Nguyên Thuận Đế - Vị vua cuối cùng của triều đại Nguyên Mông

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 24, 2023
Last Updated

 Khi nhắc đến lịch sử Trung Quốc, chúng ta không thể không nhắc đến vị vua được người Trung Quốc gọi là Nguyên Thuận Đế. Vậy, xuất thân, cuộc đời của vị vua này có gì đặc biệt?

Nguyên Thuận Đế là ai?

Nguyên Thuận Đế (1320-1370) là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Nguyên Trung Quốc. Ông đã trị vì Trung Quốc trong 36 năm. Nguyên Thuận Đế lên ngôi vua lấy miếu hiệu là Huệ Tông (tên chữ Hán 元惠宗). Tuy nhiên, vì ông đã chủ động từ bỏ kinh thành Bắc Kinh quay về lãnh thổ cũ của người Mông Cổ nên được lịch sử Trung Quốc gọi là Nguyên Thuận Đế.

Nguyên Thuận Đế
Chân dung Nguyên Thuận Đế


Sau này, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa khăn đỏ là Chu Nguyên Chương tiến quân vào Bắc Kinh, lên ngôi vua, sáng lập nhà Minh, chấm dứt triều đại nhà Nguyên Trung Quốc. Nguyên Thuận Đế về lại thảo nguyên sinh sống vài năm rồi qua đời.

Gia đình và tuổi thơ

Nguyên Thuận Đế tên thật Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ (Toghon Temür), sinh vào ngày 25 tháng 5 năm 1320. Ông là người con trưởng của Nguyên Minh Tông và Mại Lai Địch. Lúc cha ông còn là thân vương, gia đình ông đã an cư tại vùng Trung Á, thuộc lãnh địa của hãn quốc Sát Hợp Đài.

Vào năm 1328, khi Thái Định Đế qua đời, cuộc nội chiến giữa các phe phái trong hoàng tộc Mông Nguyên bùng nổ. Sau cùng, phe của chú của ông là Đồ Thiếp Mộc Nhi giành được chiến thắng. Vì vậy, cha của Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ trở về Thượng Đô, lên ngôi vua tức Nguyên Minh Tông. Thật không may, Nguyên Minh Tông ông bị Đồ Thiếp Mộc Nhi âm mưu sai Yên Thiếp Mộc Nhi sát hại.

Sau đó, Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ phải sống cuộc đời lưu đày ở Cao Ly và sau đó là ở Quảng Tây. Khoảng thời gian này chính là quãng đời khó khăn nhất của ông khi vừa mất cha vừa phải đi đày. Trong thời gian này, mẹ kế của ông cũng bị sát hại. Năm 1329, Đồ Thiếp Mộc Nhi kế nhiệm ngôi vị hoàng đế trở thành vua Nguyên Văn Tông.

Lên ngôi vua

Vào năm 1332, sau khi Nguyên Văn Tông qua đời, ngôi vị hoàng đế được trao cho em trai cùng cha khác mẹ của ông là Ý Lân Chất Ban, tức vua Nguyên Ninh Tông. Tuy nhiên, chỉ sau 43 ngày trị vì, Ý Lân Chất Ban đột ngột qua đời, để lại một khoảng trống quyền lực rất lớn.

Yên Thiếp Mộc Nhi đề cử đưa con trai Nguyên Văn Tông lên ngôi nhưng Hoàng thái hậu Bốc Đáp Thất Lý đã từ chối. Thay vào đó, bà quyết định chọn Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ làm hoàng đế mới.

Vì vậy, Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ được đưa về Đại Đô để lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, ông phải chấp nhận kết hôn với con gái của Yên Thiếp Mộc Nhi là Đáp Nạp Thất Lý. Cuộc hôn nhân này nằm trong kế hoạch trừ khử ông của Yên Thiếp Mộc Nhi.

Tuy nhiên, vào năm 1333, Yên Thiếp Mộc Nhi qua đời khiến âm mưu này thất bại. Tháng 7 năm 1333, Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ đăng quang hoàng đế với niên hiệu Nguyên Thống, khi mới 13 tuổi. Do còn ít tuổi, ông được quyền thần Bá Nhan nhiếp chính, giúp hỗ trợ chính sự trong triều đình. Từ đây, một thời kỳ mới trong lịch sử triều đình Mông Nguyên đã bắt đầu.

Trị vì

Sau khi đăng quang, Nguyên Huệ Tông đã không chần chừ mà bắt tay vào việc trừng trị những kẻ đã hại cha và mẹ kế của mình. Năm 1341, vị vua trẻ tuổi này đã quyết tâm khôi phục lại chế độ khoa cử bị gián đoạn. 

