Tóm tắt nhà Minh Trung Quốc - Các hoàng đế nổi tiếng

Nguyễn Minh Khánh
tháng 12 18, 2023
Last Updated

Nhà Minh là một trong những triều đại lâu đời và có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc từ năm 1368 đến năm 1644.  Sau đây, chúng tôi sẽ tóm tắt nhà Minh Trung Quốc từ hình thành đến sụp đổ, các vị hoàng đế của triều đại này.

Tóm tắt triều đại nhà Minh

Dưới đây là tóm tắt triều đại nhà Minh (1368-1644) theo dòng thời gian:

  • Năm 1368, Chu Nguyên Chương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Khăn Đỏ giành chiến thắng trước nhà Nguyên Mông Cổ, tuyên bố thành lập Đại Minh (gọi tắt nhà Minh) ở Kim Lăng. Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế hiệu là Minh Thái Tổ.
  • Năm 1387, nhà Minh hoàn toàn thống nhất Trung Hoa.
  • Năm 1398, Minh Thái Tổ qua đời, Minh Huệ Đế lên ngôi.
  • Năm 1402, Yên Vương Chu Đệ soán ngôi, hiệu Minh Thành Tổ.
  • Năm 1406, Đại Minh đem quân tấn công Đại Ngu triều đại của Hồ Quý Ly.
  • Vào năm 1407, nước Việt chính thức bị nhà Minh đô hộ.
  • Năm 1424, Minh Thành Tổ qua đời, Minh Nhân Tông lên ngôi.
  • Năm 1425, Minh Nhân Tông qua đời, Minh Tuyên Tông lên ngôi. Thời đại Minh Nhân Tông và Minh Tuyên Tông cai trị, đất nước Trung Hoa phồn thịnh, được gọi là Nhân Tuyên Chi Trị.
  • Cuối năm 1427, khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi. Đến năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, Đại Việt chính thức thoát khỏi ách cai trị của Đại Minh.
  • Năm 1435, Minh Tuyên Tông qua đời, Minh Anh Tông lên ngôi khi mới 9 tuổi.
  • Năm 1449, bộ tộc Ngõa Lạt xâm phạm biên cương. Minh Anh Tông và Vương Chấn đem quân đi dẹp loạn nhưng bị thua. Minh Anh Tông bị Ngõa Lạt bắt làm tù binh.. Vì đất không thể không có vua nên em trai của Minh Anh Tông lên ngôi tức Minh Đại Tông.
  • Năm 1450, Minh Anh Tông được người Ngõa Lạt thả về nước nhưng bị giam lỏng trong cung cấm, tôn làm Thái Thượng Hoàng.
  • Năm 1457, nhân lúc Minh Đại Tông lâm bệnh, Minh Anh Tông soán ngôi với sự kiên binh biến Đoạt Môn hay Đoạt Môn chi biến.
  • Năm 1464, Minh Anh Tông qua đời, Chu Kiến Thâm lên ngôi hiệu là Minh Hiến Tông. Những năm đầu cai trị, Minh Hiên Tông chăm lo việc nước nhưng lúc cuối đời xa hoa, lãng phí, bỏ bê triều chính khiến đất nước suy yếu.
  • Năm 1487, Minh Hiến Tông qua đời, Minh Hiếu Tông nối ngôi. Minh Hiếu Tông là một vị minh quân đã góp phần giúp Đại Minh quay trở lại thời kỳ cường thịnh.
  • Năm 1505, Minh Hiếu Tông qua đời, Minh Vũ Tông nối ngôi. Minh Vũ Tông không chăm lo triều chính, triều đình suy yếu, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra.
  • Năm 1521, Minh Vũ Tông mất nhưng không có con trai nối dõi. Em họ của ông lên ngôi hiệu là Minh Thế Tông.
  • Năm 1567, Minh Thế Tông qua đời vì uống phải Kim Đan có độc, con trai Chu Tái Kị nối ngôi hiệu là Minh Mục Tông. Trong 6 năm cai trị, Minh Mục Tông đã góp phần phát triển kinh tế của đất nước.
  • Năm 1572, Minh Mục Tông qua đời, Minh Thần Tông lên ngôi khi mới 6 tuổi, quan đai thần Trương Cư Chính nhiếp chính. Sau khi Trương Cư Chính qua đời, Minh Thần Tông say mê tửu sắc, bỏ bê triều chính, Đại Minh rơi vào suy yếu.
  • Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thủ lĩnh tộc Nữ Chân lên ngôi Đại Hãn. Đến năm 1618, ông thống lĩnh tộc Nữ Chân tấn công Đại Minh. Nhà Minh sai Dương Cảo đem 10 vạn quân thảo phạt những không thành.
  • Đến năm 1620, Minh Mục Tông qua đời, Minh Quang Tông nối ngôi. Tuy nhiên, Minh Quang Tông chỉ cai trị được 1 tháng rồi cũng qua đời, Minh Hy Tông nối ngôi khi mới 16 tuổi. Hoạn quan Ngụy Trung Hiền lũng đoạn triều chính, nhà Hậu Kim liên tục tấn công Đại Minh.
  • Năm 1627, Minh Hy Tông qua đời, Sùng Trinh Đế nối ngôi hiệu là Minh Tư Tông. Sùng Trinh Đế xử phạt Ngụy Trung Hiền và bè lũ. Tuy nhiên, Sùng Trinh Đế lại mắc mưu của tộc Nữ Chân xử tử tướng tài Viên Sùng Hoán.
  • Năm 1644, Sấm Vương Lý Tự Thành đem quân tấn công và hạ thành Bắc Kinh. Sùng Trinh Đế tự sát, nhà Minh sụp đổ. Trong cùng năm, nhà Thanh đánh bại lực lượng quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành, chính thức cai trị Trung Hoa.

