lại Mikawa và huy động quân đội để trả thù cho lãnh chúa Oda Nobukawa. Trước khi quân đội của ông đến nơi, Toyotomi Hideyoshi là một chư hầu của Oda Nobukawa đã đem quân lính nhanh chóng tiêu diệt quân đội của kẻ phản bội Akechi Mitsuhide trong trận Yamazaki.

Dưới thời Toyotomi Hideyoshi

Vào năm 1561, phụ tá của Ieyasu đã bị một lãnh chúa cai quản tỉnh Kai giết chết. Để báo thù, Ieyasu đã nhanh chóng mang quân xâm chiếm tỉnh Kai. Sau đó, gia tộc Hōjō đã phản ứng bằng cách gửi quân vào tỉnh Shinano và Kai. Sau một số cuộc đụng độ, Ieyasu và gia tộc Hōjō đã đồng ý dàn xếp cuộc chiến bằng thỏa thuận. Tokugawa Ieyasu kiểm soát cả hai tỉnh Kai và Shinano. Tuy nhiên, nhà Hōjō được quyền kiểm soát được tỉnh Kazusa cùng với một phần nhỏ của tỉnh Kai và Shinano

Năm 1583, cuộc chiến tranh giành quyền cai trị giữa Toyotomi Hideyoshi và Shibata Katsuie nổ ra. Ieyasu không tham gia vào cuộc chiến này. Thay vào đó, ông nhân cơ hội để mở rộng lãnh thổ của mình và trở thành nhà lãnh đạo nắm quyền lực lớn thứ hai chỉ sau Hideyoshi. Sau cái chết của Oda Nobukawa, quyền hành của gia tộc Oda chỉ còn trên danh nghĩa. Người nắm quyền lực lớn nhất lúc bấy giò là Toyotomi Hideyoshi.

Năm 1584, ông đặt quyết định mạo hiểm là ủng hộ con trai của Oda Nobunaga là Oda Nobukatsu thừa kế di sản của cha. Điều này ảnh hưởng đến quyền lực mà Toyotomi Hideyoshi đang nắm giữ. Đội quân của 2 gia tộc đã đụng độ nhau trong trận Komaki và trận Nagakute. Trong trận Nagakute, quân đội Ieyasu giành được chiến thắng.

Sau nhiều trận đánh nhỏ và những cuộc hành quân vô ích, Toyotomi Hideyoshi quyết định kết thúc trận chiến thông qua đàm phán. Vào cuối năm 1584, cả hai bên đã cùng nhau ký kết thỏa thuận ngừng chiến. Trong đó, điểm quan trọng của thỏa thuận này là con trai thứ hai của Ieyasu sẽ được Hideyoshi nhận làm con nuôi.

Năm 1590, trong nỗ lực thống nhất nước Nhật, Hideyoshi tấn công gia tộc Hojo đang nắm quyền kiểm soát tám tỉnh vùng Kanto của Nhật Bản. Ieyasu đã gửi 30.000 samurai gia nhập đội quân lên đến 160.000 quân của Hideyoshi. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đạo quân khổng lồ này đã đè bẹp quân đội nhà Hojo.

Sau đó, Toyomi Hideyoshi đã đề nghị đổi 8 tình vùng Kanto vừa chiếm được lấy 5 tỉnh mà Tokugawa Ieyasu đang kiểm soát. Thật bất ngờ, ông đã đồng ý. Đây được xem như quyết định mạo hiểm nhất trong cuộc đời của ông. Ông cho di dời trung tâm quyền lực của mình, cùng với các samurai đến tỉnh Kanto. Với sự kiện này, gia tộc Hojo chính thức chấm dứt 100 năm cai trị ở vùng này.

Đây là một sự thay đổi lớn trong lịch sử của Nhật Bản. Bởi lẽ, vùng Kanto với thủ phủ là Edo (tên gọi cũ của Tokyo) sẽ chuyển mình trở thành trung tâm kinh tế của nước Nhật trong những thế kỷ tiếp theo.

