Vì sao đế quốc Mông Cổ sụp đổ? Tóm tắt quá trình hình thành

Nguyễn Minh Khánh
tháng 3 05, 2023
Last Updated

 Đế quốc Mông Cổ được biết đến như một trong những đế quốc có lãnh thổ lớn nhất từng tồn tại trong lịch sử thế giới. Ảnh hưởng của đế quốc này trải dài từ các quốc gia châu Á đến tận châu Âu. Đế quốc này đã hình thành và sụp đổ như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn về đế chế vĩ đại này.

Đôi nét về đế quốc Mông Cổ

Đế quốc Mông Cổ là một đế quốc tồn tại từ năm 1206 đến năm 1368, được sáng lập bởi Thành Cát Tư Hãn. Vào thời kỳ hoàng kim, lãnh thổ đế quốc Mông Cổ ước tính lên đến 24 triệu Km vuông, kiểm soát phần lớn châu Á và một phần châu Âu, với dân số trên 100 triệu người. Vì vậy, đế quốc này được biết đến như đế quốc lớn nhất của nhân loại đã từng tồn tại.
Bản đồ đế quốc Mông Cổ thời kỳ hoàng kim
Bản đồ đế quốc Mông Cổ thời kỳ hoàng kim


Đế quốc Mông Cổ nổi tiếng hiếu chiến. Để mở rộng lãnh thổ, các vị Khả Hãn (lãnh tụ tối cao của Mông Cổ) liên tục thực hiện các cuộc chiến với các nước láng giềng như nước Kim, Tống, Cao Ly, Hungary, Ba Lan, Tây Liêu,.... Đây là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng chục triệu người dẫn đến suy giảm dân số thế giới. 

Trong suốt một khoảng thời gian dài, đội quân Mông Cổ gần như không có đối thủ. Có một câu thành ngữ lưu truyền rằng "kỵ binh Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đó". Quân đội Mông Cổ đã liên tục chiến thắng và sát nhập nhiều lãnh thổ quốc gia khác vào lãnh thổ Mông Cổ. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các đế quốc khác, Mông Cổ dần suy yếu và chính thức sụp đổ vào năm 1368.

Tóm tắt quá trình hình thành đến sụp đổ

Thành lập nhà nước phong kiến

Lúc này, bối cảnh xã hội Mông Cổ như sau:
  • Mô hình xã hội Mông Cổ được phân loại theo mô hình thị tộc. Trong một thị tộc gồm có nhiều bộ lạc khác nhau.
  • Quyền lực và tài sản được phân chia theo các giai cấp khác nhau. Đứng đầu là tầng lớp quý tộc (Noyal) lãnh đạo bộ lạc, chiếm phần lớn quyền lực và tài sản. Giai cấp tiếp theo là thân binh của quý tộc gọi là Noke. Tiếp đến, người dân lao động bình thường được gọi là Arat. Tầng lớp cuối cùng trong xã hội Mông Cổ là nô lệ gồm chủ yếu tù binh bắt được trong chiến tranh.
  • Vào cuối thế kỷ 12, giữa các bộ lạc Mông Cổ vẫn liên tục diễn ra chiến tranh. Nguyên nhân một phần do chính sách gây chia rẽ của nhà Kim. Vì thế, đất nước Mông Cổ vẫn chưa thể thống nhất.
  • Trong bối cảnh đó, một liên minh các bộ lạc được thành lập để tập trung sức mạnh chiến đấu với các bộ lạc khác. Người đứng đầu liên minh được bầu chọn gọi là Khả Hãn hay Đại Hãn.

Câu chuyện về đế quốc Mông Cổ chỉ thực sự bắt đầu khi Thiết Mộc Chân thuộc thị tộc Bột Nhi Chỉ Cân trở thành Khả Hãn, danh hiệu Thành Cát Tư Hãn.Vào năm 1305, đội quân của Thiết Mộc Chân đã đánh bại, hàng phục hầu hết các bộ lạc ở Mông Cổ.

Đến năm 1306, hội nghị kurultai (hội nghị liên minh các bộ lạc) được tổ chức đã bầu chọn Thiết Mộc Chân vào ngôi vị Khả Hãn. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự thành lập của nhà nước phong kiến Mông Cổ.

