Tiểu sử Nguyễn Thiện Thuật - Hành trình về với đất mẹ

Nguyễn Minh Khánh
tháng 2 11, 2023
Last Updated

 Nguyễn Thiện Thuật là ai? Ông đã có những đóng góp lớn lao như thế nào? Cùng tìm hiểu về tất cả các thông tin về anh hùng Nguyễn Thiện Thuật và hành trình đưa thi hài trở về với quê hương qua bài viết dưới đây!

Tiểu sử Nguyễn Thiện Thuật

Nguyễn Thiện Thuật tên tự là Mạnh Hiếu, còn gọi là Tán Thuật, sinh ngày 23 tháng 3 năm 1844 và mất năm 1926. Quê ở làng Xuân Dục, huyện Đường Hào nay là làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hòa, tỉnh Hưng Yên.

Nguyễn Thiện Thuật
Chân dung Nguyễn Thiện Thuật

Ông là người học rộng tài cao, tinh thông nhiều sách vở và từng đỗ chức cao trong nhiều kỳ thi ở các năm. Bên cạnh là người học rộng tài cao, ông còn là một nhà yêu nước, từng tham gia vào nhiều cuộc cách mạng kháng chiến chống giặc giành độc lập dân tộc. 

Ông cũng là một nhà cách mạng đầy lỗi lạc, tham gia vào nhiều cuộc tấn công chống giặc cứu nước thời bấy giờ. Nguyễn Thiện Thuật là người có vai trò lớn nhất trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp hưởng ứng phong trào Cần Vương cứu nước vào cuối thế kỷ 19. 

Gia đình và xuất thân

Nguyễn Thiện Thuật là con cả trong một nhà nho nghèo, có tài văn võ nổi tiếng khắp trong làng ngoài huyện ai ai cũng biết. Dựa trên thông tin được lịch sử ghi lại, chiếu theo gia phả của dòng họ Nguyễn, Nguyễn Thiện Thuật thuộc dòng họ hậu duệ đời thứ 30 của Nguyễn Trãi và tổ tiên ông đã dời đến làng Xuân Dục - nơi ông được sinh ra.  

Cha ông là Nguyễn Tuy, hiệu là Quảng Phường, từng đỗ tú tài vào năm 1842 và làm nghề dạy học. Mẹ ông là người họ Phạm, người làng Dị Sử, xã Dị Sử, huyện Đường Hào. Cha mẹ ông kết hôn với nhau và có 6 người con, 2 gái và 4 trai, trong đó Nguyễn Thiện Thuật là con cả. Ngoài người em trai mất sớm ra thì ba người còn lại là Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiện Dương và Nguyễn Thiện Kế đều tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy nổi tiếng do chính Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. 

Thông tin lịch sử ghi chép rằng, Nguyễn Thiện Thuật có hai người con trai là Nguyễn Thiện Tuyển và Nguyễn Thiện Thường đều thừa hưởng tinh thần cách mạng từ cha tham gia vào các cuộc kháng chiến vì nền độc lập dân tộc. Sau này hai người con trai của ông cũng đều hi sinh khi tham gia kháng chiến. 

Có cha là tú tài hành nghề dạy học, vậy nên từ nhỏ Nguyễn Thiện Thuật đã được tiếp xúc với nhiều bài vở. Ảnh hưởng từ việc dạy dỗ của cha, Nguyễn Thiện Thuật từ nhỏ đã bộc lộ mình là người thông minh, có tương lai quan trường sáng lạng. 

Sinh ra trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nền độc lập của dân tộc. Có nhiều cuộc kháng chiến và lời kêu gọi đứng lên chiến đấu. Điều này đã góp phần thổi lên ngọn lửa cách mạng trong con người Nguyễn Thiện Thuật.

Sự nghiệp

Làm quan triều Nguyễn

Năm 1870, Nguyễn Thiện Thuật tham gia kỳ thi và đậu Tú Tài năm đó. 4 năm sau là năm 1874, ông được triều đình nhà Nguyễn cử làm Bang biện bởi ông đã có công đánh thắng giặc ở Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Không từ bỏ giấc mơ thi cử, năm 1876, Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục đậu Cử nhân trong kỳ thi nho học năm đó. Sau khi đậu cử nhân, ông được triều đình thăng chức làm Tri phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. 