Nguyên Huệ Tông đã cho tái lập Quốc tử giám, nơi lựa chọn những học giả Nho gia xuất sắc để giảng dạy và hỗ trợ triều đình trong công tác quản lý đất nước. Bên cạnh đó, ông còn thắp hương và trùng tu miếu Khổng Tử để tỏ lòng kính trọng đối với bậc thầy đầu tiên của nền Nho giáo. Hơn nữa, ông còn quyết liệt xử lý các quan lại đã lũng đoạn chính sự.

Thế nhưng, sau những thành tựu đó, cuộc đời của Nguyên Huệ Tông lại bị cuốn vào dòng xoáy ăn chơi hưởng lạc trong hậu cung. Ông ngày càng sa đọa trong cuộc sống xa hoa, bỏ bê công việc chính trị và giao quyền cho tể tướng Thoát Thoát. Chính điều này đã khiến ông nhận phải không ít lời chỉ trích từ người dân và quan lại.

Kỳ Hoàng Hậu chiếm quyền

Cuối thời Nguyên Thuận Đế, quyền lực ngày càng bị Kỳ hoàng hậu thâu tóm. Một thượng thư đã chỉ trích sự chuyên quyền của Kỳ hậu. Tuy nhiên, nhà vua lại ra lệnh xử tử vị thượng thư.

Hoàng hậu có một người bạn thân là thái giám Phác Bất Hoa - vị hoạn quan ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Cả 2 đã cùng nhau khuynh đảo triều chính. Về phần Nguyên Thuận Đế, ông chìm đắm trong nữ sắc, không màng đến xử lý việc chính sự. 

Theo các chuyên gia lịch sử Trung Quốc, Nguyên Thuận Đế còn mắc phải chứng bệnh thị dâm. Khi con trai của Hoàng hậu Kỳ Lạc được phong làm Hoàng thái tử, Phác Bất Hoa đảm nhận việc chăm sóc thái tử. Hoàng hậu và Phác Bất Hoa bày mưu cùng Tể tướng Sóc Tư Giám để ép Huệ Tông nhường ngôi cho Thái tử. Tuy nhiên, âm mưu bị phát hiện và các bên liên quan bị tống giam vào ngục.

Vì say mê hưởng lạc, nhà vua bỏ mặc để Hoàng hậu thao túng triều chính đã dẫn đến Đại Nguyên suy yếu và nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra.

Đại Nguyên sụp đổ

Đến cuối những năm 1340, lãnh thổ Trung Hoa phải chịu nhiều thiên tai như hạn hán, lũ lụt, nạn đói. Chính sách của triều đình không mang lại hiệu quả. Vào năm 1938, những kẻ buôn muối đã chống lại  chính quyền dẫn đến nhiều cuộc nổi dậy đã nổ ra khắp nơi. Trong đó, cuộc khởi nghĩa khăn đỏ năm 1351 có ảnh hưởng sâu rộng nhất. Triều đình đã nhiều lần đem quân đánh dẹp cuộc khởi nghĩa này nhưng không thể dập tắt hoàn toàn được.

Vào năm 1368, thủ lĩnh quân khăn đỏ là Chu Nguyên Chương tuyên bố lên ngôi hoàng đế tại Nam Kinh, sai tướng Từ Đạt đem 25 vạn quân bắc tiến, tấn công kinh đô Đại Nguyên. Nguyên Thuận Đế phải bỏ kinh đô mà chạy. Triều đại Mông Nguyên chấm dứt từ đây.

Năm 1369, Từ Đạt tiếp tục dẫn quân vào thảo nguyên Mông Cổ. Huệ Tông buộc phải nhờ tướng Lý Thành Quế giúp đỡ. Tuy nhiên, Lý Thành Quế đã liên minh với Từ Đạt để quy thuận nhà Minh. Thượng Đô bị chiếm đóng, Huệ Tông rút về phía Bắc đến Ứng Xương, nằm ở Nội Mông Cổ hiện nay. Năm 1370, Từ Đạt tiếp tục truy kích lực lượng cứu viện Mông Cổ, tấn công thủ đô Karakorum và bắt sống hàng ngàn quý tộc Mông Cổ. 

Qua đời

Ngày 23 tháng 5 năm 1370, Nguyên Thuận Đế qua đời ở Ứng Xương, hưởng thọ 50 tuổi. Thái tử Ái Du Thức Lý Đáp Lạp được kế vị tức vua Nguyên Chiêu Tông. Lúc này, người Mông Cổ đã không còn cai trị lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, triều đại của họ được gọi là nhà Bắc Nguyên.

>> Bạn có muốn biết về triều đại tiếp theo cai trị Trung Quốc. Xem bài viết Tóm tắt nhà Minh Trung Quốc.

Như vậy, Họ Là Ai vừa gửi đến bạn những thông tin về Nguyên Thuận Đế - vị vua cuối cùng của triều Đại Nguyên. Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn nhưng thông tin cần thiết và hẹn gặp bạn trong những bài viết chủ đề lịch sử tiếp theo.

TrendingTrang chủ