Nhà Minh thành lập

Trước khi nhà Minh lên nắm quyền, Trung Quốc đã trải qua một thời kỳ thống trị của triều đại nhà Nguyên của người Mông Cổ thành lập. Do đó trong thời kỳ này, xã hội Trung Quốc tồn tại hai mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp. 

nhà Minh Trung Quốc
nhà Minh Trung Quốc


Vì lẽ đó, nhân dân Trung Quốc tiêu biểu là người Hán liên tục nổi dậy khởi nghĩa. Vào năm 1531, cuộc khởi nghĩa Khăn Đỏ đã bùng nổ. Trong số những người tham gia, lực lượng quân khăn đỏ do Chu Nguyên Chương lãnh đạo là nổi bật nhất. Năm 1352, ông tham gia lực lượng khởi nghĩa của Quách Tử Hưng. Đến năm 1355 khi Quách Tử Hưng chết, Chu Nguyên Chương trở thành lãnh đạo của nghĩa quân.

Chu Nguyên Chương đã liên tiếp đánh bại Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành và các tập đoàn quân phiệt miền Nam. Sau đó, Chu Nguyên Chương đem quân tiến lên phía Bắc rồi đánh bại nhà Nguyên. Vào năm 1368, ông lên ngôi hoàng đế tại Kim Lăng và đặt tên nước là Minh. Cùng năm đó, triều đình nhà Nguyên phải bỏ chạy về phía Bắc. Triều đại Minh tiếp tục đánh dẹp các lực lượng cát cứ và tàn dư của nhà Nguyên. Đến năm 1387, nhà Minh đã hoàn toàn thống nhất Trung Quốc. Các vị hoàng đế của triều đại Minh tiếp tục cai trị đất nước.

Minh Thái Tổ

Minh Thái Tổ là một người nông dân, ông hiểu rõ cuộc sống của nhân dân. Vì vậy, khi lên ngôi, ông đã tập trung thực hiện các chính sách nhằm nuôi dưỡng sức khỏe cho nhân dân và khuyến khích phát triển nông nghiệp, giúp nền kinh tế của Triều Minh phục hồi và tiến bộ. Tuy nhiên, Minh Thái Tổ cũng rất quan tâm đến việc củng cố quyền lực trong tay mình.

