Tiểu La Nguyễn Thành - Nguyễn Tiểu La và hành trình cứu quốc

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 22, 2023
Last Updated

Tiểu La Nguyễn Thành hay Nguyễn Tiểu La là chí sĩ yêu nước, danh nhân của vùng đất Quảng Nam. Trong 26 năm hoạt động kháng chiến cứu quốc, ông đã có những đóng góp như thế nào? Thân thế, sự nghiệp của Tiểu La Nguyễn Thành sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc qua bài viết dưới đây.

Bảng tóm tắt thông tin

Tên đầy đủ

Nguyễn Tiểu La (阮小羅), Nguyễn Hàm

Tên thật

Nguyễn Thành

Tên thường gọi

Tiểu La Nguyễn Thành

Tên tự

Triết Phu

Tên hiệu

Nam Thạnh, Tiểu La

Biệt hiệu

Ấm Hàm

Năm sinh

1863

Năm mất

11 - 11 - 1911

Quốc tịch

Việt Nam

Nơi sinh

Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (ngày nay là ấp Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)

Nơi mất

nhà tù Côn Đảo

Nổi tiếng với

Tham gia phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam.

Đồng sáng lập Duy Tân hội.

Tiểu sử

Tiểu La Nguyễn Thành (1863 - 1911) là chí sĩ yêu nước tham gia chống Pháp trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và đồng sáng lập Duy Tân hội. Ông sáng lập Nam Thịnh sơn trang, nhiều năm cố gắng hỗ trợ tài chính để phong trào Duy Tân phát triển. Nguyễn Tiểu La - Tiểu La Nguyễn Thành còn là người bạn thân thiết với lãnh tụ Phan Bội Châu.

Tiểu La Nguyễn Thành
Chân dung Tiểu La Nguyễn Thành


Khi phong trào Duy Tân bị thực dân Pháp dập tắt, Tiểu La Nguyễn Thành bị bắt, đi đày biệt xứ và qua đời tại nhà tù Côn Đảo. Cuộc đời của ông là tấm gương kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng Việt Nam.

Xuất thân và tuổi thơ

Tiểu La Nguyễn Thành sinh năm 1863 tại Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (ngày nay là ấp Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ông được sinh ra trong một gia đình quan lại phục vụ triều Nguyễn. Cha của ông là Nguyễn Trường, từng giữ các chức vụ cao như Bố chánh tỉnh Bình Định, Kinh lược sứ An Khê, hàm Tham Tri phục vụ dưới thời vua Tự Đức.

Lúc nhỏ, ông được cưng chiều xem như quý tử, được gọi là "cậu Ấm". Điều này cũng là nguyên do ra đời cái tên "Ấm Hàm" của ông. Năm 1871, khi ông mới 8 tuổi, cha của ông qua đời tại Bình Định và được đưa về quê nhà an táng. Nguyễn Tiểu La sống cùng mẹ, được học chữ nghĩa, rèn luyện võ nghệ.

Từ nhỏ, ông đã sớm thể hiện tư chất thông minh, am hiểu các sách về binh pháp như "Tôn Tử binh pháp", "Ngũ hầu tâm thư", các loại sách về lịch sử, văn học. Ngoài tên thường gọi, ông còn có tên tự là Tiểu La, hiệu Triết Phu, nhằm thể hiện ý tưởng trai làng ham học, có hoài bão giúp nước. 

Sự nghiệp

Tham gia Nghĩa hội Quảng Nam

Vào năm 1885, Tiểu La Nguyễn Thành khăn gói lên đường tham gia kỳ thi hương tại kinh thành Huế. Tuy nhiên, ông chưa kịp hoàn tất kỳ thi thì biến cố bất ngờ xảy ra. Cuộc phản công tại kinh thành Huế của nhà Nguyễn thất bại, vua Hàm Nghi phải rời khỏi kinh thành, ban chiếu Cần Vương yêu cầu nghĩa sĩ cả nước giúp vua đánh Pháp cứu nước.

