Tiểu sử Thành Cát Tư Hãn - Thiết Mộc Chân CHINH PHỤC thế giới

Nguyễn Minh Khánh
tháng 10 23, 2022
Last Updated

Cái tên Thành Cát Tư Hãn từ lâu đã nổi tiếng với sự chinh phục và các cuộc chiến tranh tàn bạo. Ông là người sáng lập ra Đế chế Mông Cổ có lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử loài người. Đội quân Mông Cổ do ông chỉ huy được cho là đã gây ra cái chết của hàng chục triệu người. Qua bài viết dưới đây, cuộc đời và sự nghiệp của Thành Cát Tư Hãn sẽ được chúng tôi khắc họa chi tiết.

Bảng tóm tắt thông tin

Tên đầy đủ

Thiết Mộc Chân

Tên chữ Hán: 成吉思汗

Tên hiệu

Thành Cát Tư Hãn

Năm sinh - Năm mất

1162 - 18 tháng 8 năm 1227

Trị vì

1206 – 1227

Cha

Dã Tốc Cai

Mẹ

Hạ Ngạch Luân

Con cái

8 con trai, 5 con gái

Nổi tiếng với

Nhà lãnh đạo quân sự đã chinh phục phần lớn châu Á và Đông Âu trong thế kỷ 13.

Tiểu sử Thành Cát Tư Hãn

Thành Cát Tư Hãn (1162 - 1227) tên đầy đủ là Thiết Mộc Chân, là Khả Hãn người Mông Cổ, người sáng lập ra Đế chế Mông Cổ. Ông lên nắm quyền bằng cách thống nhất nhiều bộ lạc du mục sống trên các thảo nguyên của Mông Cổ.
Thành Cát Tư Hãn
Chân dung Thành Cát Tư Hãn
Ông đã xây dựng lên một đội quân mạnh nhất thời bấy giờ và mang quân chinh phục hầu hết lãnh thổ Á - Âu. Năm 1227, ông mất ở tuổi 65, sau khi chinh phục phần lớn Trung Quốc, Trung Á, cùng với các khu vực quan trọng của Nga. Sau khi ông mất, đế chế Mông Cổ vẫn tiếp tục các cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ và phát triển thành đế quốc có diện tích lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Sinh thời, Thành Cát Tư Hãn nổi tiếng với tài năng quân sự và những cuộc chinh phạt tàn bạo. Ông cũng được coi là một trong những nhà lãnh đạo quân sự thành công nhất trong lịch sử.

Xuất thân và tuổi thơ

Thành Cát Tư Hãn sinh năm 1162, tên thật là Thiết Mộc Chân (tên chuyển tự Latin: Temüǰin), thuộc thị tộc Bột Nhi Chỉ Cân (Borjigin). Trong tiếng Mông Cổ, cái tên Temujin có nghĩa là "sắt".

Ông là con trai đầu của Dã Tốc Cai (Yesugei) và Hạ Nguyệt Luân (Hoelun). Có rất nhiều huyền thoại và truyền thuyết về thời thơ ấu của Thiết Mộc Chân (Thành Cát Tư Hãn). Tương truyền, lúc mới sinh, trong lòng bàn tay của Thiết Mộc Chân có một cục máu đông.

Ở Mông Cổ cổ đại, điều này được coi là dấu hiệu cho thấy ông sẽ là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại.

Cha của ông - Dã Tốc Cai là thủ lĩnh của bộ tộc Khất Nhan và thuộc dòng dõi của Khabul Khan (vị Khả Hãn đầu tiên của Mông Ngột Quốc).

Sau cái chết của vị Khả Hãn thứ ba Hotula Khan, vị trí Khả Hãn vẫn để trống. Tuy nhiên, Dã Tốc Cai được cho là vị thủ lĩnh có uy vọng lớn trong liên minh các bộ lạc.

Năm 1170, cha của Thiết Mộc Chân bất ngờ qua đời do bị bộ lạc Thát Đát đầu độc. Khi đó, Thiết Mộc Chân chỉ mới 9 tuổi.

Lúc này, hội đồng nguyên lão đã chọn Tháp Nhĩ Hốt Đài vào vị trí thủ lĩnh bộ lạc thay vì Thiết Mộc Chân. Sau khi vị thủ lĩnh mới nắm quyền, gia đình của anh bị Tháp Nhĩ Hốt Đài ra lệnh bỏ rơi trên thảo nguyên.

