Sự tích cây nêu ngày Tết - Tóm tắt, nội dung và ý nghĩa sâu sắc

Nguyễn Minh Khánh
tháng 1 17, 2024
Last Updated

Sự tích cây nêu ngày Tết là câu chuyện hấp dẫn kể về cuộc đấu tranh giữa con người và quỷ. Đồng thời sự tích này cũng giải thích tục dựng cây nêu ngày Tết. Tóm tắt, nội dung và ý nghĩa sự tích cây nêu sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc sau đây.

Tóm tắt sự tích cây nêu

Sự tích cây nêu ngày tết
Sự tích cây nêu ngày Tết


Sự tích cây nêu ngày Tết là câu chuyện kể về cuộc đấu tranh giữa con người và quỷ. Trong đó, con người được sự giúp đỡ của Đức Phật.

Ban đầu, quỷ chiếm giữ toàn bộ đất đai của đất nước. Con người phải trồng trọt trên đất của quỷ và phải đóng thuế nặng nề theo quy định. Quỷ luôn đặt ra những quy định mới để làm cho đời sống con người ngày càng khó khăn.

Đức Phật xuất hiện để giúp con người chống lại sự áp bức đó. Ngài khuyên con người thay đổi cách trồng trọt để tránh sự bóc lột từ quỷ. Mỗi lần quỷ đổi quy định, Phật lại hướng dẫn con người thay đổi theo và đều thu hoạch được nhiều hơn hẳn quỷ.

Cuối cùng, quỷ không cho phép con người canh tác nữa. Nhưng Phật đề nghị mua đất bằng phần bóng của chiếc áo cà sa. Sau đó, Phật hoá phép khiến cây tre mọc cao làm cho bóng áo lan rộng khắp nơi. Từ đó, quỷ mất hết đất vào tay con người. Căm hận người chiếm hết đất, quỷ đem quân 3 lần tấn công. Nhờ sự giúp đỡ của Phật, quỷ đều thất bại

Để chống lại Phật, quỷ dùng những vật mà chúng biết Phật "sợ" để tấn công. Nhưng ngược lại, Phật cũng biết những gì quỷ e ngại và chỉ cho con người sử dụng những vật đó để đẩy lùi quân địch. Cuối cùng, Phật đày toàn bộ quỷ ra biển Đông nhưng vẫn cho phép chúng về thăm quê hương vào mỗi dịp Tết. Từ đó con ngườn mới có cuộc sống tự do.

Nội dung sự tích cây nêu ngày Tết

Ngày xửa ngày xưa, không rõ nguyên do gì mà Quỷ đã thôn tính toàn bộ đất đai của đất nước. Dân chúng phải sống nhờ vào việc canh tác trên mảnh đất của Quỷ. Thế nhưng, quỷ càng ngày càng bóc lột nặng nề. Thuế má của Quỷ ngày càng cao và mỗi năm lại thêm một chút. Chưa dừng lại ở đó, Quỷ còn đặt ra một quy tắc mới mang tên "ăn ngọn để lại gốc" tức là quỷ lấy phần ngọn, người chỉ được phần gốc. Rồi chúng buộc người dân phải nộp thu hoạch theo cách này.

Dân chúng không chấp nhận và Quỷ dùng vũ lực ép buộc. Kết quả là sau mỗi vụ thu hoạch, con người chỉ còn lại rơm rạ, cảnh đói nghèo khổ sở lan rộng khắp nơi. Còn bọn quỷ thì vui mừng cười to.

Thế rồi, Đức Phật từ Tây phương xuất hiện và quyết tâm giúp con người chống lại sự áp bức của Quỷ. Phật khuyên con người không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng khoai lang. Dân chúng nghe theo lời Phật. Lũ Quỷ không lường trước được sự thay đổi này, vẫn đòi thu thuế theo quy tắc cũ. Khi đến mùa thu hoạch, Quỷ tức giận khi thấy dân làng thu được nhiều khoai lang, còn chúng chỉ nhận được lá và dây không ăn được.

Mùa sau, Quỷ đổi quy tắc thành "ăn gốc để lại ngọn". Phật lại hướng dẫn dân chúng trồng lúa. Khi đến mùa thu hoạch, dân làng lại thu hoạch được lúa vàng óng, còn Quỷ chỉ có rơm rạ. Quỷ tức giận và thay đổi quy tắc lần nữa: "ăn cả gốc lẫn ngọn". Đức Phật nhẫn nại bàn bạc với dân làng và đưa ra giống cây ngô để họ trồng.

Mùa vụ này, dân làng lại bội thu. Trong khi đó, Quỷ chỉ biết tức giận. Cuối cùng, chúng quyết định không cho người canh tác nữa. Phật khéo léo đề nghị với Quỷ mua một mảnh đất chỉ bằng bóng của một chiếc áo cà sa. Nghĩa là Phật sẽ treo một chiếc áo cà sa trên cây tre, bóng chiếc áo cà sa bao nhiêu thì mua đất của quỷ bấy nhiêu. Lũ quỷ nhận thấy bóng của chiếc áo cà sa chẳng to bao nhiêu nên đồng ý.