Cờ đế quốc Mông Cổ


>> Để hiểu được Thành Cát Tư Hãn là ai? Ông đã lên ngôi Khả Hãn như thế nào? Mời bạn xem bài viết chi tiết Thành Cát Tư Hãn.
Sau khi lên ngôi, Thành Cát đã chia quyền quản lý và dân chúng theo đơn vị thập phân như sau:

  • 100 hộ dân được lãnh đạo bởi một quý tộc gọi là Noyal bách hộ.
  • 1000 hộ dân được lãnh đạo bởi quý tộc Noyal được gọi là Noyal thiên hộ.
  • 10000 hộ dân được lãnh đạo bởi quý tộc Noyal được gọi là Noyal vạn hộ.

Đặc biệt, tổ chức hành chính xã hội Mông Cổ kiêm nhiệm tổ chức quân sự. Trong đó, mỗi đơn vị Noyal bách hộ, thiên hộ, vạn hộ có trách nhiệm tuyển chọn, đào tạo binh sĩ, chuẩn bị quân lương, khí giới. Điều này đã giúp Thành Cát Tư Hãn nhanh chóng xây dựng song song bộ máy hành chính lẫn quân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc chinh phạt sau này.

Mở rộng lãnh thổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn

Vào năm 1209, quân đội Mông Cổ đã bất ngờ tấn công vào vương quốc Tây Hạ, chinh phục nhiều đất đai và thành trì. Vì lẽ đó, vua Tây Hạ đã phải dâng nộp con gái của mình để xin cầu hòa. Trên thực tế, Tây Hạ đã trở thành một quốc gia chư hầu phải cống nạp cho Mông Cổ.

Đến năm 1211, Thành Cát Tư Hãn đích thân chỉ huy quân đội tấn công quốc gia có mối thù lâu đời với Mông Cổ là nước Kim. Sau ba năm chiến đấu, quân Mông Cổ đã giành được nhiều chiến thắng quan trọng và chiếm được nhiều thành trì của đối thủ. Tiếp đó, quân Mông Cổ đã bao vây thành Trung đô, tức là thủ đô Bắc Kinh ngày nay. Vua nước Kim phải xin cầu hòa bằng cách gả con gái cho Thành Cát Tư Hãn, cống nạp nhiều tài sản. Lúc này, quân đội Mông Cổ mới tạm thời rút lui.

Để tránh sự uy hiếp của quân Mông Cổ, vua nước Kim cho dời đô về Biện Lương (tên cũ của thành Khai Phong). Hành động này đã khiến Thành Cát Tư Hãn nghĩ rằng vua nước Kim thiếu chân thành. Mùa thu năm 1214, Thành Cát Tư Hãn lại mang binh tiến đánh nước Kim. Khác với lần trước, quân đội Mông Cổ gần như bất khả chiến bại, toàn bộ phần lãnh thổ nằm bên kia sông Hoàng Hà vốn của nước Kim đã được sát nhập vào lãnh thổ Mông Cổ.

Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn ra lệnh cho tướng quân Triết Biệt đem 20 vạn quân tấn công Tây Liêu. Quân đội Tây Liêu nhanh chóng sụp đổ và toàn bộ lãnh thổ nước này được sát nhập vào Mông Cổ.

Lúc này, phần lãnh thổ phía Tây của đế quốc Mông Cổ đã tiếp giáp với quốc gia rộng lớn Khwarezm.  Ban đầu, Thành Cát Tư Hãn không có ý định tấn công quốc gia này và đã phái đoàn ngoại giao đến Khwarezm. Tuy nhiên, toàn bộ phái đoàn Mông Cổ đã bị giết chết khiến Thành Cát Tư Hãn vô cùng tức giận. Mùa thu năm 1219, Thành Cát Tư Hãn đem 20 vạn quân tấn công mạnh mẽ vào Khwarezm.

Quân đội Khwarezm liên tục thua trận, quân Mông Cổ thừa thắng tiến đến kinh thành, vua Khwarezm quyết định bỏ trốn và trao quyền cho hoàng tử lãnh đạo quân đội tử thủ ở kinh đô. Sau 6 tháng bị quân Mông Cổ bao vây, kinh thành Khwarezm thất thủ, hoàng tử Khwarezm phải chật vật chạy trốn.

