Takeda Shingen - Sự nghiệp và chiến thuật của Mãnh hổ xứ Kai

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 05, 2023
Last Updated

 Takeda Shingen là một lãnh chúa Daimyo vô cùng nổi tiếng với những chiến công xuất sắc. Ông có biệt hiệu "Mãnh hổ xứ Kai". Qua bài viết này, sự nghiệp và những chiến thuật quân sự của Takeda Shingen sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc.

Tiểu sử Takeda Shingen

Takeda Shingen (1521-1573) là lãnh chúa (daimyo) nổi tiếng của Nhật Bản thời Chiến quốc, với biệt hiệu "mãnh hổ xứ Kai". Ông được tôn vinh như một nhà lãnh đạo tài ba, táo bạo và đầy quyết đoán. Với sự hỗ trợ của 24 tướng lĩnh giỏi như Yamamoto Kansuke, Takeda Nobushige,.. Shingen đã xây dựng một đội quân tinh nhuệ và thực hiện nhiều cuộc tấn công hiệu quả vào các đối thủ mạnh mẽ trong khu vực.

Takeda Shingen
Tranh vẽ chân dung Takeda Shingen


Tuy nhiên, Shingen không chỉ nổi tiếng với tài năng quân sự, ông còn được biết đến như một nhà lãnh đạo xuất sắc trong chính sách cai trị. Ông đã thực hiện nhiều biện pháp tiên tiến để quản lý các địa bàn của mình như cải cách hệ thống thuế và xử lý tranh chấp dân sự bằng cách sử dụng hệ thống tiền phạt. Về sau, những cải cách này được mạc phủ Tokugawa áp dụng.

Tuy nhiên, Shingen cũng sở hữu một tính cách khác lạ và ưa thích chiến tranh. Ông nghiện rượu nặng và nhiều lần tự gây thương tích cho bản thân vì chơi đua ngựa. Quả thật, Shingen tài ba nhưng cũng lắm tật.

Vào năm 1573, Shingen đột ngột qua đời do bị bệnh hoặc bị thương sau trận chiến. Gia tộc Takeda mất đi ông cũng dần suy yếu và sụp đổ. Tuy vậy, Shingen đã tiếp tục để lại ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử quân sự và chính trị của Nhật Bản. Ngày nay, ông trở thành biểu tượng của sự tài ba, dũng cảm và quyết đoán.

Gia đình và tuổi thơ

Takeda Shingen sinh ra vào ngày 1 tháng 12 năm 1521 tại tỉnh Kai, tên lúc nhỏ là Katsuchiyo. Ông là con trai cả của lãnh chúa Takeda Nobutora và Ōi no kata. Cha của ông cai trị tỉnh Kai và đã giáo dục cho con trai kỹ năng quân sự và lãnh đạo.

Khi đến tuổi trưởng thành, shogun Ashikaga Yoshiharu ban tên mới cho ông là Takeda Harunobu. Năm 1551, ông quyết định trở thành một cư sĩ Phật giáo tại gia và lấy pháp danh là Shingen. Đây cũng là nguồn gốc của các tên sẽ đi vào lịch sử Nhật Bản - Takeda Shingen.

Năm 13 tuổi, ông được gia tộc sắp xếp một cuộc hôn nhân với con gái Uesugi Tomosada. trước khi cưới, cô dâu mắc bệnh rồi qua đời nên đám cưới không thành. Năm 1536, ông kết hôn với chính thất là Sanjō no kata (Lady Sanjō). Khi đó, bà mới chỉ 16 tuổi. Takeda Shingen có nhiều con trai. Trong đó, một số người con nổi tiếng nhất gồm có: Takeda Yoshinobu, Takeda Katsuyori, Takeda Nobuyuki và Nishina Morinobu. Sau này, Takeda Katsuyori được ông chọn trở thành người thừa kế.

