Cách mạng Hà Lan - Cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới

Nguyễn Minh Khánh
tháng 6 21, 2023
Last Updated

Cách mạng tư sản Hà Lan thế kỷ 16 được coi là một bước ngoặt lịch sử đánh dấu cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới. Vậy, nguyên nhân bùng nổ, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của cuộc cách mạng này là gì?

Bối cảnh lịch sử

 Trước khi cách mạng Hà Lan nổ ra, nước Hà Lan (hoặc các tỉnh Hà Lan như thời đó) nằm dưới sự cai trị của Tây Ban Nha, cụ thể là vua Philip II. Vào thế kỷ 16, Hà Lan đã trở thành trung tâm thương mại của châu Âu, với một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ dựa trên thương mại và công nghiệp. Mặc dù vậy, các quyền tự do tôn giáo và chính trị của họ bị hạn chế nghiêm ngặt.

cach-mang-ha-lan
Cách mạng Hà Lan


Tại Hà Lan, sự gia tăng ảnh hưởng của phong trào cải cách tôn giáo (Calvinism). Phong trào này đã gây ra xung đột với vua Philip II. Bởi lẽ nhà vua là người theo Đạo Công giáo Rôma và đã thực hiện các chính sách chống dị giáo. Điều này đã dẫn đến mâu thuẫn tôn giáo nghiêm trọng.

Ngoài ra, sự gia tăng của tầng lớp tư sản đã tạo ra một giai cấp mới, có ảnh hưởng trong xã hội. Người Nê-đéc-Lan bất mãn về việc nằm dưới quyền kiểm soát của Tây Ban Nha và các chính sách thuế cao đang áp đặt lên họ.

Nguyên nhân bùng nổ

Cách mạng Hà Lan hay chiến tranh giành độc lập Hà Lan đã bùng nổ do nhiều yếu tố như sau:

  • Phong trào cải cách tôn giáo tại Hà Lan đã gây ra mâu thuẫn với vua Philip II vốn là người theo Đạo Công giáo Rôma. Điều này đã tạo nên tình trạng căng thẳng giữa quần chúng theo Thần học Calvin, Luther (2 nhánh của đạo Tin Lành) và nhà vua.
  • Sự phát triển của thương mại và công nghiệp ở Hà Lan đã tạo ra một lớp tư sản mạnh mẽ. Họ mong muốn có thêm quyền lực chính trị và tự do kinh tế. Họ không còn muốn chịu sự kiểm soát của Tây Ban Nha và các thuế cao mà Tây Ban Nha áp đặt.
  • Tây Ban Nha đã áp đặt nhiều loại thuế cao ở Hà Lan, gây ra sự bất mãn rộng rãi trong dân chúng. Điều này đã tạo động lực cho cuộc nổi dậy.

Lãnh đạo cách mạng tư sản Hà Lan

Một trong những nhân vật quan trọng nhất trong Cách mạng Hà Lan là Wilhelm I hay William the Silent (Wilhelm Trầm lặng), người lãnh đạo tối cao của cuộc cách mạng. Ông đã chống lại vua Tây Ban Nha Philip II, nỗ lực để đảm bảo quyền tự do tôn giáo, quyền tự trị độc lập cho người dân Hà Lan.

Tuy nhiên, năm 1584, Wilhelm I bị ám sát rồi qua đời. Con trai của ông là Maurice of Nassau tiếp quản vai trò lãnh đạo. Maurice vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại đế quốc Tây Ban Nha và có những chính sách giúp tăng cường sức mạnh quân đội Hà Lan.

Diễn biến

Giai đoạn khởi đầu (1568 - 1579)

Giai đoạn đầu của cuộc cách mạng Hà Lan là thời điểm mà sự bất mãn trong dân chúng Hà Lan đối với sự áp bức của Tây Ban Nha dần hóa thành những cuộc nổi dậy mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa này đều không thành công phần lớn do sự chia rẽ trong hàng ngũ người Hà Lan và lực lượng quân sự cực mạnh của Tây Ban Nha.