Thành Cát Tư Hãn đã đích thân truy sát vị hoàng tử này đến tận lãnh thổ Ấn Độ ngày nay. Tuy nhiên, quân đội Mông Cổ đã để vị hoàng tử Khwarezm khi ông băng qua một dòng sông. Tuy vậy, toàn bộ lãnh thổ Khwarezm đã hoàn toàn bị đế quốc Mông Cổ thâu tóm.

Sau chiến dịch chấn động tại Khwarezm, Thành Cát và 3 người con trai đã mang binh quay về vùng thảo nguyên Mông Cổ. Tuy nhiên, con trai Thành Cát Tư Hãn là Oa Khoát Đài và tướng quân Triết Biệt vẫn lãnh đạo một đội quân tiếp tục truy đuổi vua Khwarezm.

Tuy nhiên, khi cánh quân này đến bên bở biển Lý Hải (biển Caspi ngày nay), nhà vua Khwarezm đã qua đời. Lúc này, cánh quân này đã chuyển hướng đóng quân tại Azberzan để vượt qua mùa đông. Vào năm 1223, cánh quân Mông Cổ lãnh đạo bởi Oa Khoát Đài và Triết Biệt đã bất ngờ tấn công lãnh thổ của công quốc Kiev (ngày thuộc lãnh thổ của nước Nga). Mặc dù giành được nhiều chiến thắng nhưng quân Mông Cổ đã rút về nước. Nhiều sử gia đã cho rằng cuộc chiến này mang tính chất thăm dò để quân đội Mông Cổ tấn công Châu Âu.

Đến năm 1226, Thành Cát Tư Hãn lại một lần nữa triệu tập quân dội tấn công nước Kim. Với thế tiến công như vũ bão, quân đội nước Kim liên tục bại lui. Quân đội Mông Cổ đã đánh chiếm hầu hết lãnh thổ nước Kim và tiến đến bao vây kinh thành. Vua nước Kim xin đầu hàng và cam kết sẽ từ bỏ kinh thành.

Tuy nhiên, vào ngày 25 tháng 8 năm 1227, Thành Cát Tư Hãn qua đời. Trước khi mất, ông căn dặn các con trai của mình phải chiếm được kinh thành nước Kim mới được phép phát tang. Điều này được xem như một hành động chứng minh quyết tâm thu phục nước Kim của ông.

Ngoài ra, Thành Cát Tư Hãn cũng chia lãnh thổ đế quốc Mông Cổ của mình làm 4 phần giao cho 4 người con trai gồm Truật Xích, Đà Lôi, Oa Khoát Đài, Sát Hợp Đài. Vì con cả Truật Xích đã mất sớm nên con trai Truật Xích là Bạt Đô được kế thừa. Sau này, các vùng đất mà Thành Cát Tư Hãn chia cho các con sẽ lần lượt biến đổi thành các hãn quốc gồm: Hãn Quốc Kim Trướng, Hãn Quốc Oa Khoát Đài, Hãn Quốc Sát Hợp Đài, Hãn Quốc Y Nhi và nhà Nguyên mà chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau. 

Dưới thời Oa Khoát Đài

Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, Đà Lôi tạm thời nắm giữ quyền lãnh đạo. Đến năm 1229, hội nghị liên minh các bộ lạc kurultai được tổ chức đã công nhận Oa Khoát Đài trở thành người kế vị Khả Hãn. Ngoài ra, hội nghị cũng bàn bạc kế hoạch tấn công một số nước láng giềng.

>> Bạn có muốn biết thêm về gia đình, tiểu sử, quá trình lên ngôi của Oa Khoát Đài. Xem bài viết chi tiết Oa Khoát Đài.