Sự nghiệp

Giai đoạn khởi đầu

Vào năm 1536, Takeda Harunobu mới 15 tuổi giành được chiến thắng trước Hiraga Genshin. Ông đã chứng tỏ được tài năng quân sự của mình từ rất sớm. Dù vậy, cha của ông vẫn không mấy hài lòng về cậu con trai cả và nảy sinh ý định gửi ông đến tỉnh Suruga.Đến năm 1541, Takeda Harunobu liên kết với nhà Imagawa, các thuộc tướng tài năng nhất của gia tộc Takeda thực hiện đảo chính chiếm lấy quyền cai trị từ chính cha của ông. 

Về nguyên nhân của sự kiện này, đã có rất nhiều giả thiết được đưa ra. Trong đó, giả thiết được ủng hộ nhất là Takeda Nobutora có ý định trao quyền cho con trai Takeda Nobushige thay vì Takeda Shingen. Sau cuộc đảo chính, Takeda Nobutora vẫn sống sót nhưng bị đày đến tỉnh Suruga. Về phần Takeda Nobushige, ông chấp nhận Takeda Shingen lãnh đạo gia tộc và phục vụ anh trai đến cuối đời.

Đánh chiếm tỉnh Shinano

Khi đã nắm quyền lãnh đạo trong tay, Takeda Shingen nảy sinh ý định chiếm đoạt vùng đất Shinano giàu có đang nằm dưới quyền kiểm soát của 4 gia tộc lớn. Tuy nhiên, 4 gia tộc này đã nhận ra âm mưu của ông và quyết định tạo thành liên minh để đối đầu với gia tộc Takeda.

Đến tháng 4 năm 1542, liên quân tỉnh Shinano tràn vào tỉnh Kai (thủ phủ của gia tộc Takeda). Với khả năng lãnh đạo xuất chúng, Takeda Shingen đã dẫn đầu quân đội tiêu diệt liên quân tỉnh Shinano trong trận Sezawa. Thừa thắng, quân đội gia tộc Takeda tiến vào tỉnh Shinano. Gia tộc Suwa, Tozawa bị quân đội của ông đánh bại.

Đến năm 1544, Takeda Shingen mang binh tiến vào tỉnh Suruga. Cũng trong năm này, Shigen ký kết hòa ước với gia tộc Hojo và Imagawa. Đến năm 1548, quân đội của ông bất ngờ gặp thiệt hại lớn trong trận đánh ở thành Ueda với gia tộc Murakami. Trong trận chiến này, ông mất 2 viên tướng tài năng là Amari Torayasu và Itagaki Nobutaka.

Dù vậy, ông vẫn tiếp tục các chiến dịch chinh phục lãnh thổ tỉnh Shinano. Đến năm 1552, ông hoàn tất việc đánh chiếm tỉnh Shinano. Gia tộc Murakami và Ogasawara phải trốn khỏi tình Shinano cầu viện gia tộc Uesugi.

Takeda Shingen và Uesugi Kenshin

Lãnh đạo tối cao của gia tộc Uesugi là Uesugi Kenshin quyết định tham chiến. Vì vậy, mùa xuân năm 1554, quân đội của Takeda Shingen và Uesugi Kenshin đụng độ dữ dội trong trận Kanawakajima lần thứ nhất. Trong sự nghiệp của mình, Uesugi Kenshin biệt danh "Con rồng xứ Echigo" là kỳ phùng địch thủ Takeda Shingen.

Cả hai đối đầu nhau thêm 4 lần nữa tại địa điểm Knawakajima (các năm 1555, 1557, 1561 và 1564). Trong đó, trận Kanawakajima năm 1561là trận đánh nổi tiếng nhất thời kỳ chiến quốc. Cả hai bên đều thiệt hại nặng nề. Trong trận này, 2 đại tướng dưới quyền của ông là Takeda Nobushige và Yamamoto Kansuke hy sinh.

Kết quả, cả 2 gia tộc Takeda và Uesugi Kenshin bất phân thắng bại, không thể hoàn toàn tiêu diệt được đối phương. Tuy vậy, Shingen và Kenshin đều hết mực tôn trọng đối với đối thủ. Tính đến năm 1564, Takeda Shingen đã hoàn tất việc chinh phục tỉnh Shinano, chiếm lĩnh một số lâu đài của gia tộc Uesugi.