Chúng không ngờ rằng quyết định này sẽ khiến chúng sớm mất đi tất cả đất đai. Phật hoá phép làm cho cây tre cao vút, bóng của áo cà sa che phủ toàn bộ đất đai. Từ đó, Quỷ không còn nơi nương tựa, phải chạy ra biển Đông. Và đó là lý do vì sao biển Đông còn có tên gọi Quỷ Đông. Còn cây tre treo vào dịp Tết được gọi là cây nêu.

Toàn bộ vùng đất màu mỡ đã rơi vào tay con người. Vì vậy, ma quỷ vô cùng tức giận, quyết tập hợp lực lượng để chiếm lại. Cuộc chiến tranh giành đất đai giữa người và quỷ trở vô cùng khốc liệt. Bởi lẽ đoàn quân của quỷ gồm những sinh vật hung tợn như voi, ngựa, chó rừng, rắn, cọp… Tuy nhiên, nhờ có sự trợ giúp của Phật đã giúp con người giành được chiến thằng.

Con người chiến đấu với quỷ
Con người chiến đấu với quỷ


Sau vài lần thất thế, ma quỷ đã sai quân điều tra xem Phật e ngại điều gì. Chúng phát hiện ra Phật "sợ" hoa quả, chuối, cơm nắm, trứng luộc. Ngược lại, Phật cũng tìm hiểu và biết rằng quỷ e sợ trước một số đồ vật như máu chó, lá dứa, tỏi và vôi sống.

Trong cuộc đối đầu tiếp theo, đội quân quỷ đem đến một lượng lớn hoa quả để tấn công Phật. Thế nhưng Phật đã khuyên dân chúng nhặt hoa quả về ăn. Thế rồi, con người lại sử dụng máu chó rải khắp nơi. Khi thấy máu chó, đội quân quỷ vô cùng hoảng sợ và bỏ chạy.

Vào cuộc tấn công thứ hai, đội quân quỷ lại sử dụng chuối để ném xuống Phật. Lần này, Phật bảo mọi người nhặt chuối về ăn và dùng tỏi đã giã nát để phun vào quân địch. Mùi tỏi khiến cho đội quân quỷ không thể chịu nổi, buộc phải tháo chạy.

Trong trận chiến thứ ba, quân quỷ tiếp tục đem cơm nắm và trứng luộc ném xuống. Nhân dân được ăn thỏa thích. Theo lời Phật dạy, họ đã rắc vôi sống khắp nơi, dùng lá dứa quật mạnh vào đối thủ, khiến cho quỷ không thể chạy trốn. Cuối cùng, lũ quỷ bị Phật đày ra biển Đông. Quỷ đủ mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ, đều phải rời đi trong tình trạng vô cùng đáng thương. Chúng quỳ gối van xin Phật cho phép chúng được trở về đất liền vài ngày mỗi năm để thăm mộ tổ tiên. Phật chứng kiến sự ăn năn của lũ quỷ nên đã đồng ý.

Do vậy, mỗi dịp Tết Nguyên Đán, người dân lại trồng cây nêu và treo các vật phẩm như khánh đất, lá dứa, hay cành đa để ngăn chặn ma quỷ tiến gần. Tiếng khánh đất kêu vang mỗi khi gió thổi như nhắc nhở lũ quỷ phải tránh xa. Người dân cũng vẽ hình cung tên hướng về phía đông và rải vôi sống xung quanh nhà trong những ngày Tết để ngăn cản lũ quỷ làm phiền.

Trong quá khứ, người ta còn tin rằng để xua đuổi quỷ, nhất là trong những lúc dịch bệnh lan tràn, họ sẽ treo lá dứa trước cửa hoặc rải máu chó để quỷ không dám quấy rối. Phụ nữ thường gắn tỏi vào yếm như một biện pháp phòng vệ tương tự.

Ý nghĩa sự tích cây nêu

Câu chuyện trên mang ý nghĩa rất sâu sắc về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa con người và quỷ dữ. Mặc dù ban đầu quỷ chiếm giữ tất cả đất đai và bóc lột dân làng, nhưng dưới sự hướng dẫn của Đức Phật, con người đã đoàn kết và tìm ra cách thức để đối phó thông minh hơn.

Câu chuyện nhấn mạnh tính chiến thuật trong cuộc chiến và việc sử dụng những yếu điểm của đối phương để giành thắng lợi. Đồng thời cũng thể hiện tinh thần bao dung, khoan dung khi Phật cho phép quỷ trở về mỗi dịp Tết để tưởng nhớ tổ tiên.

Ngoài ra, câu chuyện còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trồng cây nêu vào dịp Tết để xua đuổi ma quỷ của người Việt Nam.

>> Có thể bạn muốn xem thêm câu chuyện liên quan đến ngày Tết là sự tích hoa mai vàng.

Như vậy, Họ Là Ai vừa gửi đến bạn đọc sự tích cây nêu ngày Tết và truyền thống xưa của người Việt. Hy vọng bạn sẽ ủng hộ chúng tôi bằng cách theo dõi các bài viết tiếp theo.

TrendingTrang chủ