Ông luôn lo sợ rằng các công thần có thể có âm mưu khác, vì vậy ông đã buộc tội và xử tử họ. Hầu hết các công thần và gia đình của họ đều bị giết hại. Sự tàn ác và chuyên chế của Minh Thái Tổ đã trở thành điều nổi tiếng trong lịch sử. Mặt khác, ông đã phong 24 người con của mình làm Vương, để họ trấn giữ các vùng lãnh thổ. Ông tin rằng điều này sẽ giúp vương triều trở nên vững mạnh, nhưng lại gây ra nhiều tai họa. Vào năm 1398, Minh Thái Tổ qua đời...

Minh Huệ Đế - Minh Thành Tổ

Bởi vì thái tử đã qua đời trước đó, Hoàng Thái Tôn lên ngôi trở thành Minh Huệ Đế. Sau khi lên ngôi, Minh Huệ đế vô cùng lo sợ sự cạnh tranh quyền lực của các phiên vương. Vì vậy, ông đã tìm cahcs tước đoạt vương vị của họ. Yên Vương Chu Đệ từ lâu đã có ý định chiếm ngôi và lợi dụng việc thanh trừ gian thần để khởi binh chống lại triều đình.

Sau ba năm chiến tranh, quân đội triều đình bị đánh bại hoàn toàn. Năm 1402, quân của Yên Vương tiến vào kinh thành và Huệ Đế biến mất bí ẩn. Yên Vương Chu Đệ lên ngôi hoàng đế, tức là Minh Thành Tổ. Một năm sau đó, ông chuyển đô lên Bắc Kinh.

Vì đã lấy ngôi hoàng đế từ tay cháu mình, Minh Thành Tổ luôn lo sợ bị các đại thần phản đối và chỉ tin tưởng vào các hoạn quan. Ông thành lập một cơ quan gọi là đông xưởng, do các hoạn quan điều hành để giám sát các đại thần và dân chúng có ý đồ phản loạn. Do đó, quyền lực của các hoạn quan ngày càng gia tăng. Trong thời gian trị vì của Minh Thành Tổ, ông tiếp tục duy trì những chính sách tích cực để giữ cho tình hình trong nước ổn định. Năm 1424, Minh Thành Tổ qua đời.

Nhân Tuyên chi trị

Sau đó, con trai của Minh Thành Tổ là Chu Cao lên ngôi, hiệu Minh Nhân Tông. Tuy nhiên, ông chỉ cầm quyền hoàng đế trong một thời gian ngắn trước khi qua đời. Con trai ông là Chu Chiêm Cơ, tiếp quản ngôi vị và được biết đến với tên gọi Minh Tuyên Tông. Trong 10 năm trị vì, ông đã chứng tỏ mình là một vị hoàng đế có tài năng xuất chúng. Ông kế vị và trị vì trong một thời kỳ thịnh trị của triều Đại Minh. Thời kỳ của Minh Tuyên Tông và cha ông được người đời sau tôn vinh là thời đại Nhân Tuyên chi trị.

Minh Anh Tông và Minh Đại Tông

Vào năm 1435, Minh Tuyên Tông trút hơi thở cuối cùng, để lại ngôi vị cho Minh Anh Tông, một đứa trẻ chỉ mới 9 tuổi. Anh Tông vốn ham chơi, không quan tâm đến việc quốc gia. Mọi công việc đều được giao cho Vương Chấn là một đại quan trong triều.