Là người học rộng tài cao, hiểu biết sâu rộng nên ông được triều đình trọng dụng và cho giữ nhiều chức quan. Tiếp tục năm 1879 tức năm Kỷ Mão, Nguyễn Thiện Thuật được bổ nhiệm chức Tán tương quân vụ tỉnh Hải Dương. Bởi vì giữ chức vị này nên ông được nhân dân thường gọi là Tán Thuật. Chỉ 2 năm sau đó, ông được bổ nhiệm nhận chức Chánh sứ sơn phòng tỉnh Hưng Hóa và kiêm luôn chức Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây. 

Suốt cuộc đời làm quan, Nguyễn Thiện Thuật luôn được nhân dân địa phương nơi ông từng cai quản yêu mến và kính trọng. Nguyễn Thiện Thuật là một người quan thanh liêm, chính trực, hiểu biết và có tài cai trị. Nhìn vào những “chiến công” trên quan trường chúng ta có thể biết được năng lực của ông được triều đình trọng dụng bao nhiêu.

Không chỉ là một người có học vấn cao siêu, anh minh, tài giỏi, Nguyễn Thiện Thuật còn là một nhà cách mạng hăng hái. Ông tham gia vào rất nhiều cuộc chiến chống giặc cứu nước dưới thời nhà Nguyễn.

Lãnh đạo khởi nghĩa Bãi sậy 

Vào năm 1882-1883, Pháp đánh Bắc Kì lần thứ 2, không chịu được cảnh mất nước, Nguyễn Thiện Thuật kháng lệnh bãi binh của triều đình quyết tâm đánh Pháp giành độc lập. Từ đầu năm 1883, Nguyễn Thiện Thuật bỏ việc sang Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh liên kết với Đinh Gia Quế chiêu mộ nghĩa quân và lập căn cứ ở Bãi Sậy để chống Pháp. 

Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục kháng lệnh bãi binh ở Bắc Kỳ của vua Tự Đức và di chuyển lên Hưng Hóa, Tuyên Quang tiếp tục kháng chiến cùng Nguyễn Quang Bích. Đây là năm 1883, sau khi nhà Nguyễn kí hiệp ước Harmand với Pháp. 

Một năm sau, năm 1884 Hưng Hóa thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật rút lên Lạng Sơn tiếp tục kết hợp với Lã Xuân Oai và Tuần phủ Lạng Bình tiếp tục chiến đấu. Năm 1885, Lạng Sơn thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật rút sang Long Châu, Trung Quốc lánh nạn. 

Cũng trong năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nguyễn Thiện Thuật trở về tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thay Đinh Gia Quế tiếp tục chống Pháp. Cũng nhờ sự hăng hái và tích cực tham gia phong trào Cần Vương nên ông được vua Hàm Nghi phong làm Bắc kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần. Ông có nhiệm vụ thu hút quan lại yêu nước và nhân dân tham gia chống Pháp. 

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo đã lan rộng ra nhiều địa bàn khác và liên kết được nhiều phong trào khác.

>> Xem bài viết chi tiết về khởi nghĩa Bãi Sậy.

Qua đời

Năm 1888, Pháp cho người lãnh quân đàn áp nghĩa quân kháng chiến. Nguyễn Thiện Thuật trao quyền chỉ huy lại cho em trai là Nguyễn Thiên Kế để sang Trung Quốc gặp Tôn Thất Thuyết tìm cách tăng viện binh kháng chiến. 

Tuy nhiên, kế hoạch không thành công. Khi sang Trung Quốc, ông ở tại nhà Lưu Vĩnh Phúc (thủ lĩnh quân Cờ Đen từng đánh Pháp tại Việt Nam) thường xuyên liên lạc với Tôn Thất Thuyết. Ông bị bệnh mất ngày 25 tháng 5 năm 1926. 

Hài cốt ông được an táng tại đồi thuộc hương quan Kiều, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trên bia mộ của ông khắc dòng chữ “Việt Nam Cách Mạng. Cố tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật - Chi mộ”. Đến năm 1990, cộng đồng kiều bào Việt Nam ở Trung Quốc đã di dời mộ Nguyễn Thiện Thuật về đồi Đại Lĩnh, phía Nam thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.

Công lao Nguyễn Thiện Thuật

Nguyễn Thiện Thuật đã có công quy tụ các thủ lĩnh khởi nghĩa đang hoạt động manh mún, lẻ tẻ như: Đốc Tít, Đội Văn, Hai Kế, Lưu Kỳ,... về chung dưới một ngọn cờ khởi nghĩa. Ông đã giúp nghĩa quân vận dụng chiến thuật đánh du kích, lấy ít đánh nhiều. Đặc biệt, Nguyễn Thiện Thuật còn được đánh giá thực hiện công tác "dân vận" rất tốt nhằm tuyên truyền, khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân. Nhờ vậy, trách nhiệm của cuộc khởi nghĩa thuộc về tất cả dân chúng.