Vì thế, thời thơ ấu của Thiết Mộc Chân trải qua đầy khó khăn, phải mưu sinh bằng việc săn bắn, hái lượm.

Cho đến khi trưởng thành, Thiết Mộc Chân tìm thấy con đường vươn tới sự vĩ đại bằng cách khôi phục lại vị thế thủ lĩnh (Khả Hãn) mà đùng ra phải thuộc về ông.

Gia đình và hậu duệ

Thiết Mộc Chân là con trai cả của Dã Tốc Cai và Hạ Nguyệt Luân. Ông còn có các người em trai khác gồm Thiết Mộc Cách, Hợp Xích Ôn, Cáp Tát Nhi. Ngoài ra, ông còn có 1 em gái là Thiết Mộc Luân cùng với 2 người em cùng cha khác mẹ là Biệt Khắc Thiếp Nhi và Biệt Lặc Cổ Đài.

Thành Cát Tư Hãn có rất nhiều vợ. Tuy nhiên, Bột Nhi Thiếp hay Borte là người vợ cả mà ông yêu thương nhất. Chỉ có các con do của ông và Bột Nhi Thiếp mới được phép thừa kế ngôi vị Khả Hãn.

Ngoài ra, Thành Cát Tư Hãn còn có khoảng 40 người thiếp. Họ được phân chia và sinh sống trong 4 “Oát Nhi Đóa” (Cung điện có thể di chuyển của người Mông Cổ).

Sự trỗi dậy của đế chế Mông Cổ

Vào năm 1206, Thành Cát Tư Hãn đã thống nhất tất cả các bộ lạc Mông Cổ thành một đế quốc hùng mạnh - đế quốc Mông Cổ. Ông và các hậu duệ đã biến đế chế Mông Cổ trở thành đế chế có lãnh thổ tiếp giáp lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Thành Cát Tư Hãn và đế chế Mông Cổ

Bản đồ đế chế Mông Cổ

Lãnh thổ của nó trải dài từ châu Á đến Đông Âu và lớn hơn bất kỳ đế chế nào khác trước thời điểm đó ( xấp xỉ 24.000.000km2, 100 triệu dân).

Đế quốc Mông Cổ tồn tại từ năm 1206 đến năm 1368, được biết đến nhiều nhất với các cuộc chinh phạt quân sự và đối xử tàn bạo đối với những vương quốc bị chiếm đóng.

Sau đó, đế quốc này bị phân liệt thành 4 vương quốc dưới quyền cai trị của các cháu trai Thành Cát Tư Hãn.

>> Có thể bạn muốn xem bài viết chi tiết về đế quốc Mông Cổ được tóm tắt theo dòng sự kiện.

Các chiến dịch quân sự nổi bật

Sự nghiệp cầm quân của Thành Cát Tư Hãn nổi tiếng với vô số những chiến dịch quân sự có quy mô lớn. Trong số các chiến dịch quân sự của Thành Cát Tư Hãn, các chiến dịch sau đây được cho là nổi bật nhất.

Trận chiến thập tam dực (13 cánh quân)

Trước khi xâm lược các quốc gia khác, đây là trận chiến đầu tiên đã làm nên tên tuổi của Thiết Mộc Chân - Thành Cát Tư Hãn. Ông có một người anh em tốt, người bạn từ nhỏ là Trác Mộc Hợp. Trác Mộc Hợp đã từng giúp đỡ Thiết Mộc Chân trước khi ông trở thành Khả Hãn.

Tuy nhiên, giữa ông và Trác Mộc Hợp đã xảy ra mâu thuẫn về mặt quyền lực. Đây là nguyên nhân chính đã dẫn đến đại chiến 13 cánh quân.

>> Bạn đọc có thể theo dõi bài viết Trác Mộc Hợp để hiểu rõ hơn về mối quan hệ khúc chiết giữa 2 người.

Trong trận chiến này, Trác Mộc Hợp đã tập hợp tất cả quân đội của 13 bộ lạc. Tổng quân số lên đến 3 vạn người, chia làm 13 cánh quân tấn công quân đội của Thiết Mộc Chân.

Tuy nhiên, quân đội của Thiết Mộc Chân đã sớm nhận được thông tin tình báo. Vì thế, Thiết Mộc Chân đã chia 3 vạn quân thành 13 cánh đánh chặn quân Trác Mộc Hợp. Thật bất ngờ, Thiết Mộc Chân đã bại trận. Tuy vậy, Trác Mộc Hợp đã quyết định xử tử các tù binh theo cách dã man nhất.