Vào năm 1449, do bộ lạc Ngõa Lạt liên tục xâm phạm biên giới phía Bắc, Minh Anh Tông và Vương Chấn đã dẫn 50 vạn quân đi chiến đấu. Nhưng do sự chỉ huy kém cỏi của Vương Chấn, quân đội Minh đã bị đánh bại tan tác bởi người Ngõa Lạt. Anh Tông bị bắt làm tù binh. Sau khi bị bắt, các đại thần đã đưa em trai của Anh Tông là Chu Kỳ Ngọc lên ngôi, trở thành Minh Đại Tông. Lúc này, Anh Tông được tôn làm Thái Thượng Hoàng. Người Ngõa Lạt thấy nhà Minh đã có vua mới, nên đã tha cho Anh Tông trở về.

Sau khi trở về Bắc Kinh, Minh Anh Tông đã sống trong 7 năm trong cung. Khi Minh Đại Tông bị bệnh nặng, một số quan đại thần của phe đối lập đã tấn công Hoàng cung và đưa Anh Tông lên ngôi vua. Sự kiện này được gọi là "Đoạt môn chi biến" trong lịch sử. Không lâu sau đó, Đại Tông cũng qua đời.

Minh Hiến Tông và Minh Hiếu Tông

Vào năm 1464, Minh Anh Tông qua đời và Minh Hiến Tông lên ngôi kế vị. Trong suốt 23 năm trị vì của ông, Đại Minh đã chứng kiến một thời kỳ phát triển thịnh trị, tương đương với thời kỳ Nhân Tuyên trị vì. Tuy nhiên, vào cuối đời, ông đã sống phóng túng và xa hoa, không còn quan tâm đến việc quản lý đất nước, dẫn đến sự hỗn loạn trong triều chính.

Năm 1487, Minh Hiến Tông qua đời và Thái tử Chu Hữu Đường lên ngôi, hiệu là Minh Hiếu Tông. Ông là một trong những vị hoàng đế được ca ngợi nhiều nhất trong lịch sử nhà Minh, được so sánh với hai vị tiền nhân là Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ. Vua Minh Hiếu Tông đã đưa kinh tế và xã hội quốc gia trở lại thịnh vượng, loại bỏ các quan lại vô tài bất tướng và các hoạn quan tham quyền dưới thời của cha. Do đó, Đại Minh trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thời kỳ này được gọi là Hoàng Trị Trung Hưng. Tuy nhiên, sau khi Minh Hiếu Tông qua đời năm 1505, triều đại Minh lại bắt đầu suy yếu.

Minh Vũ Tông và Minh Thế Tông

Năm 1505, con trai của Minh Hiếu Tông là Minh Vũ Tông, đã lên ngôi vua. Vua là một người thích chơi bời và không quan tâm đến việc cai trị, các quan lại thừa đó mà lộng quyền. Do sự yếu kém của triều đình, đất đai được tập trung vào tay các địa chủ. Thuế và công việc nặng nhọc đè nặng lên đôi vai của dân chúng. Vì lẽ đó, các cuộc nổi dậy của nhân dân liên tục xảy ra.

Bản đồ nhà Minh Trung Quốc
Bản đồ nhà Minh Trung Quốc


Năm 1521, Minh Vũ Tông đột ngột qua đời do bệnh tật và không có con để kế vị. Em họ của ông là Chu Hậu Thông lên ngôi hoàng đế, hiệu là Minh Thế Tông. Trong giai đoạn đầu của việc cai trị, Thế Tông đã tiến hành cải cách và quan tâm đến việc quản lý quốc gia, đưa ra các chính sách quyết đoán để loại bỏ hoạn quan và củng cố phòng thủ biên giới. Điều này đã mang lại một thời kỳ thịnh vượng cho triều đình. Tuy nhiên, trong 18 năm cuối cùng của triều đại, Minh Thế Tông dần dần bỏ qua việc triều chính và không quan tâm đến chính sự. Các luật pháp của quốc gia cũng dần bị bỏ qua. Vào cuối đời, Minh Thế Tông đã trở nên mê tín và thực hiện các phép thuật luyện đan để mong đạt được sự bất tử. Cuối cùng, ông cũng qua đời vì uống phải Kim Đan có độc.