Lúc này, Tiểu La Nguyễn Thành mới 22 tuổi, chưa có công danh nhưng khẳng khái hưởng ứng lời kêu gọi của nhà vua. Ông quay trở về quê tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam do Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Ông trực tiếp tham gia chiến trận, dũng mãnh xông pha, lập nhiều chiến công. Ngày 4 tháng 9 năm 1885, quân Nghĩa hội Quảng Nam trong đó có Nguyễn Tiểu La đánh chiếm thành La Qua (nay là tỉnh Quảng Nam).

Sau 20 ngày nghĩa quân chiếm thành, quân Pháp phản công, thành Quảng Nam bị công phá, nghĩa quân đại bại. Quân Pháp và bè lũ tay sai cho quân đi càn quét các làng, xã, huyện trong vùng. Tiểu La Nguyễn Thành mưu trí cho quân mai phục kẻ địch khiến quân Pháp chịu nhiều thiệt hại. Vì những chiến công xuất sắc, Nguyễn Duy Hiệu  đã phong cho ông chức "Tán tương quân vụ" kiêm "Tham Biện tỉnh vụ" của nghĩa quân. 

Ông đã bán 30 mẫu ruộng của chính mình để có đủ kinh phí cho nghĩa quân hoạt động. Những năm tham chiến dưới ngọn cờ nghĩa hội Quảng Nam, ông đã chiến đấu hơn 60 trận đánh lớn nhỏ.

Nghĩa hội Quảng Nam tiếp tục giai đoạn phát triển mạnh mẽ, xây dựng lại căn cứ ở Quế Sơn, củng cố lực lượng. Nhưng rồi thực dân Pháp ra tay đàn áp. Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu bị bắt giết. Đến năm 1887, phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam chính thức tan rã. Trên đường đem quân về ứng cứu Tân Tỉnh ở Quế Sơn, ông bị phục kích và bắt sống. Tay sai của Pháp là Nguyễn Thân đã tìm mọi cách dụ dỗ để ông đầu hàng nhưng không thành.

Đồng sáng lập Duy Tân hội

Sau thời gian trong tù, ông được trở về quê nhà nhưng phải chịu sự quản thúc. Lúc này, các phong trào kháng chiến ở Việt Nam đã có những xu hướng mới đó là canh tân đất nước, khai dân trí, mở dân sinh, học hỏi theo đường lối của nước Nhật. Trong tình hình đó, Nguyễn Tiểu La đã bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng mới mẻ này.

Ông về lại quê nhà, quyết tâm xây dựng Nam Thịnh sơn trang. Bề ngoài sơn trang hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng đây lại là nơi tụ hội, gặp gỡ của các nhà yêu nước theo xu hướng Duy Tân. Vào năm 1903, Phan Bội Châu đến Nam Thịnh sơn trang gặp Tiểu La Nguyễn Thành để bàn kế cứu nước. Từ đó, Phan Bội Châu và ông trở thành bạn, người cùng chí hướng cứu nước. Cả hai cùng nhau sáng lập sáng lập Duy Tân hội và tổ chức phong trào Đông Du. Cuối năm 1904, Tiểu La gặp gỡ chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, giới thiệu ông với Phan Bội Châu và Cường Để.

Năm 1904, cuộc họp thành lập hội Duy Tân đã diễn ra với 20 thành viên tham dự.

 Trong cuộc họp, Nguyễn Tiểu La đã đưa ra ý kiến sau:
nước Tàu hiện nay quốc thể đã suy hèn, cứu mình không xong thì cứu được ai. Duy nước Nhật Bản là một nước tân tiến ở trong nòi giống da vàng mới đánh được Nga, dã tâm đang hăng lắm. Tới đó, đem hết lợi hại tỏ với nó, tất nó ứng viện cho ta. Nếu nó không xuất binh nữa mà (ta tới) mướn tư lương mua khí giới, tất có thể dễ lắm  (Trích dẫn sách Phan Bội Châu toàn tập, tập 6 trang 77).
Các thành viên hội Duy Tân đều ủng hộ việc sang Nhật cầu viện.
Ngày 23 tháng 2 năm 1905, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kinh được cử đi Nhật tìm kiếm giúp đỡ. Tiểu La Nguyễn Thành là người đã đưa ra những ý kiến góp phần xây dựng nên đường lối hoạt động của hội Duy Tân.
Ngoài ra, Tiểu La Nguyễn Thành có mối quan hệ với giới thương nhân trong tỉnh. Vì vậy, ông là người trực tiếp vận động tài chính cho phong trào Đông Du hoạt động.