>> Xem thêm bài viết về Uesugi Kenshin.

Mở rộng lãnh thổ

Trong 5 năm tiếp theo, gia tộc Takeda diễn ra nội chiến giữa các cháu và con trai của Shingen. Tuy nhiên, gia tộc Takeda không hề bị suy yếu bởi sự kiện này. Cũng trong thời gian này, Shingen dành thời gian để củng cố quyền lực, xây dựng chính sách cai trị. Ông cho xây dựng con đập trên dòng sông Fuji nhằm hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp phát triển.

Vào năm 1568, ông đem binh xuôi nam đánh chiếm các phần lãnh địa của gia tộc Imagawa đang suy yếu. Lúc này, một đại danh hùng mạnh khác Tokugawa Ieyasu cũng đem binh đánh chiếm lãnh địa của gia tộc Imagawa. Theo lẽ thường, quân đội của gia tộc Takeda và Tokugawa sẽ đụng độ nhau. Tuy nhiên, Takeda Shingen và Tokugawa Ieyasu đã có một thỏa thuận hết sức bất ngờ. Trong đó, tỉnh Suruga sẽ thuộc về nhà Takeda, còn tỉnh Totomi sẽ thuộc quyền cai quản của Tokugawa Ieyasu.

Lúc này, Hojo Ujiyasu đã mang binh xâm phạm lãnh thổ của gia tộc Takeda khiến ông vô cùng tức giận. Vì vậy, vào năm 1569, đích thân Takeda Shingen tiến quân vào tỉnh Sagami, bao vây lâu đài Odawara của nhà Hojo. Sau 1 tuần bao vây, ông đột ngột cho lui binh. Trên đường về, đội quân của nhà Takeda tiêu diệt cánh quân mai phục của nhà Hojo.

Tính đến năm 1570, Takeda Shingen đã trở thành đại danh mạnh nhất ở phía đông Nhật Bản, với lãnh thổ gồm 3 tỉnh rộng lớn. Trong thời gian này, Takeda Shingen ký kết hòa ước với Hojo Ujimasa. Trong khi đó, liên minh Tokugawa Ieyasu và Oda Nobunaga trở thành một trong những thế lực quân sự mạnh nhất lúc bấy giờ. Chỉ có Takeda Shine mới có đủ sức mạnh để ngăn chặn sự bành trướng của liên minh này.

Vì vậy, vào năm 1572, Takeda Shigen lãnh đạo quân đội tiến đánh vào tỉnh Totomi của nhà Tokugawa. Thành Futamata bị quân đội Shigen chiếm đóng. Vào mùa đông năm 1572, quân đội của ông đụng độ quân của Tokugawa Ieyasu trong trận Mikatagahara tiến đánh thành . Tokugawa Ieyasu bại trận phải rút lui. Tuy nhiên, ngay trong đêm một toán ninja của Ieyasu lãnh đạo bởi Hattori Hanzo đã tấn công doanh trại nhà Takeda.

Mặc dù chiếm được thành nhưng Shingen lại quyết định cho quân đội rút lui và dự định sẽ tiếp tục tấn công vào mùa xuân. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc này gồm: viện binh của Oda Nobunaga và Uesugi Kenshin tiến đánh.
>> Có thể bạn muốn xem thêm bài viết về Tokugawa Ieyasu.