Minh Mục Tông và Minh Thần Tông

Vào năm 1567, Thế Tông qua đời và con trai ông là Chu Tái Kị được lên ngôi với tên hiệu Minh Mục Tông. Dù chỉ trị vì vỏn vẹn 6 năm, nhưng Minh Mục Tông đã thiết lập được trật tự xã hội ổn định, góp phần làm cho kinh tế phát triển mạnh mẽ. Năm 1572, Minh Mục Tông qua đời và Thái tử Chu Dực Quân, mới chỉ 10 tuổi, lên ngôi kế vị với tên hiệu Minh Thần Tông. Đại thần Trương Cư Chính được bổ nhiệm làm nhiếp chính.

Trong 10 năm đầu tiên, khi Trương Cư Chính cầm quyền, đất nước chứng kiến sự phát triển vượt bậc về quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, sau khi Trương Cư Chính qua đời, Minh Thần Tông bắt đầu bỏ bê việc nước. Ông ta sống xa hoa, sa đọa và hoang dâm trong 20 năm cuối đời. Thậm chí, nhà vua từ chối tham gia các hoạt động triều chính để điều hành đất nước. Chính trị của Triều Minh, vốn đã có những bước phát triển đầu tiên bị suy yếu hoàn toàn.

Nhà Hậu Kim tấn công nhà Minh

Trong khi triều đại Minh ngày càng suy yếu, tộc Nữ Chân Kiến Châu ở vùng đông bắc Trung Quốc đang dần trở nên mạnh mẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Ái Tân Giác La Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Vào năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã lên ngôi Đại Hãn và thành lập nước Đại Kim, lịch sử gọi là Hậu Kim.

Năm 1618, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã tiến công vào Phủ Thuận và phá hủy thành trì, sau đó cướp bóc khắp nơi. Tin dữ truyền đến kinh thành, vua Thần Tông của triều đại Minh đã sai Dương Cảo dẫn đội quân 10 vạn đi thảo phạt nhà Hậu Kim nhưng lại bị Nỗ Nhĩ Cáp Xích đánh bại. Hai năm sau, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tiếp tục chiếm đóng thành Thẩm Dương và chuyển đô đến đó, đổi tên thành Thịnh Kinh. Từ đó, nhà Hậu Kim trở thành mối đe dọa lớn đối với triều đại Minh.

Minh Quang Tông và Minh Hy Tông

Vào năm 1620, khi Minh Thần Tông qua đời, con trai ông là Minh Quang Tông lên ngôi vua. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, Minh Quang Tông cũng qua đời và Hoàng tử Chu Do Hiệu mới chỉ 16 tuổi kế vị, hiệu là Minh Hy Tông. Trong vòng bảy năm, triều đại của Minh Hy Tông đã rơi vào tình trạng hỗn loạn do sự can thiệp của hoạn quan Ngụy Trung Hiền. Các phe phái trong triều cũng tranh đấu với nhau, gây ra sự phân ly và suy yếu cho triều đình.

Bên cạnh đó, vì không biết chữ, vua Hy Tông cũng không quan tâm đến việc điều hành triều chính. Điều này khiến cho nhà Minh ngày càng suy yếu và đối mặt với khủng hoảng trầm trọng. Trong khi đó, nhà Hậu Kim liên tục tiến công vào Liêu Đông để đánh chiếm những vùng đất mới vốn thuộc về nhà Minh.

Tuy nhiên, Tướng Viên Sùng Hoán của nhà Minh đã cố thủ thành Ninh Viễn, khiến cho quân Kim không thể chiếm được. Tuy nhiên, trong một lần tấn công vào năm 1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã bị trọng thương và qua đời. Con trai thứ tám của ông là Hoàng Thái Cực lên nối ngôi Đại Hãn. Vào năm sau đó, Hoàng Thái Cực dẫn đầu quân đội tiến đánh quân Minh. Tuy nhiên, Viên Sùng Hoán lại một lần nữa giành chiến thắng. Tuy nhiên, các phe phái của Ngụy Trung Hiền trong triều đã lợi dụng cơ hội này để tranh giành công lao cho mình và buộc Viên Sùng Hoán phải từ chức. Vào năm 1627, vua Minh Hy Tông cũng qua đời vì bệnh tật.