Vì thế, một bộ phận không nhỏ các tướng lĩnh dưới trướng Trác Mộc Hợp đã bất mãn và quyết định bỏ theo vị minh chủ mới là Thiết Mộc Chân. Mặc dù Thiết Mộc Chân đã thua trận nhưng ông lại nhận được thứ vô cùng quý giá chính là lòng người.

Chinh phạt Tây Hạ

Thành Cát Tư Hãn tin rằng Tây Hạ sẽ không nhận được trợ giúp từ nhà Tấn khi chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, ông phải chuẩn bị kỹ lưỡng lực lượng quân đội của mình trước khi chiến tranh nổ ra.

Vào năm 1209, Thành Cát Tư Hãn phát động chiến dịch quân sự quan trọng đầu tiên của người Mông Cổ vào Tây Hạ (lãnh thổ Trung Quốc ngày nay).

Mặc dù rất khó để quân Mông Cổ chiếm được các thành phố kiên cố, Thành Cát Tư Hãn đã buộc Tây Hạ phải đầu hàng. Năm 1211, Hạ Thần Tông chính biến thành công và lên ngôi vương Tây Hạ. Do không thể liên minh với nhà Kim đánh Mông Cổ, Hạ Thần Tông chủ trương phò tá quân đội Mông Cổ tiêu diệt Nhà Kim.

Vào năm 1217, sứ giả Mông Cổ yêu cầu quân Tây Hạ đưa quân về phía tây. Tuy nhiên, tướng lĩnh chỉ huy quân đội Tây Hạ đã từ chối.

Vì vậy, Thành Cát Tư Hãn đã vô cùng tức giận và cho quân tấn công Tây Hạ. Quân đội Mông Cổ đã công hạ nhiều thành trì của Tây Hạ và bắt hàng vạn gia súc. Năm 1227, quân đội Mông Cổ bao vây Trung Hưng Phủ (thành trì cuối cùng của Tây Hạ). Lúc này, Thành Cát Tư Hãn đã quay về Lục Bàn Sơn để tránh nóng. Đến cuối năm 1227, vua và quân đội Tây Hạ đầu hàng. Cuộc chiến kéo dài 22 năm giữa Mông Cổ và Tây Hạ đã kết thúc.

Xâm lược Khwarezmia

Ban đầu, Thành Cát Tư Hãn không có ý định gây chiến với Đế chế Khwarezm mà chỉ muốn giao thương.

Thành Cát Tư Hãn đã viết một bức thư gửi đến hoàng đế Shah Aladin Muhammad. Trong đó, ông nói rằng ông là chúa tể của vùng đất mặt trời mọc và Shah là người cai trị vùng đất mặt trời lặn. Hai nhà lãnh đạo nên thiết lập các hiệp ước hòa bình thân thiện với nhau.

Người Mông Cổ đã cử một phái đoàn 500 người đến Khwarezmia để thiết lập quan hệ chính thức. Tuy nhiên, Inalchuq người cai trị thành Otrar đã cáo buộc người Mông Cổ âm mưu chống lại Khwarezmia.

Khi nhận được tin tức rằng đại sứ Mông Cổ đến Otrar đã bị bắt, Thành Cát Tư Hãn đã thực hiện gửi sứ giả lần thứ hai. Ông đã cử ba sứ giả đến yêu cầu thả đại sứ và trừng phạt người cai trị của thành phố. Tuy nhiên, toàn bộ phái đoàn sứ giả Mông Cổ đã bị thảm sát.

Đây là sự sỉ nhục đối với Thành Cát Tư Hãn và chiến tranh đã nổ ra. Vào năm 1219, Thành Cát Tư Hãn mang 20 vạn quân vượt dãy Thiên Sơn tiến vào lãnh thổ đế chế Khwarezmia. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, hầu hết các thành phố của đế chế Khwarezmia đã bị san bằng. Tại mỗi thành phố bị chiếm đóng, quân đội Mông Cổ tàn sát vô số dân chúng. Thành Cát Tư Hãn đã ra lệnh thay đổi dòng chảy các dòng sông để xóa sổ lãnh thổ của đế chế này trên bản đồ thế giới.