Bị bắt và hy sinh

Những năm tiếp theo, phong trào Đông Du và Duy Tân hội phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Nguyễn Tiểu La tiếp tục hỗ trợ, đóng góp nhiều ý kiến giúp xây dựng phong trào. Năm 1908, phong trào chống thuế lan rộng miền Trung. Pháp cho người bắt các lãnh tụ của phong trào Đông Du và Duy Tân trong đó có Tiểu La Nguyễn Thành. Ông bị kết án 9 năm đi đày biệt xứ tại Côn Đảo.

3 năm nơi địa ngục trần gian "Côn Đảo", Tiểu La Nguyễn Thành bị tra tấn, hành hạ dã man. Tuy nhiên, ông vẫn chưa bao giờ lung lay ý chí chiến đấu. Ngày 11 tháng 11 năm 1911, sau nhiều ngày ốm nặng, bị bệnh lao phổi hành hạ, Tiểu La Nguyễn Thành qua đời trong sự thương tiếc của các đồng chí.

Di sản và tầm ảnh hưởng

Khi nghe tin ông mất, nhiều anh hùng yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Kiên, Phan Bội Châu đều bày tỏ lòng thương tiếc. Họ đã sáng tác thơ hoặc dịch các bài thơ để tưởng nhớ ông. Đến năm 1957, mộ chí sĩ Nguyễn Tiểu La mới được cải táng tại quê nhà. Năm 1997, mộ chí sĩ yêu nước Tiểu La Nguyễn Thành hoàn tất trùng tu. Ngôi mộ nằm trong khuôn viên nhiều bóng cây xanh.

Ngày nay, nhiều con đường được đặt tên theo tên của ông nhằm ghi nhớ công lao như sau:
  • Đường Nguyễn Tiểu La, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
  • Đường Nguyễn Tiểu La, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Ông còn sáng tác bài thơ "Vịnh con cóc" để bày tỏ nỗi niềm:
Thiên địa bất bình nan bế khẩu
Phong vân vị chí thả mai đầu
Tạm dịch
Trời đất bất bình khôn ngậm miệng.
Gió mây chưa đến hãy chun đầu
Trước khi mất, ông có sáng tác bài thơ bày tỏ ý chí cứu quốc.
Nguyên văn phiên âm Hán-Việt bài thơ như sau:
Nhất sự vô thành mấn dĩ ban
Thử sinh hà diện kiến giang san.
Bổ thiên vô lực đàm thiên dị,
Tế thế phi tài tỵ thế nan.
Thời cuộc bất kinh vân biến huyễn,
Nhân tình chỉ khủng thủy ba lan.
Vô cùng thiên địa khai song nhãn,
Tái thập niên lai thí nhất quan.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dịch lại bài thơ này như sau:
Một việc chưa thành tóc nhuộm màu,
Non sông ngoảnh lại thẹn mày râu.
Vá trời thiếu sức bàn nghe dễ,
Cứu thế không tài tránh ở đâu?
Cuộc biến ngại gì mây đổi sắc,
Tình người e nổi sóng thêm sâu.
Mở toang hai mắt xem trời đất,
Ngắm thử mười năm vẫn thế ru.

Họ Là Ai vừa gửi đến bạn đọc cuộc đời, sự nghiệp, sự hy sinh của chí sĩ Tiểu La Nguyễn Thành. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cho các thế hệ ghi nhớ công lao, chí khí của các bậc anh hùng thời xưa. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:
  • Sách "Những người con trung hiếu của quê hương đất nước", NXB Tổng hợp, tác giả Hải Ngọc Thái Nhân Hòa, trang 112- 121.

TrendingTrang chủ