Sùng Trinh Đế

Em trai của Minh Hy Tông là Chu Do Kiểm, đã lên ngôi và trở thành vị hoàng đế tiếp theo. Ông được gọi là Minh Tư Tông hay còn được biết đến với tên gọi Sùng Trinh Đế. Ngay khi lên ngôi, vua Sùng Trinh đã xử phạt Ngụy Trung Hiền và các phe cánh của ông ta, cải tổ triều chính và sử dụng lại Viên Sùng Hoán.

Tuy nhiên, Hoàng Thái Cực nhận thấy rằng việc chiếm được Trung Nguyên sẽ khó khăn nếu Viên Sùng Hoán vẫn còn tồn tại. Vì vậy, ông đã dùng mưu kế phản bội, đưa tin rằng Viên Sùng Hoán đã đầu hàng quân Kim. Vua Sùng Trinh tin vào thông tin này và ra lệnh bắt giữ Viên Sùng Hoán để rồi sau đó xử tử. Từ đó, triều đình Đại Minh không còn có tướng tài nào đủ tài năng để bảo vệ biên cương.

Năm 1636, Hoàng Thái Cực tự xưng là hoàng đế tại Thịnh Kinh và đổi quốc hiệu thành Thanh, trở thành Thanh Thái Tông. Tới năm 1643, Thanh Thái Tông qua đời vì bệnh tật. Con trai 16 tuổi của ông là Phúc Lâm lên ngôi và được gọi là Thanh Thế Tổ hay Thuận Trị Đế. Lúc này, hai chú ruột của ông là Đa Nhĩ Cổn và Tế Nhĩ Cáp Lăng được bổ nhiệm làm phụ chính. Trong khi đó, nhà Minh đang dần suy sụp còn Mãn Thanh ngày càng mạnh hơn. Dù vua Sùng Trinh Đế đã chú ý đến việc cải tổ triều chính, nhưng do thiếu tài năng nên tình hình đất nước vẫn rất khó khăn. Ở nhiều nơi, vì quá khổ cực, nhiều người dân đã nổi dậy khởi nghĩa 

Nhà Minh sụp đổ

Vào năm 1644, quân đội của Lý Tự Thành đã tấn công thành công và chiếm được Bắc Kinh, khiến vua Sùng Trinh phải tự sát. Với việc này, triều đại Minh đã kết thúc sau 227 năm trị vì Trung Quốc. Trong khi đó, Ngô Tam Quế là chỉ huy quân đội nhà Minh vẫn còn 10 vạn quân đóng quân tại Sơn Hải Quan để chống lại quân Thanh. Tuy nhiên, khi nhà Minh sụp đổ, ông ta đã đầu hàng Mãn Thanh để đối mặt với Lý Tự Thành.

Liên minh giữa Ngô Tam Quế và Đa Nhĩ Cổn đã đánh bại lực lượng quân khởi nghĩa và chiếm được Bắc Kinh. Năm 1644, Đa Nhĩ Cổn đã đưa Thuận Trị về Bắc Kinh và đây trở thành thủ đô mới của nhà Thanh. Từ đó, nhà Thanh đã chính thức thành lập và trở thành triều đại mới của Trung Quốc. Sau đó, nhà Thanh tiếp tục tiêu diệt các lực lượng khởi nghĩa còn sót lại và thành lập chính quyền Nam Minh tại Nam Kinh. Đến năm 1661, nhà Thanh đã hoàn toàn thống nhất Trung Quốc.

Nhà Minh là một triều đại có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Trung Quốc và để lại nhiều di sản quan trọng cho đất nước này. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu thêm về nhà Minh và những diễn biến quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.

TrendingTrang chủ