Ngày 29 tháng 9 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật còn lập công lớn trong trận chiến công thành Hải Dương. Trong trận này, Tán Thuật đích thân chỉ huy nghĩa quân đụng độ quyết liệt với quân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của ông, nghĩa quân đã gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại và phải cầu viện binh. Tuy nhiên, nghĩa quân vẫn chưa thể chiếm được thành Hải Dương.

Sơ đồ thành Hải Dương năm 1885
Sơ đồ thành Hải Dương năm 1885


Ngoài ra, quân Pháp còn tấn công trực tiếp vào khu căn cứ Bãi Sậy nhưng chưa thể thu được kết quả như mong đợi. Bè lũ tay sai còn cho người tìm mồ mả bố mẹ của Nguyễn Thiện Thuật để quật mả trả thù. Tuy nhiên, nhân dân trong vùng đã ra sức bảo vệ.

Hành trình đưa hài cốt yên nghỉ 

Năm 1956, ông Đỗ Đình Truật sang Trung Quốc để phụ trách các lớp học tại Học xá Nam Kinh. Tại đây, ông lần đầu gặp gỡ và làm quen với học giả Trần Văn Giáp. Ông Giáp là một người chuyên nghiên cứu và tìm kiếm thi hài các chiến sĩ hi sinh trong các trận chiến đấu chống giặc giành độc lập cho dân tộc. Lúc này, ông Giáp sang Trung quốc với nhiệm vụ tìm kiếm tin tức về dấu vết của Hồ Quý Ly bởi có tài liệu cho rằng Hồ Quý Ly từng bị đày sang Trung Quốc làm lính và sau đó bị giết chết. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu ông phát hiện ra thông tin này là sai sự thật. 

Sau đó ít lâu, ông Giáp ngỏ ý mời ông Truật tới thăm viếng mộ cụ Nguyễn Thiện Thuật. Đây chính là một trong những bước đầu đặt nền móng cho hành trình di dời thi hài của ông về với quê hương đất mẹ. 

Sau này, Trung Quốc tính hình cách mạng văn hóa không ổn định nên nhiều du học sinh Việt Nam bao gồm cả ông Đỗ Đình Truật đều phải về nước. Sau này chiến tranh biên giới nổ ra, tình hình càng bất lợi, thời gian di dời càng kéo dài. Sau thời gian dài những năm 1990, khi tình hình bắt đầu thuận lợi hơn ông Truật cùng với Nguyễn Thiện Đức mới bắt đầu tìm kiếm và liên hệ với những con cháu hậu duệ của Nguyễn Thiện Thuật. 

Ông Nguyễn Thiện Đức cũng là họ hàng với Nguyễn Thiện Thuật nhưng chiếu theo gia phả lại là họ hàng xa. Những để nhận di hài của Nguyễn Thiện Thuật phải là con cháu hậu duệ trực hệ. Vậy nên hành trình đưa anh hùng Nguyễn Thiện Thuật trở về càng khó khăn khi hầu hết tất cả những người thân đều hi sinh trong trong khởi nghĩa Bãi Sậy. 

Hai người em trai của ông đều hi sinh vì đất nước khi tham gia kháng chiến. Hai người con trai của ông là Nguyễn Thiện Tuyển và Nguyễn Thiện Thường cũng hi sinh vì dân tộc. Tiếp đó là hai người cháu ruột của ông cũng đều bị triều đình nhà Nguyễn xử tử. Vậy nên, việc tìm ra được hậu duệ trực tôn của Nguyễn Thiện Thuật ngày càng khó khăn hơn. 

Sau khi tìm hiểu và phát hiện ra rằng, ông còn một người con trai tên là Nguyễn Văn Sâm may mắn sống sót bởi lúc khởi nghĩa Bãi Sậy diễn ra ông còn rất nhỏ. Ông Sâm có một người con trai tên là Nguyễn Văn Long cũng tham gia vào hoạt động cách mạng. Ông Nguyễn Văn Long cũng giữ nhiều chức vụ cao trong bộ máy nhà nước ta những năm 1954. Khi ông Truật tới tìm khi này ông Long đã gần 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Sau khi nghe được thông tin về mộ của Nguyễn Thiện Thuật - cũng là ông nội của mình, ông Long xúc động không thể tả nổi và quyết tâm đưa bằng được di hài về quê hương. 