Vào năm 1230, Đại Hãn Oa Khoát Đài, Đà Lôi, Mông Kha đã tiếp tục dẫn binh tấn công nước Kim. Đặc biệt, vào năm 1232, Oa Khoát Đài cử sứ giả đến nước Nam Tống để lôi kéo họ tham gia cuộc chiến. Đến năm 1233, quân Mông Cổ bao vây kinh đô nước Kim khiến vua nước Kim phải bỏ trốn đến Thái Châu. Quân đội Mông Cổ tiếp tục truy kích. Khi thành Thái Châu bị công phá, vua Kim Ai Tông tự sát, Kim Mạt Đế bị loạn quân giết thì quân Nam Tống mới đến hỗ trợ. Năm 1234, nhà Kim chính thức diệt vong.

Trong thời kỳ này, vào năm 1231, một đội quân Mông Cổ đã được cử đi đánh nước Cao Ly (lãnh thổ Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay). Mặc dù quân Cao Ly quyết tử thủ nhưng kinh đô Khai thành của Cao Ly vẫn bị quân Mông Cổ công phá. Vua Cao Ly Cao Tông phải nghị hòa, cống nạp vô số tài sản, nhiều người phải làm nô lệ để quân Mông Cổ rút về nước. 

Trước khi rút quân, Mông Cổ để lại 72 viên quan để quản lý các vị trí trí hiểm yếu và giám sát Cao Ly.
Đến năm 1232, 72 viên quan Mông Cổ bị người Cao Ly giết chết. Điều này đã dẫn đến quân Mông Cổ tiến đánh Cao Ly lần thứ hai. Tuy nhiên, quân Cao Ly chống cự mãnh liệt. Vì vậy, mãi đến năm 1253, quân Mông Cổ mới hoàn toàn khuất phục được nước Cao Ly.

Quay trở lại chiến trường phía Tây, Bạt Đô cháu trai của Thành Cát Tư Hãn lúc này đang làm chủ Hãn Quốc Kim Trướng vẫn luôn nuôi mộng xâm lược châu Âu. Đến năm 1236, Bạt Đô dẫn đầu 150.000 quân tiến về phía Tây. Mùa đông năm 1237, đội quân khổng lồ này đã tấn công vào các công quốc Nga - Kiev. Mùa đông nước Nga chẳng thể cản nổi vó ngựa Mông Cổ.

Tính đến cuối năm 1238, quân Mông Cổ đã chiếm được nhiều công quốc ở Nga. Trong đó, Mát-Cơ-Va đã thất thủ. Vào cuối năm 1240, quân đội Mông Cổ đã chiếm đóng và tàn phá thành phố Ki-ev. Lịch sử nước Nga nói riêng và châu Âu nói chung phải đối mặt với những thời khắc "đen tối" nhất.

Năm 1241, Hãn Bạt Đô chỉ huy quân đội chia làm 2 đạo tấn công vào Hungary và Ba Lan. Cánh quân Mông Cổ tấn công Hungary đạt được chiến thắng quyết định trong trận Mohi. Vua Hungary là Béla IV phải chạy trốn và bị truy sát đến tận bờ biền Nam Tư. Trận thắng ở Mohi cũng mở đường cho quân Mông Cổ tiến sâu vào châu Âu.

Về đạo quân tấn công Ba Lan, sau một loạt các trận chiến khốc liệt, nhiều thành trì của Ba Lan đã bị Mông Cổ công phá. Thắng lợi ở Hungary và Ba Lan đã đưa quân đội Mông Cổ đến gần với đế quốc La Mã Thần Thánh.

Tuy nhiên, đến năm 1242, Oa Khoát Đài qua đời. Bạt Đô đành cho quân trở về đóng tại bên bờ sông Volga. Sự kiện có phần may mắn này đã chấm dứt cuộc chinh phục của quân Mông Cổ vào Châu Âu. Tuy nhiên, qua cuộc chiến này, lãnh thổ của Bạt Đô đã được mở rộng về phía Tây tiến đến thành lập Hãn Quốc Kim Trướng. Sau đó, Bạt Đô trở lại châu Á để xử lý các vấn đề nội bộ của đế quốc Mông Cổ.

Dưới thời Quý Do

Trong khoảng thời gian này, nhiều cuộc xung đột đã diễn ra để tranh giành ngội vị Khả Hãn của đế quốc Mông Cổ. Năm 1246, Quý Do con trai của Oa Khoát Đài, đã được đưa lên ngôi Khả Hãn. Thế nhưng, dưới triều đại của ông, đế quốc Mông Cổ không mở rộng lãnh thổ. Chỉ sau hai năm sau khi lên ngôi, vào năm 1248, Quý Do qua đời đã đẩy đế quốc Mông Cổ chìm vào các cuộc xung đột tranh giành ngôi báu.