Năm 1592, Toyotomi Hideyoshi huy động quân đội xâm lược bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, các samurai của gia tộc Tokugawa không tham chiến. Đây là một quyết định khôn ngoan của Ieyasu. Bởi lẽ, quân đội Nhật đã vấp phải chống cự mãnh liệt và phải rút lui về nước.

Đến năm 1598, sức khỏe của Toyotomi Hideyoshi chuyển biến xấu. Vì vậy, Hideyoshi đã triệu tập một  hội nghị để xác định Hội đồng Ngũ Lão gồm 5 tairo (quan nhiếp chính) sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ con trai ông là Toyotomi Hideyori cai trị đất nước sau khi ông qua đời.

Năm người được lựa chọn vào vị trí quyền lực này gồm có: Maeda Toshiie, Mōri Terumoto, Ukita Hideie, Uesugi Kagekatsu và Tokugawa Ieyasu. Vào ngày 18 tháng 9 năm 1598, Toyotomi Hideyoshi qua đời. Lúc này, quyền lực thực sự của nước Nhật nằm trong tay các nhiếp chính quan. Trong đó, Tokugawa Ieyasu là nhiếp chính quan có nhiều quân đội và quyền lực nhất.

>> Có thể bạn muốn biết thêm về Toyotomi Hideyoshi.

Thống nhất nước Nhật

Trong hai năm tiếp theo, ông liên minh với nhiều đại danh (daimyo) khác nhau. Trong số đó, nhiều đại danh phe Ieyasu không có cảm tình với nhà Toyotomi. Vào năm 1599, nhiếp chính quan lớn tuổi và được kính trọng nhất là Maeda Toshiie  qua đời đã tạo điều kiện cho ông thực hiện tham vọng của mình.

Năm 1599, Tokugawa Ieyasu chiếm lâu đài Osaka thuộc quyền sở hữu của Toyotomi Hideyori. Hành động này là mồi lửa châm ngòi cho cuộc chiến cuối cùng thống nhất Nhật Bản. Phe chống đối Tokugawa Ieyasu gồm các nhiếp chính quan khác, những người ủng hộ Toyotomi Hideyori lên nắm quyền. Lịch sử Nhật Bản đã gọi phe Ieyasu là Đông quân và phe chống đối ông là Tây quân. Trong đó, Tây quân được lãnh đạo bởi Ishida Mitsunari - một đại danh uy quyền nhưng không phải là nhiếp chính quan. 

Căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang, Ishida Mitsunari đã lên kế hoạch ám sát Tokugawa Ieyasu. Tuy nhiên, các thuộc tướng dưới quyền ông đã biết được âm mưu này. Vì vậy, họ cho người giết Ishida Mitsunari. Tuy nhiên, chính ông lại âm thầm bảo vệ Ishida Mitsunari thoát khỏi cái chết. Đây là một trong những nước đi khó hiểu của Leaysu mà hậu thế đến nay phải dùng nhiều công sức để cố gắng lý giải. Trong số đó, biện giải phổ biến nhất cho hành động trên là Ieyasu mong muốn lãnh đạo phe đối thủ không phải quan nhiếp chính.

Lúc này, quan nhiếp chính Uesugi Kagekatsu thách thức uy quyền của Ieyasu bằng cách cho xây dựng quân đội tại Aizu. Tokugawa Ieyasu đã yêu cầu Uesugi Kagekatsu giải thích về hành động này. Tuy vậy, Uesugi Kagekatsu tỏ ra coi thường và chế nhạo Ieyasu cũng vi phạm các nguyên tắc do Toyotomi Hideyoshi đặt ra.