Cái chết

Bước sang mùa xuân năm 1573, quân đội của Takeda bao vây lâu đài Noda thuộc lãnh địa của Tokugawa Ieyasu. Takeda Shigen đột ngột qua đời khi mới 51 tuổi. Nguyên nhân cái chết của ông được cho là bị trúng đạn khi vây thành, không thể chữa trị hoặc do mắc bệnh. Trong đó, nguyên nhân bị trúng đạn được cho là đáng tin hơn cả.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông cho gọi tướng Yamagata Masakage và căn dặn cắm cờ hiệu của gia tộc Takeda trên cầu Seta (chiếc cầu dễn đến thủ đô Kyoto). Ông cũng dặn dò con trai Takeda Katsuyori là người thừa kế sau khi ông mất như sau:

Sau khi ta chết đi, không được điều động binh lính bừa bãi. Cống hiến hết mình để củng cố chính trị trong nước, nếu kẻ địch có đột nhập thì tìm mọi cách phòng thủ, nếu chúng tháo chạy thì đuổi theo. Bằng mọi cách, che giấu việc ta qua đời trong ít nhất 3 năm.

Chiến thuật quân sự

Takeda là một thiên tài quân sự với chiến thuật sử dụng kỵ binh độc đáo. Nêu đặc điểm chiến thuật sử dụng chiến thuật kỵ binh của ông. Ở thời kỳ chiến quốc, đa phần quân đội của các lãnh chúa đều là bộ binh. Việc sử dụng kỵ binh đã giúp ông đạt những chiến thắng vang dội.

Ngoài ra, ông thông thạo việc áp dụng binh pháp Tôn Tử vào chiến trận. Lá cờ gia tộc Takeda có ghi biểu ngữ với 4 chữ "gió, rừng, lửa, núi" mang ý nghĩa "Nhanh như gió, Im lặng như rừng, Dữ dội như lửa và Bất động như núi". Đây được xem như chiến thuật quân sự đỉnh cao mà ông đã để lại cho hậu thế. Khi hành quân nhanh như gió, đảm bảo tính bí mật với im lặng như rừng. Khi tấn công kẻ địch cần phải "Dữ dội như lửa". Khi phòng thủ, binh sĩ  phải "Bất động như núi".

Chính sách cai trị

Về chính sách cai trị, ông cho thành lập 2 khu hành quyết để xử tử kẻ phạm tội. Đặc biệt, ông là lãnh chúa đầu tiên áp dụng chính sách phạt tiền và hình phạt để giải quyết các tranh chấp dân sự. Điều khác biệt hơn cả, ông bắt buộc tất cả các tầng lớp dân chúng phải đóng thuế, kể cả các võ sĩ samurai hay tu sĩ. Ở thời đại này, các vị lãnh chúa khác thường miễn thuế cho võ sĩ samurai và tu sĩ. Chính sách này đã giúp ông nhận được sự ủng hộ từ dân chúng.

Tuy nhiên, Shingen cũng có những hành động đáng lên án. Khi ông đánh bại gia tộc Suwa, ông đã ra lệnh giết hoặc ép buộc họ phải tự sát. Mặc dù, Takeda Shingen đã ký hiệp ước rằng sẽ giữ mạng sông cho Suwa Yorishige.

Di sản và ảnh hưởng

Vào giữa tháng 4 hàng năm, lễ hội Shingen-ko được tổ chức tại Kofu để tưởng niệm cuộc đời và tầm ảnh hưởng vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay của Takeda Shingen. Thông thường, một nhân vật nổi tiếng sẽ hóa trang thành Takeda Shingen để diễu hành trên đường phố. Người tham gia có cơ hội hóa trang thành các samurai hoặc tham gia trò chơi tìm ra 24 vị tướng của Takeda Shingen.

lễ hội Shingen Ko


Ngoài ra, tên của ông còn được sử dụng để đặt tên cho mô hình gundam Takeda Shingen, cũng như nhân vật trong anime, game, phim ảnh và nhiều hoạt động giải trí khác. Áo giáp của ông được phục dựng và loại áo giáp samurai nhiều người quan tâm. Tầm ảnh hưởng của ông đối với người dân Nhật Bản là không thể phủ nhận.

Holaai.org vừa gửi đến bạn bài viết về Takeda Shingen - nhân vật lịch sử với sự nghiệp vĩ đại trong thời kỳ chiến quốc của Nhật Bản. Hy vọng sự nghiệp của ông đã truyền cảm hứng cho bạn đọc và hẹn gặp lại trong những bài viết khác.

TrendingTrang chủ