Dưới thời Mông Kha

Vào năm 1251, con trai của Đà Lôi là Mông Kha được cử lên làm Khả Hãn. Sau các cuộc xung đột nội bộ, hậu duệ của Oa Khoát Đài gần như bị tàn sát.

Đến năm 1252, Mông Kha lệnh cho em trai của mình là Hốt Tất Liệt mang binh xuyên qua Tứ Xuyên để tấn công nước Đại Lý. Sau đó, Đại Lý thua trận và lãnh thổ sát nhập vào Mông Cổ. Năm 1253, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai được lệnh đem quân tấn công Tây Tạng. Không chống cự được sức mạnh vó ngựa Mông Cổ, năm 1254, nước Tây Tạng đầu hàng và trở thành nước chư hầu.

Đầu năm 1258, Ngột Lương Hợp Thai với lý do mượn đường đánh Tống đã mang binh đánh Đại Việt, dẫn đến chiến tranh Đại Việt - Mông Cổ lần thứ nhất. Quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua Trần Thái Tông đã đánh bại đạo quân thiện chiến này.

Tuy nhiên, vào năm 1258, Mông Kha và Hốt Tất Liệt vẫn quyết tâm tấn công Nam Tống. Trong đó, quân Mông Cổ được chia làm 2 đạo tiến công Nam Tống. Tuy nhiên, trong khi tấn công thành Điếu Ngư, Mông Kha tử trận. Vì vậy, Hốt Tất Liệt đành phải lệnh quân Mông Cổ quay về để xử lý vấn đề thừa kế ngôi vị Khả Hãn.

Dưới thời Hốt Tất Liệt

Năm 1260, Hốt Tất Liệt tự mình triệu tập hội nghị kurultai để công nhận ông làm Khả Hãn. Tuy nhiên, một bộ phận quý tộc khác đã bầu A Lý Bất Ca (em trai của Hốt Tất Liệt) trở thành đại Hãn. Sau 4 năm tranh giành ngôi vị, Hốt Tất Liệt đã giành được chiến thắng. Năm 1271, Hốt Tất Liệt đã đổi xưng hiệu Khả Hãn thành hoàng đế và tuyên bố lập nên triều đại nhà Nguyên, dời đô về Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay).

 Năm 1274, Hốt Tất Liệt đã tiếp tục đem quân đánh chiếm Nam Tống. Đến năm 1276, triều đình Nam Tống đã đầu hàng Mông Cổ. Tuy nhiên, một số lực lượng chống đối vẫn tiếp tục kháng chiến chống lại quân Mông Cổ. Mãi đến năm 1279, quân Mông Cổ mới hoàn toàn dập tắt các cuộc kháng chiến và đưa lãnh thổ Nam Tống sát nhập vào bản đồ đế quốc Mông Cổ. Chiến thắng này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Trung Quốc, đánh dấu sự lên ngôi của triều đại nhà Nguyên do Hốt Tất Liệt thành lập.

Năm 1253, Húc Liệt Ngột (em trai thứ ba của Mông Kha) đã dẫn đầu quân đội tiến hành tấn công đầu  vùng Tây Á. Đến năm 1258, quân Mông Cổ đã chiếm được thành Bagdad gây nên sự khủng hoảng cho cả khu vực. Sau đó, quân Mông Cổ thừa thắng tiến hành tấn công Syria và Ai Cập. Tuy nhiên, đến năm 1260, quân Mông Cổ bất ngờ bị quân Ai Cập đánh bại. Vì vậy, quân Mông Cổ đành phải lui binh. Trên các vùng đất đã chinh phục được, Húc Liệt Ngột đã thành lập Hãn Quốc Y Nhi.

Trong thời điểm này, đế quốc Mông Cổ đã đạt được đỉnh cao quyền lực và sức mạnh. Tuy nhiên, sau những chiến thắng đó, đế chế Mông Cổ đã bắt đầu rơi vào thời kỳ suy yếu và tiến đến sụp đổ. Trong thời kỳ này, các thế lực nội bộ tranh giành quyền lực, gây ra sự bất ổn và phân hóa trong đế quốc.