Liên minh Utrecht (1579-1588)

William the Silent đã thống nhất những nhóm người Hà Lan đang chia rẽ dưới ngọn cờ giành độc lập. Thông qua hiệp ước Utrecht năm 1579, các tỉnh phía Bắc của Hà Lan liên kết với nhau tạo thành công hòa liên bang. Ngoài ra, nữ hoàng Elizabeth I của Anh công nhận sự độc lập của Hà Lan và hỗ trợ chống lại Tây Ban Nha.

Kỷ nguyên vàng và những trận hải chiến

Giai đoạn từ năm 1588 đến 1648 được gọi là kỷ nguyên vàng của người Hà Lan. Họ đã xây dựng lực lượng hải quân, chiến đấu với hải quân Tây Ban Nha, thám hiểm, mở rộng thương mại khắp nơi trên thế giới.

Đến năm 1588, hạm đội vô địch Tây Ban Nha thua to trước hạm đội của Anh. Từ đó, hạm đội Tây Ban Nha đã không bao giờ khôi phục lại sức mạnh trên biến như trước. Vì lẽ đó, Hà Lan đã được lợi khi hạm đội này sụp đổ.

Công nhận độc lập

Đến năm 1609, hiệp ước đình chiến giữa Tây Ban Nha và Hà Lan được ký kết. Tuy nhiên, mãi đến năm 1649, Hà Lan mới được công nhận độc lập trong hòa ước Westphalia, chấm dứt cuộc chiến giữa Hà Lan và Tây Ban Nha.

Hà Lan cuối cùng cũng được công nhận là một quốc gia độc lập. Ngoài ra, hiệp ước Westphalia đánh dấu sự ra đời của hệ thống chính trị Westphalian. Trong đó, các quốc gia có quyền quyết định chính sách ngoại giao và quân sự mà không bị can thiệp từ bên ngoài.

Kết quả và ý nghĩa

Hà Lan, sau cuộc cách mạng, đã trở thành một quốc gia độc lập, với một hệ thống chính phủ dân chủ độc lập, phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại, hải quân, khoa học và nghệ thuật. Cách mạng Hà Lan thành công còn đánh dấu cuộc cách mạng tư sản đầu tiên được thực hiện dưới hình thức một cuộc đấu tranh giành độc lập.

Cách mạng Hà Lan đánh dấu sự bắt đầu của sự suy yếu của Tây Ban Nha như một cường quốc thế giới. Trong khi đó, Hà Lan bước lên vũ đài chính trị trong thế kỷ 17, thời kỳ được gọi là "Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp”. Cách mạng cũng là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của lòng yêu tự do tôn giáo và độc lập.

Vì sao cách mạng hà lan được xem là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới?

Cách mạng Hà Lan thường được xem là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới vì nó đã dẫn đến sự bùng nổ của tầng lớp tư sản ở Hà Lan.

Trước cuộc cách mạng, xã hội Hà Lan chủ yếu được cai trị bởi các lãnh chúa và giáo hội. Tuy nhiên, cuộc cách mạng đã thay đổi cấu trúc xã hội này và đưa tầng lớp tư sản lên lãnh đạo. Các thương nhân, chủ nhà máy, ngân hàng đã trở thành những người có quyền lực và ảnh hưởng trong xã hội.

Cách mạng đã thúc đẩy sự phát triển của tư bản thông qua việc khuyến khích thương mại tự do, công nghiệp hóa và tài chính. Hà Lan trở thành một trung tâm thương mại quan trọng, Ví dụ: công ty Đông Ấn Hà Lan trở thành một trong những công ty tư bản đầu tiên trên thế giới. 

Ngoài ra, các tỉnh ở Hà Lan đã giành được quyền tự quản và thiết lập một hệ thống chính phủ dân chủ.

>> Bạn có muốn biết thêm về cuộc cách mạng tư sản tiếp theo diễn ra ở châu Âu. Xem thêm bài viết cách mạng tư sản Anh.

Chúng tôi vừa gửi đến bạn những thông tin về cuộc cách mạng Hà Lan với những biến cố, thời gian kéo dài hàng chục năm. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về giai đoạn lịch sử này và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

  • "The Revolt of the Netherlands (1555-1609)", tác giả Friedrich Schiller.
  • "The Dutch Wars of Independence: Warfare and Commerce in the Netherlands 1570-1680", tác giả Marjolein 't Hart.

TrendingTrang chủ