Đánh bại nhà Kim - Trận Dã Hồ Lĩnh

Cuộc xâm lược của người Mông Cổ vào nhà Kim là chiến công quân sự lớn nhất của Thành Cát Tư Hãn được ghi nhận. Năm 1211, Thành Cát Tư Hãn ra lệnh cho 50.000 quân đột kích từ phương Bắc đổ bộ vào đất Kim. Ngoài ra, Thành Cát còn tạo điều kiện cho người Khiết Đan và Tây Hạ nổi dậy.

Với sức mạnh vượt trội, quân đội Mông Cổ công phá phòng thủ Vạn Lí Trường Thành chỉ trong thời gian cực ngắn. Đến cuối năm 1211, phòng tuyến Vạn Lý Trường Thành tan vỡ, quân đội của Thành Cát Tư Hãn xuôi nam tiến đánh các thành phố lớn nhất của nhà Kim.

Vào tháng 12 năm 1211, Tây Kinh Đại Đồng Phủ ở tỉnh Sơn Tây bị quân Mông Cổ tấn công dữ dội. Tháng 12 năm 1211, quân Mông Cổ tấn công Tây Kinh Đại Đồng Phủ ở tỉnh Sơn Tây. Tướng quân nhà Kim là Hồ Sa Hổ dẫn 40 vạn quân thiết giáp đến cứu viện.

Tuy nhiên, khi quân đội nhà Kim đang dựng trại thì gặp phải cánh quân Đà Lôi phục kích và bại trận nhanh chóng. Hồ Sa Hổ kịp chạy thoát thân về thành Đại Đồng quyết tâm tử thủ. Quân đội Mông Cổ đã bao vây thành Đại Đồng nhưng không thể công phá. Vì vậy, họ quyết định chuyển sang tấn công các thành trì lân cận. Từ năm 1212 đến năm 1213, quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Thành Cát Tư Hãn đã công phá hơn 90 thành trì lớn nhỏ trên đất Kim.

Sau đó, quân đội của Thành Cát Tư Hãn và quân đội nhà Kim đã dồn hầu hết binh lực vào trận chiến tại Dã Hồ Lĩnh. Tại trận chiến này, Thành Cát Tư Hãn và Mộc Hoa Lê đã thể hiện tài năng xuất sắc trong lĩnh vực quân sự. Dù quân số nhà Kim lên đến 1 triệu quân nhưng quân đội Thành Cát Tư Hãn vẫn giành được thắng lợi cuối cùng.

>> Có thể bạn muốn xem thêm về Mộc Hoa Lê - Một trong tứ đại danh tướng dưới trướng Thành Cát Tư Hãn.

Vì sao quân đội Thành Cát Tư Hãn bất khả chiến bại?

Phát minh cung liên hợp

Người Mông Cổ được biết đến với những cải tiến về vũ khí cực kỳ lợi hại. Họ đã phát minh ra một loại cung ghép mới, còn được gọi là cung liên hợp (Composite bow) hay cung Mông Cổ để sử dụng trong chiến đấu.

Thiết kế của loại cung này bao gồm một vòm gỗ ở hai bên. Ở chính giữa cung được ghép bởi các tấm xương giúp tăng cường khả năng đàn hồi, lực sát thương và tầm bắn. Cung liên hợp gọn nhẹ và mạnh mẽ hơn các loại cung khác được sử dụng trong cùng thời kỳ.

Loại cung này cho phép kỵ binh có thể vừa cưỡi ngựa vừa bắn cung, tầm bắn tối đa lên đến 300m. Một kỵ binh Mông Cổ mang theo tối đa 50 mũi tên, tốc độ bắn 12 mũi tên trong vòng 1 phút và trở thành nỗi ác mộng cho kẻ địch.

Người Mông Cổ nổi tiếng với kỹ năng bắn tên với độ chuẩn xác cao ở khoảng cách hàng trăm mét. Cùng với việc sử dụng cung liên hợp, kỵ binh Mông Cổ có thể dễ dàng tiêu diệt kẻ địch hoặc thậm chí ngựa của đối phương. Nếu ngựa của kẻ địch bị trúng tên thì đồng nghĩa với việc bị loại khỏi vòng chiến.

Điều này đặc biệt hữu ích trong chiến tranh vì kẻ địch sẽ không có thời gian để đưa ra chiến thuật chống lại phù hợp.