>> Có thể bạn muốn biết thêm về vị vua Hốt Tất Liệt

Phân liệt và sụp đổ

Trong những năm tiếp theo, nhà Nguyên huy động quân đội tấn công các nước láng giềng nhưng liên tục gặp phải thất bại. Các cuộc chiến tranh này gồm có:
  • Cuộc chiến Nguyên Mông và Nhật Bản lần thứ nhất (1274).
  • Cuộc chiến Nguyên Mông và Nhật Bản lần thứ hai (1281).
  • Chiến tranh Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ hai (1285).
  • Chiến tranh Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ ba (1287-1288).
  • Chiến tranh Nguyên Mông - Java (1293).

Trải qua thời gian dài phát triển, đế quốc Mông Cổ lúc này gồm có: nhà Nguyên, Hãn Quốc Sát Hợp Đài (Hãn Quốc Oa Khoát Đài đã sát nhập vào Hãn Quốc Sát Hợp Đài), Hãn Quốc Y Nhi, Hãn Quốc Y Nhi. Mặc dù trên danh nghĩa, hoàng đế nhà Nguyên vẫn là lãnh tụ tối cao của đế quốc Mông Cổ. Trên thực tế, 3 Hãn Quốc đã không còn thần phục hoàn toàn nhà Nguyên. Đế quốc Mông Cổ đã phân liệt.

Vào năm 1368, Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương lãnh tụ cuộc khởi nghĩa khăn đỏ chống lại nhà Nguyên lên ngôi Hoàng Đế ở Trung Quốc. Vua nước Đại Nguyên ( sử Trung Quốc ghi là Nguyên Thuận Đế) phải di dân về lại cố thổ. Đế quốc Mông Cổ chính thức sụp đổ. Lúc này, quốc gia Mông Cổ vẫn còn tồn tại nhưng chỉ còn lại lãnh thổ ở vùng thảo nguyên Mông Cổ. Lịch sử đã ghi nhận triều đại này là nhà Bắc - Nguyên, 

Vì sao đế quốc Mông Cổ sụp đổ?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến đế quốc Mông Cổ sụp đổ. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất phải kể đến các cuộc xung đột nội bộ của người Mông Cổ. Vào cuối triều đại nhà Nguyên, các cuộc thanh trừ để tranh giành hoàng vị thường xuyên diễn ra., các Hãn quốc không còn phụ thuộc vào triều Nguyên. Thêm vào đó, quân đội Mông Cổ nhiều lần thất bại trong các cuộc chinh phạt đã góp phần dẫn đến quốc lực suy yếu.

Ngoài ra, trên các vùng lãnh thổ mà quân đội Mông Cổ đã chiếm được, các cuộc khởi nghĩa vũ trang để giành độc lập liên tiếp nổ ra. Trong đó, nhiều quốc gia đã giành được độc lập khỏi ách cai trị của người Mông Cổ như Cao Ly, các công quốc Nga -Kiev,... Hơn nữa, ở phía Tây, sự trỗi dậy của đế quốc Ottoman cũng được xem như một trong các nguyên nhân quan trọng khiến Mông Cổ sụp đổ.

Ngoài các nguyên nhân chính kể trên, một số nguyên nhân phụ có thể được kể đến như biến đổi khí hậu và bệnh dịch hạch. Tuy nhiên, 2 nguyên nhân này chỉ góp phần làm suy yếu đế quốc Mông Cổ và không phải là nguyên nhân chính dẫn đến đế quốc vĩ đại này sụp đổ.

Từ một quốc gia nhỏ bé, người Mông Cổ đã xâm chiếm các quốc gia khác để tạo nên đế quốc Mông Cổ rộng lớn. Vì nhiều lý do khác nhau, đế quốc này đã sụp đổ sau 162 năm tồn tại và phát triển. Hy vọng Holaai đã giúp bạn hiểu rõ hơn lịch sử của đế quốc vĩ đại này và hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

Sách "Bí sử Mông Cổ".


TrendingTrang chủ