Ông Long đã nhờ giám đốc sở ngoại vụ Tp Hồ Chí Minh lúc đó viết thư sang Trung Quốc bày tỏ nguyện vọng. Tuy nhiên, một tin không may đã được nhận lại từ sự hồi âm bên Trung Quốc rằng do khu vực lăng mộ đó đã bị giải tỏa để phát triển kinh tế. Sau nghi nghe tin tất cả đều bàng hoàng lo lắng. Không từ bỏ hi vọng, luôn trông mong và chờ đợi tin tốt từ bên Trung Quốc báo về. 

Quả không phụ lòng người, sau một khoảng thời gian dài nhận được tin đã tìm thấy nơi tập kết hài cốt của anh hùng Nguyễn Thiện Thuật. Có một ân nhân người Việt Nam vì cảm mến sự hi sinh vì nước quên mình của anh hùng Nguyễn Thiện Thuật  nên đã tự bỏ tiền lo liệu di dời phần mộ của cụ Nguyễn Thiện Thuật sang một khu vực khác gần đó cùng nghĩa trang của bộ đội, thương binh Việt Nam sang điều trị và mất tại Trung Quốc những năm 1975. 

Sau này nam 2005, tỉnh Hưng Yên phối hợp với đại phương và con cháu hậu duệ cụ Nguyễn Thiện Thuật sang Nam Ninh di dời phần mộ của cụ về quê hương. Hài cốt của ông sau này được đưa về an táng tại quê hương ông là Xuân dục, huyện Mỹ Hào. Kết thúc quá trình di dời di hài khó khăn và vất vả của anh hùng Nguyễn Thiện Thuật.

Tác phẩm

Trong thời gian Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo khởi nghĩa hướng ứng chiếu Cần Vương, ông có sáng tác bài thơ "Si cơ hành" bằng chữ Hán. Bài thơ diễn tả tâm trạng người vợ dù chồng đi vắng vẫn giữ vững trinh tiết ngụ ý thể hiện tấm lòng trung quân, ái quốc. Bản dịch bài thơ này có đoạn như sau:
Rằng: Chồng ta là đấng nam nhi
Chẳng may gặp buổi loạn li
Dẫu rằng tân khổ, có kỳ vinh hoa
Nhớ thuở trước mẹ cha dạy bảo
Đạo chính chuyên là đạo làm dâu
Ơn chàng non thẳm bể cao
Dẫu trong nguy hiểm dám đâu quên mình
Có họa phúc phân minh báo ứng
Cửa phù vân đã vững bền ư?
Liều mình vì chút ấm no
Ấm no chửa chắc, mặt mo thêm cùng
Nghĩa báo phục kìa nàng Trưng Trắc
Miếu Đồng Nhân thơm nức ngàn thu
Thiếp thân chưa chút đền bù
Ngẫm người xưa chẳng thẹn thò lắm ru?
Lại như vợ chàng Chu thuở nọ
Lòng khinh bần trọng phú gớm thay
Nước nghiêng bốc lại sao đầy?
Trăm năm tiếng xấu để lây má hồng
Thôi, chị em có lòng vì nể
Chuyện bướm ong gác để ngoài tai
Ngây ngô đành phận thế thôi
Mong tôi được thấy chồng tôi sớm về.
      (Bản dịch của Lê Lăng Vân)

Khi ở Trung Quốc, Nguyễn Thiện Thuật nghe tin con trai trưởng là Nguyễn Chi Tuyển bị giặc bắt và xử tử, con trai Nguyễn Chi Thường bị đày ra Côn Đảo rồi mất. Ông đau xót những vẫn nói:

Chết như thế xứng đáng là con của tôi.

Dù vậy, Tán Thuật vẫn sáng tác 2 câu đối khóc con như sau:

Đoạn đầu đài nọ, tiễn tướng trẻ về trời, xót thay muôn dặm tôi xa, khóc con cơn gió táp;

Uống máu hội này, cùng cụ Hoàng trong mộng, còn đó một người em ruột, giữ nước buổi gian nguy. 

(Bản dịch của Hoàng Tạo) 

Anh hùng Nguyễn Thiện Thuật đã hi sinh tất cả vì nhân dân, vì độc lập dân tộc. Thật may mắn khi cuối cùng ông cũng được trở về với đất mẹ sau những năm tháng lạnh lẽo bên đất người. Ông cùng những người đồng đội ngã xuống xứng đáng nhận lại được những tự hào và tôn trọng của thế hệ sau này.

>> Có thể bạn muốn biết thêm về Phan Đình Phùng.

Tài liệu tham khảo:

  • Sách "Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 5 - Danh nhân quân sự Việt Nam", tác giả Lê Minh Quốc, trang 230 - 244.

TrendingTrang chủ