Chiến thuật khôn ngoan

Trong thời trung cổ, kỵ binh Mông Cổ vượt trội hơn so với các đơn vị binh chủng của các quốc gia khác. Bởi vì họ sử dụng nhiều chiến thuật khiến quân đội đối thủ cạn kiệt sinh lực. Điều này cho phép người Mông Cổ tiêu diệt kẻ thù mà không tốn nhiều sức lực.

Đầu tiên, kỵ binh hạng nhẹ sử dụng cung tên tầm xa để tiêu hao sinh lực kẻ địch. Quân đội Mông Cổ chỉ tấn công cận chiến khi quân đội kẻ địch đã bị tiêu hao đáng kể hoặc xuống tinh thần. Sau đó, kỵ binh hạng nặng với khả năng sử dụng thương và kiếm sẽ tiêu diệt kẻ địch đã suy yếu.

Ngoài ra, quân đội Mông Cổ còn sử dụng nhiều chiến thuật quân sự khác nhau. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến chiến thuật giả vờ rút lui để dụ quân địch đến vị trí mai phục. Sau đó, quân đội Mông Cổ bất ngờ quay ngược lại phản công. Trong khi giả vờ rút lui, họ cũng sử dụng cung tên để tiêu diệt kẻ địch từ xa.

Một trong những chiến thuật phổ biến khác của quân Mông Cổ là chia nhỏ kẻ địch để phục kích và tiêu diệt từng bộ phận.

Tổ chức và huấn luyện quân đội hiệu quả

Thành Cát Tư Hãn tổ chức đơn vị quân đội theo cơ số thập phân. Một đơn vị quân đội Mông Cổ còn là một đơn vị hành chính theo lãnh thổ. Các đơn vị quân đội Mông Cổ như sau:

  • Arban có 10 binh lính.
  • Zuun gồm có 100 binh sĩ.
  • Mingghan có tất cả 1.000 quân.
  • Tumen có tất cả 10.000 quân.

Thủ lĩnh chỉ huy quân sự và hành chính tối cao là Khả Hãn. Khả Hãn có quyền lực phân chia tài sản đã chiếm đoạt được. Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, các đơn vị quân đội Arban, Zuun phải có binh sĩ thuộc cùng một gia tộc hoặc bộ lạc.

Những đơn vị quân đội có cơ số binh sĩ lớn như Mingghan, Tumen được tập hợp binh sĩ từ các bộ lạc khác nhau. Với cách tổ chức quân đội như trên, Thành Cát Tư Hãn đã giúp nâng cao tinh thần đoàn kết của người Mông Cổ trong mỗi đơn vị quân sự.

Thành Cát Tư Hãn cũng cho thành lập các trường đào tạo các chỉ huy quân đội. Ông coi trọng cống hiến cá nhân hơn là dòng dõi xuất thân. Vì thế, các chỉ huy quân đội được thăng chức bắt buộc phải có những chiến công. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, tư tưởng của ông được đánh giá rất tiến bộ.

Huấn luyện binh sĩ từ nhỏ

Binh lính Mông Cổ được huấn luyện kỹ năng chiến đấu ngay từ nhỏ. Năm lên 3 tuổi, họ đã bắt đầu học cưỡi ngựa. Từ 4 đến 5 tuổi, họ nhận được cây cung đầu tiên, bắt đầu học bắn cung và các kỹ năng chiến đấu khác.

Kỹ năng của các chiến binh Mông Cổ được mài dũa thông qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt, các cuộc đi săn tập thể, đã góp phần tạo ra một đội quân thiện chiến mà các quốc gia khác không thể sánh kịp.

Binh sĩ Mông Cổ phần lớn được đào tạo để trở thành các đơn vị kỵ binh. Những kỵ sĩ Mông Cổ nổi tiếng với khả năng di chuyển cực nhanh, tốc độ và khả năng sống sót trong những điều kiện khắc nghiệt.

Trong vòng một ngày, kỵ binh Mông Cổ có thể di chuyển đến 50 dặm trong khi mang theo cả quân nhu và vũ khí.

Ngoài ra, Thành Cát Tư Hãn còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi săn bắn tập thể để giúp các binh sĩ rèn luyện khả năng phối hợp. Các cuộc thì này thường kéo dài 3 tháng mùa đông. Lúc này, các binh sĩ không chỉ phải hoàn thành mục tiêu săn bắn mà còn phải thích nghi tốt với điều kiện thời tiết lạnh giá.