Năm 1600, ông trực tiếp thống lĩnh Đông quân tiêu diệt gia tộc Uesugi của vị quan nhiếp chính này. Vào ngày 21 tháng 10 năm 1600, Đông quân do Ieyasu lãnh đạo đụng độ Tây quân do Ishida Mitsunari chỉ huy trong trận đại chiến Sekigahara. Kết quả, liên minh Tây quân hoàn toàn bị quân đội của ông nghiền nát. Các đại danh, quý tộc ủng hộ nhà Toyotomi bị bắt hoặc giết chết. Về phần Toyotomi Hideyori bị giáng cấp trở thành một đại danh bình thường. Cuối cùng, Tokugawa Ieyasu trở thành người cai trị không chính thức trên toàn cõi Nhật Bản.

Chinh di đại tướng quân - Shogun

Ngày 24 tháng 3 năm 1603, ông được Thiên hoàng Goyozei ban tước hiệu Chinh Di Đại Tướng quân Shogun mở ra một chương mới trong lịch sử Nhật Bản. Như vậy, với việc Ieyasu trở thành Shogun, mạc phủ Tokugawa chính thức được thành lập. Thời kỳ chiến quốc Sengoku cũng chấm dứt, thời kỳ Edo bắt đầu.

Trong những năm tiếp theo, Ieyasu dành thời gian còn lại của mình để xây dựng và củng cố Mạc phủ Tokugawa. Mạc phủ Tokugawa sẽ cai trị Nhật Bản trong 260 năm tiếp theo, mang đến sự ổn định và phát triển cho quốc gia này. Vào năm 1605, ông nghỉ hưu trở thành Ogosho (tước hiệu dành cho Shogun đã nghỉ hưu). Người kế vị tước hiệu Shogun của ông là Tokugawa Hidetada.

Tướng quân về hưu

Sau khi nghỉ hưu, ông đến nghỉ ngơi tại lâu đài  vẫn duy trì ảnh hưởng của mình trong triều đình Nhật Bản cho đến khi qua đời. Ông nghỉ hưu đến lâu đài Sunpu và theo dõi việc xây dựng lâu đài Edo. Sau này, lâu đài Edo sẽ trở thành lâu đài lớn nhất ở Nhật Bản.

 Năm 1611, ông dẫn đầu 50.000 binh sĩ tiến đến Kyoto để tham dự lễ lên ngôi của Thiên hoàng Gomizunoo. Ngoài ra, ông cũng ra lệnh xây dựng lại các công trình kiến trúc cung đình, các tòa nhà. Năm 1613, ông soạn thảo tài liệu Shohatto để giám sát các đại danh (daimyo) của triều đình.

Mùa đông năm 1614, Ieyasu ra lệnh tấn công lâu đài Osaka của Toyotomi Hideyori. Toyotomi Hideyori buộc phải nghị hòa với những điều khoản ký kết có lợi cho Ieyasu. Đến năm 1615, Tokugawa Ieyasu tấn công lâu đài Osaka lần thứ hai. Thành trì cuối cùng của gia tộc Toyotomi bị công phá, Toyotomi Hideyori cùng với vợ con bị giết chết. Gia tộc Toyotomi chính thức sụp đổ và không còn là mối đe dọa với quyền lực của nhà Tokugaws.

Cũng trong năm 1615, ông biên soạn Buke shohatto giúp định hướng chế độ Mạc phủ Tokugawa. Vào ngày 1 tháng 6 năm 1616, Tokugawa Ieyasu qua đời ở tuổi 73. Nguyên nhân cái chết của ông được cho là bệnh ung thư hoặc giang mai. Trước khi mất, ông đã bày tỏ mong ước được phong thần sau khi qua đời. Vì thế, để công nhận những đóng góp mà ông đã cống hiến cho nước Nhật thống nhất, Tokugawa Ieyasu được phong làm thần Đông Chiếu (tên tiếng Nhật Tōshō Daigongen 東照大權現).

Họ Là Ai vừa gửi đến bạn đọc bài viết về Tokugawa Ieyasu với những thăng trầm, mưu mô và toan tính, sự nghiệp lắm chông gai nhưng đầy vinh quang của shogun đầu tiên lập nên mạc phủ Tokugawa. Hãy ủng hộ chúng tôi bằng cách chia sẻ nội dung này nhé!

TrendingTrang chủ