Mở rộng hệ thống liên lạc

Vào thế kỷ 13, Thành Cát Tư Hãn đã ra lệnh xây dựng một hệ thống các trạm liên lạc (tên gọi Yam) kết nối thông tin trên khắp lãnh thổ đế chế Mông Cổ. Các trạm liên lạc này không chỉ chịu trách nhiệm vận chuyển thư tín mà còn thực hiện cung cấp cả vũ khí, lương thực,...

Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, mỗi 20 dặm sẽ có 1 trạm liên lạc, tổng cộng có khoảng 1300 - 1400 trạm liên lạc đã được xây dựng khắp lãnh thổ. Người đưa thư sẽ phải di chuyển khoảng 40km và chuyển tiếp thư tín cho người đưa thư tiếp theo. Nhờ đó, tốc độ vận chuyển thư tín được đẩy lên rất cao.

Vào thời điểm đó, đây là một trong những mạng lưới thông tin quan trọng nhất để Thành Cát Tư Hãn có thể nắm bắt thông tin quân sự và truyền đạt mệnh lệnh nhanh chóng đến các tướng lĩnh.

Di sản và tầm ảnh hưởng Thành Cát Tư Hãn

Nếu Thành Cát Tư Hãn chưa từng xâm lược châu Á, thế giới có lẽ sẽ thay đổi rất nhiều. Ngày nay. đế chế Mông Cổ mà ông thành lập cuối cùng đã biến mất.

Tuy nhiên, nếu không có ảnh hưởng của ông, châu Á có thể đã không bao giờ được kết nối với nền văn hóa châu Âu.

Ông không chỉ nổi tiếng với những công cuộc chinh phạt mà còn là người tạo ra các tuyến đường thương mại với các quốc gia khác trên khắp lục địa.

Ông là một trong những người đầu tiên đề xướng thương mại xuyên biên giới. Trên thực tế, ông đã có công kết nối châu Âu và châu Á thông qua Con đường Tơ lụa.

Lần đầu tiên, một nghiên cứu đã được thực hiện nhằm phân tích DNA của những người sống ở Trung Á. Người ta thấy rằng khoảng 16 triệu đàn ông (hay 15% tổng số đàn ông ở Trung Á) thuộc dòng dõi của Thành Cát Tư Hãn.

Cuộc chinh phạt thế giới của Thành Cát Tư Hãn vào thế kỷ 13 đã gây ra sự thay đổi lớn về phân bố dân cư và quy mô dân số của châu Á. Trước khi bị xâm lược, châu Á bao gồm nhiều quốc gia độc lập thường xuyên xảy ra chiến tranh với nhau. Sau những cuộc chiến của Thành Cát Tư Hãn và hậu duệ của ông, phần lớn lãnh thổ châu Á đã được nhập vào đế quốc Mông Cổ.

Trước khi người Mông Cổ xâm lược, dân số ở Trung Hoa vào khoảng 100 triệu người. Đến năm 1300, một cuộc khảo sát đã được thực hiện cho thấy dân số của Trung Hoa chỉ còn khoảng 60 triệu người. Thành Cát Tư Hãn và các hậu duệ của ông như Hốt Tất Liệt đã chinh phục và giết hại vô số.

Công cuộc chinh phạt của người Mông Cổ đã diễn ra trong hàng trăm năm, trải dài qua các vùng lãnh thổ châu Á, châu Âu. Điều này được cho là nguyên nhân chính dẫn tới hàng triệu cái chết trên khắp thế giới.

Cái chết

Thành Cát Tư Hãn qua đời ở tuổi 65 vào tháng 8 năm 1227 sau khi sống một cuộc đời dài bất thường cho một người nào đó trong khoảng thời gian đó. Một số nhà sử học tin rằng ông đã bị đầu độc trong khi những người khác cho rằng ông chết vì bệnh tật hoặc thậm chí biến chứng sau khi ngã ngựa.

Sau khi qua đời, lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn vẫn luôn được giữ bí mật cho đến tận ngày nay.

Họ Là Ai chia sẻ đến bạn đọc về cuộc đời, sự nghiệp với những chiến công lừng lẫy của Thành Cát Tư Hãn. Hãy ủng hộ chúng tôi bằng cách chia sẻ bài viết này đến nhiều người hơn nữa.

>> Trong số các hậu duệ đời sau của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt được biết đến như nhà lãnh đạo xuất sắc nhất. Có thể bạn muốn biết thêm Hốt Tất Liệt là ai?

Tài liệu tham khảo:

  • Sách Bí sử Mông Cổ


TrendingTrang chủ